Góc Hoài niệm
Nhớ tết ở rừng, ở phố... và trang sách
08:39 | 09/02/2021

PHẠM PHÚ PHONG

Hồi ức làm ta muốn khóc...
                        (Vasiliev)

Nhớ tết ở rừng, ở phố... và trang sách
Bìa tạp chí Văn nghệ Trị Thiên - Huế

Thời gian đứng yên một chỗ. Cảm giác và ký ức con người trôi mau. Trang sách vẫn yên trên giá. Mùa xuân, cây cỏ trôi hoài. Cũng có đôi khi sách không ghi hết nỗi nhớ rừng, nhớ phố, phải tìm đến con người để chạm vào nỗi nhớ miên man. Là người mê đắm sức sinh sôi của từng con chữ, đôi khi tôi nhận ra rằng, thế hệ các văn nhân, thi sĩ một thời chiến tranh gian lao vất vả, từng ở rừng và tham gia chiến trường, chiến dịch, có mấy ai tự hào rằng mình đã ghi tạc một cách đầy đủ vẻ đẹp cỏ hoa đâm chồi nẩy lộc trong ký ức xa xưa vào bức tranh đẹp lung linh đến nao lòng và đầy nhựa sống của mùa xuân.
 

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ (bên trái) và nhà nghiên cứu Ngô Kha
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (bên trái) và nhà văn Tô Nhuận Vỹ

Cuộc chiến tranh chống Mỹ đã lùi xa gần nửa thế kỷ, đất nước đã cắn răng chống chọi và đi qua thêm hai cuộc chiến tranh biên giới nữa, đội ngũ những người cầm bút ở chiến khu Trị Thiên - Huế đã hao hụt dần, nhưng ký ức về những mùa xuân năm tháng ấy vẫn còn trĩu nặng trong ngôi nhà tâm hồn được “rào dậu” bởi nhiều nỗi đau của mỗi người vẫn không chịu lùi xa: “Có một người lính/ Đi vào núi xanh/ Những năm máu lửa/ Một ngày hòa bình/ Anh không về nữa” (Đồng dao mùa xuân - Nguyễn Khoa Điềm). Ngay cả với người muốn quên đi, cố “rũ sạch hết đam mê hoang tưởng” nhưng vẫn chỉ là một thái độ, một tâm trạng dường như càng phủ định càng lộ rõ nỗi đau của sự khẳng định: “Và tất cả những điều đã nói/ Bằng con tim máu nóng dâng trào/ Cũng đùa thôi, nhớ chi hoài mệt óc/ Chuyện nói cười một thuở gian lao” (Bài ngâm đùa chơi - Hoàng Phủ Ngọc Tường). Những người góp mặt ở chiến khu địa đầu giới tuyến thời kỳ đó, kể cả những văn nghệ sĩ đi thực tế dài ngày như Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Phạm Ngọc Cảnh... hầu hết đã ra đi, những phóng viên của Đài Phát thanh Giải phóng và báo Cờ Giải phóng đã từng quần tụ bên Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trị Thiên - Huế hiếm hoi còn lại và đang tiếp tục cầm bút tại nơi đây, là các nhà văn Hà Khánh Linh, Tô Nhuận Vỹ và Nguyễn Quang Hà. Họ là người lính trực tiếp chiến đấu trên chiến trường hoặc là phóng viên mặt trận và chính cuộc sống và chiến đấu ấy, đưa đẩy dần họ đến với văn chương và trở thành nhà văn. Thực tế khốc liệt của chiến tranh, có khi trực tiếp tràn vào tác phẩm, hoặc thành cảm thức nung nấu cho cả quãng đời sáng tác, nhưng cũng có khi sức mạnh của câu chữ cũng đuối dần và trở nên bất lực, nó trở thành nỗi ám ảnh nặng đầy trong ký ức đau thương họ mang theo suốt cả cuộc đời.

Với nhà văn Hà Khánh Linh, từ tiểu thuyết đầu tay Thúy (1973) đến nay đã là chủ nhân của 28 tác phẩm gồm nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, hồi ký và tự truyện, kể rằng, vào khoảng giữa năm 1967, khi đang là giáo viên trường văn hóa ở chiến khu miền Tây Nam bộ, nơi lập ra để nuôi dạy con em cán bộ, thì được lệnh điều về làm phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng Huế, lúc này đang đóng ở A Lưới. Biết bao gian khó, như phải đào hầm, đôi khi phải đục cả đá, xuyên vào trong lòng núi để đặt máy móc điện đài trong đó. Bộ sậu lãnh đạo gồm có: Trần Hoàn giám đốc, hai phó giám đốc là Nguyễn Như Ý và Nguyễn Kim Cúc... Đây là sự chuẩn bị cho việc tiếp quản đài Huế cho mùa xuân 1968. Nhưng địch đã dò sóng phát của đài, cho máy bay suốt ngày đêm quần thảo ném bom một cách khủng khiếp, đánh sập cả núi, cơ quan phải di chuyển địa điểm nhiều lần và cuối cùng bài viết ra chủ yếu là để đăng tải trên sóng của Đài Phát thanh Giải phóng (CP90). Những điều này ít nhiều chị đã kể trong hồi ký Ngày ấy, Trường Sơn (2000). Khi được hỏi, có điều gì chị chưa kể trong trang viết của mình hay không? Có chứ! Cuộc sống gian khổ, thiếu thốn ở rừng đối với phụ nữ khổ hơn nhiều so với nam giới. Tôi bị sốt rét liên miên. Cơ quan lại nhiều lần di chuyển chỗ ở. Có lần, chuyển cơ quan tôi đang bị sốt cao, phải nằm lại một mình. Là phụ nữ, đang nằm một mình giữa rừng với bao lo lắng và chống chọi với cơn sốt, thì có người giở chăn ra gọi “Linh ơi!”. Thì ra, đến nơi không thấy tôi, anh Trần Hoàn quay lại tìm. Thấy tôi đang nằm thiêm thiếp, anh lấy một miếng sâm trong túi ra nhét vào miệng tôi, bảo tôi nhai, nhưng tôi có nhai được đâu. Mấy lần sâm rơi xuống đất, anh lấy đèn pin soi tìm, phủi đất rồi lại nhét vào miệng tôi. Đến lần thứ ba, anh phải cứa mài miếng sâm vào kẽ răng tôi một lúc rồi đưa nước uống. Tôi dần hồi phục. Anh nắm tay tôi lôi đi, kéo xuống rồi lại lôi lên khỏi hố bom, vượt qua hết hố bom này đến hố bom khác trên đoạn đường mấy chục cây số để đến nơi ở mới. Hoặc có lần, tôi bị sốt cao, anh Giám, Bí thư Chi đoàn cơ quan đến lật chăn ra, nhìn thấy phải thốt lên: “Em gầy và xanh quá! Bên bộ phận kỹ thuật của anh cũng có người bị như em”. Thế là, anh lặng lẽ đi kiếm cá về để cải thiện bữa ăn. Anh đi, mãi cho đến hơn bảy giờ tối vẫn không thấy anh về. Mọi người đổ xô đi tìm thì thấy anh nằm chết bên bờ suối. Hóa ra, anh dùng bộc phá để đánh cá, nhưng chẳng may tự giết cả mình. Trong tôi dấy lên nỗi ân hận khôn nguôi và tự trách rằng tại mình anh ấy phải ra nông nỗi này. Tôi không thể đứng dậy đi nổi, mà phải bò từ nơi lán mình nằm ra huyệt mộ để tiễn anh đi. Người ta chặt bốn khúc cây hai dài, hai ngắn để làm quan tài, gói anh trong một tấm bạt, trước khi lấp đất, người phụ trách bộ phận kỹ thuật của cơ quan kiêm bí thư chi bộ còn đọc quyết định kỷ luật cách chức bí thư chi đoàn và khai trừ ra khỏi Đảng vì cái tội tự ý lấy bộc phá của cơ quan đi đánh cá! Nếu lần đi kiếm cá ấy, không có gì xảy ra như bao nhiều lần trước đó, thì mọi người vẫn vui vẻ vì được một bữa ăn tươi. Sau này, khi đã là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, đọc Ngày ấy Trường Sơn của tôi, Trần Hoàn cũng tỏ ra hối tiếc khi gặp tôi: “Linh ơi! Ngày ấy chúng mình cứng nhắc quá!” Với riêng tôi, cái đáng tiếc lớn hơn là người đọc quyết định kỷ luật người đồng chí tốt của tôi và của cả cơ quan thời ấy, sau chiến tranh, bằng cách nào đó, đã bỏ đất nước sang định cư ở nước ngoài quá sớm. Lại định cư ở chính cái nước đã từng đưa quân sang đánh phá nước mình!

Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội (1964), về dạy học ở Hậu Lộc, Thanh Hóa chưa đầy một năm, thì Tô Nhuận Vỹ vào chiến trường Trị Thiên, làm phóng viên báo Cờ Giải phóng và làm biên tập cho tờ Văn nghệ Trị Thiên - Huế, trở thành tác giả của 3 tập truyện ngắn, 1 tập tiểu luận và 4 tiểu thuyết, trong đó có tiểu thuyết dài 3 tập Dòng sông phẳng lặng (1974 - 1982), dày hơn nghìn trang, viết về cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968 tại Huế. Anh nói rằng, những kỷ niệm về mùa xuân với bao gian khổ ở chiến khu và sinh tử ở chiến trường, không thể nào nói hết. Trước khi chuyển hẳn về làm văn nghệ chuyên nghiệp, anh đã viết hàng mấy trăm bài báo, trong đó có khoảng hai trăm bài thuộc thể ký sự, phóng sự, nghĩa là không còn đơn thuần là văn chương thông tấn mà đã bước sang phạm trù văn chương nghệ thuật, có thể sưu tập lại in thành vài tập sách, nhưng là người làm báo, anh quan niệm là phải tập trung phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị trực tiếp. Những gì đã thẩm thấu, lắng xuống, còn đọng lại, có thể chưng cất thành nghệ thuật, anh mới công bố. Còn về mùa xuân 1968 ở Huế, anh không chỉ có bộ tiểu thuyết đồ sộ có tính chất sử thi, đã từng dựng thành phim truyện dài tập viết về những gì diễn ra ở đôi bờ sông Hương ấy (đến năm 1974 mới in tập 1), mà ngay sau chiến dịch lịch sử ấy, là người trong cuộc với tư cách là phóng viên mặt trận, bên cạnh các bài báo phản ánh trực tiếp, cùng với ký sự Cửa thép (1972) của Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ cũng có ký sự Sông Hương mình đẹp lắm (in trên báo Hà Nội mới). Với Tô Nhuận Vỹ, không chỉ là những chuyện trong ký ức về mùa xuân ở rừng ở phố, mà còn bao nhiêu vỉa tầng trữ lượng, bao trải nghiệm cuộc đời chưa nói hết, đằm sâu và đau đáu trong những trăn trở về nghề văn: “Lẽ ra tôi có thể cống hiến nhiều hơn cho xã hội và quê hương tôi bằng tác phẩm văn học, nhưng công việc hành chính, sự vụ và không ít thử thách khắc nghiệt của cuộc đời đã bẻ vụn thời gian và bẻ vụn không ít năng lực của tôi. Tôi đang tìm cách để “bù đắp” sự “mất mát” đó từ sau ngày được nghỉ công việc hành chính. Tôi rất e ngại nói “những lời có cánh” mà những điều mình đã và sẽ viết ra biết đâu với độc giả lại tầm thường”.

Năm 1967, “ông giáo Nguyễn Mạnh Tràng” rời quê hương Bắc Giang lên đường vào Nam chiến đấu, trong một đơn vị lính đặc công và được bổ sung về Trung đoàn 5 thuộc Thành thành đội Huế, do ông Thân Trọng Một làm Thành đội trưởng. Trước thực tế cuộc sống và chiến đấu của đồng đội, đôi khi không kìm nỗi cảm xúc tuôn trào, thỉnh thoảng anh lính đặc công có làm thơ đọc cho đồng đội nghe chơi, anh em xúi nên gửi in báo. Đó là con đường đưa người lính đến với văn chương báo chí, và năm 1969, anh về hẳn với báo Cờ Giải phóng và tập san Văn nghệ Trị Thiên - Huế, trở thành nhà văn Nguyễn Quang Hà, tác giả của một sản nghiệp tương đối đồ sộ gồm nhiều thể loại như 17 tiểu thuyết, 9 tập ký sự và bút ký, 3 tập thơ và 1 tập truyện ngắn, trong đó tác phẩm anh viết trọn vẹn về mùa xuân ở Huế là tiểu thuyết tư liệu Lửa kinh thành (2005). Anh cho rằng, trong ngổn ngang của một hiện thực chiến tranh dữ dội và đầy chất sử thi, đôi khi ngòi bút không thể miêu tả hết những phẩm chất cao đẹp, tâm hồn không đủ nhạy cảm để nung nấu tất cả thành nội dung mỹ cảm cho một chỉnh thể nghệ thuật. Ví như, có một chi tiết hết sức cảm động khi đơn vị anh vào thành Huế thời điểm ấy, vì đúng vào ngày Tết nên nhiều nhà đưa cả thúng bánh đặt ở sân, các mẹ, các chị giải thích rằng sợ các anh đói, lại ngại không dám gọi cửa, nên để sẵn đó. Đã cho ăn no, đến khi đi, còn gói để mang theo. Anh còn nhớ, khi đơn vị đặc công của anh về đến đầu cầu Kho Rèn, có một chiếc xe tăng của địch án ngữ bên kia cầu bắn dữ quá, không qua được, phải vòng về phía An Cựu, bơi qua sông để đánh chiếc xe tăng và tiến về Bưu điện, theo đường Lý Thường Kiệt... “Hồi đó, chúng tôi vào vùng ngoại thành, ban ngày nằm hầm, ban đêm mới lên đi hoạt động, tuyên truyền móc nối cơ sở, nắm tình hình, bốn giờ sáng lại chui xuống hầm. Ở đồng bằng lúc đó chỉ có du kích hoạt động bí mật, làm những công việc bình thường, chuẩn bị đón Tết như bao nhiêu người dân khác. Không phải bây giờ nói quá để lấy lòng, nhưng quả thật những người mẹ, người chị ở xứ này quá tuyệt vời. Khi lính bất ngờ ập vào lục soát không kịp xuống hầm, bàn thờ ngày Tết các mẹ vẫn cho nằm trốn trên đó, thả bức sáo xuống che lại chờ lính đi qua”. Những chuyện này, khi đó anh còn là người lính, chưa biết sống chết khi nào, lại là lính biệt động không được phép ghi nhật ký, cũng chưa có ý thức của một nhà văn, nên không nghĩ sau này sẽ trở nên hình hài đi vào trang sách. Chính những người mẹ người chị, hoặc những đồng đội đã ngã xuống, đã đặt cây bút vào tay và là động lực thúc giục anh viết. Đơn vị đầu tiên của anh là đại đội Ngô Gia Tự, gồm 155 người, tất cả đều là giáo viên, đến kết thúc chiến tranh sau năm 1975, chỉ còn 25 người, hầu hết đều là thương binh... Vì vậy, khi đã trải qua một thời trận mạc, bị thương mấy lần, đang làm trợ lý cho Thành đội trưởng Thân Trọng Một, anh em đến xin anh về làm báo (1969), anh trở thành người lính không chỉ cầm súng, mà còn cầm bút, với một ý thức rõ ràng: phải viết để trả nợ cho đồng đội và nhân dân. Khi đã đi qua cuộc chiến tranh dài, ngoảnh lại thấy vẫn còn những kẻ thù lăm le biên giới, người lính trong anh lại thức dậy vào mùa xuân 1979: “Hỡi súng của tôi xin tạm biệt/ Súng đã thương, tôi xin chung thủy với đời/ Mười tám tuổi tôi đi vào lửa/ Ngã xuống ngang đường, chuyện nhỏ thường thôi (...) Tôi biết rồi thời gian sẽ xóa đi tất cả/ Tên tôi tên anh trên bia đá sẽ mờ/ Nấm mộ đất sẽ trôi theo năm tháng/ Chỉ cỏ xanh rờn vẫn nguyên sơ/ Giữa quên lãng dưới cỏ xanh hoang dại/ Tôi nằm đây chỉ là giấc ngủ dài/ Kẻ thù lấn biên cương súng ơi hãy nổ/ Tiếng súng gầm là tín hiệu gọi tôi” (Lời người lính - Nguyễn Quang Hà).

Nhà văn thường ít nói về mình. Họ chỉ nói bằng tác phẩm. Cả ba cây bút từng một thuở chiến chinh trận mạc, ít nhắc đến kỷ niệm ở rừng, lại thích nói về ân tình nghĩa cả với đồng đội, với nhân dân. Dường như đó là lẽ sống của người từng tham chiến, đối lập với sức mạnh của đạn bom và cái chết, và cũng chính vì lẽ đó mà họ đến với văn chương, cho dẫu không hề có chủ tâm lấy văn chương làm sự nghiệp ở đời. Trong đó, Tô Nhuận Vỹ đã được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2012), Nguyễn Quang Hà và Hà Khánh Linh, đang được xét duyệt (2020). Một trong những tác giả có Giải thưởng Nhà nước sớm nhất (2001) là Nguyễn Khoa Điềm, người có tập sách đầu tay, cũng là tập văn xuôi duy nhất của anh là ký sự Cửa thép, cũng viết về mùa xuân 1968 ở Huế, người từng nói rằng, “Tôi có ba mùa viết: mùa kháng chiến, mùa hòa bình và mùa trở lại vườn cũ trong tư cách một người nghỉ hưu”, đến nay có lúc cũng nhìn thấy mùa xuân như một bức tranh thủy mạc mang vẻ đẹp dân dã của làng quê: “Mùa xuân, là mùa xuân đấy/ Thả chim, cỏ nội hương đồng/ Đàn trâu bụng tròn qua ngõ/ Gõ sừng lên mảnh trăng cong” (Miền quê - Nguyễn Khoa Điềm). Trước đó, sau chiến tranh, cũng có một thi nhân từng lăn lộn qua hai cuộc kháng chiến ở đất này, trước khi trút hơi thở cuối cùng, bỗng cảm nhận được vẻ đẹp lộng lẫy của sức sống mùa xuân sáng bừng lên như ánh đèn vụt sáng: “Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc/ Ơi, con chim chiền chiện / Hót chi mà vang trời/ Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng/ Mùa xuân người cầm súng/ Lộc giắt đầy bên lưng/ Mùa xuân người ra đồng/ Lộc trải dài nương mạ/ Tất cả như hối hả/ Tất cả như xôn xao...” (Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải). Trong dịp kỷ niệm ngày giỗ lần thứ bốn mươi và chín mươi năm sinh của Thanh Hải (15/12/2020) vừa qua, chính nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng thừa nhận rằng, Thanh Hải là lớp văn nghệ sĩ đầu tiên của văn học giải phóng miền Nam. Xin được nhắc thêm rằng, trong những mùa xuân, dù chỉ còn là ấm nóng tro than nhưng đong đầy ký ức, ngấm qua thời gian và chảy tràn qua từng con chữ, chỉ có cái “mùa xuân nho nhỏ” khá khiêm tốn của Thanh Hải (do Trần Hoàn phổ nhạc) là được lấy làm nhạc hiệu cho Đài Phát thanh Thừa Thiên Huế (nay là Đài Phát thanh và Truyền hình TRT), chứ không có bài nào khác. Cứ mỗi lần nghe chương trình phát thanh chính của đài, cứ như nghe tiếng reo vui của mùa xuân đang về.

P.P.P  
(TCSH384/02-2021)



 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng