Góc Hoài niệm
Một năm thơ Sông Hương
10:35 | 29/11/2023

THANH THANH

Thật bất ngờ đọc lại một năm thơ Sông Hương dưới trăng rằm mười bốn chạp rồi ngơ ngẩn bấm đốt tay.

Một năm thơ Sông Hương
Ảnh: internet

Kể từ số Tết Nhâm Thân sang số Tết Quý Dậu, tạp chí đã đăng gần 170 bài thơ. Có cả trang thơ đầu tay, thơ thiếu nhi và thơ dịch. Nếu mỗi tập thơ 30 bài, thì bấy nhiêu thơ một năm Sông Hương xem như đã xuất bản cũng được năm sáu đầu sách thơ.

Cũng theo lối bấm đốt tay dưới trăng khuya, ngạc nhiên sao, chín năm thơ về trước Sông Hương đã đến với bạn đọc thơ cả nước ngút ngát đến gần 1.500 bài thơ. Bao nhiêu bài thơ là bấy nhiêu hồn thơ, giọng thơ... Cũng có đôi năm Sông Hương thẩm chọn, tặng thơ hay.

Đêm nay dưới khuôn trăng đầy đặn năm Thân, nếu chợt nhớ thì nhớ bài thơ "Mẹ và quả" - Nguyễn Khoa Điềm, 1983, "Không ghen" - Thu Châu 1984, "Tạm biệt Huế" - Thu Bồn, 1986!

Năm 1992, một năm thơ Sông Hương, thật mừng có hai chùm trao thưởng. Chùm thơ ba bài của nhà thơ Hoàng Trung Thông - số 6 và chùm thơ ba bài của nàng thơ trẻ, Nhật Lệ - số 2. Ngoài hai chùm thơ ấy ra, có thể người yêu thơ Sông Hương còn nhớ các chùm thơ của nhà thơ Hồng Nhu, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Ngô Thế Oanh, các chùm thơ của những cây bút trẻ, mới xuất hiện Hồng Hạnh, Đặng Thành... Phải số 2, số 3, và số 6 dồn nhiều bài thơ, và chùm thơ hay, khá.

Thật tình thơ số Tết Nhâm Thân non, nhưng lại được cái tình gặp gỡ nhân khi nổ pháo giao thừa sau một chặng đường Sông Hương gặp đầy thử thách, tự khẳng định, tìm lại dòng chảy chính lưu của một vùng văn học trên từng trang biên tập. Sang số Tết Quý Dậu, gần cả ba chục bài thơ, vừa thơ đầu tay, thơ thiếu nhi thơ dịch.

Chọn bài xuất sắc để 93 trao thưởng thì khó. Nhưng ở từng bài thơ, hồn thơ, giọng thơ chợt có gì phảng phất như dòng Hương Giang, ẩn sâu trong làn nước kinh thành chút chất thơm của loài cây xương bồ. Một loài cây đặc biệt, thơm của trời đất, thơm của đời cây lại chứa chất ở rễ chứ không như muôn cây khác, thơm ở hoa. Thật lạ lùng mà cũng thật tình, yêu Huế cũng được gọi nửa đời người, mà nào đã một lần được thấy xương bồ? Xương bồ ở tận nguồn Hương Giang thơm về kinh thành rồi ra tới biển, có đồng điệu cái huyền ảo khó nắm bắt của thơ...?

Thơ Sông Hương có truyền thống tập họp, gặp gỡ được đủ gương mặt thơ của cả nước. Ngay từ mười số đầu tiên của hai năm 83 - 84 đã có thơ Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Vũ Quần Phương, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Ý Nhi... Và hầu hết các thi sĩ ấy đã từng đến tuyến lửa Quảng Bình những năm 60, 70 vào Quảng Trị giải phóng năm 1972, về Huế sau mùa xuân 1975 đã họp lưu lại thành một dòng thơ kháng chiến chống Mỹ.

Bên cạnh những nhà thơ tên tuổi khắp Trung, Nam, Bắc, lớp thơ trẻ của Bình Trị Thiên có Nguyễn Quang Lập - Nguyễn Quang Lập bước vào làng văn bắt đầu từ bài thơ được giải của báo Tiền Phong, Vĩnh Nguyên, Thái Ngọc San, Trần Huyền Trang, Hải Kỳ, Mai Nguyên, Thiệp Đáng, Lý Hoài Xuân, Trần Hoàng Phố, Phạm Tấn Hầu, Ngô Minh, Nguyễn Khắc Thạch, Đỗ Hoàng, Mỹ Dạ, Lê Thị Mây...

Chút lặng lẽ khơi nguồn thơ sông hương phải kể đến tầm nhìn của cựu Tổng biên tập Nguyễn Khoa Điềm. Vai trò, xu hướng thẩm thơ của anh kể từ trang thơ đầu tiên ở số một được hình thành dần, đến số thứ mười thơ của hai năm 83 - 84 xem như đã tự khẳng định để trưởng thành một vài cây biên tập thơ xuất sắc, biết gọi thơ về sông hương đúng luồng, đúng thi chất của thơ...

Những thi sĩ đã từng đến với trang thơ Sông Hương mười năm trước như người tình đến với mối tình đầu. Một năm thơ qua vẫn gởi hồn bóng mình với Huế. Bây giờ ở bên cạnh những nhà thơ đi trước là một lớp nhà thơ trẻ thứ hai của Sông Hương kể từ sau giải phóng. Lớp thơ trẻ này phần nhiều được trưởng thành trang viết đầu tay, từ câu lạc bộ thơ sinh viên của các trường đại học, từ câu lạc bộ Huế. Đấy là những Hồng Hạnh, Nhật Lệ, Đặng Thành, Thúy Nga, Tôn Nữ Ngọc Hoa, Nguyễn Thị Thái, Phạm Huy Ngữ, Nguyễn Văn Phương, Ngô Cang, Ngô Thiên Thu, Phạm Nguyên Tường, Nguyễn Văn Tánh - Hàn Thi... Lớp trẻ trước có đến dăm mười cây bút bước vào đời thơ từ ngày còn chiến tranh, giờ đã chững chạc trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Mỗi nhà thơ đã in hai ba tập; đã có hai trong số các tập thơ ấy được giải thường của Hội. Đấy là những Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Ngô Minh, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Quang Lập, Võ Quê. Nhưng dẫu vậy, không phải bất kỳ nhà thơ nào đã được vào hội, đã được tác giả ghi nhận trưởng thành, lại đều có thể đi được trọn đời thơ. Trong số các anh chị ấy, sau khi chia tỉnh đã về Quảng Bình, Quảng Trị cùng các nhà thơ đàn anh như nhà thơ Xuân Hoàng, Nguyễn Văn Dinh, Hoàng Phủ Ngọc Tường... thơ lại càng duyên nợ nồng thắm với trang thơ Sông Hương...

Thật ra có rất nhiều tác giả in dù một bài trong suốt bảy số bài thơ đó vẫn đọng được trong lòng người đọc nỗi niềm gởi gắm tri âm như "Tổ Quốc" - Từ Quốc Hoài, "Mai em đi họ nội" - Lê Thái Sơn, "Bờ sông và lau lách" - Triều Tâm Ảnh; "Em và con" - Phạm Huy Ngữ; "Qua đèo Hải Vân" - Hữu Kim; "Hẹn về mùa gặt" - Ngô Cang... Đặc biệt chùm thơ 12 bài chọn từ "ngày hội thơ" của mười hai tác giả tên tuổi vừa như để khẳng định lại, vừa như để mở ra một chứng kiến tri âm tri ngộ về thẩm định thơ, bắt đúng hồn cốt tư chất của từng tác giả. Nếu kể, có thể dễ đến sáu bảy chùm thơ khá và hay trong năm. Nhưng nổi trội và gây ấn tượng sửng sốt hơn cả là chùm thơ của Nhật Lệ. Ban biên tập Sông Hương năm nay trao thưởng thơ thật có con mắt xanh. Trong ba bài của Nhật Lệ "Gởi", "Canh bạc", "Cha"... có lẽ bài "Cha" là bài hay nhất. Trong ba bài hay nhất. Nhật Lệ làm chùm thơ này năm hai mươi hai tuổi, đang học năm thứ năm khoa Nga văn trường Đại học Tổng hợp Huế. Nàng thơ có thói quen làm thơ trên nửa trang vở học trò, rồi bỏ quên đâu đó trong các sách vở ở trên bàn, và không mấy khi đưa cho cha mình - nhà thơ Xuân Hoàng - đọc. Các bài thơ rất ít vết sửa xóa, nó được viết lần đầu và rồi rụt rè gởi nguyên vậy. Trao thơ tận tay, gương mặt nàng thơ đỏ ửng như vừa đánh rơi lời tỏ tình, lo sợ đến một khi bị người tình - độc giả - hờ hững rồi quên! Phải chăng thơ khởi thủy không phải viết ra để cho mọi người đọc và càng không phải để in ngay khi mình còn sống. Dùng thơ cầu danh, cầu lợi ở cuộc đời chỉ trong ngày một ngày hai, sẽ làm thơ cụt hứng tàn chết. Còn thơ vì áo cơm thương khó với cuộc đời, vì cuộc đời thì mở trang thơ đã "đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu" để nhận biết được ngay thi chất "hữu xạ tự nhiên hương" của tâm hồn tác giả. Dòng thơ một năm rồi của Sông Hương, phải chăng thơ đã xé dòng chính ngay từ trang biên tập? Nó giản dị nhưng ấm áp gần gũi với đời trong cái tôi của chủ thể sáng tạo. Lặng lẽ bói muồi với từng ý, từng câu, từng khổ, từng bài, từng chùm. Bói muồi được một ý là có thể đứng được một câu. Có bài, hồn cốt ở một câu, một câu chỉ dăm chữ. Một tứ thơ, một bài thơ đôi khi lặng bói muồi nơi cái tình tri âm mộc mạc. Người biên tập phải nhập, phải ấn con mắt xanh vào hồn thơ của tác giả, mới mong thẩm cảm được hương, không dễ mất những bài thơ hay. Ngoài hồn cốt bói chín, bao nhiêu câu chữ còn lại là cành, là lá xây nên vòm thơ. Có thể đấy cũng chính là rễ và cả chính cội cây thơ nữa. Phân biệt được những giới hạn trên thật không dễ. Ở thơ, cái rạch ròi, cái có lý để làm cho thơ xơ chết, nhưng nó lại là nền đứng để cho cái phi lý cái siêu thực gợi mở thăng hoa tài năng. Nếu giả sử, có tác giả chơi trò chơi ngược, lấy cái phi lý, cái siêu thực, cái không chứng kiến lẽ phải làm nền cho bài thơ mình đứng, hồn thơ mình ẩn, đời thơ mình đạt đến vĩnh cửu, hẳn thơ ấy chỉ là một mớ câu chữ của bấn loạn không nên được cành, nhánh, không ươm cắm được một cội cây thơ có thể đem lại hữu ích cho đời. Nếu xáo các chồng thơ lai cảo, các bài thơ kiểu thế không phải ít. Có lẽ người biên tập đã đọc, đã buồn, rồi lặng lẽ cẩn thận để những thơ ấy vào chỗ thơ không đến thơ, không dùng được.

Gần 170 bài thơ trong một năm thơ Sông Hương nếu mạnh dạn chọn in một tập, có lẽ thừa sức có một tập thơ hay, để lại một giá trị, hy vọng được độc giả ghi nhận và đánh giá cao. Theo ý riêng tôi, số Tết Nhâm Thân chọn được 3 bài, số 2 chọn được 8 bài, số 3 chọn được 4 bài, số 4 chọn 4 bài, số 5 chọn được 8 bài, số 6 chọn được 5 bài, số Tết Quý Dậu chọn được 5 bài. Tập thơ 45 bài này thơ chảy thành một phong cách thơ Sông Hương khó lẫn với thơ báo chí khác trong nước ta. Làm điều này chưa tính đến sự đóng góp lớn lao của thành quả cao vời nào khác mà trước tiên là tính đến, chọn lựa đến một nội lực thẩm thơ, lựa chọn thơ, đánh giá thơ ngay trên trang bản thảo của tác giả gửi về tòa soạn. Có tác giả gửi trọn cả một tập vài ba chục bài, nhưng vớt vát lắm mới chọn được một bài. Nếu là tác giả của trang đầu tay đã đành, nhưng bên cạnh không hiếm những tác giả có tên tuổi cũng như vậy. Bên cạnh lại có dăm bảy tác giả gửi ba, bốn bài lại chọn được một chùm đĩnh đạc. Nghe đâu Nhật Lệ gửi 5 bài, lúc đầu người biên tập định giới thiệu cả năm.

Ở đời, cái dễ đạt, dễ được âu rồi trước thử thách thời gian, cũng có thể sẽ dễ tàn, dễ mất. Hẳn các tác giả thơ cũng tự biết mà không vội mừng, cũng không vội nản. Thử ngẩng nhìn trăng mà xem. Tuần trăng ba mươi ba mốt đêm, có đến những mười hai đêm trăng non, trăng chưa đầy và đến mười sáu, mười bảy đêm trăng khuyết. Trăng rằm đếm một, đếm hai đếm ba. Nhưng ai dám thốt lên, những khi trăng non, trăng khuyết, trăng đầy không phải trăng. Hãy thầm cảm hứng trên ba mươi, ba mốt chữ thơ. Hãy in giữa thanh thiên bạch nhật trên ba mươi, ba mốt bài thơ. Hãy lao động trên ba mươi ba mốt tập thơ. Thơ của một đời người, thơ của một năm thơ Sông Hương.

Rằm tháng Chạp Nhâm Thân
T.T
(TCSH56/07&8-1993)

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng