Góc Hoài niệm
Nghĩ thêm về Đông Kinh Nghĩa Thục
14:53 | 13/07/2017

Nhân 110 năm ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC (1907 - 2017)   

TRẦN VIẾT NGẠC

Nghĩ thêm về Đông Kinh Nghĩa Thục
Các sĩ phu phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục - Ảnh: internet

1.

Duy Tân là nhu cầu bức thiết đối với phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX. Độc lập và quân chủ là hai ngọn cờ giương cao suốt chiều dài lịch sử dân tộc từ Hai Bà Trưng cho đến Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Nhưng, đến nửa sau thế kỷ XIX, ngọn cờ quân chủ đã trở nên bạc nhược, rách nát và cuối cùng bị thực dân Pháp chiếm mất. Có ba nguyên nhân chính:

1.1. Nhà Nguyễn, dưới triều vua Tự Đức, đã bất lực trong việc chống xâm lăng. Ngay từ năm 1878, trong dụ Tự Biếm, vua Tự Đức đã bày tỏ cùng triều thần và quốc dân nỗi vô vọng đó: “Cơ nghiệp sáng lập giữ gìn hơn hai trăm năm, nhất đán bỏ mất, thực là tội của tiểu tử này, không thể nói xiết... Dù cho có làm được công đức cũng không thể chuộc được tội lỗi.

Huống hồ trẫm lại không công không đức, chỉ trơ mặt ngồi suông, lần lữa đến ngày già yếu... Trông lên cúi xuống, sống đã không mặt mũi nào, chết cũng không thể nhắm mắt!”.

1.2 Công cuộc Cần Vương, nỗ lực chống xâm lược cuối cùng của triều đình vua Hàm Nghi với sự hưởng ứng của sĩ phu cùng nhân dân Trung, Bắc... đã kết thúc trong thất bại.

1.3. Ngay sau khi vua Hàm Nghi rời bỏ kinh thành Huế để bắt đầu công cuộc kháng chiến Cần Vương (5/7/1885), Pháp đã đặt Thọ Xuân Vương làm giám quốc và đến tháng 9/1885 đã dựng lên vua bù nhìn Đồng Khánh. Cái sự kiện “lạ đời” “ở giữa Đồng Khánh hai đầu Hàm Nghi”(1) rồi cũng chấm dứt vào năm 1888 khi ông vua “chánh” bị bắt và bị đày sang Algérie, chỉ còn ông vua “xằng” trị vì trên ngai vàng ở Huế. Ngọn cờ quân chủ đã do thực dân Pháp nắm giữ. Như thế, làm sao còn có thể tiếp tục chiến đấu giành độc lập dưới ngọn cờ quân chủ?

“Đại sự khứ hỷ! Thời sự vô khả vi!” là tiếng thở dài bất lực của những ai ưu tư về vận nước vào những năm cuối thế kỷ XIX. Có cố gắng hành động chăng nữa thì cũng bế tắc như cuộc khởi nghĩa vô vọng của Võ Trứ và Trần Cao Vân ở Phú Yên năm 1898 mà giặc Pháp mỉa mai gọi là “giặc Rựa” hay “giặc thầy tu”. Trong hoàn cảnh hoàn toàn bế tắc đó, may thay, ngọn gió Tân Thư, Tân Văn mang tư tưởng dân chủ, dân quyền đã thổi vào nước ta. Các sĩ phu yêu nước đón nhận tư tưởng tư sản dân chủ phương Tây như một nguồn sinh lực đầy triển vọng cho việc giải phóng dân tộc. Họ đọc Dân ước của Lư Thoa, Vạn pháp tinh lý của Mạnh Đức “ngày quên ăn đêm quên ngủ”. Ngọn cờ quân chủ không còn có hiệu lực và đang trong tay thực dân, được ngọn cờ dân chủ kịp thời thay thế. Dân tộc và dân chủ là hai ngọn cờ của phong trào Giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX. Từ bỏ tư tưởng quân chủ Nho giáo đã ngàn năm ngự trị, tiếp nhận tư tưởng dân chủ, dân quyền chiến đấu giành cho độc lập dân tộc dưới ngọn cờ dân chủ chính là Duy Tân. Duy Tân như thế không phải là đổi mới trong ý nghĩa thông thường. Đổi mới ở đây là đổi mới nền tảng tư tưởng từ quân chủ sang dân chủ. Duy Tân vì thế là con đường cứu nước mới đầy triển vọng. Chính vì thế mà chính đảng có quy mô toàn quốc do Phan Bội Châu và các đồng chí lập ra năm 1904 lấy tên là Duy Tân hội. Chính vì thế mà phong trào đấu tranh công khai nhằm Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh mà lãnh đạo tiêu biểu là Phan Châu Trinh, lấy tên là Phong trào Duy Tân. Tư tưởng Duy Tân còn chi phối cả triều đình Huế. Khi vua Thành Thái bị phế truất (1907), hoàng tử Vĩnh San được tôn lên ngôi với niên hiệu Duy Tân!(2)

Đông Kinh nghĩa thục được lập ra là để đấu tranh công khai nhằm mục đích cuối cùng là độc lập dân tộc dưới ngọn cờ dân chủ, chứ không phải là một phong trào cải cách văn hóa như nhan đề một cuốn sách viết về Đông Kinh Nghĩa Thục.(3)

2.

Đông Kinh nghĩa thục có mối liên hệ hữu cơ chặt chẽ với Duy Tân hội.

Trước hết cần nói rõ Đông Kinh là tên thành Thăng Long đời Hậu Lê. Danh xưng Đông Kinh xuất hiện đầu tiên trong Đại Việt sử ký toàn thư là vào năm Mậu Thân, Thuận Thiên năm thứ nhất (1428): Mùa hạ, tháng tư, vua từ điện tranh ở Bồ Đề vào đóng ở thành Đông Kinh(4). Thành Thăng Long dưới triều nhà Hồ có tên là Đông Đô (phân biệt với Tây Đô ở Thanh Hóa). Ta có thể gặp danh xưng này nhiều lần trong phần Toàn thư chép về Thiếu Đế, phụ: Hồ Quý Ly và Hán Thương(5). Nhà Minh xâm lược nước ta, sau khi đã dẹp được cuộc khởi nghĩa của nhà Hậu Trần đã đổi Đông Đô thành Đông Quan(6). Danh xưng Đông Kinh không có từ đời nhà Hồ như nhiều nhà nghiên cứu khẳng định(7). Đông Kinh là Hà Nội, Thăng Long được giải phóng đối lập với Đông Quan là Hà Nội, Thăng Long, Đông Đô bị chiếm đóng. Đó là ý nghĩa tích cực của danh xưng Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT)!

Trong Tự Phán, Phan Bội Châu nói rõ về mối quan hệ của ĐKNT với Duy Tân hội: “Đoạn, tôi với mật hữu là cụ Đặng Thanh Hà [cụ Đặng Văn Bá] đều từ biệt cụ Hoàng xuống Bắc Ninh, vào nhà đồng chí là cụ Cử Nội Duệ, hội cả thảy những người đồng chí Trung, Bắc như Ngư Hải, Dật Trúc, Ấm Sáu Quảng Nam, Bảy Quang Hà Nội v.v, trù hoạch với nhau những phương châm tấn hành, định chia công việc làm hai phái.

1/ Thuộc về phái hòa bình, chuyên chú những việc học đường diễn thuyết, tuyên truyền và mộ tập khoản hạng.

2/ Thuộc về phái kịch liệt, chuyên việc vận động quân đội, trù bị võ trang, sẽ thực hành một cách cử động lưu huyết...

... khoảng vài năm Vị, Thân, Dậu (1907 - 1909) về sau nhà Nghĩa thục Đông Kinh phát khỉ ở giữa Hà Nội, thương hội, học hội rầm rực ở Quảng Nghĩa Quảng Nam...(8) Một điểm cần nhấn mạnh ở đây là mối quan hệ giữa thục trưởng Đông Kinh nghĩa thục và Duy Tân hội cùng Phan Bội Châu.
 

Lương Văn Can (1854 - 1927) có 3 người con trai là Lương Trúc Đàm, Lương Ngọc Quyến và Lương Nghị Khanh thì hết hai người tham gia phong trào Đông Du rất sớm. Có thể nói ngoài 3 người được Phan Bội Châu lần về nước đầu tiên dẫn ra (trong đó có Nguyễn Thức Canh) thì 2 trong số 6 thanh niên tự tìm đường xuất dương sang Nhật trong năm 1906 là Lương Ngọc Quyến và Lương Nghị Khanh. Lương Ngọc Quyến cũng chính là du học sinh đầu tiên của Việt Nam đặt chân đến Đông Kinh(9)

Một chỉ dẫn khác từ tài liệu lưu trữ Pháp cho biết trường học của Lương Văn Can là một cái nôi nuôi dưỡng tư tưởng dân chủ rất sớm. Khi đề cập đến tài liệu mà Hội chủ Duy Tân hội Cường Để gửi cho Tôn Nhơn phủ ở Huế mà Cường Để đã ký tên là Dân tặc hậu Cường Để, (tài liệu “Note sur l’agitation anti- franÇaise...”), người Pháp cho biết từ dân tặc (giặc của dân) phát xuất từ ngôi trường của cụ Cử Can, vào dịp thi Hội năm 1904. Trong dịp này học trò của Lương Văn Can cùng với một số sĩ phu Trung Kỳ - trong đó có Phan Châu Trinh - đã đả kích chế độ quân chủ, gọi vua là dân tặc (kẻ thù của dân). Họ cũng đả kích triều đình Huế và vẽ ra một hình ảnh chưa rõ nét về một Cộng Hòa Việt Nam.(10)

Cần nhấn mạnh rằng nhiều văn thơ của Phan Bội Châu đã được dùng làm tài liệu giảng dạy ở Đông Kinh nghĩa thục như Nam Hải bô thần ca, Gọi hồn quốc dân, Kính quốc nhân, và đặc biệt là Hải ngoại huyết thư đã được Từ Long Lê Đại (1875 - 1952) dịch ra văn vần quốc ngữ. Lê Đại có chân trong ban Tu thư của Đông Kinh nghĩa thục.

3.

Mối quan hệ giữa Đông Kinh Nghĩa Thục với các tổ chức khác trong phong trào Duy Tân.

3.1. Có một sự ngộ nhận về mối quan hệ giữa Đông Kinh nghĩa thục với các tổ chức khác trong phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ:

Tiến sĩ Chương Thâu, trong cuốn Đông Kinh Nghĩa Thục và Phong trào cải cách văn hóa đầu thế kỷ XX, khẳng định: Phong trào “Nghĩa thục” lan rộng vào cả các tỉnh ở Trung Kỳ và Nam Kỳ. Phong trào Duy Tân ở miền Trung và ở miền Nam do tiếp thu thêm ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục mà mở rộng thêm kinh doanh công thương nghiệp như phát triển Công ty Phượng Lâu ở Thanh Hóa, lập ra Triệu Dương Thương Quán ở Vinh,... lập ra Quảng Nam công ty, Liên Thành Công ty.(11) Trường Dục Thanh ở Phan Thiết cũng là một trung tâm giáo dục theo mô thức Đông Kinh Nghĩa Thục(12).

Đề cao Đông Kinh Nghĩa Thục là điều chính đáng song không vì thế mà cho rằng những tổ chức ra đời trước ĐKNT là do ảnh hưởng của ĐKNT.

Liên Thành Công ty ra đời năm 1906. Chuyến nam du năm 1905 của ba vị “kiều tướng” Duy Tân: Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng là cơ duyên để Liên Thành Công ty thành lập năm 1906. Theo tài liệu của Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận: “Tháng 5/1905, cụ Phan Châu Trinh bị bệnh ở lại Phan Thiết, đã gặp các con của cụ Nguyễn Thông là Nguyễn Trọng Lôi, Nguyễn Quý Anh để bàn việc thực hiện “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Theo hướng đó, tháng 5/1906 Liên Thành Thư xã ra đời. Ngày 6/6/1906 Liên Thành Thương quán Khánh thành”.(13) Theo Nguyễn Văn Quỳ, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận:

- Liên Thành Thương quán được thành lập vào tháng 3/1906 và Dục Thanh học hiệu thành lập năm 1907 do Liên Thành Thương quán bảo trợ.(14)

Còn Triêu Dương Thương quán của Ngô Đức Kế lập ở Vinh trước hay sau ĐKNT?

Trong lần trở về nước lần thứ hai (1906), Phan Bội Châu có viết: “Thượng tuần tháng giêng năm Đinh Vị (1907) tôi về tận Hà Nội, chỉ ở lại một ngày một đêm, vừa đụng cụ Tập Xuyên (Ngô Đức Kế) từ tỉnh Nghệ lại hội với tôi. Lúc đó Triêu Dương thương điếm đã thành lập, nhưng nghe nói người trong điếm ham bàn cách mạng lắm, tôi rất lấy làm lo, vì ngôn luận thực hành, không thể nào đồng một chốn, một thời giờ mà thu hoạch được hiệu quả cả hai bên. Tôi có nói với cụ Tập Xuyên, nhưng cũng muộn rồi”.(15) Như vậy Triêu Dương Thương quán đã thành lập trong năm 1906. Thật ra Triêu Dương Thương quán đã hoài thai từ lần về nước thứ nhất của Phan Bội Châu.

“... tôi quay ra Nghệ, ước với cụ Thái Sơn (Đặng Nguyên Cẩn), mật hội với nhau trong một chiếc thuyền con trên Sông Lam.

... Cụ nhân nói với tôi rằng: “Chúng ta nên ở trong nước, nhân phong triều này, tổ chức ra các hội nông, thương, học, khiến cho người ta biết có đoàn thể, đặng sau dễ cổ động tấn hành. Việc này để tôi với anh em Tập Xuyên, mấy ông xem tính với nhau” Tôi (PBC) cực lực tán thành. Đến ngày sau, Triêu Dương thương quán và nông hội, học hội ở mọi nơi lần lượt sáng lập, thảy là nơi tôn chỉ đó(16).

Trích thơ ca Đông Kinh Nghĩa Thục - Ảnh: internet


3.2. Mối liên hệ giữa Đông Kinh Nghĩa thục và cuộc Minh Tân ở Nam Kỳ.

Nam Kỳ đã tách rời khỏi tổ quốc từ thập niên 60 của thế kỷ XIX: Hòa ước 1862 nhường 3 tỉnh miền Đông cho Pháp và 5 năm sau, Pháp cưỡng chiếm 3 tỉnh miền Tây (1867).

Chính vì sự kiện đó:

- Học hành và thi cử Hán học đã chấm dứt ở Nam Kỳ (Trong khi Khoa cử Hán học còn duy trì ở Bắc cho đến năm 1915 và ở Trung, năm 1919!).

- Nhân dân Nam Kỳ không chứng kiến sự suy vong của triều Nguyễn. Việc Hà Nội thất thủ lần thứ nhất (1873), lần thứ hai (1882) rồi Thuận An (1883) và cuối cùng Thất Thủ Kinh đô (7/1885) đã không thể lay động được tình hình và nhân dân Nam Kỳ. Các cuộc kháng chiến ở Nam Kỳ đã bị dập tắt hoàn toàn sau năm 1875.

- Phong trào Cần Vương chỉ sôi sục ở Bắc và Trung Kỳ.

Lịch sử Nam Kỳ đã phát triển theo một chiều hướng riêng rẽ so với Trung và Bắc, trong gần hơn ba thập niên cuối cùng của thế kỷ 19.

Nếu hiểu Duy Tân là phủ định tư tưởng và chế độ quân chủ thì mục tiêu này không còn phù hợp ở Nam Kỳ. Việc hô hào bỏ khoa cử hán học, tôn vinh chữ quốc ngữ... chỉ có giá trị ở Trung và Bắc. Cắt tóc ngắn, mặc âu phục lại càng không có ý nghĩa gì trên phần đất Nam Kỳ đã phần nào sớm được âu hóa. Chính vì thế công cuộc Minh Tân ở Nam Kỳ có những sắc thái khác với cuộc Duy Tân ở Trung và Bắc. Ngay trong phong trào Đông Du, tinh thần học sinh Nam Kỳ, (chiếm hơn một nửa), cũng khác với tinh thần học sinh Trung và Bắc. Ở họ, cũng như phụ huynh của họ, tinh thần tôn quân khá mạnh mẽ. Tiểu La Nguyễn Thành quả là sáng suốt khi đề nghị chọn một người trong hoàng tộc nhà Nguyễn để làm hội chủ hòng có thể quyên góp những người có hằng tâm hằng sản ở Nam Kỳ! Chẳng phải vùng đất Nam Kỳ là công nghiệp mở mang của các chúa Nguyễn đó sao?

Công cuộc Minh Tân ở Nam Kỳ, cũng chính do Duy Tân hội phát động, nhưng có những nội dung khác hẳn ở Trung và Bắc. Minh Tân khách sạn, Minh Tân Công nghệ, “Chú bán cơm” Nguyễn An Khương là những sự kiện không thể có ở Trung và Bắc. Ngược lại ở Nam Kỳ không cần đến các trường dân lập như ở Trung và Bắc, kể cả Đông Kinh Nghĩa Thục.

Cần lưu ý rằng Phong trào Đông Du và cuộc Minh Tân ở Nam Kỳ phát triển chậm hơn Trung và Bắc. Phải đợi đến giữa năm 1907, nhờ sự khổ công vận động ở Hương Cảng của Phan Bội Châu mà phong trào Đông Du ở Nam Kỳ mới phát khởi. Manh mối là từ Trần Văn Tuyết lúc bấy giờ đang du học ở Hương Cảng. Tuyết là con của Trần Chánh Chiếu. Sau khi Trần Chánh Chiếu đến Hương Cảng gặp Phan Bội Châu, rồi sau đó Nguyễn Thần Hiến, “ông Chánh tổng ở Cần Thơ, ông Hương chức ở Long Hồ” tiếp tục đến gặp Phan Bội Châu thì Phong trào Đông Du ở Nam Kỳ mới nhanh chóng phát triển tốt đẹp.

Tháng 8 năm Đinh Vị (1907) là đỉnh cao của phong trào Đông Du.

“Người nước ta Đông Du lần này là nhiều nhất và đủ cả người tam kỳ trong một chiếc tàu, thiệt là một việc lạ trên tiền sử chưa bao giờ có”(17).

Có thể nói các cơ sở Minh Tân đều thành lập sau khi Đông Kinh Nghĩa thục đã đóng cửa (12/1907).

- Minh Tân Khách sạn được thành lập vào tháng 1/1908. Báo Lục tỉnh Tân văn số ra ngày 30/01/1908 cho biết giá phòng hạng nhất là 1,1 đồng/ngày, nửa ngày là 0,5 đồng. Hạng nhì 0,8 đồng/ngày, nửa ngày là 0,4 đồng.

Cũng qua Lục tỉnh tân văn, chúng ta được biết Minh Tân Khách sạn có kinh doanh trà ngon, nước mắm Phú Quốc, chiếu, sáp, xà phòng và tạp hóa. Đặc biệt vào buổi chiều tối có nhạc tài tử.

- Minh Tân Công nghệ được thiết lập vào tháng 3/1908 Minh Tân Công nghệ nhóm đại hội cổ đông vào ngày 31/5/1908. Trần Chánh Chiếu được Đại hội bầu làm Tổng lý. (Lục tỉnh tân văn, 17/06/1908).

- Minh Tân Khách sạn và Minh Tân Công nghệ đều được thiết lập ở Mỹ Tho. Ngoài ra còn có Minh Tân Mễ Túc tổng cuộc.

Ở Sài Gòn có Nam Trung Khách sạn, Chiêu Nam lầu đều được thành lập năm 1908. Quả là khó có thể kết luận rằng “Họ [Nguyễn An Khương, Trần Chánh Chiếu] hưởng ứng phong trào Đông Kinh Nghĩa thục của Bắc Kỳ bằng một số bài báo đăng trên Lục tỉnh tân văn, Nông cổ mín đàm v.v. Các Khách sạn, các Công ty như Chiêu Nam Lầu, Minh Tân công nghệ xã của họ mở tại Chợ Lớn và Sài Gòn, các hiệu buôn Tân Hiệp Long của Hồ Nhật Tân ở Long Xuyên, hiệu thuốc bắc Tư Bình Đường ở Bến Tre v.v... đều có thể coi như là những cơ sở, những “hộp thư” liên lạc của các nhân sĩ trí thức yêu nước Nam Kỳ hưởng ứng phong trào Đông Du và Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.”(18)

Khó có thể áp đặt hơn được.

T.V.N 
(SHSDB25/06-2017)

---------------------
(1) “Sự đâu có sự lạ đời/ Ở giữa Đồng Khánh hai đầu Hàm  Nghi”.
Hoặc: “Gẫm xem sự thế mà rầu/ Ở giữa Đồng Khánh, hai  đầu Hàm Nghi!”

(2) Người Pháp rất thắc mắc về niên hiệu của vị vua mới. Họ  cho rằng Duy Tân là tên chính đảng mà Phan Bội Châu và Cường  Để đã thành lập, các Thượng thư triều đình Huế đều biết rõ. Họ  đặt câu hỏi về sự trùng hợp này đồng thời giải thích tùy tiện rõ  hai chữ Duy Tân là: “Chỉ có cái mới: chúng ta hãy hiện đại hóa  mới”. Họ bác bỏ cách trả lời rằng duy tân đã được định trong  kim sách hoặc giải thích duy tân là niềm vui mới (dzui tân: Joie  nouvelle). Notes sur l’agitation anti-francaise depuis dix ans et le  parti nationaliste annamite).

(3) Chương Thâu, “Đông Kinh Nghĩa Thục và Phong trào cải  cách văn hóa đầu thế kỷ XX”, Nxb. Văn Hóa - Thông Tin, Hà Nội,  1997.

(4) Toàn thư, bản dịch của Hoàng Văn Lâu, tập II, Nxb. Khoa  học Xã hội, Hà Nội, 1993, trang 293.

(5) Toàn thư, sđd, các trang 207, 215.

(6) Toàn thư, sđd, các trang 242, 281.

(7) Chương Thâu, sđd, trang 38,41 “Đông Kinh là tên thành  Thăng Long đời nhà Hồ”. Đông Kinh có thể gợi cho ta nghĩ đến  thư đồ của nước Nhật, trung tâm của Phong trào Đông Du. Đông  Kinh hoàn toàn không gợi cho ta danh xưng TonKin (Đàng Ngoài)  thời Trịnh Nguyễn càng không có mối liên tưởng nào đến Tonkin  là Bắc Kỳ. Đó là cách gọi của người nước ngoài và áp đặt của thực  dân Pháp về sau.

(8) Phan Bội Châu - Tự phán, nxb An Minh, Huế, 1956, trang 85.

(9) Phan Bội Châu, sđd, trang 62, 63.

(10) Note sur l’agitation..., ltđd, trang 19.

(11) Chương Thâu, sđd, trang 84.

(12) Chương Thâu, sđd, trang 86.

(13) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận - Một vài suy nghĩ về  sự hình thành Công ty Liên Thành ở Phan Thiết - Bình Thuận đầu  thế kỷ XX. Kỷ yếu Tọa đàm “Hồ Chí Minh hành trình cứu nước. Vai  trò lịch sử của Dục Thanh học hiệu và Liên Thành thương quán.  Tháng 6/2006.

(14) Tlđd - trang 2.

(15) Phan Bội Châu - Tự phán, sđd, trang 86.

(16) Phan Bội Châu, sđd, trang 58, 59.

(17) Phan Bội Châu, Tự phán, sđd, trang 94.

(18) Chương Thâu, sđd, trang 86.







 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Vùng ký ức (28/03/2017)