Góc Hoài niệm
Hội chợ xuân Gia Lạc và phủ Định Viễn Quận vương
14:37 | 06/02/2024


TRẦN VĂN DŨNG

Hội chợ xuân Gia Lạc và phủ Định Viễn Quận vương
Phủ Định Viễn Quận vương

Lời dẫn

Lễ hội mùa xuân xứ Huế không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống, mà còn là không gian để người dân, du khách ngưỡng vọng bậc tiền nhân, cầu mong một năm mới an lành và hiểu thêm những giá trị lịch sử mà ông cha để lại. Và nhắc đến lễ hội mùa xuân thì người ta thường nghĩ ngay đến hội chợ xuân Gia Lạc diễn ra trong ba ngày Tết Nguyên Đán do ông hoàng Định Viễn Quận vương sáng lập luôn là điểm đến được du khách thập phương dành thời gian tìm về. Người ta tìm đến hội chợ xuân này để cầu may mắn, đồng thời là dịp để hiểu biết thêm những phong tục cổ truyền và nét văn hóa truyền thống rất riêng của người dân tại mảnh đất đế đô.

1. Đầu xuân đi chợ phiên Gia Lạc

Nhân ngày Tết, ông hoàng Định Viễn đã lập một ngôi chợ nhỏ mang tên Gia Lạc cho thân nhân trong phủ đệ có nơi trao đổi hàng hóa, vui chơi giải trí. Vì vậy, danh xưng Gia Lạc có nghĩa là thêm niềm vui. Lúc đầu chợ chỉ họp nhóm trong giới hạn tầng lớp có danh phận hoàng thân quốc thích và quan lại, sau thấy vui nên mở rộng đối tượng tham gia cho cả dân thường quanh vùng đến trao đổi mua bán, vui chơi khiến không khí trở nên náo nhiệt hơn. Phiên chợ này cũng thu hút các quan chức, thương nhân người nước ngoài đến tham dự. Đến đây, mọi người sẽ được xem hát tuồng, được trải nghiệm các trò chơi ngày Tết của chốn cung đình lẫn dân gian, thưởng thức các món ăn từ dân dã đến cao sang, mua sắm các đồ chơi, vật dụng để sử dụng và trưng bày trong những ngày Tết. Người đến chợ không quá chú trọng đến việc mua bán lấy lời mà với tâm thế du xuân trẩy hội để lấy hên, lấy lộc đầu năm. Ai cũng ăn mặc đẹp đẽ, giao tiếp lịch sự, thân thiện, vui vẻ.

Một điều đặc biệt là giữa lúc khung cảnh chợ búa, quán xá, cửa hàng, cửa hiệu ở khắp Kinh thành đều vắng lặng, đóng cửa nghỉ Tết, du xuân thì phủ ông hoàng Định Viễn lại rộn ràng họp chợ. Họ dựng các quán xá lợp mái bằng tranh để trao đổi mua bán các mặt hàng phong phú, kể cả những vật phẩm do đích thân hoàng thượng ngự ban cho các ông hoàng, bà chúa. Hội chợ xuân Gia Lạc quanh năm suốt tháng thường không họp chợ mà chỉ họp đúng trong 3 ngày xuân. Sau phiên chợ đó thì mọi người giải tán và chờ đến đầu xuân năm sau mới xuất hiện trở lại. Từ đó, chợ Gia Lạc trở thành một hình thức hội chợ vui xuân nổi tiếng cả nước, và trở thành loại chợ phiên tổ chức thường niên trong 3 ngày Tết ở Kinh đô Huế.

Về vị trí chợ Gia Lạc, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định: Chợ Gia Lạc được tổ chức tại khu đất sát chợ Mai ngày nay. Đây là điểm giao nhau giữa các làng Dương Nỗ, Nam Phổ, Ngọc Anh, Lại Thế. Tuy nhiên qua nghiên cứu khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy địa điểm tổ chức chợ Gia Lạc không thể nằm sát chợ Mai vì địa thế phủ Định Viễn Quận vương không nằm liền kề chợ Mai mà nằm tiếp giáp đất phủ Khánh Quận công1. Vì vậy, ông hoàng Định Viễn không thể lấy đất của phủ Khánh Quận công để tổ chức họp chợ Gia Lạc. Từ đó, chúng tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và đối chiếu các nguồn tư liệu để hy vọng tìm được chính xác địa điểm đã từng diễn ra chợ xuân Gia Lạc năm xưa.

