Góc Hoài niệm
Từ “tay trái” đến “hai tay”
09:50 | 15/07/2020

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Sáu chục năm trước, tôi chỉ là người hoạt động văn nghệ “tay trái”, vì “tay phải” còn lo làm công ăn lương. Sau khi rời ngành giao thông 1974 cho đến lúc về hưu năm 1999, thì làm văn nghệ cả hai tay!

Từ “tay trái” đến “hai tay”
Trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp VHNT cho các văn nghệ sỹ Hồng Nhu, Hải Bằng, Nguyễn Khắc Phê, Trần Hữu Pháp (từ phải qua) tại trụ sở Hội Văn nghệ 26, Lê Lợi, Huế

Nói vậy cho… vui, cũng vì hoạt động văn nghệ, một mặt là cống hiến, nỗ lực sáng tạo của từng cá thể trên trang viết, sàn diễn, bên cây cọ hay chiếc máy ảnh…; mặt khác là công việc có tính hành chính, tổ chức thành hội đoàn để tạo điều kiện cho mỗi cá nhân văn nghệ sỹ làm việc có hiệu quả hơn.

Thời gian hoạt động văn nghệ “tay trái”, nhờ có một số bài ký, truyện ngắn đăng báo này báo khác, rồi tiến lên in cuốn sách đầu tay, nên năm 1974 nhà thơ Xuân Hoàng và nhà văn Trần Công Tấn, thay mặt Hội Văn nghệ Quảng Bình, sang gặp đồng chí Trưởng ty Giao thông Lê Đức Mận, xin cho tôi chuyển sang Hội Văn nghệ Quảng Bình. Phải nói thật là tôi cũng có chút phân vân trước bước ngoặt cuộc đời này. Cảm giác tương tự như một anh nhà quê lần đầu đứng trước rạp hát đầy âm thanh và màu sắc cuốn hút. Đang ăn ở nơi chốn quen thuộc, sang “miền đất mới” ấy liệu có làm ăn gì được không?...

Còn nhớ, ngày cuối cùng ăn lương ngành GTVT là ngày 31/5/1974. Rời ngành GTVT, một điểm nóng trong những năm qua, vào mùa hè, sau mấy ngày nổi gió Lào đầu tiên; nhưng rồi trời mưa, mát mẻ. Có thể đây là một “điềm lành”. Nghĩ cũng vui, khi chuyển sang Hội vào đúng ngày Quốc tế thiếu nhi. Thì trong “làng” văn nghệ lúc đó, tôi cũng chỉ như một “thiếu nhi” mới lớn mà thôi!

Tôi làm văn nghệ “hai tay” từ đây. Lúc đó, Mỹ đã ngưng ném bom miền Bắc nhưng Hội Văn nghệ Quảng Bình vẫn ở xóm Phú Vinh - nơi sơ tán quanh vùng Cộn, bên cạnh triền đồi thoai thoải, đầy sim mua, chạc chìu, rất gần với những trận địa pháo phòng không những năm chiến tranh. “Thực tế” này là đề tài sáng tác cho không ít anh chị em ở Hội. Trần Nhật Thu có bài thơ “Hoa chắt chiu” khá hay viết về hoa chạc chìu với những nụ hoa trắng khiêm tốn mà hương nồng nàn trên vùng đồi sỏi đá khô cằn. Nhiều tác phẩm tạo hình bằng rễ cây của nhà thơ Hải Bằng cũng có xuất xứ từ vùng đồi này. Rồi chuyện gặp gỡ những chàng pháo thủ hình như cũng đã vào thơ, truyện của Lê Thị Mây, Xuân Hoàng… Tôi nhớ lần đầu gặp Nguyễn Đình Chính (con trai nhà văn Nguyễn Đình Thi) khi anh còn mặc áo lính, cũng từ triền đồi có các trận địa pháo phía sau, ghé thăm Hội. Còn Đỗ Chu thì tôi gặp ở bến phà Quán Hàu cùng với một vài bạn văn khác, trong chuyến đi thực tế chiến trường. Không còn nhớ nguyên văn, nhưng hôm đó, Đỗ Chu “tuyên bố” một câu đại ý rằng chuyến này về sẽ viết một tác phẩm lớn!

Vậy nhưng “tác phẩm lớn” của Đỗ Chu để lại cho đời lại không phải là những trang viết phản ánh thực tế chuyến đi đó. Có lẽ vì cái “tạng” của anh không hợp với đề tài diễn tả những mặt trận ác liệt mịt mù bom đạn… Tôi ghi lại chi tiết này cũng do mở những trang ghi chép tại các hội nghị được mời tham dự từ khi về Hội, hầu hết là những thông tin khô khan, vô hồn, không để lại dấu ấn gì, nên thực ra chẳng có giá trị mấy đối với một người muốn viết văn. Nói vậy, để thấy từ thực tế đến sáng tác có một khoảng cách rất xa; nói cách khác là chỉ khi nhà văn gắn bó với “thực tế” như một người trong cuộc, mới hy vọng có cảm hứng và đủ chi tiết sống động để làm nên tác phẩm. Chính người làm văn nghệ “tay trái” lại có thế mạnh về phương diện này. Tất nhiên là muốn làm nên tác phẩm thì còn phải có tài năng…

Văn nghệ sỹ Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế tại Ải Chi Lăng (Lạng Sơn) trong chuyến đi thực tế các tỉnh biên giới phía Bắc năm 2005

Khi Bình Trị Thiên trở thành một tỉnh, hầu hết các tên tuổi ở Hội Văn nghệ Quảng Bình đã trở thành “hội viên sáng lập” và là cốt cán của Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, trong đó, nhà thơ Xuân Hoàng và nhà văn Mai Văn Tấn đã tham gia ban lãnh đạo Hội nhiều năm.

Trước khi Hội Văn nghệ thành lập, tôi đã có dịp ghé lại ngôi nhà 26 Lê Lợi. Là dân miền Bắc, nhưng tình văn nghệ không giới tuyến đã giúp kết nối những con người chưa bao giờ gặp nhau. Vừa đến, tôi đã nhập cuộc được với các “nghệ sỹ” Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ… Tôi có bao thuốc “Điện Biên” đem ra mời, Hoàng Phủ và Trịnh Công Sơn liền ra quán đổi lấy một bao “Nông”, hút đậm hơn, lại còn lãi 6 hào. Không ngờ các vị nghệ sỹ miền núi Ngự sông Hương thơ mộng mà cũng cụ thể như thế. Trịnh Công Sơn cởi trần, chuyện cởi mở, uống rượu nhắm thức ăn, chứ hầu như không ăn cơm; vừa ăn uống, vừa hút thuốc. Trịnh Công Sơn bảo: Trước còn hai tay hai điếu!...

Đó là kỷ niệm “ra mắt” bạn bè văn nghệ Huế một ngày tháng 5/1976. Sau đó ít lâu, tôi thành cán bộ Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên. Việc đầu tiên là đi dự Trại viết ở Túy Vân - một thắng cảnh gần cửa biển Tư Hiền - rồi tham gia biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Trị Thiên; từ tháng 6/1983 chuyển thành Tạp chí Sông Hương…

Thời gian này, hầu hết anh chị em văn nghệ sỹ ở Quảng Bình vào đều tạm trú dưới tầng hầm chật hẹp tại Trụ sở Hội 26 Lê Lợi. Riêng “thủ trưởng” Lương An từ Quảng Trị vào, được ở phòng trên gác; về sau, khi anh Lương An được điều qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, anh Mai Văn Tấn, nguyên là sĩ quan biên phòng, tác giả của bộ sách “Truyện cổ Vân Kiều” rất được hâm mộ, về Hội làm Thường trực, đã ở căn phòng đó. Còn các phòng ở tầng hầm được chia cho các nhân viên cán bộ Hội: Nguyễn Thị Kim, Vương Hồng Hoan, Vĩnh Nguyên, Lê Thị Mây…; vợ con tôi được ở trong một căn phòng vuông, có thể gọi là “mặt tiền” của tầng hầm này; ít năm sau thì có thêm nhà văn Hồng Nhu ở Vinh chuyển vào. Cái thế giới “tập thể” chung một nhà tắm, một nhà vệ sinh này đã nảy sinh vô số chuyện khôi hài về những cuộc “chạm trán” ngoạn mục…

