Huyện Phong Điền, với diện tích 953,8 km2, dân số hơn 100.000 người. Là vùng đất có địa hình tương đối đa dạng, kết hợp với nguồn tài nguyên khoáng sản, tài nguyên đất đai phong phú, nguồn nhân lực dồi dào ... được đánh giá là vùng đất có nhiều tiềm năng cho đấu tư phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phong Điền có lợi thế về địa lý - kinh tế: nằm trên tuyến đường huyết mạch chính của hành lang kinh tế Đông Tây nối với Lào – Thái Lan – Mianmar từ của khẩu quốc tế Lao Bảo đến các cảng biển của miền Trung; điều kiện giao thông khá thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy. Qua địa bàn huyện có các giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường Cam lộ - Túy Loan, tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy dọc qua huyện. Cảng biển Điền Lộc đang được xây dựng cùng với các tuyến vận chuyển giao thông đường thủy trên hệ thống đầm phá Tam Giang, sông Bồ, sông Ô Lâu có thể phục vụ cho vận chuyển hàng hóa trong vùng và trung chuyển hàng hóa đi các nơi. Cách không xa trung tâm huyện lỵ và các khu công nghiệp có sân bay Phú Bài (khoảng 50 km) và sân bay quốc tế Đà Nẳng (khoảng 120 km).
Về tiềm năng, Phong Điền có:
- Khu công nghiệp Phong Điền với diện tích 700 ha đang thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ theo tiêu chí của khu công nghiệp tập trung đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư và ưu tiên phát triển các loại hình công nghiệp sạch, ít khả năng gây ô nhiễm. Khi các nhà đầu tư vào khu công nghiệp sẽ hưởng môi trường đầu tư, dịch vụ - quản lý tốt và được hưởng các chính sách ưu đãi chung của chính phủ Việt Nam và và điều kiện riêng có của huyện Phong Điền.
- Tiềm năng về khoáng sản: mỏ đá vôi Phong Xuân có trữ lượng 240 triệu m3; mỏ sét trữ lượng 300 triệu tấn, mỏ than bùn Phong Chương với trữ lượng trên 5 triệu m3; nước khoáng nóng Thanh tân có trữ lượng lớn; 17.000 ha cát trắng ven biển và 14.000 ha cát nội đồng với hàm lượng silicat được đánh giá cao nhất khu vực miền Trung là nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến sâu sản phẩm từ cát, Ngoài ra, còn có các loại đá có lẫn quặng sắt và phụ gia hoạt tính cho sản xuất xi măng; vật liệu xây dựng như cát, sỏi, trữ lượng khai thác hàng năm hơn 10 nghìn m3;
- Tiềm năng về phát triển du lịch:+ Tiềm năng cho phát triển du lịch tắm biển-nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái biển, đầm phá: Vùng gò đồi-miền núi có nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên đẹp như động Adon, hồ Gương, hồ Quao, khe Me, suối khoáng nóng Thanh Tân, phong cảnh núi đồi, rừng thông. Đặc biệt, có Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền với nhiều phong cảnh đẹp đa dạng, hấp dẫn; có các loài động, thực vật quý hiếm; các dân tộc thiểu số sống ở vùng đệm còn giữ nhiều nét văn hóa dân tộc đặc sắc. Vùng ven biển-đầm phá có các bãi tắm thoải mịn, nước biển trong xanh như ở Điền Lộc, Phong Hải; ven đầm phá có các tràm chim, cảnh quan, hệ sinh thái phá Tam Giang.
+ Tiềm năng cho phát triển du lịch văn hóa – lịch sử - di sản: Phong Điền có nhiều địa danh nổi tiếng gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời và truyền thống cách mạng của địa phương, tiêu biểu như làng cổ Phước Tích, chùa Giác Lương, làng mộc Mỹ Xuyên; có các di tích cách mạng như chiến khu Hòa Mỹ, di tích Ba Trục, đồn Đất Đỏ, Sở Ấn loát, chiến thắng Thanh Hương; lăng mộ của các danh nhân Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Huy Trứ, Trần Văn Kỹ, Lê Văn Miến, Nguyễn Tri Phương v.v. Trong số đó có 15 địa danh được cấp bằng công nhận di tích (có 8 di tích cấp quốc gia và 7 di tích cấp tỉnh).
- Tiềm năng nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến, dịch vụ: Hiện nay, huyện Phong Điền đã ổn định diện tích trồng lúa hơn 10.000 ha, lúa chất lượng cao đang được chú trọng, hình thành nhiều vùng cây nguyên liệu tập trung như rừng sản xuất (15.800 ha), cao su (gần 2000 ha), lạc (1.500 ha). Sắn công nghiệp (1.850 ha), rau màu cao cấp (gần 200 ha). Chăn nuôi đang phát triển mạnh, nhất là chăn nuôi bò đàn, lợn theo quy mô lớn. Bờ biển dài 16 km và gần 632 ha diện tích đầm phá và nhiều hồ đập tự nhiên với nguồn thủy sản phong phú, có nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cá thu, mực và, đặc biệt khu nuôi tôm trên cát diện tích gần 1000 ha đang là lợi thế lớn trong nuôi trồng thủy sản công nghệ cao.
- Tiềm năng về nguồn lao động: Phong Điền còn có nguồn lao động dồi dào, có kinh nghiệm sản xuất, ý chí tự lực, tự cường vươn lên, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và có khả năng hòa nhập được với kinh tế thị trường. Đến nay, toàn huyện có 47,146 nghìn người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, chiếm 45,02% số nhân khẩu; trong đó 43,25 nghìn người có khả năng lao động cần được bố trí việc làm, bình quân hàng năm tăng khoảng 1200 -1300 người.
Với lợi thế và những tiềm năng trên, Phong Điền là miền đất hứa cho đầu tư phát triển với công nghệ tiên tiến, sử dụng nhiều lao động địa phương trên các lĩnh vực khai thác khoáng sản đá vôi, sản xuất xi măng, khai thác vật liệu xây dựng, chế biến sâu sản phẩm từ cát, công nghiệp chế biến từ sản phẩm nông nghiệp như gỗ rừng, gạo chất lượng cao, rau màu cao cấp, cao su, cây công nghiệp ngắn ngày; sản phẩm từ ngành chăn nuôi như bò, lợn, gia cầm, nhất là công nghiệp chế biển thủy hải sản. Ưu tiên đầu tư hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Phát triển mạnh du lịch sinh thái, du lịch di sản – văn hóa kết hợp phát triển dịch vụ chất lượng cao như dịch vụ thương mại, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ sử dụng công nghệ cao. Hình thành chuỗi giá trị trong phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại.
Ngoài các lĩnh vực trên, Phong Điền cũng đang ưu tiên cho các nhà đầu tư trên các lĩnh vực công nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ môi trường, ...
Bên cạnh việc phát huy nội lực tại chỗ, huyện xác định phải huy động tối đa nguồn lực từ bên ngoài thông qua việc cải thiện rõ rệt môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào Phong Điền, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, chú trọng thực hiện tốt các chính sách khuyến khích đầu tư, hướng dẫn, giúp đỡ các thành phần kinh tế trong việc định hướng đầu tư; rà soát lại tất cả các thủ tục cho thuê đất, cấp phép đầu tư; cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện phương án “một cửa”. Tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp vào đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Phong Điền.
Những lợi thế về vị trí địa lý - kinh tế, tiềm năng, thế mạnh và những nỗ lực trong cải cách hành chính của chính quyền các cấp, Phong Điền đang là miền đất hứa cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển trên các lĩnh vực công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến, dịch vụ, du lịch. Những thành công trong những năm qua, cùng sự hỗ trợ, hợp tác đầu tư của các nhà đầu tư đang tạo cho Phong Điền một nền tảng rất cơ bản để có thể tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác kinh tế trong nước; đẩy nhanh hơn nữa phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian tới, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống của người dân. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, với tinh thần tự lực, tự cường, Đảng bộ và nhân dân Phong Điền quyết tâm đoàn kết, sáng tạo, phấn đấu đưa Phong Điền ngày càng phát triển giàu mạnh, góp phần đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo phongdien.thuathienhue.gov.vn