Phủ Khánh Quận công nằm liền kề kế bên chợ Mai


Trong tấm bản đồ “Administrados al. S. Coronel Don Carlos Palanca Gutiérrez, Dibujado”2 do Đại tá Tây Ban Nha Don Carlos Palanca Guttiérez vẽ năm 1863 lúc đến Huế cùng với Đô đốc Bonard để ký Hòa ước với triều đình Huế, có ghi chú địa danh “Chợ Gia Lạc”. Điều này cho thấy, chợ Gia Lạc đã rất hưng thịnh và nổi tiếng vào thời điểm lúc bấy giờ.

Trích bản đồ vẽ năm 1863 có ghi chú địa danh “Chợ Gia Lạc”


Cuốn hồi ký Mười tám tháng ở Huế của bác sĩ người Pháp A. Auvray đã có đoạn miêu tả sống động khung cảnh phiên chợ Gia Lạc diễn ra vào năm 1880 như sau: “Mỗi năm, trong mấy ngày tết, một vị hoàng thân [Định Viễn Quận vương] mở phiên chợ tại phủ đệ, bán đủ thứ. Cũng có lợi. Năm 1880, chợ ấy nhóm tại bên kia sông, phía đông Công sứ quán. Một cái sân rộng, có hồ nho nhỏ, giữa hồ có hòn cù lao tẻo teo, có đình lục giác, xung quanh có quán xá bằng tranh. Người đi mua bán, kẻ đến xem chơi tướp mướp. Các công tử, công nữ mặc áo lục, bọn nô bộc trong phủ đệ mặc áo màu sặc sỡ, cũng lẫn lộn trong đám đông người. Thành ra một cảnh tượng hoa hòe rực rỡ. Đàng sau là lầu ngói chỉ có các vị hoàng thân mới được ở nhà có tầng trên, còn người thường hoặc các quan đều không được. Trong chợ phiên nầy, thấy bày đủ thức: đồ chai, đồ chơi ngoại quốc, ly rượu, tạp hóa Paris, đồ cẩn thô sơ, hộp trầu, ve thuốc bổ, thuốc muối, còn nhiều thứ nữa, nhưng chúng tôi thấy có bày một vật lạ nhất là thứ xì gà Manille thượng hảo hạng. Hỏi ra mới biết lúc sứ bộ Tây Ban Nha đến tiến cống cho vua 8.000 điếu xì gà ấy. Vua không thích, đem ban phát ra, rồi các Ông Hoàng lãnh về lại dùng mà làm lợi. Nhờ đó mà chúng tôi là kẻ dân dã lại được hưởng cái gia vị của thứ xì gà đế vương chính hiệu”3.

Cụ Hiệp tá Đại học sĩ Ưng Bình4 có sáng tác 2 bài thơ nhắc đến chợ Gia Lạc. Đó là bài thơ “Tết năm Giáp Tuất” viết năm 1934 nhằm ghi lại cảm xúc khi cụ Hiệp tá Ưng Bình đón Tết cùng gia đình tại quê hương sau khi được vua Bảo Đại cho về hưu, đồng thời cụ Ưng Bình có dịp tham gia hội chợ xuân Gia Lạc do đức ông Định Viễn Quận vương sáng lập:

“Tết mấy năm xưa ở tỉnh đường,
Ngày rày ăn Tết ở gia hương.
Ba La lễ Phật chùa quan Bố,
5
Gia Lạc chen người chợ đức Vương
Mùi áo Bông Bay chung lắm vẻ,
Nước hoa Viễn Đệ có mười thương.
Chuyện đời mới mãi theo năm mới,
Nhưng cũng trong vòng sắc với hương”
6.

Và bài thơ “Trở về nhà” được cụ Ưng Bình sáng tác vào năm Bính Tuất (1946) để bày tỏ cảm xúc trong chuyến hành trình đi thuyền trở về lại hưu đình mang tên Châu Hương Viên và có cơ hội ngắm nhìn cảnh vật gắn bó với bao kỷ niệm vui buồn như bến Gia Lạc sau một thời gian tản cư vì chiến tranh:

Cũng phá Tam Giang cũng bạn mình,
Thuận buồm xuôi gió trở về Kinh.
Ven bờ thoảng thoảng đưa tin nhạn,
Mặt nước vơi vơi lững sóng kình.
Đồn lũy vắng tanh quân Vệ quốc,
Cỏ hoa tươi tốt mạn giang thành.
Thuyền giong đến bến xưa Gia Lạc,
Mừng chủ đã nghe rộng tiếng oanh”
7.

Từ các thông tin ghi chú trên bản đồ của đại tá Carlos Palanca, ghi chép của bác sĩ A.Auvray và nội dung 2 bài thơ của Hiệp tá Ưng Bình, chúng tôi nhận thấy vị trí tổ chức hội chợ xuân Gia Lạc sẽ có những đặc điểm như sau:

- Tọa lạc trên một bãi đất rộng, có hồ nước và giữa hồ xây đình lục giác. Phía sau là biệt phủ của ông hoàng Định Viễn, với nhà rường mái ngói.

- Nằm bên cạnh dòng sông Hương, có bến thuyền mang tên Gia Lạc.

- Địa điểm chợ Gia Lạc nằm gần chùa Ba La Mật8, nơi tu hành của Bố chánh Nguyễn Khoa Luận và Châu Hương Viên9 của Hiệp tá Ưng Bình.

- Từ phá Tam Giang, con thuyền của cụ Ưng Bình chèo ngược sông Hương đến bến Gia Lạc, rồi mới đến bến Châu Hương Viên.

Như vậy, chợ Gia Lạc được mô tả như trên nằm ở đâu? Trước hết nó phải nằm sát phủ Định Viễn Quận vương, gần chùa Ba La Mật và Châu Hương Viên. Và phải nằm về hướng Tây (đứng từ cổng phủ nhìn ra), ngay sát bờ sông Hương vì có bến Gia Lạc để thuyền bè cập bến chở hàng hóa giao lưu buôn bán.

Vị trí tổ chức Hội chợ xuân Gia Lạc trên GoogleMap


Chúng tôi đã tiến hành khảo sát điền dã tại khu vực này và nhận thấy một khu đất trước mặt phủ Định Viễn Quận vương đáp ứng các đặc điểm nêu trên. Ông Viễn Tương còn cho biết khu đất này trước đây có hồ rộng trồng sen và thả cá nhưng về sau bị người dân san lấp mặt bằng để xây dựng nhà cửa nên không còn dấu vết trên thực địa. Đặc biệt vào năm 2002, chính quyền địa phương thực hiện chủ trương giải tỏa mở rộng đường Thuận An (nay là đường Nguyễn Sinh Cung) và xây dựng cầu Chợ Dinh nên hiện trạng mảnh đất càng bị thay đổi nhiều so với ngày xưa. Chỉ còn lại dấu tích bến phủ Định Viễn, nơi từng có chiếc thuyền để ông hoàng Định Viễn dạo chơi trên sông Hương. Từ ngày ông hoàng Định Viễn sáng lập chợ Gia Lạc thì dân gian gọi là bến Gia Lạc. Và con đò chợ Dinh đi từ Chợ Dinh ở gần vùng Bãi Dâu (đường Nguyễn Văn Siêu ngày nay) qua phía chợ Gia Lạc, chợ Mai ở vùng Tây Thượng bên kia sông. Tuyến đò này đã được thay thế bằng cầu Chợ Dinh vào năm 2003 và chỉ còn trong ký ức của một số người cao tuổi ở địa phương.

