Góc Hoài niệm
Một mình tung hoành giữa cố đô
09:32 | 15/09/2022

NGUYỄN ĐÌNH BẢY
(Nguyên Giám đốc Sở Công an TT Huế kể)

NGUYỄN QUANG HÀ ghi
                              Hồi ký

Một mình tung hoành giữa cố đô
Ảnh: Quang Đạt

Sau khi “vỡ mặt trận”, mất Huế, lực lượng cách mạng lên xây dựng chiến khu Hòa Mỹ, rồi Dương Hòa. Ở kinh thành Huế, Pháp đặt lại chế độ bảo hộ. Bọn Việt gian bán nước lần lượt ngóc đầu dậy. Miệng chúng tuyên truyền: “Việt Minh bị tiêu diệt hết rồi!”. Song chúng tổ chức phòng thủ, canh gác Huế rất chặt chẽ. Bất cứ ai ra vào thành phố đều bị khám xét rất kỹ.

Dưới con mắt chúng tôi Huế là một vùng trắng. Bởi không có một chiến sĩ an ninh nào đứng chân, không có một hoạt động gì, im lìm. Anh Trần Việt Châu - giám đốc an ninh Thừa Thiên nói: “Muốn bắt cọp phải vào hang mà bắt”. Câu nói ấy thành quyết định: lực lượng an ninh phải tấn công vào Huế.

Nói là “lực lượng”, tưởng đông lắm. Có ai ngờ chỉ có tôi với sáu chiến sĩ an ninh nữa. Cả sáu người đều mới tuyển từ nông thôn. Chưa ai tường tận đường đi lối lại ở Huế. Song nhiệm vụ là nhiệm vụ, chỉ có tiến lên, không thể lùi bước.

“Làm thế nào bây giờ?”. Quả thật tôi thấy bế tắc, chưa có lối gỡ. Câu hỏi như gánh đá nặng trĩu đè lên vai tôi.

Về đến hậu cứ của Phú Lộc đóng ở Truồi, gặp anh Vẹn, một trong những cán bộ nhanh nhẹn tháo vát đang bám trụ ở địa bàn. Tôi đem nỗi ưu tư của mình tâm sự với anh Vẹn:

- Anh có mối Huế nào giúp tôi được không?

- Có đó - Anh Vẹn đáp.

Tôi hỏi như vồ lấy:

- Ai vậy?

- Một anh giáo làng ở Lộc Bổn. Anh ấy là Tráng Thông.

Tôi mừng quá:

- Trời! Cho tôi gặp Tráng Thông đi.

Tráng Thông cùng học với tôi. Anh thuộc dòng dõi hoàng tộc. Gọi Cường Để bằng chú thúc bá. Cường Để hoạt động trong phong trào Đông Du cùng cụ Phan Bội Châu, thân Nhật. Có lẽ vì thế khi Trần Trọng Kim làm thủ tướng, được che chở dưới bóng thanh gươm võ đạo của Nhật, cháu Cường Để được mời ra làm trưởng ty Thanh niên.

Tráng Thông rất nhiệt tâm. Anh có máu hoạt động xã hội. Ngày còn là học sinh đã tham gia Hướng đạo, là ủy viên chấp hành tổ chức Hướng đạo Trung kỳ cùng ông Tạ Quang Bửu. Anh là thành viên tích cực của từ thiện Phật giáo. Tư cách, dòng dõi cùng các hoạt động xã hội giúp anh có đông đảo bạn bè đủ các thành phần. Uy tín xã hội của anh rất lớn.

Tôi hiểu Tráng Thông kỹ hơn khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ ở Nha Trang. Tôi là một trong những người tổ chức cướp chính quyền. Đúng dịp anh Thông vào Nha Trang thăm chị Lâm Thị Từ Các, vợ anh sau này. Chị Các đang làm hộ sinh ở đây. Gặp cách mạng, khát vọng độc lập trong con người trí thức trong anh như gặp điều anh đi tìm. Người trí thức sống trong cảnh vong quốc nô, độc lập dân tộc đối với họ là tối thiêng liêng. Anh Tráng Thông tham gia ngay vào đội cứu thương chữa chạy, băng bó cho các anh chiến sĩ cộng sản. Lòng yêu nước nơi anh thức dậy, nồng nàn, hết mình.

Pháp trở lại xâm chiếm nước ta, anh Thông không chịu quỳ gối trước kẻ thù, bất hợp tác với chúng. Anh về Nong, quê vợ, ẩn thân mở lớp dạy trẻ làm cái bình phong. Bọn Pháp vẫn muốn tìm anh, dùng uy tín anh, gia thế hoàng tộc của anh để dung hòa những mâu thuẫn xã hội và kiếm cớ mị dân trong vùng tạm chiếm. Anh vẫn lặng lẽ không tỏ thái độ.

Tôi tính, nếu tôi có được Tráng Thông lúc này sẽ lợi hại biết bao nhiêu. Hiện tại ở Huế, Trần Trọng Sanh được Pháp cho làm giám đốc an ninh Trung Kỳ kiêm trưởng ty an ninh Huế. Nếu Tráng Thông bằng cách vận động bạn bè có uy tín với chính quyền ngụy, rất có thể Trần Trọng Sanh sẽ nhường chức trưởng ty an ninh Thừa Thiên cho Tráng Thông. Khả năng ấy có thể lắm.

Chỉ mấy ngày sau anh Vẹn đã dẫn Tráng Thông lên hậu cứ Phú Lộc gặp tôi. Có thể gọi đây là cuộc gặp lịch sử trong bạn bè chúng tôi và nhất là trong hoạt động an ninh của thành phố Huế giai đoạn này.

Sau niềm vui gặp nhau dốc bầu tâm sự riêng tư, chúng tôi cùng phân tích tình hình, đánh giá địch, ta ở Huế, con đường đi tới của cách mạng. Tôi nói với Tráng Thông hết những suy nghĩ của mình. Cuối cùng tôi chốt lại:

- Anh phải tìm cách xin Trần Trọng Sanh cái chức Trưởng ty an ninh Thừa Thiên.

- Để tôi tính những nước cờ cần đi - anh Tráng Thông suy nghĩ rất chín chắn, đầy hy vọng - Chắc là được.

Tôi tin ở con người hành động của Tráng Thông. Nhất định anh sẽ tìm được đường đi. Quả nhiên ít ngày sau, anh Vẹn mang tin lên cho tôi, Trần Trọng Sanh đã đồng ý giao chức cho Tráng Thông. Tất nhiên Sanh đồng ý phải được sự chấp nhận của Tòa giám mục vì Sanh theo đạo Thiên chúa phải chịu phép của nhà thờ, và đặc biệt Sanh phải được sự đồng ý của cơ quan mật thám Pháp. Chúng cũng đã phải tính chán để dùng con bài Tráng Thông. Tính toán gì cũng không ngoài phỏng đoán của chúng ta. Trước khi anh Tráng Thông về Huế nhậm chức, chúng tôi bí mật đưa anh lên chiến khu Dương Hòa gặp anh Trần Việt Châu. Một mặt, qua không khí chiến khu, anh thêm tin tưởng ở cách mạng, mặt khác, để anh chính thức nhận nhiệm vụ quan trọng nơi thượng cấp.

Quả nhiên những ấn tượng mới về cách mạng làm Tráng Thông vui hẳn lên. Anh trở về Huế để lao vào công việc đầy hứng khởi.

Tháng 8.1948, ngày Tráng Thông nhận chức Trưởng ty an ninh Thừa Thiên, tôi vui không có gì tả xiết. Từ một vùng trắng, từ hai bàn tay trắng, tôi bỗng có ngay trụ sở cơ quan an ninh của mình ở ngay trong ty an ninh của ngụy.

Khỏi phải nói những thuận lợi của chúng tôi ào đến như thế nào. Một loạt chứng minh thư từ ty an ninh rất hợp pháp gửi lên chiến khu để tạo điều kiện cho các chiến sĩ an ninh ra vào thành phố dễ dàng. Những người cần được bảo vệ, chỉ cần trưởng ty cấp cho một tấm các riêng, trong đó ghi tên người trong chứng minh thư với một hàng chữ tiếp theo “... là di động viên của tôi", ký tên trưởng ty, đóng dấu bên dưới, được coi là bất khả xâm phạm giữa thành phố Huế.

Những người của ta cài lại trong thành phố, lâu nay nằm im, bây giờ có thời cơ hoạt động trở lại. Anh Vĩnh Tứ là một trường hợp như thế. Vĩnh Tứ là người lấy cung các tù nhân. Đến đây, có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai người. Vĩnh Tứ mớm cung cho các tù nhân cách mạng, để khi xét án, tù nhân không đủ điều kiện ở tù. Cớ ấy, đủ để trưởng ty ra quyết định phóng thích ngay. Một loạt các chiến sĩ của ta trở lại đội ngũ bằng con đường này. Võ Đại Hòa sợ địch bắt, bỏ trốn lên thành phố. Không ngờ thành phố địch kiểm soát gắt gao. Anh bị tống lao. Tráng Thông tha cho Hòa, đồng thời bố trí cho Hòa làm cảnh sát dưới trướng Tráng Thông. Nghiễm nhiên Hòa thành người của ta. Sau này lộ, Hòa vượt lên chiến khu.

