Trong 20 năm xây dựng và phát triển, BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của BHXH Việt Nam, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện chính SÁCH BHXH, BHYT, góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong bối cảnh nhiều năm liền chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vận dụng linh hoạt các biện pháp để mở rộng đối tượng tham gia; thu đúng, thu đủ và nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch, số thu năm sau luôn cao hơn năm trước. So với thời điểm ban đầu thành lập, số đơn vị tham gia BHXH, BHYT bắt buộc hiện nay đã tăng gấp sáu lần, số người tham gia gấp hơn ba lần; tham gia BHXH bắt buộc, BHTN và BHXH tự nguyện đều đạt hơn 101% kế hoạch giao, tham gia BHYT tăng lên 25 nhóm đối tượng, đạt tỷ lệ 81% dân số.
BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ và chi trả các chế độ BHXH, BHTN theo đúng quy định của pháp luật và quy định của ngành, bảo đảm kịp thời, đầy đủ cho đối tượng thụ hưởng. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sử dụng lao động thanh quyết toán kịp thời các chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức cho người lao động. BHXH tỉnh cũng đã hướng dẫn BHXH cấp huyện tổ chức chi trả l
Tổng số tiền chi trả chế độ BHXH và BHTN hằng năm rất lớn; riêng năm 2014 đã chi hơn 1.228 tỷ đồng. Quyền lợi của người tham gia BHYT được bảo đảm tốt, chất lượng cao do mạng lưới khám, chữa bệnh BHYT được mở rộng đến toàn bộ Trạm y tế cấp xã với đội ngũ y, bác sĩ phủ kín 100% và nhiều bệnh viện đã có đầy đủ các dịch vụ kỹ thuật cao. Người tham gia BHYT được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các dịch vụ y tế, kể cả các dịch vụ kỹ thuật cao, tiên tiến và các loại thuốc đặc trị. Hằng năm, BHXH tỉnh đã trực tiếp giám định, bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh cho hàng chục nghìn lượt người bệnh BHYT ở các tỉnh, thành phố khác đến điều trị, góp phần bảo đảm quyền lợi cho người bệnh BHYT trong toàn hệ thống.
Năm 1995 chỉ có 97.340 lượt người bệnh khám, chữa bệnh BHYT với chi phí gần ba tỷ đồng thì đến ngày 31-12-2014 tăng lên 2.306.000 lượt người bệnh với tổng số tiền chi phí hơn 869 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí cho người bệnh ngoại tỉnh). Có người bệnh được thanh toán hơn một tỷ đồng/đợt điều trị.
Chất lượng phục vụ và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đối tượng tham gia BHYT tại tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày càng được nâng lên. Sự phàn nàn, phản ánh giảm dần theo thời gian. Nhận thức của đa số nhân dân, người lao động đã có chuyển biến rõ rệt và thấy được lợi ích thiết thực khi tham gia BHYT. Nhờ có quỹ BHYT mà người tham gia yên tâm hơn với cuộc sống, hạn chế được nỗi lo lắng về tài chính khi ốm đau, bệnh tật, mang lại niềm vui, cuộc sống bình an cho nhiều người, giúp họ trở lại với cuộc sống thường nhật, với hạnh phúc đời thường và tiếp tục đóng góp công sức, tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội liên quan đến quyền lợi, sức khỏe, bảo đảm an toàn và chất lượng cuộc sống trọn đời của người tham gia, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ của lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền từ T.Ư đến địa phương, của các sở, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, người lao động trên địa bàn tỉnh thì mỗi công chức, viên chức BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn nhận thức được đầy đủ về vinh dự cũng như trách nhiệm được giao. Đồng thời phát huy những kết quả đã đạt được, đoàn kết một lòng, tiếp tục phấn đấu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để hoàn thiện và phát triển hơn nữa hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó; khẳng định được vị thế, vai trò của ngành BHXH đối với sứ mệnh bảo đảm an sinh xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế và sự phát triển không ngừng của đất nước.
Trong thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 với mục tiêu: Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Phấn đấu đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 50% số người lao động tham gia BHXH, 35% số người lao động tham gia BHTN; hơn 80% dân số tham gia BHYT. Sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối quỹ BHXH trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối quỹ BHYT. Xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN thông qua các giải pháp: đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia; thực hiện minh bạch, công khai và tăng cường quản lý các hoạt động khám, chữa bệnh để hạn chế, ngăn chặn tình trạng trục lợi BHYT, lạm dụng kỹ thuật cao, thuốc chữa bệnh đắt tiền; xây dựng, phát triển hệ thống BHXH, BHYT, BHTN đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.
Trong suốt quá trình hoạt động từ khi thành lập cho đến nay, hằng năm BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhận nhiều bằng khen từ cấp tỉnh đến cấp Bộ. Điển hình, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba năm 2002, 2004 và Huân chương Lao động hạng nhì vào năm 2010. Năm nay, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập, BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.
Theo Nhân Dân