Kinh tế và phát triển
Cánh đồng lớn – triển vọng cho nền kinh tế nông nghiệp Quảng Điền.
14:03 | 13/04/2015

Quảng Điền là huyện thuần nồng, hơn 85% dân cư tập trung sản xuất bằng nông nghiệp, nhưng toàn bộ diện tích nông nghiệp của huyện đều nằm trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, thiếu bền vững. 

Cánh đồng lớn – triển vọng cho nền kinh tế nông nghiệp Quảng Điền.

Để từng bước đưa lĩnh vực nông nghiệp của huyện phát triển bền vững, vụ Đông Xuân 2014-2015, huyện đã đưa vào thử nghiệp 2 mô hình cánh đồng lớn ở 2 đơn vị Quảng Thọ và Thị trấn Sịa. Hai mô hình này bước đầu đưa vào trình diễn đã mở ra triển vọng mới cho nền kinh tế nông nghiệp của huyện.

Theo ông Hoàng Vọng – Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Do tình trạng sản xuất mạnh mún, nhỏ lẽ nên thường xuyên xảy ra vấn đế được mùa, mất giá do tư thương ép giá.  Vì vậy, giải pháp tối ưu  là phải kiến thiết lại đồng ruộng thành những vùng sản xuất tập trung, từ đó ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra những mặt hàng nông sản chất lượng cao, với khối lượng lớn, nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là con đường ngắn nhất để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Chương trình “Cánh đồng lớn” do Bộ Nông nghiệp và  PTNT phát động trong thời gian gần đây đáp ứng được những mong đợi đó nên được nhiều địa phương trong cả nước hưởng ứng mạnh mẽ.

"Cánh đồng mẫu lớn” là hình thức sản xuất tập trung, phát huy mối liên kết 4 nhà, tạo đầu ra ổn định với lợi nhuận cao cho người nông dân, giúp nông dân yên tâm sản xuất. “Cánh đồng lớn” có nghĩa cánh đồng đó phải đạt được những tiêu chuẩn nhất định và xứng đáng là hình mẫu cho những cánh đồng khác. Vì vậy, toàn bộ diện tích của cánh đồng mẫu phải được dồn điền đổi thửa, có hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hoá đồng ruộng. Theo đó, vụ sản xuất Đông Xuân năm nay huyện Quảng Điền đã chọn 2 đơn vị HTX Quảng Thọ 1 và HTX số 2 TT Sịa đưa vào 47 ha sản xuất theo quy mô cách đồng mẫu, trong đó HTX Quảng Thọ 1 với diện tích 24 ha sản xuất lúa giống QR1 và giống lúa chất lượng cao NA2 với 126 người dân tham gia, mô hình cách đồng lớn tại đây được liên doanh với Công ty cổ phần giống cây trồng vật nuôi tỉnh và công ty cổ phần cung ứng vật tư nông nghiệp tỉnh. Mô hình là sự kết hợp hài hòa giữa sản xuất, kinh doanh giống và lúa chất lượng cao theo quy trình “3 giảm, 3 tăng” kết hợp công cụ sạ hàng; ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu từ làm đất, gieo sạ và thu hoạch. Quá trình xây dựng mô hình, Công ty CP giống cây trồng vật nuôi tỉnh đầu tư giống và bao tiêu sản phẩm thông qua đầu mối Hợp tác xã. Theo hợp đồng giữa các bên, Công ty CP giống cây trồng vật nuôi sẽ nhân bảo tiêu sản phẩm lúa tươi nhưng tính theo giá lúa khô vào thời điểm thu hoạch. Ngoài cái được về giá cả, mô hình cánh đồng mẫu còn mang lại một kết quả rất lớn đó là giúp người dân không phải lo về giá cả khi thu hoạch, đặc biệt là đã giúp người dân năm bắt quy trình sản xuất theo hướng tập trung và hiện đại.

Còn tại mô hình cánh đồng lớn của HTX số 2 thị trấn Sịa được đưa vào sản xuất 23 ha,  giống lúa RVT với 120 hộ dân tham gia. Mô hình này được liên doanh với Công ty cổ phần giống cây trồng vật nuôi  trung ương. Theo đó đơn vị này sẽ đảm nhận bao tiêu sản phẩm, giá thành sẽ cao hơn giá lúa khang dân 1.000 đồng/kg tình thời điểm thu mua. Theo nhận định của ông Lê Văn Tân – Giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp số 2 thị trấn Sịa, khi đưa vào sản xuất theo quy trình cánh đồng lớn sẽ tạo cho xã viên sự chủ động trong sản xuất, không phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức cộng đồng của người nông dân. Vì vậy, việc đầu tiên mà người nông dân cần làm là liên kết những mảnh ruộng lại với nhau để tạo ra một cánh đồng có quy mô càng lớn càng tốt. Trên cánh đồng ấy, bà con được bình đẳng về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho cả quy trình sản xuất từ làm đất đến thu hoạch.

Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”  là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, để mô hình ngày càng được nhân rộng có hiệu quả như ý nghĩa của nó, có nhiều bài toán cần được giải quyết đó là: cần phải làm tốt công tác quy hoạch, cải tạo đồng ruộng kết hợp dồn điền đổi thửa, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng; thu hút, liên kết với nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, công tác thông tin,, tuyên truyền vận động nông dân tham gia. Cần chú trọng đầu tư cho công tác quy hoạch cải tạo đồng ruộng kết hợp dồn điền đổi thửa, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng. Công tác dồn điền đổi thửa phải gắn với việc cải tạo san phẳng mặt ruộng để tạo ra những thửa ruộng có điều kiện canh tác như nhau. Để xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn”  cần được nhân rộng không chỉ chú trọng trên cây lúa mà trên tất cả các cây trồng khác, không chỉ ở các xã đang trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới mà tất cả các địa phương đều cần phải quan tâm hướng đến. Do vậy, các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo để mở rộng mô hình này ngày càng có hiệu quả, khi đó thực sự là đòn bẩy để lĩnh vực nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng bền vững và hiện đại./.

 

Theo Công Cường (quangdien.thuathienhue.gov.vn)

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng