Huế bốn phương
Giữa đôi bờ văn hoá Đông Tây
08:48 | 16/11/2010
THANH TÙNGTốt nghiệp Cử nhân Văn khoa, dạy học một năm ở trường Đồng Khánh, Thái Kim Lan qua CHLB Đức học khóa đào tạo giáo sư Đức ngữ của Viện Goethe Munich, với học bổng của Viện trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD).
Giữa đôi bờ văn hoá Đông Tây
TS Thái Kim Lan - Ảnh: Chụp trong vườn nhà anh Lê Văn Lợi ở Huế

Bà nhớ lại: Thời gian du học là thời gian đánh vật với ngôn ngữ nước người. Tuy đã chuẩn bị tinh thần và đã làm quen với tiếng Đức qua các lớp dự bị tại Huế nhưng khi đến nơi mới biết rằng “mình chẳng biết gì cả”. Vì thế phải cố gắng hết mình. Không như ở Việt Nam, đi học ngoại ngữ vẫn dùng tiếng Việt, ở đây chúng tôi bơi trong dòng ngôn ngữ lạ, tuyệt đối không được dùng tiếng Việt. Viện Goethe đã sắp đặt để chúng tôi tiếp cận và làm quen với sinh ngữ sở tại nhanh nhất. Chúng tôi được bố trí ở những nơi khác nhau nên càng nhớ nhà nhiều hơn. Nhiều khi nằm khóc vì nhớ nhà, và nhớ nhất là các món ăn của mạ, của bà nấu từ thời thơ ấu. Trong khoảng thời gian này, các thực phẩm Á châu chưa được phổ biến tại Âu châu như bây giờ, cho nên gạo, nước mắm, rau muống chỉ tìm được... trong mơ.

Bù vào nỗi nhớ nhà bà vùi đầu vào việc học. Trong năm đầu học sinh nước ngoài được đưa đến học ở nhiều thành phố khác nhau để biết thổ ngữ của các miền. Đồng khoá của bà có nhiều quốc tịch, từ Mỹ, Anh, Pháp, Đại Hàn, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Irak, Ai Cập, Syrien, Nam Mỹ… Các cô giáo trẻ Việt Nam luôn luôn là những học sinh ưu tú nhất lớp. Họ giỏi văn phạm, ngữ pháp. Bài viết của họ thường được đọc cho cả lớp nghe. Bạn bè các châu lục và thầy cô giáo đều quý trọng. Thái Kim Lan có cơ duyên được ở trọ tại những gia đình người Đức rất tốt, có con cái cùng lứa tuổi, được xem như thành viên trong gia đình. Đó là những cơ hội quí giá để làm quen với tiếng nói và phong tục nước ngoài.

Năm 1968 Thái Kim Lan thi đậu bằng Cử nhân giáo sư Đức ngữ và xin ở lại học tiếp môn Triết học tại Đại học Munich. Đó chính là ước mơ du học của bà. Đây là khoảng thời gian cam go nhất. Mọi thứ phải tự túc và phải phấn đấu trên mọi lãnh vực, đời sống cũng như học hành. Vận may lại mỉm cười. Thái Kim Lan được học bổng của Đại học Munchen, và sau đó được học bổng của Quỹ tài trợ sinh viên du học của người Đức liên tiếp trong những năm chuẩn bị làm luận án Tiến sĩ. Nhờ đó bà đỡ vất vả về vật chất nhưng lại phải cố học nhiều hơn để được tiếp tục bảo trợ. Mặc dù học bổng rất khiêm tốn nhưng bà vẫn biết dành dụm để đôi lần có ít tiền gửi về Huế trợ cấp thêm cho mẹ. Có thể khác với sinh viên Việt Nam ngày nay du học nước ngoài, sinh viên Việt Nam ngày trước là thế, hầu như ai cũng hướng về quê hương, biết chắt chiu từng đồng tiền học bổng để tỏ lòng hiếu nghĩa với cha mẹ, gia đình.

Trong thời gian này chiến tranh ở Việt Nam ngày càng khốc liệt, phong trào đấu tranh cho hoà bình trên thế giới lan rộng, Thái Kim Lan đã tham gia những cuộc quyên góp giúp người tàn tật và thương binh cho cả hai miền. Trong khuôn khổ sinh hoạt văn hóa tại trường đại học, ngay từ đầu thập niên 1970 Thái Kim Lan đã tổ chức những buổi trình diễn văn nghệ Việt Nam. Trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam bà đã mời giáo sư Trần Văn Khê đến Đại học Munich thuyết trình về âm nhạc dân tộc. Trước năm 1975, tân nhạc Việt Nam với Trịnh Công Sơn, Miên Đức Thắng... đã được hát ở CHLB Đức, như ngọn lửa ấm thổi vào lòng người Việt tha hương bên trời tây giá lạnh. Do yêu cầu tìm hiểu Việt Nam và chiến tranh, thơ Chế Lan Viên cũng được chọn dịch và đọc trong những buổi phát thanh ở Bayern.

Sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ, Thái Kim Lan được giữ lại Viện nghiên cứu Triết học. Từ đó bà hướng dẫn sinh viên và giảng dạy triết học so sánh Đông - Tây tại Đại học L.M. Universitaet Munchen. Cho đến nay bà vẫn nhớ như in buổi lên lớp đầu tiên. Bà đã chảy nước mắt khi nói với các bạn sinh viên: Từ trước đến giờ tôi đã nhận của người Đức rất nhiều: học bổng, sự giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần. Và hôm nay, lần đầu tiên tôi cảm thấy tôi có thể cho lại các bạn một thứ gì đó mà tôi nghĩ là bổ ích với các bạn, một thứ của riêng quê hương tôi, đó là triết học phương Đông và Phật giáo.

 Cuối buổi học, có một sinh viên nán lại, cứ đứng nhìn cô giáo mãi rồi mới nói: Khi đọc tên của cô và bộ môn cô dạy, em cứ nghĩ đây hẳn là một ông già phương Đông, râu dài, tóc bạc phơ đến thuyết giảng về Phật học… Ai ngờ (!).


Thái Kim Lan sinh ra, lớn lên, học phổ thông và đại học ở Huế, thành đạt ở xứ người. Năm 1980 bà đoạt giải nhất cuộc thi Người ngoại quốc sáng tác văn chương bằng tiếng Đức của Viện Tiếng Đức như là một ngoại ngữ - thuộc Đại học Munchen - với 10 bài thơ trong tuyển tập Lạnh hơn xứ mình. Năm 1982 hai bài thơ Begegnung và Zum deutschen Freund của Thái Kim Lan được đăng trong tuyển tập Als Fremde in Deutschland (Làm người ngoại quốc ở xứ Đức). Các bài thơ: Buổi sáng bên hồ, Hạ II, Mưa thu, Khóa Thiền II, Quán Tưởng I, Quán Tưởng II... đăng trong Tạp chí văn học Litfass 38, nxb Piper, Munchen 1986. Một số bài thơ khác của bà được đưa vào các sách giáo khoa Đức ngữ cho các lớp trung học phổ thông và huấn luyện tiếng Đức.

Luận án Tiến sĩ I. Kant, Die restriktive Funktion der Sinnlichkeit in der Kritik der reinen Vernunft của Thái Kim Lan được in thành sách ở Đức. Bà đã tuyển chọn, dịch và giới thiệu Tuyển tập văn học Đức - Việt về B.Brecht và Hermann Hesse; tác giả của nhiều tiểu luận về triết học, tôn giáo và nhiều bài ký sự, tùy bút…; của 3 quyển sách nấu ăn thuộc hạng bestseller, do nhà xuất bản chuyên môn ẩm thực và sức khỏe Grafer & Unzer - Munchen ấn hành. Sách được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Bên cạnh dạy học, viết văn, Thái Kim Lan có khá nhiều đam mê. Ở Đức bà thành lập và xây dựng một trong hai tiệm ăn Việt Nam - Bếp Hoàng gia Cố Đô tại Munich; tổ chức khá nhiều lớp Yoga, Tài Chí, Hồi Xuân Công, võ thuật Việt Nam, Ballet, khiêu vũ, nghiên cứu thời trang và làm sách. Thuở nhỏ Thái Kim Lan mê đọc sách, mê sưu tập sách và yêu sách hơn cả thời trang, mỹ phẩm. Ngôi nhà của bà ở Munich như một phòng trưng bày thời trang Việt Nam xưa, tranh cổ, đồ cổ, tượng Phật.

Từ năm 1980 bà là sáng lập viên và Chủ tịch Hội Giao lưu Đức - Á Munchen; năm 1992 là đồng Chủ tịch Hội Thân hữu Phật tử Âu châu, sáng lập viên và đồng Chủ tịch Hội Giao lưu Đức - Việt nhằm giới thiệu, tổ chức các sinh hoạt giao lưu văn hóa giữa người Đức và người Á châu; hỗ trợ các chương trình hội nhập của cơ quan xã hội và văn hóa tại Munich cho người ngoại quốc; tổ chức các lớp học ngoại ngữ Á châu cho người Đức và lớp học Đức ngữ cho người Á châu (Việt Nam, Inđonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ v.v); tư vấn dịch thuật cho người Việt Nam; tổ chức các hội thảo về Triết học Đông phương; tư vấn về pháp luật cho người nước ngoài; tổ chức các sinh hoạt tự do (bơi lội, nấu ăn, hội hoạ, thư pháp, các khoá Thiền v.v…) cho người Đức và người Á châu.


Làm thế nào giữ được bản sắc văn hóa khi chính mình bị (hay được) nhận chìm và bao phủ bởi làn sóng văn hoá nước người? Hơn 40 năm ở nước người, chị nghĩ gì về việc bị đồng hoá bản sắc?

Câu trả lời của Thái Kim Lan thật thú vị; như là tham luận về một chuyên đề.

Tôi thích câu hỏi này hơn là phải “trích ngang” tiểu sử của mình. Khi bước chân đến nước người, ta bắt đầu một cuộc đối thoại giữa cái ta có và cái khác ta đang ở xung quanh, không chỉ là cuộc đối thoại tay đôi, mà là một cuộc đối thoại tập thể, trong đó có mẹ tôi, bà tôi, chị tôi, cha tôi, cả nền văn hoá tôi thu nhận được. Đằng sau lưng và trước mặt là cuộc sống mới lạ của phương Tây, sự quyến rũ của nền văn minh. Cả một tiến trình trao đổi xảy ra trong ý thức, một cuộc đối thoại bắt đầu với một thứ ngôn ngữ của đứa trẻ mới tập nói: hoặc là anh mất chính mình hay anh chẳng hiểu gì cả, thu mình trong vỏ ốc. Tôi có được hai cơ hội, một phần do chính ý chí và sức lực của chính mình tạo nên.

Thứ nhất, từ việc dạy học, luôn tiếp xúc với sinh viên, đó là cuộc trao đổi văn hoá sống động nhất trong đời. Tôi không ngừng học những tư duy mới của thế hệ trẻ phương Tây. Đồng thời sự thách đố bị ngã về một bên, hay bị đồng hoá làm cho tôi có ý thức hơn về chính “bản sắc” của mình. Từ phản tỉnh về “cái mình có, gia sản văn hoá” của cái tôi Việt Nam, tôi lách để nhìn và chọn lọc điều mà tôi sẽ cống hiến cho sinh viên, chắt lọc cái ưu điểm khác lạ của gia tài mình có để giúp người khác có cơ hội mở rộng tầm nhìn, nâng cao cảm hứng văn hóa, qua đó chính mình cũng được mở mắt để thấy cái hay cái đẹp của người ta. Chính nhờ khoảng cách phản tỉnh này tôi có cái nhìn rộng hơn sâu hơn về cả hai nền văn hoá, từ đó ý chí bảo vệ bản sắc của mình, không phải để khư khư, mà chính là để tăng thêm phẩm chất của cuộc trao đổi càng ngày càng mạnh. Nó tạo nên niềm tin và một chút tự hào về bản lai diện mục, nơi cội nguồn mà ta xuất thân.

Điểm thứ hai, kinh nghiệm những năm đầu tiên đến nơi đất lạ cho tôi sáng kiến, làm thế nào để giúp đỡ người cùng cảnh ngộ như mình, đến nơi “non nước lạ lùng, con chim kêu cũng lạ, con cá vẫy vùng cũng kinh” bớt nỗi cô đơn. Vì thế cùng với những người bạn Đức, chúng tôi thành lập Trung tâm giao lưu Đức - Á, như một diễn đàn gặp gỡ để trao đổi văn hoá và hỗ trợ xã hội cho những người ngoại quốc - không chỉ sinh viên, mà mọi người lao động đến cư ngụ tại Đức.

Cuộc đối thoại dành cho mọi tầng lớp người ngoại quốc trên nước Đức bao hàm những nội dung văn hoá quí giá ngay chính trong sự nhìn lại mình. Công việc này lại có ý nghĩa tham gia tương trợ cộng đồng, góp phần xây dựng an sinh xã hội, nên được chính quyền sở tại hỗ trợ và đánh giá cao. Chính trong cuộc trao đổi này, khái niệm văn hoá của tôi được mở rộng: văn hoá chính là sức sống được tô bồi phẩm chất cho chính ta trong thông cảm với người. Nó không chỉ là hàn lâm mà còn trải rộng đến từng viên đá lót đường, đến môi sinh, đến sự tôn trọng đời sống chung trong một xã hội, đến bếp núc và món ăn ngon.

Nhà hàng Cố Đô là một ví dụ. Cố Đô được hình thành trong dự án kinh tế văn hoá, như điểm hẹn Việt Nam. Để dùng một sáo ngữ, nhưng trong trường hợp này là một thực tế, và là niềm tự hào của gia đình... có lẽ cả Huế và Việt Nam. Bởi lẽ trước hết, Cố Đô tự nhận là tiệm ăn với nghệ thuật bếpViệt Nam. Năm 1984, cả thành phố Munich nhan nhản tiệm cơm Tàu, Nam Dương, Ấn Độ, ngay cả người Việt mở tiệm cũng treo bảng hiệu tiệm ăn Tàu hay Nam Dương, vì sợ chưa ai biết đến Việt Nam sẽ ế khách. Cố Đô có một đường lối khác, một hãnh diện là bếp Việt Nam, một stil độc đáo Việt Nam, nhấn mạnh gu Việt Nam là nước mắm, là sả, ớt với bảng hiệu đầy hãnh diện là tiệm ăn Việt Nam. Ngoài Cố Đô chỉ có một tiệm nữa lấy tên Việt Nam mà thôi.

Bí quyết đường lối Cố Đô xuất phát từ căn nhà Từ đường của bà nội, nơi hội tụ những bàn tay khéo léo của các nữ nhân một thời của Huế, của bà, của mẹ, của chị, mà tôi đã được thưởng thức. Ước muốn chia sẻ “vị ngon đậm chất Việt Nam”, chia sẻ cái đậm đà văn hoá “ăn uống” mà người Á đông đã gọi là đạo nuôi nấng con người với người năm châu đã là bí quyết thành công của Cố Đô. Chính trong những va chạm với người khác, có dịp so sánh giữa người với ta, ý muốn gìn giữ nét đẹp riêng của mình càng tăng lên. Tôi muốn nói ngay cả mái tóc của mình. Khi ra đi, tóc chúng tôi ai cũng uốn quăn theo mốt Tây phương. Mười mấy năm sau tóc tôi dài quá gối, như bà, như mẹ một thời đã nuôi tóc cho vóc dáng của mình. Với mái tóc, tôi đi giữa trời Tây, vững chãi niềm tin về vẻ đẹp hồn nhiên Đông phương. Ấy thế mà tôi nổi tiếng ở phân khoa là người bận đồ tây cũng như khi quốc phục (áo dài) đều đúng mốt và “distinguée”. Người Việt mình thời nay nói nôm na là “không đụng hàng”, người Tây nói là lịch sự tế nhị… Làm văn hoá phải hàm nghĩa gìn giữ bản sắc và nâng cao phẩm chất của mình trong tiếp thu cái mới.   

 Ngay từ những ngày đầu du học Thái Kim Lan đã ấp ủ một khát vọng có ngày được trở về xây dựng quê hương. Cuối thập niên 1980 bà đã là một thuyết khách khuyến khích người Đức sang làm công tác xã hội và đầu tư vào Việt Nam. Bản thân bà thường xuyên đi về tổ chức các hội thảo khoa học và tham gia giảng dạy. Từ năm 1988 bà đã có những dự án từ thiện xã hội như giúp kinh phí xây dựng và tổ chức các lớp Mầm non tại một số chùa ở Huế; kêu gọi và tư vấn các hội đoàn từ thiện Đức (Quĩ W. P. Schmitz-Stiftung, Duesseldorf) giúp các tư nhân gây dựng vốn kinh doanh; hỗ trợ thiết bị cho một số trạm y tế, trường học; cấp học bổng cho trẻ em nghèo; gây quỹ quay vòng đầu tiên cho học sinh và nông dân tại Huế; cứu trợ người nghèo trong các vùng bị thiên tai, bão lụt.

Từ năm 1992 đến 2000 bà qua về Việt Nam thường xuyên hơn để tổ chức các lớp Đức ngữ tại Hà Nội; phối hợp với một số Viện chuyên ngành tổ chức các cuộc hội thảo về Văn học, Triết học, Đạo đức học, Kinh tế và Xã hội học. Năm 1997 bà là một trong những người phát tâm cúng dường công đức xây dựng Học Viện Phật học tại Huế, tham gia giảng dạy tại các trường cao Đẳng Phật học trong nước. Năm 2000 bà là nhà tài trợ chính cho Nhà hát Tuồng Đào Tấn (Bình Định) dựng vở Lộ Địch và lưu diễn ở Âu châu; cùng giáo sư Trần Văn Khê và Trung tâm Bảo Tồn và Phát huy nghệ thuật dân tộc tổ chức các cuộc hội thảo về văn học nghệ thuật.

Năm 2005 Thái Kim Lan được trao tặng giải thưởng Đào Tấn; năm 2006 được Vinh danh nước Việt.

Trọng tâm hoạt động của Thái Kim Lan là hướng về các vấn đề hỗ trợ, đẩy mạnh giao lưu văn hóa Đức - Việt. Bà đang ấp ủ dự án xây dựng Trung tâm trao đổi văn hóa quốc tế tại Huế. Bà thổ lộ ý tưởng:

Từ những kinh nghiệm thâu lượm được trên con đường dài giao thoa văn hoá, gặp gỡ con người, tôi quan niệm rằng, văn hoá không phải là xây tượng đài, làm nhà lưu niệm cá nhân. Tôi ước mong có thể xây dựng tại Huế hay một thành phố nào khác trên đất nước Việt Nam, một căn nhà sẽ là nơi gặp gỡ, đối thoại văn hoá - văn hoá có nghĩa “sống, giao hoà, biến đổi, nâng phẩm chất, nâng nhân cách trong nghệ thuật sống” chứ không “chết, dừng lại, ù lì”. Một trung tâm văn hoá như thế là nơi sinh hoạt của nhiều thế hệ, của nhiều quốc gia, của mọi tầng lớp và mọi giới, trong đối thoại để mở rộng ý thức, nâng cao kiến thức, xây dựng niềm tự trọng và trau dồi nhân cách. Khi viết về “ngoại giao văn hoá” tôi có nhấn mạnh một điểm “văn hoá luôn đi kèm với đạo đức”. Đạo đức ở đây chính là vẻ đẹp thanh cao của một nền văn hóa lấy con người làm trung tâm, và sự tương kính đạo lý làm nền tảng, lấy hoà bình làm cơ sở sống chung, điều kiện cho an lạc và hạnh phúc.

…Thái Kim Lan không giản đơn chỉ là người chuyển tải tư tưởng Á đông đến với nước Đức, Thái Kim Lan cũng không đơn thuần chỉ là người phiên dịch giữa các nền ngôn ngữ và văn hóa, mà thật ra Thái Kim Lan đang thực hiện một động tác quân bằng (Balanceakt), biểu hiện một tổng hợp riêng tư, rất cá biệt nhưng đầy sáng tạo hướng đạo. Tổng hợp này không phải là động tác giản đơn choàng lên những ý niệm Á Đông bằng tấm áo Đức quốc, cũng như không phải là cuộc phiên dịch những bài thơ tiếng Việt sang tiếng Đức mà chính là cuộc thử nghiệm khởi từ nỗi căng thẳng thường trực mà tác giả đã trần thân giữa giòng sống hiện tại. Chính trong sự căng thẳng này tác giả tìm cách phác hoạ (entwerfen) nên một điều gì đó và điều ấy không đơn giản chỉ là sự khơi dậy cái “bên kia” (Heraufbeschworen des “Dortigen”) cũng không là sự ngụp lặn vào trong cái “bên này” (Eintauchen in das “Hiesige”), mà là một căng thẳng giữa hai đầu thế giới, chính từ đó nảy sinh đặc điểm riêng tư và nét tân kỳ của tác phẩm.
IRMGARD ACKERMANN


TH.T
(260/10-10)





Các bài mới
Huế tha hương (29/06/2018)
Các bài đã đăng