Góc Hoài niệm
Các nhà thơ Huế với chuyện “ông già gân” một thời
08:25 | 27/05/2019

VŨ SỰ

Ngày xưa, chuyện “chồng già vợ trẻ” cũng là chuyện thường tình. Xứ Huế đầu thế kỷ 20, cũng có những chuyện thường tình như thế. Nhưng trong những chuyện  thường  tình ấy, cũng có vài chuyện “không thường tình”, ngẫm lại cũng vui.

Các nhà thơ Huế với chuyện “ông già gân” một thời
Minh họa: Nhím

Nhà thơ Hoàng Trọng Thược kể lại trong sách “Tinh thần trào phúng trong thi ca xứ Huế”. Hồi đó tại đường Mai Thúc Loan, trong Nội Thành Huế, có cụ già 82 tuổi cưới một cô gái 20 tuổi. Chú rể già đội khăn đóng, mặc áo gấm xanh trông rất bảnh, cô dâu chít vành khăn có vẻ mệnh phụ phu nhân. Đám cưới rất linh đình, cau lồng rượu ché, có kẻ bồng ngỗng, có cả lính áo đỏ, quấn xà cạp, đội nón dấu… Người Huế đổ xô đi coi đám cưới rất đông, lại nhiều người xầm xì: “Ông già kề miệng lỗ rồi mà còn mê gái tơ”… Riêng thi sĩ Vân Am Nguyễn Bá Nhiệm thì lại làm thơ bào chữa:

“Ông kia đã trở về già
Cùng cô gái nọ la cà kết duyên
Có người lại bảo ông điên
“Đã già sao lại còn ghiền gái tơ?”
Ông bèn vác gậy ông quơ:
“Tuy ta già thật nhưng ta thiếu tình”
Người kia lại bảo cô mình:
“Gái tơ sao lại kết tình ông tra?”
Cô kia vừa nói vừa la:
“Tuy ta trẻ thật, nhưng ta thiếu tiền”
………
Đời sao lắm chuyện cũng phiền
Vì tình là một, vì tiền là hai
Hai điều cũng thiết cả hai
Mặc ma với đuốc chê bai làm gì
Thằng tôi cứ việc cười khì
Để cho thiên hạ mần chi thì mần
Nửa lời không dám can ngăn”…

                (Thiếu tình, thiếu tiền)

Các ông già đã tra mà còn tơ vương gái tơ, người Huế xưa gọi là “Ông già gân”. Cũng đầu thế kỷ, ở làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, có một hưu quan triều Nguyễn tên là T.T.NG. Ông góa vợ, tuổi quá thất tình mà vẫn còn đa tình quá xá. Các con cháu của ông nhiều người đã ra làm quan, có địa vị. Theo tập tục thời đó, nhất là ở các gia đình danh gia vọng tộc, chúng chung tiền sắm trước cho ông một cái “thọ đường” (tức quan tài). Hàng ngày thấy áo quan, nhưng ông cứ nghĩ mình còn lâu mới mặc cái “sơ mi gỗ” này. Cho nên một ngày kia, ông gọi người đến bán quách cái “thọ đường”, lấy tiền cưới một cô hầu non. Con cháu chứng kiến chuyện, tá hỏa tam tinh, nhưng vì chữ hiếu nên cũng đành chiều ông. Không ngờ ông hưu quan ấy lại là ông già gân, còn cô hầu cũng là người “tốt nái”. Cho nên hai vợ chồng này cứ sồn sồn sinh con năm một, có năm còn sinh đôi, sinh một loạt lít nhít khiến các con cháu lớn phải lo chạy tiền nuôi dưỡng các em, các chú cũng bở hơi tai.

Nghe chuyện, thi sĩ Hương Thủy sáng tác ngay bài thơ vui:

“Thấy ông râu tóc bạc như sương
Con cháu chung lo sắm “thọ đường”
Để nữa mai sau lìa cõi thế
Sẵn “nhà” ông ở chốn Tây phương
Tưởng đâu gối mỏi với chân chồn
Ai biết rằng ông “chiến” vẫn dòn
Bán quách “thọ đường” ông đã quyết
Sắm sanh lễ vật… cưới hầu non!


Càng già càng dẻo lại càng dai
“Đêm bảy ngày ba” chẳng kém ai
Chớ tưởng trâu tra sừng cũng thế
Đúng ngày vợ trẻ đẻ con trai

 
Máy tốt ông chăm “sản xuất” hoài
Mới vừa năm một lại năm đôi
Mặc cho con cháu lo nuôi dưỡng
Mặc kệ người đời tiếng mỉa mai”…


Ông Vân Am Nguyễn Bá Nhiệm lúc đó nổi danh là nhà thơ trào phúng đất Thần Kinh, giữ mục “Thơ ngược dòng” trên báo “Công Dân”, đã sáng tác ngay bài ca trù rất dí dỏm sau đây:

Mưỡu:

Tuổi trời vừa mới bảy mươi
So bề sức khỏe, kém ai đâu nào?
Vội gì tính chuyện “mai sau”
Thọ đường sắm sửa, tào lao thế mà!

 
Nói:

Ai già, ai trẻ
Tuổi bảy mươi chưa thể gọi rằng già
Vẫn còn đang sống giữa cõi ta bà
Thì cái chuyện “trăng hoa” còn eo ót
Thế sự dẫu thua ông bảy mốt
Nhân tình còn xứng gái mười lăm
Trâu tuy già, sừng vẫn còn hang
Lo hậu sự trăm năm chừng sớm quá
Thôi, bán quách quan tài đi cái đã
Để sớm hôm rỉ rả với giai nhân
Sống no một lúc còn hơn”…


Bài ca trù này vừa trào lộng, vừa có nhiều thú vị trong cách dùng ngạn ngữ, tục ngữ, tiếng Huế xưa: “Eo ót” tiếng Huế là ao ước, trông mong. Huế cũng có câu “ông bảy mươi còn học ông bảy mốt”. Ngạn ngữ xưa có câu “Bảy mươi có của cũng vừa mười lăm”. Tục ngữ cũng có câu “sống no hơn chết thèm”…

Nhắc lại đôi chuyện xưa các nhà thơ Huế làm thơ trào phúng về đề tài “ông già gân”, để bạn đọc có thể hình dung một thời xã hội Huế có chuyện “chồng già vợ trẻ” cách biệt biên độ tuổi rất lớn như vậy. Một điều nữa là để nhớ lại một thời xưa, Huế cũng là mảnh đất giàu truyền thống thi ca trào phúng…

V.S  
(SHSDB32/03-2019)



 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Mưa Huế (07/05/2019)