Từ ngày đó, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu Trường Tiền! Không ít tên tuổi tôi nhắc đến trên đây nay đã ở “cõi khác”. Nhân giới văn nghệ toàn Tỉnh sắp tổ chức Đại hội lần thứ XIII, tôi nhớ lại vài kỷ niệm hoạt động văn nghệ từ “tay trái” sang cả “hai tay” của mình mấy chục năm trước, cũng là dịp nhớ đến các anh chị đã bỏ bao công sức, tâm huyết, đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng “ngôi nhà” Văn nghệ Thừa Thiên Huế vững mạnh cho đến hôm nay. Trong lớp người ấy, còn phải kể đến nhạc sỹ Trần Hoàn, nhà thơ Thanh Hải (mà tháng 12 tới là kỷ niệm tròn 40 năm ngày anh qua đời), họa sỹ Vũ Trung Lương, Bửu Chỉ, nhạc sỹ Trần Hữu Pháp và nhiều tên tuổi khác nữa. Nhắc đến các anh chị “tiền nhiệm” đã góp sức tạo dựng nên một Hội Văn nghệ địa phương có uy tín, được nhiều bạn bè gần xa nể trọng cũng là đặt kỳ vọng vào những người sẽ đảm đương trách nhiệm trong những năm sắp tới xây dựng tổ chức văn nghệ ở một miền đất luôn được “thiên hạ” trông đợi có thêm nhiều tài năng, nhiều tác phẩm có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội.

Chúng ta đang ở vào một thời đoạn cả thế giới đầy những biến động khó lường ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, mọi địa bàn, mọi giới mà đại dịch Covid-19 là một “tai nạn toàn cầu” chưa đến hồi kết và có khi đó mới chỉ là khởi đầu của một chuỗi những sự cố gây xáo trộn cả hoàn cầu. Tôi dẫn một biến cố vừa xảy ra sau khi nhắc lại vài kỷ niệm một thời cũng đã xa, để thấy hoạt động văn nghệ thời nay trong hoàn cảnh mới có thể rồi sẽ gặp nhiều trắc trở, không dễ tạo được không khí đồng thuận vui vẻ “rập ràng” như trước, công chúng cũng ít gần gũi, quan tâm, hưởng ứng  văn nghệ như trước do bị nhiều loại hình giải trí và thông tin cuốn hút… Và như thế, trong nhiệm kỳ mới, trách nhiệm những người đảm đương công việc tập hợp, tổ chức, tạo điều kiện cho văn nghệ sỹ hoạt động sáng tạo hiệu quả bao gồm cả việc xuất bản Tạp chí Sông Hương đều kỳ, có chất lượng, sẽ khó khăn, nặng nề hơn trước. Mặc dù vậy, tôi tin vùng đất giàu truyền thống văn hóa này luôn có lớp người kế tục xứng đáng. Chính hoạt động độc đáo của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế trong đại dịch Covid-19 đã cho tôi niềm tin đó. Trong khi nhiều cơ quan “bó tay”, nhiều tổ chức văn nghệ ở các địa phương khác “án binh bất động” thì thì Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã tổ chức kêu gọi văn nghệ sĩ trong tỉnh tham gia cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19”. Chỉ trong một thời gian ngắn phát động, tổng số tiền từ đóng góp, bán ảnh, đấu giá tranh gây “Quỹ văn nghệ sĩ giúp đồng bào khó khăn vì Dịch bệnh Covid-19” là 91.075.000 đ… Đây chỉ là một bằng chứng mới nhất. Những trại sáng tác, những chuyến đi thực tế dựa vào sự giúp đỡ của các địa phương, các ngành được tổ chức trong các năm qua cũng có thể xem là bước “đổi mới tư duy” theo hướng “xã hội hóa” hoạt động văn nghệ…

Cũng là nói cho… vui, mấy điều vừa kể chủ yếu là công lao của những văn nghệ sĩ hoạt động cả “hai tay” - những anh chị em ở cơ quan Liên hiệp Hội, Tạp chí Sông Hương và Ban Chấp hành Liên hiệp Hội. Mọi người đều biết thành tựu hoạt động văn nghệ chủ yếu có giá trị sâu rộng và lâu bền hơn lại là tác phẩm, là công trình thường được sinh thành trong thầm lặng một cách tự nguyện của mỗi cá nhân (hay nhóm) không ai trả lương, không nhằm lợi lộc nên gọi là hoạt động “tay trái” (vì “tay phải” còn lo nghĩa vụ công chức hay kiếm sống) chứ đã hoạt động văn nghệ thì “tay trái” hay “hai tay” đều phải tận tâm, bền chí và cả vô tư nữa. Trong giới văn nghệ sĩ, hình như người làm “tay trái” bao giờ cũng chiếm số đông... Mong rằng mọi hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tạo luôn hướng về số đông ấy, trong đó có không ít tài năng…

N.K.P
(TCSH377/07-2020)

 

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng