Góc Hoài niệm
Phỏng vấn bạn đọc nhân kỷ niệm 10 năm Sông Hương
10:15 | 25/05/2023

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên chúng tôi có làm một cuộc phỏng vấn nhỏ, thực chất là các buổi trò chuyện cùng một số bạn đọc mà chúng tôi có dịp gặp gỡ được. Thành thật, chúng tôi không đi tìm kiếm những lời khen, mà chỉ mong muốn đón nhận những chỉ bảo chân tình, xây dựng. TCSH xin được bày tỏ lòng cảm ơn đối với các anh, chị đã gửi ý kiến của mình tới tòa soạn; và hy vọng rằng sự quan tâm đáng quý này của độc giả dành cho TCSH chúng tôi không chỉ trong dịp này mà thôi.
                    TCSH

Phỏng vấn bạn đọc nhân kỷ niệm 10 năm Sông Hương
Bìa SH tháng 7&8/1993 số kỷ niệm 10 năm

TRẦN HỮU DUY

(CB giảng dạy ĐHSP Huế)

Mười năm "Sông Hương" trải qua mấy đợt thăng trầm, có những năm tháng đã từng được bạn đọc và giới nghiên cứu văn nghệ hâm hộ, vì tài năng sáng tạo và tấm lòng nhiệt thành của nó; nhưng rồi "Sông Hương" đã có mấy lúc không tiến lên được, phải thả neo, bởi chao đảo. Những bước thăng trầm ấy phản ánh nhiều điều. Nay nhân dịp kỷ niệm 10 năm, cần nhắc lại như những kinh nghiệm đã qua.

Tạm dừng, suy nghĩ rút kinh nghiệm, để tiến lên lâu dài, làm như vậy hình ảnh tốt đẹp của "Sông Hương" vẫn còn trong lòng đông đảo bạn đọc. Tôi tin rằng với đội ngũ cộng tác viên có tài năng tâm huyết như thế, “Sông Hương" chắc chắn sẽ tiến lên vững vàng, giữa cái miền đất văn vật, có truyền thống văn hóa lâu đời này.

Tuy nhiên để tiến lên chắc cũng còn nhiều khó khăn. Người làm báo chí ai cũng muốn có đông độc giả. Nhưng tôi nghĩ, còn có một mong muốn nữa lớn hơn cái đó: mong muốn tờ báo làm tròn thiên chức cao cả của mình - đem lại cho bạn đọc lý tưởng thẩm mỹ tiến bộ, hứng thú thẩm mỹ thanh cao, quan điểm thẩm mỹ đúng đắn. Văn học cùng các hình thái ý thức khác hoàn toàn phục vụ cho con người, cho dân tộc; để làm được điều ấy, chắc chắn người cầm bút phải vừa có tài năng sáng tạo, tâm huyết, vừa phải có lý tưởng tiến bộ, cao cả, và phải thực sự tôn trọng tinh hoa văn hóa dân tộc. Nếu làm được như vậy, thì dù số lượng độc giả có ít đi nữa, cũng đã quý lắm rồi. Ý tôi muốn nói “Sông Hương" không thể nào vì vấn đề số lượng độc giả, hoặc vì bất cứ một điều gì khác mà xa rời cái thiên chức của mình; mặt khác Tôi cũng thấy rằng không thể thả nổi văn học, văn hóa cho cơ chế thị trường. Trong lĩnh vực đời sống tinh thần có thể có một số sản phẩm rất quý báu, lại không tự nuôi nổi mình, vậy những nhà hoạch định kế hoạch phát triển phải xem văn học, văn hóa là một lực lượng bên trong của quá trình phát triển, nó vừa là động lực vừa là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; cho nên phải có trách nhiệm ưu tiên mọi mặt cho nó.

 

NGUYỄN KHOA KIM BỘI

(Chủ tịch Hội LHPN thành phố Huế)

"Sông Hương" tên tạp chí nghe rất Huế và cũng rất gợi cảm. Mười năm qua những người phụ nữ Huế chúng tôi đón từng số tạp chí của mình trong niềm yêu mến và trân trọng, cả niềm vui và nỗi buồn... vắng "Sông Hương" một thời gian ngắn đã thấy nhớ "không chịu được", dù trên bàn có nhiều báo và tạp chí của cả nước.

Chúng tôi mong muốn "Sông Hương” luôn luôn là dòng suối ngọt vươn dài tới tương lai để tiếp nguồn sống và tạo thêm hương, thêm sắc cho Huế.

Muốn “Sông Hương" được nuôi lớn không phải chỉ có dòng sữa mẹ duy nhất mà có cả mật ngọt trái chín của quê hương... để cho chúng tôi, những người phụ nữ Huế được tự hào thấy "Sông Hương" đi xa trên cả vạn nẻo trong sự thương yêu của mọi người và mọi giới…

Muốn gương mặt “Sông Hương" không phải ngày một "già đi” mà đẹp hơn và đậm đà nét duyên con gái Huế…

Xin nhận từ nơi chúng tôi lời cầu chúc đẹp đẽ nhất đối với tạp chí mà chúng tôi yêu mến.

 

NGUYỄN HỮU NGÔ

(An Cựu - Huế)

Ngay từ số một, Sông Hương đã được người đọc chú ý. Hồi đó tôi bán sách báo ở 22 Trương Định, căn nhà của Tổng hội sinh viên xưa, tôi có dịp tiếp xúc nhiều với sinh viên là giới ham học, và cả với các nậu sách báo nữa.. Sông Hương xuất hiện trên thị trường như một thứ của hiếm! Một tờ báo đẹp, hay và giá cả thật khiêm tốn: tương đương một ly cà phê đá! Còn lạ gì thời buổi ấy, số phận của hàng lô hàng lốc sách báo bị đem cân ki-lô ngay khi mới phát hành, riêng Sông Hương với sự khiêm tốn của một tạp chí địa phương đã được độc giả cả nước đón nhận với thật nhiều thiện cảm, với phương thức gọi là "thử nghiệm" của ban biên tập, SH đã có những đổi mới rõ ràng cả hình thức và nội dung bài vở. Nhiều người nói với tôi "Sông Hương là một tờ báo cấp tiến”. Riêng tôi, nghĩ rằng đã làm một việc gọi là thử nghiệm thì tất nhiên gặp không ít thử thách.

Sau cả 10 năm có mặt trên đời, chắc hẳn Sông Hương đã tự khẳng định sự tồn tại của mình - tôi muốn nói là sự tồn tại tự thân chứ không phải là do ai đó muốn.

 

NGÔ HỮU LIÊU

(Công nhân Lâm Trường Tiền Phong)

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, là một độc giả thường xuyên của báo ngay từ số đầu tiên, tôi xin có một vài ý kiến nhỏ gửi đến quý báo.

Với bài thơ không đề của Thanh Hải khi đọc tôi thật sự xúc động, tiếp theo đó là hồi ký tuổi học trò ở Huế của Lê Quang Vịnh, ký "Hoa trái quanh tôi" của Hoàng Phủ Ngọc Tường", truyện ngắn "Chuyện cũ quê nhà" của Trần Thùy Mai, "Sân tranh" của Nguyễn Phan Hách, "Tiếng lục lạc”, "Người lính nói trạng” của Nguyễn Quang Lập, “Gặp gỡ nhà văn Thanh Tịnh”, "Nguyễn Tuân với Huế" hồi ký của Xuân Diệu, Huy Cận, "Luận chứng một tâm hồn đa cảm'' của Nguyễn Quang Hà, thơ của Phùng Quán v.v…

Khi cầm tờ tạp chí trên tay là tôi đọc không sót một bài nào, sau đó là sự chờ đợi đến 2 tháng sau mới có số khác.

Tôi mong rằng Sông Hương cố gắng tăng cường những mục phỏng vấn các nhà thơ để hiểu rõ thêm về các tác phẩm đã được viết ra trong những hoàn cảnh nào, và qua đó để biết thêm những tâm tư tình cảm của nhà văn, nhà thơ.

- Về thơ nên có mục bình và phân tích những bài thơ hay và qua đó để phát hiện và giới thiệu những nhà thơ trẻ.

- Về truyện dịch nên chọn những nhà văn nước ngoài có những truyện hay.

Theo thiển ý của tôi là những số trước rất nhiều bài viết khi đọc tôi thấy tâm đắc và xúc động nhưng những số sau ít có những bài hay.

Tôi mong rằng Sông Hương cố gắng để phát huy hơn nữa đừng để bạn đọc không hài lòng và luôn luôn gắn bó với Sông Hương, như sau khi bài "Luận chứng của một tâm hồn đa cảm”, bạn đọc tin tưởng gửi gắm tâm tư tình cảm của mình, chia sẻ những niềm vui nỗi buồn; có như thế thì Sông Hương sẽ được bạn đọc luôn ủng hộ.

Qua 10 năm một chặng đường không dài nhưng với sự cố gắng của Sông Hương đã lớn mạnh và tôi cũng cầu chúc Sông Hương ngày càng vươn lên.

Trên đây là một vài ý kiến thô thiển của một độc giả yêu mến Sông Hương mong Sông Hương tiếp nhận và một lần nữa tôi chúc Sông Hương ngày một tốt đẹp hơn.

 

BỬU Ý

(CB giảng dạy ĐHSP Huế)

Thăng trầm thì có thăng trầm, nhưng nhiều "trầm" hơn “thăng". Tôi lại sợ cái "trầm" ấy dễ có hướng thường trực. Mà đâu riêng gì Sông Hương của Huế dưỡng bệnh triền miên như thế.

Có hồi Sông Hương có nhiều người đọc. Thời kỳ "thăng" của Sông Hương chăng? Tôi không nghĩ như vậy. Vì Sông Hương trước nay rất cổ về cách làm báo, từ hình thức đến nội dung, không "thăng" chút nào cả. Nhưng sở dĩ có thời được hâm mộ, từ trong nước ra đến ngoài nước, là vì nó đào đúng mạch tâm tình của người đọc. Rất nhiều người thích đọc những gì liên quan tới Huế đế đô và Huế ngã tư thơ văn khoa cữ của một thời. Cho nên, trong khi chờ đợi có gì mới lạ, chi bằng quay về với lịch sử, hồi ức, kỷ niệm. Cũng như trong khi chờ đợi những gì mới lạ, chi bằng quay nhìn sang nước khác (nay là thời của phim và truyện nước ngoài).

Nếu có nhiều độc giả theo cách này mà bảo rằng Sông Hương "thăng" thì tôi cảm thấy không đáng mừng. Nếu cứ khư khư cày sâu cuốc bẫm trên những luống xưa thì vẫn có ăn, vẫn làm ra được những sản phẩm cho kinh tế gia đình chứ không thể nào nghĩ đến xuất khẩu. Huế có một kho khai thác bất tận cho ngòi bút: có thể viết mãi viết hoài về lăng, chùa, Trường Quốc Học, thôn Vỹ, Sông Hương, ca Huế, múa cung đình…; có thể hụp lặn vào văn khố Triều Nguyễn, vào bộ sách BAVH… Nhưng không thể bằng lòng ăn bám vào của cải cha ông để lại. Phải vặn đồng hồ theo đúng giờ giấc thời nay, bằng thể nhập những của cải ấy vào dòng sống trước mắt, hay nói khác bằng cách viết và nghĩ đến ngần ấy thứ bằng một tấm lòng trân quý, một khối óc đầy trách nhiệm và đổi mới, đồng thời bằng những hành động chuyển hóa thành những tài sản của nhân loại và của tương lai. Huống chi cuộc sống đã đi hia bảy dặm. Ngay bản thân chữ viết, tiếng nói, thơ, văn… cũng phải vặn mình chuyển động nội tại. Lẽ nào ta từ chối đặt chân lên con đường của thế kỷ?

 

DƯƠNG VIẾT HỒNG

(Phú Vang)

Nói riêng về lãnh vực sáng tác, từ khi Sông Hương ra đời cho đến nay đề tài khi nào cũng đa dạng và phản ánh trên nhiều lãnh vực khác nhau với mong muốn là đáp ứng nhiều nhu cầu tinh thần cho nhiều loại độc giả. Tôi có cảm nhận, có lẽ phần lớn những bài viết của Sông Hương từ trước đến nay thiên về khai thác những chuyện của các ông Hoàng bà Chúa ở chốn cung - đình triều Nguyễn; tình cảm hiền dịu cô gái Huế qua điệu nói dáng đi, chiếc áo dài và chiếc nón bài thơ; cái đẹp mỹ miều duyên dáng của Ngự Bình và Hương Giang, của cầu Tràng Tiền, của chùa chiền lăng tẩm... và của các buổi du thuyền nghe đàn hát trên Sông Hương vào những đêm trăng hè mà ít có đề tài viết phản ảnh hoạt động của nông thôn.

Theo tôi Sông Hương phải còn là của nông thôn TT. Huế nói riêng của nông thôn Việt Nam nói chung nữa. Có thể nói chuyển động của nông thôn hiện nay rất lớn rất mạnh trong quá trình đi lên, tuy nhiên ở nông thôn vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề xã hội đáng quan tâm mà không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được ngay. Bên cạnh những cái mới cái đẹp mà nông thôn đã tiếp nhận và phát triển vẫn còn những cái cũ kỹ lạc hậu đang đồng thời tồn tại cần phải phê phán như: tư tưởng phong kiến trong hôn nhân, quan niệm trọng nam khinh nữ, tệ nạn mê tín dị đoan ma chay đồng bóng, những tranh chấp về hàng rào bụi tre, lác đác đây đó vẫn còn tình trạng thất học, mù chữ, bệnh tật thiếu đói, sản xuất nông nghiệp yếu kém, năng suất thấp và nguy hiểm hơn hết là tính bảo thủ trì trệ quan liêu duy ý chí, thiếu trình độ của một số ít cán bộ địa phương.

Trang giấy bao giờ cũng có hạn, số trang của tạp chí bao giờ cũng cụ thể nhưng những suy nghĩ, những cảm thụ về văn học nghệ thuật thì vô cùng.

Thừa Thiên có Huế. Huế có trường đại học nhưng Huế cũng thiếu nhiều trường học ở nông thôn. Huế có đô thị nhưng Huế cũng có đồng ruộng, Huế có quý tộc nhưng Huế cũng có nông dân cấy cày.

Là một độc giả của Sông Hương tôi đề nghị tạp chí chú ý nhiều mối tổng hòa ấy có nhiều sáng tác về nông thôn hơn, hoàn thiện hơn, thiết thực góp phần cải tạo và thúc đẩy xã hội phát triển.

(TCSH56/07&8-1993)

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng