Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương nằm ven sông Bồ và ven phá Tam Giang, những năm gần đây, người dân nhiều xã của huyện Quảng Điền đã đầu tư kinh phí để thả nuôi cá lồng trên sông Bồ và trên phá Tam Giang. Mô hình nuôi cá lồng đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và giúp nhiều hộ dân ở Quảng Điền vươn lên làm giàu.
Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Hiệp ở thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú, bình quân mỗi năm gia đình anh thả nuôi từ 10 đến 12 lồng cá trên sông Bồ, đối tượng thả nuôi chủ yếu là cá Diêu Hồng, cá Trắm Cỏ. Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khâu làm lồng, chọn con giống và chăm sóc nên các đối tượng cá thả nuôi của gia đình anh luôn phát triển tốt, ít bị dịch bệnh và cho hiệu quả kinh tế cao. Theo tính toán của anh, một lồng cá sau một năm thả nuôi cho thu nhập từ 20 đến 25 triệu đồng, sau khi trừ các khoảng chi phí cho lãi ròng từ 10 đến 14 triệu đồng. Bên cạnh việc đầu tư phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông Bồ, anh Nguyễn Văn Hiệp còn làm đại lý thu mua cá của các hộ nuôi cá lồng ở xã Quảng Phú để cung cấp, tiêu thụ cho các đầu mối và thương lái ở các tỉnh, thành phía Bắc. Đến vụ thu hoạch, bình quân mỗi ngày gia đình anh thu mua trên 500 kg cá để tiêu thụ. Nhiều hộ dân ở xã Quảng Phú thấy được thị trường tiêu thụ các loại cá Diêu Hồng, cá Mè, cá Trắm Cỏ ngày càng thuận lợi và hiệu quả kinh tế mang lại khá cao nên cũng đã đầu tư kinh phí để làm lồng nuôi, nhất là lồng nhôm để hạn chế tình trạng cá thất thoát.
Theo thống kê của xã Quảng Phú, hiện nay, trên địa bàn xã, người dân đã đưa vào thả nuôi 132 lồng cá trên sông Bồ, những năm gần đây, nhờ môi trường nước được cải thiện cùng với kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăm sóc cá lồng nên các loại cá nuôi trên địa bàn xã Quảng Phú rất ít xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, thị trường tiêu thụ tương đối thuận lợi, người dân vừa bán cho đại lý của Anh Nguyễn Văn Hiệp, vừa bán cho các thương lái trên địa bàn tỉnh, giá bình quân các loại cá giao động từ 65.000. đến 80.000 đồng/01 kg. Đặc biệt, nhiều hộ dân còn thả nuôi các lồng trong thời gian 2 năm mới thu hoạch, nên cá đạt trọng lượng từ 5 đến 6 kg/con và giá thành cũng tương đối cao.
Cùng với xã Quảng Phú, các xã như Quảng Thọ, Quảng Thành, Quảng Lợi, Quảng Thái của huyện Quảng Điền cũng đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông Bồ và trên phá Tam Giang, điển hình như xã Quảng Thọ hàng năm người dân đưa vào thả nuôi từ 350 đến gần 400 lồng cá trên sông Bồ. Theo chia sẻ của nhiều hộ dân: nuôi cá Trắm Cỏ, cá Rô Phi... trong lồng không khó, có thể nuôi theo hình thức thâm canh. Điều quan trọng là phải chọn được con giống chất lượng. Trong quá trình nuôi nên tránh tình trạng thiếu ôxy cục bộ, lúc thời tiết thay đổi cần bổ sung thêm vitamin C cho cá, thường xuyên kiểm tra lồng nuôi cá để phát hiện dịch bệnh và có biện pháp chăm sóc kịp thời, nên nuôi với mật độ thưa để hạn chế dịch bệnh và ngột nước xảy ra ở cá.
Phát triển mô hình nuôi cá lồng có thể tận dụng diện tích mặt nước và nguồn thức ăn tự nhiên, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân ở khu vực nông thôn, nhất là các hộ dân sống ở ven sông, ven phá. Nhiều hộ dân đã có thu nhập hàng chục triệu đồng/năm nhờ mô hình nuôi cá lồng.
Mô hình nuôi cá lồng đã mang lại hiệu quả kinh tế khá lớn, giúp cho nhiều hộ dân ở huyện Quảng Điền vươn lên làm giàu chính đáng và mở ra hướng phát triển kinh tế mới. Tuy vậy, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo người dân không nên nuôi cá tràn lan ở các khu vực ven sông, ven phá mà cần thực hiện đúng quy hoạch trong nuôi trồng để giảm tình trạng ô nhiễm nguồn nước cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của cá, thậm chí có thể gây thua lỗ không nhỏ đến quá trình thả nuôi.
Theo quangdien.thuathienhue.gov.vn