Góc Hoài niệm
Người nói lên tiếng nói của Nhân dân
16:20 | 13/07/2020

TRẦN NGUYÊN HÀO

Bác Hồ là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, là người sáng lập và linh hồn của nhiều tờ báo vô sản đầu tiên trong lịch sử báo chí ở nước ta và trên thế giới.

Người nói lên tiếng nói của Nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, Hải Dương (tháng 5/1957). (Ảnh tư liệu).

Khiêm tốn nhận mình là một người có nhiều duyên nợ với báo chí nhưng sự nghiệp báo chí mà Người để lại có giá trị to lớn về cả lý luận và thực tiễn với khoảng bài báo các loại được viết bằng nhiều thứ tiếng đề cập đến nhiều vấn đề rộng lớn của cách mạng và của đời sống xã hội.

1.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị trí, vai trò của báo chí trước khi cách mạng thành công là hết sức to lớn và sau cách mạng đã thành công lại càng có ý nghĩa to lớn hơn.

Ngòi bút của Người đã thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, chỉ đạo phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phong trào cách mạng trong nước, làm nên những thắng lợi vẻ vang cho dân tộc ta. Trong điện mừng Hội Nhà báo Á - Phi năm 1969, Người khẳng định: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén - bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh”1. Từ việc xác định vị trí, vai trò to lớn của báo chí, Bác Hồ đã chỉ rõ chức năng nhiệm vụ của nền báo chí cách mạng nước ta. Trong thư gửi lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng tháng 5/1949, Bác viết: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung”2. Nói cách khác, theo Người, nhiệm vụ của báo chí chính là tác động vào nhận thức xã hội nhằm thay đổi nhận thức theo hướng tích cực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ của báo chí cách mạng trên cơ sở hiểu rõ vai trò vô cùng to lớn của báo chí cách mạng trong đời sống xã hội. Trong bài xã luận báo Việt Nam Độc lập năm 1941, Người viết: Tây cốt làm cho ta ngu hèn. Báo Việt Nam Độc lập “cốt làm cho dân ta biết, biết các việc, biết đoàn kết”3. Như vậy, theo Bác Hồ, báo chí cách mạng phải góp phần đắc lực trong việc phục vụ sự nghiệp cách mạng với những nhiệm vụ cụ thể như đấu tranh chính trị, tư tưởng… Báo chí phải phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân. Nói chuyện tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam tháng 4/1959, Bác Hồ chỉ rõ: “Báo chí của ta không phải để cho một số ít người xem, mà là để phục vụ nhân dân”4. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính chiến đấu của báo chí thể hiện một cách đầy đủ nhất, cô đọng nhất, sâu sắc nhất, giản dị nhất và cũng dễ hiểu nhất trong bốn nội dung sau: Một là, báo chí là một mặt trận; Hai, cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; Ba, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của người làm báo; Bốn là, bài báo là tờ hịch cách mạng.

Một nội dung quan trọng nữa trong tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng đó là quan điểm của Người về cách làm báo và viết báo. Nhất quán trong quan điểm sáng tác, sáng tạo văn học nghệ thuật và báo chí nói chung. Bác Hồ dạy các nhà báo về cách viết rất cụ thể, tỉ mỉ, thiết thực. Người còn hướng dẫn chu đáo “viết rồi phải thế nào”? - Tức là kiểm tra sau khi viết. Người căn dặn: “Viết rồi thì phải đọc đi đọc lại. Đọc đi đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại”. Viết cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn. Đó là lời dạy của Bác Hồ với nhà báo, nhà văn khi viết về người tốt việc tốt, các gương chiến sĩ anh dũng, tại buổi lễ bế mạc Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần III, tháng 5/1962. Bác Hồ cũng đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng ngôn ngữ tối ưu nhằm bảo đảm tính hiệu quả của thông tin. Người luôn đòi hỏi phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và bảo vệ, phát triển tiếng nói của dân tộc. Văn phong báo chí của Người rất phong phú về hình thức, đa dạng về thể loại, biến hóa về kết cấu, phong cách, giai điệu…, mỗi bài mỗi vẻ, không lặp lại. Từ lối viết uyên bác, hàn lâm để nói với các chính khách phương Tây, lối viết hàm súc, ẩn dụ ý tại ngôn ngoại để nói với các bậc thâm Nho, đến lối viết mộc mạc, bình dị cho người ít chữ…, tất cả đều chân thực, giản dị, tự nhiên, hấp dẫn mà không hào nhoáng, mộc mạc mà không tầm thường.

2.
Để phát huy vị trí, vai trò to lớn của báo chí, theo Bác Hồ, những người làm báo cần phải có những đặc điểm căn cốt sau:

(1) Người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc, phải tu dưỡng đạo đức. Tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực sự thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế, tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc.”5 Trong đó người làm báo “phải chú ý giữ bí mật.” Người nhấn mạnh: “Những văn kiện bí mật của Nhà nước quan hệ trực tiếp đến vận mạng của toàn dân, đến sự mất còn của dân tộc. Cho nên giữ bí mật là nhiệm vụ của toàn dân, đặc biệt là nhiệm vụ của cán bộ”. Người từng phê bình “các báo chí của ta rất kém giữ bí mật.” “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”6. Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt toàn bộ đường lối thông tin đại chúng của đất nước ta trong nhiều thập kỷ, mặc dù cách diễn đạt của từng văn kiện lúc này, lúc khác không giống nhau. Người còn nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”7. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải “trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”8. Theo Người, để thực hiện được hai chữ “chính tâm không phải dễ dàng”, vì vậy mỗi người làm báo phải trải qua một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ và liên tục trong bản thân mình thì “chính tâm nhất định thành công.” Bởi: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố”9

(2) Người làm báo phải có kiến thức sâu rộng, am hiểu thực tế. Nhà báo phải là một con người có trí thức rất rộng và rất sâu, đặc biệt là có trách nhiệm với công việc của mình, với sản phẩm của mình, với mọi hiệu quả, hệ quả của sản phẩm đó. Trong thư gửi lớp viết báo đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng tháng 5/1959, Người viết: “Muốn viết báo khá thì cần: 1. Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thi không thể viết thiết thực; 2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài mà học kinh nghiệm của người; 3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu; 4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ...”10.

(3) Nhà báo phải đưa ra thông tin phải khách quan, chân thực, chính xác; phải chuẩn bị cẩn thận về nội dung và hình thức trong từng bài báo. Theo Bác Hồ, nhà báo viết phải “chân thực” - chân thực là sức mạnh vì nó có lòng tin. Mỗi bài viết của phóng viên phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc. Bài viết phải đem lại cho người đọc lượng thông tin cao và chính xác. Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra, không nêu nói ẩu, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Ngày 8/1/1946, Người căn dặn các cán bộ tuyên truyền: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe. Ta đừng bắt chước những nước tuyên truyền tin chiến tranh quá sai lạc sự thực”11. Người đã chỉ ra một trong những khuyết điểm của báo chí là “đôi khi đăng tin vịt”. Người cho rằng, vì quần chúng luôn “mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú” nên người làm báo phải luôn viết rõ sự thật: việc đó ai làm, ở đâu, ngày tháng nào…, nếu chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ thì “chớ nói, chớ viết.” Chính xác, cụ thể, trung thực, cẩn trọng là những tố chất Người đòi hỏi phải có trong từng bài viết, bài nói, ở mỗi vấn đề cần nêu. Theo Người, báo chí phải có khen, có chê, có nêu cái tốt cũng có viết về cái xấu, không nên chỉ viết cái tốt mà giấu đi cái xấu. Nhưng viết về cái hay, cái tốt cũng phải có “chừng mực, chớ phóng đại, có thế nào nói thế ấy”. Viết phê bình thì phải chân thành, đúng mức, chính xác, “phải đứng trên lập trường hữu nghị.” Nếu khen quá lời thì người được khen cũng cảm thấy xấu hổ mà chê quá đáng thì người bị chê cũng vừa khó tiếp thu lại vừa sinh tâm lý bực tức, thù oán. Người làm báo đừng nên vì việc gì mà lại “thêu dệt thêm vào, dùng những lời vô phép” làm tổn hại đến người khác. Tính chân thật luôn được xem là đạo đức của người làm báo cách mạng. Vì thế, báo chí cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng và là diễn đàn của Nhân dân. Báo chí đã phản ánh những ý kiến xây dựng của Nhân dân, nói lên tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của dân đối với công cuộc xây dựng đất nước. Đồng thời báo chí cũng quyết liệt chống nạn tham nhũng, buôn lậu; chống lại tội ác và các tệ nạn xã hội; chống lại những biểu hiện tha hóa, sa sút về phẩm chất, đạo đức và lối sống. Với việc làm đó, báo chí đã đem đến cho công chúng niềm tin ở sự thật, tin vào truyền thống cách mạng và nhân văn của Nhân dân ta.

(4) Người làm báo phải gần gũi Nhân dân. Người quan niệm, gần dân trước hết là phải đi sâu, đi sát vào thực tiễn cuộc sống của Nhân dân. Phải “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”, chứ cứ đóng cửa lại, “ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết” thì không thể viết thiết thực, “không ăn thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả”.

Tiếp đến, người làm báo phải viết những bài báo hợp lòng dân, phản ánh những vấn đề thiết thực với quần chúng nhân dân như: họ cần cái gì, muốn nghe, muốn biết cái gì, ham chuộng cái gì… Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết đều phải tỏ rõ tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng. Muốn thế, người làm báo phải học cách tìm tài liệu, tìm tài liệu trong dân. Năm cách để tìm được tài liệu phục vụ cho bài viết đã được Người đưa ra, đó là: Nghe, Hỏi, Thấy, Xem và Ghi. Năm cách này gắn bó chặt chẽ với nhau theo một hệ thống có tính logic. Người làm báo phải biết cách lắng nghe: nghe xa, nghe gần, nghe nhiều người, nghe từ nhiều phía; phải biết cách hỏi: hỏi người bên cạnh, hỏi người xung quanh, hỏi nhân dân, hỏi cán bộ, hỏi nhiều chiều…; phải đến tận nơi để tận mắt trông thấy “trăm nghe không bằng một thấy”; rồi phải đọc báo, xem sách trong và ngoài nước; chưa hết còn phải tích cực ghi chép, ghi tất cả những gì mình nghe và thấy. Như thế, người làm báo mới có thể viết nên được những bài báo gần dân, sát với cuộc sống của nhân dân. Khi viết thì “cần phải viết một cách phổ thông, dễ hiểu, giản đơn mà rõ ràng,” hợp với trình độ nhân dân. Bởi vì, đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng, nếu một tờ báo nào đó mà không được đại đa số dân ưa chuộng, coi đó là tờ báo của mình “thì không xứng đáng là một tờ báo”. Muốn viết ngắn gọn, dễ hiểu thì người làm báo phải làm gì? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Đó là phải học cách nói của quần chúng, thì khi nói, khi viết mới lọt tai quần chúng. Viết xong một bài thì phải tự mình đọc kỹ, xem đi xem lại nhiều lần để sửa chữa những từ ngữ khó hiểu, mập mờ, cho phù hợp với trình độ của đại chúng nhân dân. Người nói: “Để làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn, thì các báo chí ta cần phải gần gũi quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế hơn nữa, cách làm của các báo chí phải cải thiện hơn nữa”.

(5) Nhà báo phải “phải học nữa, học mãi”. Người làm báo phải lấy đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp làm gốc, là điều trước tiên khi đặt bút. Song bản lĩnh chính trị, tri thức mọi mặt… sẽ là những nhân tố quan trọng giúp cho nhà báo giữ được cái “tâm” trong sáng ấy. Vì vậy, người làm báo phải luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ… thi đua học và hành cho xứng đáng là “người tiên phong trên mặt trận báo chí.” Nếu không biết thì phải cố gắng học, mà cố gắng học thì nhất định sẽ học được. Học để trở thành tài, bởi “có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”. Đồng thời, Người cũng chỉ cho những người làm báo biết rằng phải học ở mọi nơi, học ở mọi lúc. “Học trong xã hội, học nơi công tác thực tế, học ở quần chúng”12. Thế vẫn chưa đủ, còn phải học kinh nghiệm của nước ngoài, xem báo nước ngoài. Càng tiến bộ, càng thấy cần phải cần phải học thêm. Trong giai đoạn hiện nay, nhà báo vẫn là một trong những người đóng góp quan trọng cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mới. Trong cơ chế thị trường đầy phức tạp hiện nay, báo chí nói chung, nhà báo nói riêng luôn phải chịu sự tác động theo hai chiều hướng: tích cực và tiêu cực, nó vừa là nơi đặt ra nhiều cám dỗ nhưng cũng là nơi để “lửa thử vàng”. Những bài học và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà báo, trong đó quan trọng là đạo đức vẫn luôn có ý nghĩa đối với các thế hệ người làm báo Việt Nam.

T.N.H
(SHSDB37/06-2020)

 

-----------------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập , tập 11, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000, tr. 441; 2. Sđd, tập 5, tr. 625; 3. Sđd, tập 3, tr. 625
4. Sđd, tập 9, tr.414
5. Sđd, tập 9. tr.414; 6. Sđd, tập 9, tr.415; 7. Sđd, tập 10, tr.616; 8. Sđd, tập 10, tr.616
9. Sđd, tập 9, tr.11; 10. Sđd, tập 5, tr.525; 11. Sđd, tập 4, tr.151
12. Sđd, tập 5, tr.653

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Nước mắm (14/02/2020)
Bông huệ trắng (07/02/2020)