Sau khi nhà Nguyễn cáo chung (1945) thì vật đổi sao dời, phủ Định Viễn Quận vương cũng không còn đủ tài lực để bảo trợ cho việc tổ chức hội chợ xuân Gia Lạc. Do vậy, hội chợ này cũng theo đó mà mai một dần. Hội chợ xuân Gia Lạc không còn được tổ chức bài bản tại vị trí trước mặt phủ Định Viễn Quận vương như trước đây, mà chỉ còn tồn tại một nhóm người buôn bán nhỏ và chuyển dần về hướng Đông, tức phía đối diện chợ Mai ngày nay và có nhiều biến đổi về hình thức mua bán, trao đổi, vui chơi giải trí. Điều này cũng chính là nguyên nhân khiến cho nhiều người cứ nhầm tưởng vị trí này ngày xưa ông hoàng Định Viễn đã tổ chức họp chợ Gia Lạc. Hiện nay vào mỗi dịp Tết, người dân xứ Huế vẫn còn giữ thói quen đi chợ xuân Gia Lạc để mua lộc đầu năm và đã trở thành một nét đẹp độc đáo của văn hóa Cố đô. Đây cũng là hình thức sinh hoạt văn hóa có giá trị nhân văn, kết nối cộng đồng và tâm linh trong đời sống của người dân tại mảnh đất đế đô.

2. Vị hoàng tử sáng lập chợ Gia Lạc có tấm lòng trung hậu

Hoàng tử Nguyễn Phúc  Bính    阮福昞 sinh ngày 16 tháng 7 năm Đinh Tỵ (tức ngày 6/9/1797) tại Gia Định, là con trai thứ 6 của vua Gia Long với đức từ Tiệp dư Dương Thị Sự10. Do thường xuyên hợp tác làm ăn, buôn bán với các thương nhân nên hoàng tử Bính có phong cách cởi mở, gần gũi và tiếp xúc với nhiều người, nhiều giới. Quốc sử quán triều Nguyễn còn nhận xét ông hoàng Bính là một người có lòng trung hậu, thanh kiệm và kính giữ chức phiên vương11.

Sơ đồ phong tước tại phủ Định Viễn Quận vương


Thuở nhỏ ông hoàng Bính có tính cách hiếu động, nghịch ngợm khiến vua Gia Long phiền lòng và nhiều lần trách phạt. Hoàng huynh Nguyễn Phúc Đảm, sau này là vua Minh Mạng đã phải nhiều lần đứng ra xin vua cha tha tội hoặc xử nhẹ hình phạt cho em. Nhưng sau này lớn lên, hoàng tử Bính lại tu tâm dưỡng tính, lo học hành và biết giữ lễ nên được vua Gia Long hết sức khen ngợi12. Đến năm Gia Long thứ 16 (1817), hoàng tử Bính được triều đình tấn phong tước vị Định Viễn Công 定遠公khi mới 20 tuổi. Tước hiệu này được đặt theo tên phủ Định Viễn, tỉnh Vĩnh Long. Và tước phong này chỉ là trên danh nghĩa, chứ ông hoàng Định Viễn không có thực quyền ở vùng đất ban phong.

Sau này, vua Minh Mạng lên ngôi cũng rất ưu hậu đối với hoàng thân Định Viễn Công, cứ 5 ngày một lần sai người đến phủ đệ hỏi thăm, khi rỗi việc triều chính thì thỉnh thoảng đến chơi13. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhân dịp hoàng thân Định Viễn tổ chức mừng thọ 40 tuổi, vua sai lấy các vật phẩm trong kho Nội phủ gồm các thứ đồ bằng ngọc và thủy tinh, 1 hòm chè, 12 cuộn gấm hoa, 1 bộ tách uống rượu, 1 đôi giày đỏ thêu hình con mãng để ban tặng14. Đến năm thứ 21 (1840), vua Minh Mạng còn cho đúc một con bạch trạch bằng vàng nặng 6 lạng 9 đồng cân ban tặng cho hoàng thân Định Viễn Công.

Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), vua xuống dụ miễn cho hoàng thân Định Viễn Công khỏi phải lạy ngày thường chầu, trừ khi triều hội và các điển lễ lớn15. Sang năm (1844), hoàng thân Định Viễn Công theo vua Thiệu Trị ngự giá Bắc tuần, được sung chức Ngự tiền Thân thần thay vua nhận sắc của sứ nhà Thanh đem sang, khi vua hồi loan thì hoàng thân Định Viễn được thưởng rất hậu16. Cũng trong năm này, triều đình tổ chức lễ tế trời đất ở Đàn Nam Giao. Lễ xong, vua Thiệu Trị ban thưởng thêm cho hoàng thân Định Viễn Công một đồng kim tiền lớn hạng nhất đề chữ “Long vân khế hội”17. Năm 1846, nhân dịp mừng thọ 50 tuổi của hoàng thân Định Viễn, vua Thiệu Trị sai quan mang phẩm vật gồm 1 hình nộm lão tiên bằng trúc, 1 thứ đồ bằng vàng ngọc, 1 đôi bát đĩa bằng vàng, nắp bằng pha lê, 50 lạng bạc, 15 súc đoạn thêu, 1 bộ ấm chè vẽ vàng của nước ngoài, 1 bộ tách uống rượu bằng pha lê của nước ngoài, 1 hòm chè tàu, 1 hòm rượu tây18.

Đức ông Định Viễn Quận vương khai mở ra phòng 6 thuộc Đệ Nhất chánh hệ và được vua Minh Mạng ngự ban cho bài Phiên hệ thi để làm chữ lót đặt tên cho con cháu hậu duệ trong phủ - phòng.

Tịnh Hòa Chiêm Viễn Ái - 靖懷瞻遠愛
Cảnh Ngưỡng Mậu Thanh Kha - 景仰茂淸珂
Nghiễm Khác Do Trung Đạt - 儼恪由衷逹
Liên Trung Tập Cát Đa - 連忠集吉多”19.

Ngày 3 tháng 7 năm Quý Hợi (tức ngày 16/8/1863), đức ông Định Viễn Công qua đời, hưởng thọ 67 tuổi. Ngày đức ông Định Viễn mất, vua Tự Đức nghe tin vô cùng thương tiếc, nghỉ chầu 3 ngày, truy tặng cho đức ông tước vị Định Viễn Quận vương 定遠郡王, ban thụy là Đôn Lượng 敦諒, cấp cho con cháu 10 mẫu ruộng để thu hoa lợi lo việc thờ cúng hàng năm được chu toàn20.

Đức ông Định Viễn được vua Gia Long cho phép ra ở riêng. Đức ông chọn đất lập phủ đệ tại ấp Tây Thượng (thuộc làng Dương Nỗ), đối diện với bến đò Chợ Dinh (thuộc phố Gia Hội - Chợ Dinh), là khu vực sầm uất bậc nhất của Kinh đô Huế, nơi tấp nập của thuyền bè từ khắp nơi chở hàng đến Kinh thành để giao lưu buôn bán. Trải qua thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, phủ Định Viễn được trùng tu và sửa chữa nhiều lần, nhưng vẫn giữ được những giá trị cổ kính.

Cổng phủ Định Viễn Quận vương và Nội thất phủ thờ Định Viễn Quận vương


Phủ Định Viễn Quận vương hiện tọa lạc tại địa chỉ số 17 tổ 5 (thuộc phường Phú Thượng, thành phố Huế), trên khu đất có diện tích hơn 1.000m2, mặt nhìn về hướng Nam. Sau bao nhiêu năm tháng, những bức hoành phi, đối liễn, hương án, khám thờ, lỗ bộ sơn son thếp vàng được thiết trí trong phủ Định Viễn vẫn thế, vẫn uy nghiêm và lộng lẫy, dấu ấn vàng son của một thời lịch sử huy hoàng vẫn còn gần như nguyên vẹn. Diện mạo phủ hiện nay là kết quả của lần trùng tu lớn vào năm 2003.

3. Kinh doanh phát đạt và giàu có

Lúc bấy giờ, hầu hết các ông hoàng, bà chúa triều Nguyễn chỉ thích theo đuổi lối học từ chương, trọng nghề nông và không quan tâm đến việc kinh doanh thương mại, nhưng ông hoàng Định Viễn đã quyết định chọn cho mình một lối đi riêng, dù đi ngược lại với tư tưởng của nhà vua và triều thần bấy giờ. Với vị trí tọa lạc của phủ Định Viễn đảm bảo các yếu tố thuận lợi: cận thị, cận giang, cận lộ, cận kinh và cận bến đò Chợ Dinh cho sự phát triển thương mại, đồng thời quan sát thấy nhiều thuyền buôn người Việt và thậm chí có thương thuyền Trung Quốc, Nhật Bản và phương Tây phải neo đậu dài ngày tại bến đò Chợ Dinh để chờ bán hết hàng hóa mới có thể lại mua hàng chở đi, ông hoàng Định Viễn đã nảy ra ý tưởng cho dựng dãy nhà kho với các dụng cụ chứa trữ cần thiết ở gần bến đò, đồng thời huy động lực lượng các đội thuộc binh tinh nhuệ tổ chức canh gác, bảo vệ. Sau đó, ông hoàng Định Viễn tổ chức mua sỉ hàng hóa như gốm sứ, vải lụa, giấy bút, dược liệu, lương thực thực phẩm,… cho các thuyền buôn với giá cả hợp lý, rồi hàng được bốc xếp ngay vào kho. Các thuyền buôn bán hàng cho ông hoàng nhưng chưa lấy tiền ngay, chuyến sau chở hàng tới lấy tiền chuyến trước. Cứ như vậy, họ khỏi phải mất công đợi chờ tốn kém mệt mỏi, tiền có thể thu vào chậm nhưng bù lại hàng hóa lại được quay vòng nhanh. Đôi bên hợp tác làm ăn cùng có lợi nên đến gần Tết thì các thuyền buôn chở đến những tặng phẩm quý để dâng lên ông hoàng. Từ đó, danh tiếng của ông hoàng Định Viễn vang xa và thương nhân kéo đến mua bán ở bến đò Chợ Dinh rất tấp nập. Nhờ vậy mà hoạt động thương mại tại phố Gia Hội - Chợ Dinh càng thêm phồn thịnh. Tuy nhiên, mối quan hệ làm ăn với Hoa thương cũng khiến ông hoàng Định Viễn không ít lần bị liên lụy bởi những hành động vi phạm pháp luật của họ. Điển hình vào năm 1830, thương nhân Trung Quốc là Phan Huy Ký đến làm môn hạ cho đức ông Định Viễn, lợi dụng sự tin tưởng và thân tín nên mượn thuyền của ông hoàng đi buôn mong được trốn thuế quan. Nhưng hành động phạm pháp này của Hoa thương Phan Huy Ký đã bị quan quân phát giác, Bộ Hình đem chuyện ấy tấu lên vua Minh Mạng. Nhà vua trách mắng: “Định Viễn Công là bậc họ thân của nhà nước, đáng nên giữ mình ngay thẳng cẩn thận để giữ tiếng tốt, thế mà lại nhẹ dạ cả tin người bậy, lời xằng, cho làm môn thuộc, để nó cậy thế làm gian, cũng không phải là không có lỗi. Vậy phạt bổng thân công 6 tháng”21.

Theo Ngọc hệ thế phổ của phòng Định Viễn Quận vương cho biết đức ông còn thân chinh vượt biển sang tận Nhật Bản để tìm hiểu thị trường, kết hợp xuất nhập khẩu nhiều loại hàng hoá22. Nhờ vào sự uy tín, địa vị và sự sòng phẳng trong giao dịch của ông hoàng Định Viễn đã khiến công việc làm ăn, buôn bán của ông hoàng ngày càng trở nên phát đạt, và liên tục thu lợi nhuận hậu hĩnh. Đức ông nhanh chóng trở nên giàu có nhất trong số các ông hoàng lúc bấy giờ, đến mức hoàng huynh của ông, tức vua Minh Mạng đã từng ngợi khen: “Phú bất như Định Viễn” (Không ai giàu bằng ông hoàng Định Viễn). Và cũng bởi vì sự giàu sang phú quý mà ông hoàng Định Viễn có một nếp sống và sinh hoạt không ai theo kịp.

4. Đam mê nghệ thuật tuồng

Với cơ nghiệp giàu có từ việc kinh doanh buôn bán, ông hoàng Định Viễn đã nuôi những đoàn hát tuồng trong phủ, và thiết lập hẳn một rạp hát tuồng riêng tại phủ đệ để biểu diễn cho con cháu và người dân địa phương cùng xem. Từ đó, rạp của ông hoàng Định Viễn trở nên nổi tiếng khắp Kinh thành.

Chính niềm say mê tuồng hát quá đà của hoàng thân Định Viễn đã dẫn đến hành động vi phạm luật pháp. Đó là sự việc xảy ra vào năm 1822, đức ông Định Viễn gọi thợ làm mũ vào phủ để chế tạo mũ cho các con hát. Người thợ làm mũ vì thời tiết mưa lụt không đến đúng hẹn, ông giận bắt đánh roi người đó. Thiêm sự Nội vụ là Hồ Hữu Thẩm đem việc đó tâu lên. Vua Minh Mạng gọi Định Viễn Công vào cung, quở mắng và răn dạy rằng: “Em nay 26 tuổi không còn nhỏ bé nữa, sao không bỏ cái tính trẻ con để đến đức thành nhân, cứ cam tự xử ngu dại hết sức như thế. Em còn nhớ năm trước bắt con người ta làm con hát bị Hoàng khảo quở không? Ngày ấy anh van khóc hết sức xin cho, Hoàng khảo vẫn không vì tình riêng mà bỏ phép công, rốt cuộc em bị đánh roi. Nay em có tội, trong anh em có ai xin cho đâu. Ví thử có người xin, anh thương mà tha thì phép công làm sao? Há chẳng là làm nặng thêm tội cho anh ư? Nếu theo luật mà trị thì tình xương thịt làm sao? Há chẳng làm đau lòng cho anh ư? Ấy đều là anh chẳng dạy được em, trên đã đắc tội với Liệt thánh cùng Hoàng khảo, dưới lại đắc tội với thần dân, lưu trong sử sách, nghìn đời về sau sẽ cho anh là người thế nào? Vả anh có ngày nay là Hoàng khảo để lại nghiệp rất lớn, giao cho việc rất khó, cho nên sợ lo nơm nớp, không dám khinh thường chút nào, là vì nghĩ rằng làm vua, ngôi càng cao thì thân càng nguy vậy. Em thử nghĩ xem. Phàm hoàng thân quốc thích, đã không khó nhọc về chính sự, chỉ lấy thi thư làm vui, thì càng phải kính giữ phép tắc, chớ để mất tiếng hay. Nếu lại kiêu ngạo phóng túng, lấy thế lấn người, thì trăm họ hỏng hết, còn phú quý với ai? Huống chi em làm mũ con hát là việc vô ích mà bắt người ta giữa lúc mưa lụt thì có nên không? Lỗi lần này anh tạm tha cho, nếu lại còn như thế thì tự có phép công, cuối cùng không thể lấy tình riêng anh em mà bỏ phép công của nước. Em nay huyết khí chưa định, nên chưa biết nghĩ thôi. Sau nên biết tự ức chế thì sẽ khỏi tội lỗi mà giữ được phú quý. Đến khi bốn năm mươi tuổi, nghĩ lại lời nói của anh, mới biết là thương nhau đến thế nào”23.

Thay lời kết

Ngày nay, phủ Định Viễn Quận vương và hội chợ xuân Gia Lạc vẫn là nơi chốn mà nhiều người dân và du khách mong đợi được viếng thăm và khám phá. Họ muốn tìm về chốn ấy để tìm hiểu, cảm nhận những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt của các ông hoàng, bà chúa triều Nguyễn, cũng là tìm về những hoài niệm mang nét đặc trưng và hương sắc riêng của Huế xưa.

Từ câu chuyện về ông hoàng Định Viễn Quận vương và hội chợ xuân Gia Lạc cũng như Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế,…; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thiết nghĩ cho rằng muốn phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh thì cần phải có những sản phẩm đặc thù, riêng có dựa trên tiềm năng, thế mạnh về di sản văn hóa mà Huế đang sở hữu. Và theo chúng tôi, phủ Định Viễn Quận vương và chợ Gia Lạc là một sản phẩm du lịch tiềm năng, gắn với định hướng Festival Bốn mùa. Hy vọng trong tương lai, hội chợ xuân Gia Lạc sẽ được chính quyền các doanh nghiệp du lịch - dịch vụ quan tâm nghiên cứu và phục hồi trong không gian văn hóa phủ Định Viễn Quận vương để gìn giữ một phần quan trọng của lịch sử - văn hóa xứ Huế, đồng thời thu hút người dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm trong những ngày đầu năm mới.

T.V.D
(TCSH420/02-2024)

--------------------------
1 Khánh Quận công Nguyễn Phúc Kỳ là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
2 H. Cossera (1933), “La citadelle de Hué: Cartographie”, Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH), số 1-2, bản đồ số I., tr. 11.
3 Tràng An báo (1937), “Bút ký 18 tháng ở Huế của bác sĩ người Pháp Auvray vào năm 1879 - 1880”, Bản dịch của Thúc Dật, số 260, phát hành ngày 1/10/1937, Huế, tr. 3.
4 Hiệp tá Ưng Bình (1877 - 1961) là con trai Công tử Hường Thiết, cháu nội của đức ông Tuy Lý vương Miên Trinh.
5 Ba La tức tên chùa Ba La Mật của gia đình quan Bố chánh Nguyễn Khoa Luận, đây cũng là nơi tu hành của ngài với pháp hiệu Viên Giác đại sư.
6 Trong tập thơ “Tình Thúc Giạ” xuất bản năm Nhâm Ngọ (1942) tại nhà in Viễn Đệ, tr. 47.
7 Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1992), Thơ ca, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 147.
8 Chùa Ba La Mật nay tọa lạc tại địa chỉ số 258 Nguyễn Sinh Cung, phường Phú Thượng, thành phố Huế.
9 Châu Hương Viên nay tọa lạc tại địa chỉ số 355 Nguyễn Sinh Cung, phường Phú Thượng, thành phố Huế.
10 Đức từ Tiệp dư Dương Thị Sự 楊氏事(1777 - 1833) là con gái của Tuyên Uy tướng quân Dương Trung, người huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Năm 1790, đức từ vào hầu vua Gia Long, rồi được phong làm Tài nhân. Sau khi mất, đức từ được vua Minh Mạng truy tặng tước vị Tiệp dư. Ngoài hoàng tử Bính, đức từ Dương Thị Sự còn sinh hạ hoàng nữ Ngọc Cửu 玉玖 (1802 - 1846), về sau được truy tặng An Lễ công chúa 安禮公主.
11 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, Tập 3, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 93.
12 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, Tập 3, Tlđd, tr. 93.
13 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 2, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 59.
14 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 4, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 978.
15 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 6, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 66.
16 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, Tập 3, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 93.
17 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 6, Tlđd, tr. 578.
18 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 6, Tlđd, tr. 904.
19 Tôn Thất Cổn (1943), Hoàng tộc lược biên, Nxb. Imprimerie Nguyễn Văn Của, Sài Gòn, tr. 6.
20 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 7, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 818.
21 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 2, Tlđd, tr. 58.
22 Phòng Định Viễn Quận vương (1987), Ngọc hệ thế phổ, Viễn Bổn biên soạn, tr. 15.
23 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 2, Tlđd, tr. 237.

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Ký ức gò đồi (19/12/2023)