Góc Hoài niệm
Đi lại trên những con đường cũ
09:30 | 26/08/2022

NGUYỄN QUANG HÀ
                    Ghi chép

Tôi nhớ làm lòng, như một quyển sách hay gối trên đầu giường, về kỷ niệm trở về mảnh đất xưa đã từng nuôi chúng tôi thời chiến tranh.

Đi lại trên những con đường cũ
Mặc lan - Thủy mặc của Trương Hán Minh

Thấy tôi, mấy mẹ, mấy chị xúm tới, thôi thì đủ chuyện, tíu tít. Một chị chợt hỏi:

- Chú Sáu mấy bữa nay có mạnh giỏi không.

Chú Sáu là cán bộ tỉnh, xưa đã có thời ở vùng này khá lâu, quen thân hầu như tất cả các cơ sở trong vùng. Tôi chưa kịp đáp, một mẹ nói:

- Thằng Sáu nó chết rồi, còn đâu mà mạnh giỏi.

Cuộc đối thoại tiếp sau đó làm tôi điếng người:

- Chết khi mô?

- Chỉ có chết thì nó mới không thấy lai vãng về thăm bà con mình, chứ còn sống thì nó đã về nát đường rồi.

Đó là cách các mẹ nói lẫy về cái thói vô ơn của một số cán bộ cũ. Thật ra anh Sáu đang còn sống. Riêng với tôi, đi là một bài học nhớ đời. Bài học ấy luôn luôn nhắc tôi không được hỗn với quá khứ, không được bạc với những nơi chốn đã chở che, đã nuôi dưỡng mình.

Hai chữ nơi chốn chung chung, với nhiều kẻ đó là những chữ vô hồn. Còn với tôi, hai chữ đó không thể nói bằng lời.

Đó là nơi ông già miền núi người Ka Tu đóng khố, da đen đủi, mái tóc lơ phơ những sợi bạc, đôi mắt hoang dã như núi rừng, đôi bàn tay khum khum ngửa ra trước mặt tôi nói bằng những câu tiếng Kinh chưa sõi: "Con có muối cho bố mấy hạt để bố bồi dưỡng". Chính ông già đói muối ấy đã chấp nhận ăn lá rừng, ăn củ rừng, nhường cho bộ đội cả nương sắn duy nhất của gia đình mình.

Đó là nơi có người mẹ đã nuôi bọn tôi trong hầm bí mật. Khi có điệp báo, bọn cảnh sát kéo về đầy nhà: "Hầm Việt cộng đâu?". Bà lắc đầu: "Ở trên rừng!". Đòn roi mấy mẹ cũng không khai; cuối cùng chúng cuộn bà trong tấm tôn, lấy thép khằng lại. Dùng sơn đốt dần dần từ xa đến gần, hòng dùng sức nóng của lửa uy hiếp tinh thần bà. Bà đã cắn răng chịu chết nóng để giữ yên căn hầm bí mật trong nhà. Tối, anh lên, mở tấm tồn ra, mở đến đâu da thịt bà dính vào tồn đến đó. Anh và đồng đội đành đặt cả cuộn tôn ấy vào quan tài chôn mẹ. Tân - bạn tôi - anh nói: "Đấy là người mẹ thứ hai của mình, dẫu có đi đâu thì mình cũng phải về với mẹ. Ngờ đâu ít ngày sau Tân chết. Anh bị phục kích ở Đồng Lâm, địch kéo xác anh ra phơi ngoài đường quốc lộ. Đêm ấy bà con Đồng Lâm ra cướp xác anh đem về chôn.

Đó là nơi có người phụ nữ bên phá Tam Giang. Chồng chị là du kích. Đêm trước anh dẫn bộ đội về đánh quận Vĩnh Lộc. Ngày hôm sau địch bắt chị lên đồn đánh trả thù. Cái đòn khủng khiếp nhất là chúng cuộn bông vào đầu que nhúng xăng châm lửa. Chúng dùng cả ngọn lửa cháy ấy đâm vào cửa mình của chị với lời hằn học: "Để cho mày khỏi đẻ ra những thằng Việt cộng con". Chồng chị hy sinh. Chị sống một mình, với nỗi đau không bao giờ tan trong lòng...

Những nơi ấy chúng tôi phải về. Nếu không về, quả thật chúng tôi cũng không phải là con người nữa. Rất mừng là càng những cuộc về sau trở về, thay cho những lời ca thán, chúng tôi đã gặp lại nụ cười. Nụ cười của sự hồi sinh ngay từ trong tâm hồn.

Tôi thấy cần kể ngay ra đây một sự đối lập ngay vào mắt mình, không cần một lời bàn. Đó là chỗ đóng đồn Khe Tre xưa của Nam Đông, và chỗ Kăn Tè dẫn du kích vào tập kích quân ngụy ở A Lưới, hai nơi ấy mọc lên hai cột ăng-ten của hai đài truyền hình, tiếp sóng từ trung ương đưa đời sống về cho đồng bào dân tộc. Nhớ thời kháng chiến ở đây, bao giờ cũng phải giấu kín ngọn lửa, đi ra ngoài, cầm cây củi huơ huơ cho ánh sáng trên đầu lẻ củi lóe sáng tìm đường đi. Bây giờ đường điện cao thế đã kéo lên đến Nam Đông, và điện cũng đã lên đến A Lưới trong quy hoạch của ngân sách và giấy tờ.

Tập tục của đồng bào dân tộc xưa, xong mùa lúa rẫy, họ vào rừng săn bắn, bẫy con mang con nai, lấy mật ong, khi thiếu ăn thì cả cha con đào củ rừng qua ngày. Cũng có thể nói rằng một mô hình kinh tế thật lý tưởng cho miền núi chưa thật chắc chắn, nhưng cây chè, cây cao su đã tràn trên đất Nam Đông. Cây quế, cây thông là màu xanh chính của A Lưới. Điều bất ngờ với tôi, xưa bà con dân tộc với cây vợt trong tay lặn lội đầu suối cuối rừng, khi cần thì đập một loài vỏ cây độc sần sùi như da cóc. Nước chảy mang nhựa vỏ cây này đến đâu, cá chết đến đấy. Ngày nay hầu như gia đình nào ở A Lưới cũng đắp hồ nuôi cá! Khách đến giăng lưới bắt trắm cỏ đãi khách là chuyện bình thường. Dẫu sao đó cũng là những tiền đề. Như đàn hươu sao lâm trường A Lưới đang nhân giống, nuôi hươu để lấy nhung đã trở thành một khát khao của nhu cầu.

Để hòa nhập miền xuôi, cả Sở Giao thông tỉnh tập trung hoàn chỉnh hai con đường nối Khe Tre với La Sơn và A So nối thẳng về Huế. Đường đã thông. Còn nhiều đoạn phải tu sửa, nhiều đoạn đã hoàn chỉnh, nó đã qua giai đoạn khởi công mà đang tiếp tục gọi vốn để trọn nghĩa vẹn tình.

Trở lại Nam Đông - A Lưới lần này tôi vui nhất là cả hai huyện đã xây xong trường phổ thông cấp II, III của huyện. Nhà hai tầng, khang trang, con em đồng bào dân tộc được tổ chức ở nội trú trong trường. Từ chiếu, màn sách vở, cho tới tiền ăn học đều được Nhà nước chu cấp trăm phần trăm. Khi các em đậu vào đại học cũng được chăm sóc ưu tiên số một. Chủ tịch huyện A Lưới anh A Prui là kỹ sư nông nghiệp. Nói tới những chuyện đó vài chục năm trước ở cái vùng ta thường dùng nhóm từ đầy bài bác: "rừng sâu, nước độc", "khỉ ho cò gáy" này quả thật là một biến đổi. Công trình đầu tư về tinh thần như thế này, không thể nói ngày một ngày hai. Chỉ tiếc các em học sinh người dân tộc hầu như thoát ly không mặc áo quần dân tộc nữa, tôi có cảm giác mất đi một cái gì thiêng liêng rất cần tìm lại.

Có lẽ tôi đã dùng con mắt của quá khứ để nhìn hôm nay đầy lạc quan đó sao. Song thực tế nó vẫn là thực tế. Nơi trận địa pháo La Sơn cũ, giờ đây là xí nghiệp sản xuất gỗ dán. Nơi trận địa pháo khét tiếng nhất đối với rừng xanh ở cây số 17, mỗi khi bắn, bắn cả bầy đạn chứ không bắn từng quả, giờ là công trường rầm rộ đang xây dựng nhà máy xi măng liên doanh với nước ngoài, công suất 500 nghìn tấn một năm. Còn bãi bắn An Hòa xưa đã mọc lên xí nghiệp cơ khí và gỗ ép... Qua Hải Vân Quan xưa, Trịnh Tố Tâm đã trở thành anh hùng đánh mìn trên đường giao thông của địch, chất độc tàn phá không còn một bóng cây cho quân giải phóng có chỗ che khuất, khu vực 9 hầm, chín hầm chứa đạn của Nhật trở thành 9 trạm lao cầm tù những người kháng chiến, rồi đến căn cứ quân sự Đồng Lâm. Nền xi măng đang còn đó, nhưng cả Hải Vân, cả Chín Hầm, cả Đồng Lâm đã xanh tốt thành rừng. Rừng thông và bạch đàn.

Tới Chín Hầm, ngoài mấy cục xi măng lăn lóc, không ai nghĩ xưa nơi đây là vùng khủng khiếp. Con mắt quá khứ của tôi có cái gì đó như sự âm vang tự nói với mình: "Thời thế đang đổi khác rồi".

Một sự đột biến khá rõ tôi cũng nhận ra, đó là phá Tam Giang. Dân Tam Giang lang thang như dân du mục trên thảo nguyên. Vợ chồng con cái trên con đò nay đây mai đó. Vô định. Cây cờ phướn màu đỏ ta vẫn gặp trên phá bây giờ, nó vừa là cờ phân ranh giới để tế thủy thần, cũng vừa là tín hiệu nhắn những người lang thang tụ tập trở về theo qui định của cộng đồng. Thời chiến tranh mỗi lần qua phá Tam Giang là một lần gay go quyết liệt. Có khi mười lăm phút, có khi nửa tiếng tàu địch lướt qua, đèn sáng lóa trời, kiểm tra gắt gao trên mặt phá. Mỗi lần gặp tàu địch phải nép vào sáo, có khi chỉ để mũi lên thở, tàu địch qua mới tiếp tục tìm cách vượt nước non qua Vinh Thanh, Hà Úc.

Cuộc sống của người dân đầm phá hoang dã tới mức có những chàng trai khó kiếm vợ, đem tôm cá lên chợ bán, gặp những cô gái thất cơ lỡ vận rủ về đò mình, rồi đưa cô ra tít xa, cho đến khi cô chịu chấp nhận là vợ, mới được anh tin cậy chở vào đất liền. Cho đến tận những ngày gần đây, đánh bắt trên phá Tam Giang vẫn là cách đánh bắt truyền thống xưa bày, nay làm, kể cả việc đơn sơ nhất, kiếm cành tre cắm chà thành từng cụm cho cá qua đường có chỗ dừng lại "nghỉ chân", rồi quây lưới lại bắt. Hoặc đêm đêm xuồng thắp ngọn đèn sáng trưng đi men bên bờ, gặp cá, cá dừng lại mắt đóng đèn, đúng cái phút con cá ngỡ ngàng mơ màng ấy, thì một ngọn chĩa ba lao xuống rất chính xác, con cá bỗng tan giấc mơ, vùng vẫy, sống những giây phút cuối cùng. Biết bao điều thú vị trên con phá duy nhất của đất nước này, bỗng cả phong trào đắp hồ nuôi tôm như một làn sóng chuyển mạnh. Mặt phá rộng 23 nghìn héc ta, 8000 héc ta có khả năng đắp hồ. Chỉ trong vòng ba năm 700 héc ta hồ nuôi tôm đã được khoanh vùng. Hậu quả thật khả quan. Các hồ nuôi, nếu tính giá trị, một héc ta tôm bằng năm héc ta lúa. Đời sống lang bạt giang hồ đã được neo lại, như hồ nuôi tôm của mình. Cái lo nhất của người sản xuất là đầu ra, thì một nhà máy đông lạnh ra đời, có thể gọi đó là bà đỡ của ngành thủy sản Thừa Thiên. Cuộc sống mới trên phá Tam Giang cũng đã bắt đầu. Điều quan trọng trước mắt là tổ chức và đầu tư như thế nào đây.

Bên cạnh nhà máy đông lạnh, một loạt các nhà máy khác cũng đã ra đời. Nhà máy Sợi Huế, nhà máy bia, nhà máy xi măng, nhà máy sản xuất ti tan... Thuận lợi nhất là nhà máy bia, nó được đầu tư khá thỏa đáng, được liên doanh và đáp ứng ngay được yêu cầu của thị trường. Hiện Huda là đơn vị đóng ngân sách nhiều nhất cho tài chính của tỉnh. Nhưng nếu nói về nhu cầu dân sinh ở một dạng khác - nhà máy sợi có ý nghĩa hơn. Ngay từ đầu nhà máy sợi đã truân chuyên. Có lúc thiếu vốn phải vay vốn của công nhân, có lúc hàng đọng phải đôn đáo tìm thị trường ở khu vực hai. Để đáp ứng yêu cầu chất lượng phải thay đổi một loạt máy móc... Nhà máy sợi Huế xứng đáng là đơn vị kinh doanh tự lo toan để đi lên. Nay mai nhà máy sợi ra đời, hiệu quả của nó sẽ rất đáng mừng. Đến như nhà máy ti tan, nguyên liệu có sẵn trong cát ven biển, chỉ việc tách cát ấy ra, lấy những khoáng chất có ích. Một việc nhỏ này để thấy, ta có tiềm năng, nhưng khai thác tiềm năng ấy như thế nào - quả là điều phải có một con mắt nhìn - vừa mới mẻ, vừa thoáng; song để có cái nhìn ấy, một điều không thể coi thường, không thể chủ quan, đó là phải có tri thức. Tri thức sẽ là chìa khóa mở ra những gì là cần thiết.

Nhân nói về tri thức, tôi sực nhớ có câu thơ như một châm ngôn:

"Để quyền hành rơi vào tay nhng thằng dốt nát
Chúng không ngần ngại gì giết chết cả trời xanh"

Câu thơ ấy chỉ khẳng định tri thức cần thiết như thế nào cho việc "đổi mới" "sáng tạo" như câu khẩu hiệu chiến lược của chúng ta. Tôi nghĩ tới điều này, bởi một kỷ niệm xưa chợt quay về. Đó là lần lên rừng bị mưa to, gió lớn. Mái nhà kho bị giột. Một số hàng hóa trong kho bị ẩm. Trong đó có những hộp giấy ảnh cỡ 40 x 60. Bởi có tinh thần trách nhiệm, anh mở hộp giấy ảnh, gỡ ra từng tờ đem phơi khô. Ý thức của anh thật tốt. Nhưng không có trình độ, nên anh không hiểu rằng giấy ảnh bị lộ sáng sẽ hỏng toàn bộ. Khen anh cũng được, mà chê anh cũng không sai. Cái anh đang thiếu là tri thức kia mà. Một nỗi khổ phải gánh chịu thật đau lòng.

Đi giữa đường phố Huế hôm nay, nhiều lúc tôi nhớ về một kỷ niệm cũ. Ấy là khi đọc di chúc của Bác Hồ có những câu: "Còn non còn nước còn người. Ngày mai ta sẽ xây dựng hơn mười hôm nay", hoặc câu "ngày mai ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Chúng tôi không hiểu hết ý nghĩa quyết giành lại độc lập, thống nhất cho dân tộc, mà hiểu theo ý khác! Một bạn nói:

- Thì từ nay chúng ta không cần chi bắn pháo vào khu tam giác nữa. Mà ở Huế chỗ nào bắn vào cũng được.

Chả là, trước cứ tiếc những công trình kiến trúc của Huế, nên mỗi lần nhận lệnh bắn pháo vào Huế, chỉ được bắn vào khu địch đóng quân thôi. Dù chúng đóng ở khu vực văn hóa thì cũng phải tránh. Lúc ấy ông Thân Trọng Một chỉ mắng anh bạn tôi một câu:

- Tao không thấy ai dốt như mi hết!

Câu nói như một quyết định. Chúng tôi không hề nã pháo vào những tọa độ có di tích lịch sử. Mấy chục năm qua sống ở Huế, đi hầu hết lăng tẩm, đền đài, đình tạ, miếu mạo… mới thấm thía những gì đã mất mát trong cả cái quần thể kiến trúc này. Chỉ tính cái tan hoang của lăng Gia Long, sự sụp đổ của điện Càn Thành, Cần Chánh, sự hoang phế của Hổ Quyền, Văn Thánh... cũng đã đủ ngẩn ngơ cả người. Tôi nhớ cánh rừng Mụ Nú bên sông Tả Trạch, ở đó, giữa rừng còn có những khúc gỗ kiền kiền, vừa to, vừa dài, vuông vức nằm đó, phần ngoài đã bị mục, nằm ngay cạnh đường voi kéo gỗ xuống sông đóng bè đưa về xây dựng kinh đô, mới càng hiểu những công trình kiến trúc tốn kém biết nhường nào. Trong tình cảnh này, không biết đến bao giờ có lại hoàn chỉnh kiến trúc một kinh đô để con cháu sau này thấy được đầu óc tài nghệ của ông cha mình.

Mấy năm nay một số công trình đã được tu tạo lại như Lầu Ngũ Phụng, Điện Thái Hòa, Thái Bình Lâu.. gần đây nhất là sửa sang lại kỳ đài... tốn kém quá, mà ta thì nghèo. Rất may Huế đã lọt vào mắt xanh của các nhà văn hóa thế giới, nhiều nhà văn hóa danh tiếng đã tới, hội nghị văn hóa phi vật chất của quốc tế tổ chức tại Huế giúp ta nhìn nhận lại chính mình. Lò gạch và đồ tráng men cổ như mặt hàng ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly của công ty di tích đã đóng góp một phần đáng kể cho việc tu tạo lại thành đô.

Năm 1994 UNESCO tặng bằng công nhận quần thể di tích Huế là tài sản văn hóa nhân loại, quả thật là một vinh quang cho miền đất đế kinh này.

Để khẳng định một vùng đất, trường văn hóa nghệ thuật có nhiều công sức tìm tòi lại được vốn nghệ thuật cổ và đào tạo một loạt nghệ nhân trẻ xứng đáng với cha ông, như tuồng, ca múa cung đình và ca Huế. Hầu như cuộc liên hoan văn nghệ nào của nhà nước được tổ chức, lần nào Huế cũng giành được những phần thưởng xứng đáng. Điều không thể không nói tới là bảo tàng tỉnh khai quật di chỉ Cồn Ràng tìm được dấu tích văn hóa Sa Huỳnh và gần đây lại tìm được trống đồng Đông Sơn ngay trên đất Thuận Hóa. Rõ ràng biết bao tiềm ẩn ở một vùng đất đang đòi hỏi thế hệ con cháu đưa những bí mật ra ánh sáng.

Trên đường phố Huế đầy khách trong nước, ngoài nước. Khách tới ngày một đông. Nhiều khi khách sạn nhà nước, khách sạn tư nhân không đủ chỗ cho khách nghỉ ngơi. Một chi tiết ấy thôi, đủ thấy Huế hấp dẫn biết nhường nào.

Có một con số, nói ra không ít người không giật mình, đó là 700 chiếc chống bằng gõ đang chống đỡ các công trình cho khỏi sụp đổ. Thế thôi cũng đủ thấy Huế đang bề bộn biết nhường nào.

Câu hát của Trương Tuyết Mai: "Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được". Đúng Huế có những nét đẹp hấp dẫn. Song nói như Trương Tuyết Mai làm không ít khách vãng lai hoài nghi, bật nét cười ruồi. Và không ít người cũng cảm thấy thẹn thùng vì sự tự hào là đúng song nếu tự hào lố lăng thì quả là...

Có nhiều điều khách đến Huế không hề quan tâm. Nhưng chúng tôi mấy chục năm sống trên đất này, cái nơi cưu mang chúng tôi nhiều nhất là đồng quê. Trên đây, tôi có nói, những nơi gặp lại, đã thấy nụ cười là chính chốn đồng quê này. Đã có nhiều người phát biểu có ý nói: đất này nghèo nên cách mạng đến cùng. Đúng là đất nghèo thật. Phía đông là cát trắng của biển xanh, phía Tây là đất đồi Trường Sơn. Cánh đồng quá hẹp, lại dốc, mỗi trận mưa, nước cuốn chất phì làm đất bạc màu. Năng suất lúa trung bình 14 tạ một héc ta.

Từ ngày giải phóng, hạt lúa cũng đã làm một cuộc cách mạng đáng kể. Giống CR 203, khỏe, chống rầy, năng suất cao. Có nơi đạt 80 tạ một héc ta. Để giành giật hạt lúa với nắng mưa bất kỳ, giống MT61 giảm hẳn một tháng trong quy trình sinh nở. Mới nhất đây, để chạy đua và quyết thắng thời gian, giống lúa thơm B10 từ ngày gieo hạt, tới khi gặt chỉ 70 ngày. Lúa thơm B10 ngon như gạo de An Cựu xưa. Năng suất đang kém, nhưng hiệu quả cao, giá một cân gạo lúa thơm B10 này gấp đôi các loại gạo bình thường khác.

Những bồ khoai khô, sắn khô đã thay bằng bồ lúa, cảnh ăn độn quanh năm, hay giáp hạt hầu như không còn, chế độ khoán được sự đầu tư hỗ trợ của kỹ thuật đã thay đổi hẳn nếp sống trên đồng đất Thừa Thiên. Nhất là trong vòng hai năm qua, một nửa số xã trong toàn tỉnh đã vĩnh viễn thay đèn dầu bằng ánh sáng điện từ Hòa Bình chuyển về. Loại ánh sáng mơ ước ngàn đời mới có, đang là hiện thực, góp một phần quan trọng, hết sức có ý nghĩa đổi thay ngay từ tập tục, tới cuộc đời mỗi gia đình nông dân.

Có thể khẳng định ở Thừa Thiên, vùng nông thôn đã đổi khác. Tôi trở lại Hòa Mỹ, nơi chiến khu xưa, chị chủ nhà bảo tôi:

- Đập Quao có nước. Chúng tôi được mùa mấy vụ liền. Chú ở đây với vợ chồng tôi cả tháng cũng không phải ăn độn bữa nào nữa.

Tôi lên khe Quao hiu hắt xưa, gặp hồ Quao mênh mông, tưới cho trên 2000 héc ta lúa. Xuồng đánh cá quăng lưới trên mặt hồ treo, giống như thế giới của một chuyện cổ tích. Từ đây nhìn xuống cánh đồng chua mặn phía đồn Đất Đỏ xưa dân đang dãn ra, mở đất theo dòng mương chảy. Câu thơ của hai chục năm trước:

"Gian khổ hôm nay là hạnh phúc ngày mai
Dưới mái nhà tranh thp thoáng bóng lâu đài"

Như một nỗi niềm tự bật trong lòng tôi. Nhờ chuyến đi lại những vùng đất cũ, tôi như thấy ở đây những ước mong của chính mình. Xưa, vào ấp chiến lược chúng tôi nói với các mẹ:

- Hòa bình rồi sẽ hạnh phúc mẹ ạ.

Nhớ lại câu ấy, tôi thấy mình bất hổ thẹn vì đó không phải là một câu nói dối. Đất nước mình phải đi lên là tất nhiên, Bác Hồ chẳng nói đó sao: "Có độc lập, tự do mà thiếu cơm ăn, áo mặc, trẻ con không được học hành thì độc lập tự do ấy mà làm gì".

Trên con đường cũ, chẳng đang hóa thân trước mắt tôi đó sao.

N.Q.H
(TCSH74/04-1995)

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Ký ức mùa thi (08/07/2022)
Tiếng chim tu hú (27/05/2022)