Dù bí mật đến đâu, mỗi lần quân Pháp đi càn đều phải lo phối hợp lực lượng liên quân. Thế là lập tức chiến khu biết ngay lực lượng, địa điểm, mục đích trận càn sắp tới, đủ thời gian chuẩn bị sơ tán bảo toàn lực lượng hay đánh trả những đòn đích đáng.

Trường hợp Hồ Minh nhảy lên chiến khu trá hàng nhằm leo cao, chui sâu, bỗng Hồ Minh trở thành cái bẫy ngược lại làm kẻ địch hết đường xoay trở. Hay như Lê Cảnh Xuân, tình báo của ta ở liên khu Năm được phái ra đại diện cho phía cách mạng gặp gỡ Phan Văn Giáo, tổng trấn trung phần. Lẽ ta chỉ gặp tay đôi. Hai bên ngồi đối diện nhau nghị đàm. Đằng này Phan Văn Giáo ngồi một phía như ông chủ. Phía kia Trần Trọng Sanh và Lê Cảnh Xuân ngồi ngang hàng nhau. Từ thế ngồi ấy, cảnh gặp mặt tay ba đầy ép buộc và thất thế ấy đã nói lên điều bất lợi cho cách mạng. Chiến khu nhận được báo cáo tường trình từ nội thị, Lê Cảnh Xuân chịu kỷ luật nặng.

Ở Huế, ngóc ngách nào, cơ quan nào cũng có bạn bè của Tráng Thông. Nay anh giữ chức quyền quan trọng, nhiều người lại tìm đến với anh. Những người có tấm lòng với kháng chiến nhanh chóng nhập được vào dòng chảy cách mạng, trở thành cơ sở, tay chân, tai mắt của Tráng Thông. Đặt biệt anh như một trung tâm của giới trí thức Huế hướng về cách mạng. Vì vậy cả Huế trong tầm tay anh.

Trước tiên phải kể đến Thân Trọng Phước và Lê Khắc Quyến, hai bác sĩ nổi tiếng ở Huế. Hai ông mua thuốc men, bông băng giúp cho cách mạng. Bệnh viện tư của hai ông trở thành bệnh viện thân cận của Tráng Thông. Những thương binh và cả bệnh binh bị trọng bệnh đều được bí mật đưa tới hai bệnh viện tư này và đều được cứu chữa tận tình. Không những vậy, chiếc xe tư của Thân Trọng Phước chở ông về quê trên Nguyệt Biều chiều chiều, trong hòm ắc-quy rỗng ngụy trang chở hàng hóa, báo chí và có lần chở năm khẩu súng lục lấy được của cảnh sát ngụy đưa lên chiến khu. Lê Khắc Quyến còn làm chủ bút tờ báo “Tiến Hóa”, lấy tinh thần hợp pháp tuyên truyền lòng yêu nước, tố cáo chế độ áp bức, hà khắc trong vùng tạm chiếm. Tờ báo ra được bảy số. Anh em trí thức đón nhận nhiệt liệt. Song số tám đã in xong thì bị đình bản.

Hiệu ảnh Tăng Vinh cung cấp cho Tráng Thông nhiều ảnh quý. Tăng Vinh là một phụ nữ Huế đẹp nổi tiếng, lại cầm máy ảnh, rất được nể trọng. Chiếc máy ảnh hợp pháp ấy chụp cả theo yêu cầu của Tráng Thông. Cho nên khi Nguyễn Xuân Thường nhận nhiệm vụ ám sát Lê Quang Phước, một tay sai đắc lực của Pháp, làm trong sở mật thám. Tráng Thông đã có ngay ảnh của Phước cho Nguyễn Xuân Thưởng nhận diện để hành động.

Lê Văn Lan cán bộ của sở thông tin trung nguyên trung phần đã cung cấp những tài liệu tuyên truyền của ngụy. Lan báo cho Tráng Thông địch mới đưa bộ ăm-pli Ti-cốp tới Huế đặt trong nhà thông tin. Nhận được thông tin này. Tráng Thông đã tạo điều kiện cho Lâm Ấm tiếp xúc, lừa tên lính gác, thuê hai xe xích lô chở bộ ăm-pli đi. Đoạn đưa máy xuống đò ở bến Đông Ba, cứ thấy một tên cảnh sát đứng gần đó ngó chừng, Lâm Ấm lo lắm, tuy nhiên vẫn chở hàng về đến Vĩ Dạ. Kể lại chuyện này với Tráng Thông, Tráng Thông nói: “Đó là người của anh cho đi bảo vệ em đó”.

Đến như Trần Xuân Hiến trong tòa tỉnh trưởng, làm thư ký riêng cho Phan Đình Trấp cũng cung cấp tin đều đặn cho Tráng Thông. Trần Thái, em ruột Trần Trọng Sanh, làm di động viên của an ninh ngụy cũng bị Tráng Thông thuyết phục. Trần Thái cậy là em giám đốc an ninh Trung Kỳ, đi đâu cũng đeo súng lục trễ bên hông. Vậy mà chính Thái đã đốt hội chợ mừng chiến thắng của ngụy ở cửa Thượng Tứ. Sau này Trần Thái lên chiến khu trở thành chiến sĩ quân báo tài năng.

Có hai trường hợp thú vị. Tráng Thông đã dùng mưu mẹo vừa thuyết phục, vừa dọa dẫm cưỡng chế để đưa họ vào quỹ đạo của mình. Một là Võ Đại Lương. Lương đánh máy cho tỉnh trưởng. Lương vừa đi làm, có một cán bộ an ninh ập tới đọc tuyên án về tội làm tay sai cho giặc. Tờ tuyên án được để lại gia đình cùng một viên đạn cảnh cáo. Trưa về, Võ Lương sợ quá, tìm Lâm Ấm là chỗ quen thân xin cứu mạng. Lâm Ấm nhận lời, mấy ngày sau Ấm bảo Lương phải nhận làm việc cho cách mạng: “Dễ thôi, mỗi bản đánh máy cho tỉnh trưởng gửi một tờ cho cách mạng”. Lương trở thành cơ sở của ta. Trường hợp thứ hai, nhà báo Phạm Bá Nguyên. Phạm Bá Nguyên giàu, con quan trong triều đình. Nguyên làm tờ báo Công Lý. Công Lý chửi cả Pháp, Ngụy, Việt Minh. Cả hai phía phải tranh thủ Nguyên. Cuối cùng Phạm Bá Nguyên đã nhận lời Tráng Thông đưa cả nhà máy in cùng công nhân, tất nhiên có Phạm Bá Nguyên, lên chiến khu làm báo cho cách mạng.

Tiếng nói của Tráng Thông ở Huế có uy tín đến như thế. Nhờ có giấy tờ của Tráng Thông, các chiến sĩ đội công an xung phong do Phan Đàn phụ trách ra vào Huế như đi chợ. Cơ sở của Tráng Thông ở Huế lại nuôi dưỡng che chở cho các anh. Chính vì vậy, những tiếng súng diệt ác tại Huế làm chúng kinh hoàng. Đầu tiên tiếng súng bắn Lê Quang Phước. Phước may thoát chết, giải nghệ mật thám, chạy khỏi Huế đi tu.Tiếp đến súng ngắn dí vào tận ngực bắn chết Trần Đình Hạnh, Cao Hữu Thưởng, Bửu Hiệp, toàn những tên tay sai đắc lực cho Pháp.

Phan Hữu An nhân viên ty Thanh niên, đêm trèo lên cửa Chánh Tây thả dây xuống kéo Phan Đàn mang đầy đủ súng ống vào thành. Đêm ấy An bố trí cho Phan Đàn ngủ ở lầu nhà Hoàng Tùng Đệ. Hôm sau Đàn mặc quần áo cảnh sát khoác súng, đạp xe trong nội thành để quan sát khu nhà bộ Lễ Phan Đình Trấp đang ở. Chiều, cơm xong, vợ con, bạn bè Trấp xoay quanh chiếu giữa nhà đánh mạt chược. Phan Đàn được cơ sở hướng dẫn, tiếp cận được mục tiêu, kê súng lên bình phong, bắn hết cả băng đạn. Bọn người đánh mạt chược tan tác, gẫy ghế, gẫy bàn. May bảy đời nhà Phan Đình Trấp, Trấp thoát chết, nhưng từ đấy, hồn vía lên mây.

Việt Minh không bị tiêu diệt mà đang là nỗi hoảng sợ của Pháp, Ngụy, nhất là những tên ác ôn đầu sỏ, không còn biết chỗ nào là nơi an toàn cho chúng. Những hoạt động tại kinh thành ngày một mạnh. Từ việc lấy bộ đồ mổ trong bệnh viện, tới bắt Hân ở cầu Lòn. Từ lấy máy chữ ở Ty Thanh niên, Ty Cứu tế, đến giết Hà Văn Lan phó thủ hiến Trung Kỳ ngay tại trong phòng làm việc của hắn làm Huế thức tỉnh. Mặt trận Liên Việt được thành lập ngay trong hàng ngũ trí thức. Chị em chợ Đông Ba cùng nhân dân Huế vận động nhau góp tiền nuôi cuộc kháng chiến. Người có tiền góp tiền. Người có vàng góp vàng. Tiền, vàng ấy trở thành hàng hóa cần thiết đưa lên chiến khu. Phong trào “mùa đông binh sĩ” nối lòng dân với cách mạng. Nhà nào cũng may một tấm áo, góp với nhau lại, gửi lên cho những chiến sĩ thân yêu.

Vị trí của Tráng Thông thật đúng với mong ước của chúng tôi. Có thể nói rằng, dẫu có sự hỗ trợ từ bên ngoài, dân Huế có ý thức yêu nước, trí thức Huế khát vọng độc lập, song ở giai đoạn và hoàn cảnh này một mình Tráng Thông đã tung hoành giữa cố đô. Nếu không phải là anh, ai chiếm được vị trí ấy. Nếu không phải là anh, sao có được đội ngũ cơ sở tinh nhuệ đến thế. Không thể kể hết những gì hết sức cụ thể Tráng Thông đã làm cho cách mạng lúc này, phải khẳng định rằng đóng góp của anh là rất lớn lao.

Vậy mà cuộc đua của chúng tôi, như người ta hay dùng ngôn ngữ này để nói: đứt ngựa giữa dòng. Cả ngành an ninh Huế chúng tôi là nạn nhân của sự sơ suất đáng trách của một cán bộ công tác ở ủy ban kháng chiến trên chiến khu. Anh ấy viết thư cho người yêu ngoài phong bì lại đề nhờ “anh Năm, Trưởng ty an ninh Thừa Thiên chuyển giúp”. Lá thư ấy bọn địch lục thấy trong người liên lạc của chúng ta từ chiến khu về. Trưởng ty an ninh Thừa Thiên Huế chúng lạ gì. Sao lại là anh Năm, sao thư lại trong tay liên lạc Việt Minh. Không hoài nghi làm sao được?

Lập tức anh Tráng Thông bị mật thám bắt. Dĩ nhiên chúng đâu biết Nguyễn Năm là mật danh hoạt động của Tráng Thông. Chúng không đưa anh vào lao Thừa Phủ, mà đưa về trại giam Canh Nông. Anh bị tra điện và lục vấn luôn mấy ngày. Anh Thông chỉ một mực: "Các anh định hại tôi, đặt điều cho tôi chứ cơ sở đâu”. Không có chứng cứ để kết tội, cuối cùng chúng phải thả anh. Truất quyền Trưởng ty an ninh của anh. Anh bị chuyển sang Ty cứu tế, làm nhân viên một cơ quan từ thiện.

Về Ty cứu tế, biết bọn mật thám theo dõi, anh vẫn bám chặt các cơ sở tiếp tục hoạt động. Tuy biết chắc, sớm muộn thế nào cũng bị bắt, vừa đề phòng, anh vừa củng cố phong trào. Bọn mật thám coi lại hồ sơ nhà giam. Những kẻ chúng nghi ngờ thì anh lại thả nhẹ nhàng. Coi lại những hoạt động của anh đầy nghi vấn. Tạm đủ chứng cớ để không làm lọt một cán bộ cộng sản nguy hiểm, chúng ập tới bao vây nhà anh. Rất may anh không có nhà, đang đi uống cà-phê. Lâm Ấm liền cho người đi tìm anh rồi hai anh em đạp xe ra cửa Đông Ba đến tá túc ở nhà Đỗ Đình Cường, nhà văn, trên đường Hàng Bè. Hai ngày sau cuộc vây ráp lùng sục vãn, anh Tráng Thông và Lâm Ấm lên hẳn trên chiến khu.

Ở chiến khu, Tráng Thông làm tổ trưởng điệp báo. Có nhiều thành tích. Song công lao vang dội của anh là khi đang ở nội thành. Mấy chục năm qua rồi, tôi vẫn nhớ anh như anh đang đứng trước mặt tôi đây. Anh đã lập nên những kỳ tích buổi đầu. Bác Hồ tặng ban điệp báo Huế chiếc áo bông Người đang mặc. Ngẫm lại, vinh quang đó phải thuộc về anh là chính, anh Tráng Thông ạ.

N.Đ.B
(TCSH79/09-1995)

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Ký ức mùa thi (08/07/2022)