Kinh tế và phát triển
Thừa Thiên - Huế gắn kết phát triển làng nghề với dịch vụ, du lịch
08:43 | 07/05/2015

Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa Huế, văn hóa dân tộc. Thừa Thiên - Huế xác định rõ mục tiêu là gắn kết chương trình khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống với chương trình phát triển dịch vụ du lịch; đẩy mạnh hoạt động các tua du lịch làng quê và làng nghề truyền thống.

Thừa Thiên - Huế gắn kết phát triển làng nghề với dịch vụ, du lịch
Làng nghề nón lá truyền thống Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy)

Tạo sức bật cho làng nghề

Sự thăng trầm của các ngành nghề, làng nghề truyền thống luôn gắn với từng thời kỳ biến động của lịch sử, quá trình phát triển kinh tế - xã hội và ý thức bảo tồn, gìn giữ các giá trị truyền thống văn hoá của dân tộc, của từng địa phương. Ngày nay, trong xu thế hội nhập nền kinh tế thế giới, nhiều cơ hội mới cho các nghề và làng nghề truyền thống phát triển, nhưng đồng thời cũng có nhiều nghề và làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một do sức cạnh tranh của sản phẩm yếu, xu hướng tiêu dùng thay đổi..., Huế cần có phương sách phù hợp, hữu hiệu để thu hút mọi nguồn lực liên quan tới di sản thủ công truyền thống cung đình thời nhà Nguyễn "trở lại" nhằm phục vụ du lịch, xuất khẩu và các nhu cầu hưởng thụ của xã hội.

Những năm qua, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành các kế hoạch về khôi phục, phát triển nghề và làng nghề gắn với sản phẩm xuất khẩu và chương trình khuyến công. Công tác khôi phục và phát triển nghề, làng nghề, sản xuất các sản phẩm xuất khẩu đã có nhiều chuyển biến tích cực và thu được kết quả. Một số nghề, sản phẩm nghề được phục hồi như gốm Phước Tích, pháp lam Huế... Một số sản phẩm mới được hình thành và có hướng phát triển tốt như giấy trúc chỉ, tranh dán đá, tranh vẽ trên lụa, tranh thư pháp, tranh sáo tre... Những làng nghề như gốm Phước Tích, nón lá Mỹ Lam, dệt Zèng ở A Lưới hay đan lát Bao La... được tiếp thêm sức mạnh thông qua những khóa tập huấn nâng cao năng lực, công nghệ mới. Chị Mai Thị Hợp, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Dệt Zèng, huyện A Lưới cho biết: "Sau các khóa tập huấn nâng cao năng lực quản lý do Sở Công thương hỗ trợ, từ cơ sở dệt Zèng quy mô nhỏ, lao động ít, chúng tôi thành lập HTX để phát triển và mở rộng quy mô. Hiện, HTX Dệt Zèng giải quyết việc làm thường xuyên cho 35 lao động, sản phẩm làm ra không chỉ tiêu thụ trên địa bàn huyện, mà còn phục vụ khách du lịch và nhận nhiều đơn đặt hàng của các đối tác trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, nghề dệt Zèng đã được khôi phục và bảo tồn ở huyện vùng cao A Lưới, tạo thu nhập ổn định cho nhiều chị em".

Các sản phẩm truyền thống đã có sự kết hợp hài hòa giữa sản xuất thủ công và máy móc, thiết bị hiện đại. Nhiều công đoạn sản xuất thủ công đã được các cơ sở đầu tư cải tiến, đưa máy móc thiết bị vào thay thế nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành và tăng sức cạnh tranh. Người dân ở các làng nghề được khuyến khích mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị. Hai làng nghề mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú và Thủy Lập, xã Quảng Lợi (Quảng Ðiền) đã tạo thêm 50 mẫu mới phục vụ khách du lịch. Làng gốm Phước Tích, xã Phong Hiền (Phong Ðiền) đã được bảo tồn và phát triển theo hướng phục vụ du lịch, trong đó đã xây dựng ba mẫu gốm mới theo thị hiếu của thị trường và đã được du khách ưa chuộng. Các cơ sở sản xuất dầu tràm ở xã Lộc Thủy (Phú Lộc) đã cải tiến mẫu mã từ chai chứa dầu cỡ lớn cồng kềnh thành những mẫu chai nhỏ từ 100 đến 400 ml, phù hợp nhu cầu du khách.

Người thợ hướng dẫn du khách thao tác nghề gốm tại làng cổ Phước Tích.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Lương Bảy cho biết: Chỉ tính từ năm 2011-2015, với 14 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, Trung tâm đã triển khai 170 đề án. Tỉnh cũng cho hình thành các cụm công nghiệp ở thành phố, thị xã và các huyện. Hằng năm, tỉnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống tham gia lễ hội, hội chợ triển lãm trong và ngoài địa phương.

Ðến nay, Thừa Thiên - Huế đã quy hoạch 10 cụm công nghiệp, hình thành tám cụm công nghiệp ở các huyện, thị xã và TP Huế. Các cụm công nghiệp đã tạo điều kiện cho một số đơn vị trong nghề, làng nghề đầu tư phát triển sản xuất chổi đót, đan lát, tăm tre, nước mắm, dệt may, chế biến gỗ, mộc mỹ nghệ, dân dụng...; hình thành các doanh nghiệp đầu mối thu mua sản phẩm, cung cấp kỹ thuật, nguyên vật liệu cho một số làng nghề, ngành nghề truyền thống và tiểu thủ công nghiệp. Nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả của các ban, ngành chức năng và sự tích cực hợp tác của các hộ sản xuất đã giúp cho các làng nghề truyền thống ngày càng được khôi phục và phát triển. Ðến nay, trên địa bàn có hơn 1.600 cơ sở sản xuất hàng thủ công truyền thống và hiện có khoảng 30 làng nghề truyền thống và làng nghề thủ công mỹ nghệ hoạt động sản xuất khá ổn định.

Theo Giám đốc Sở Công thương Thừa Thiên - Huế Võ Phi Hùng, ước tính tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đối với sản xuất tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đạt hơn 15%; giá trị sản xuất của các làng nghề truyền thống và làng nghề tiểu thủ công nghiệp chiếm gần 50% giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hằng năm giải quyết việc làm cho khoảng 10 nghìn lao động, làm phong phú thêm địa chỉ trên bản đồ du lịch của Huế. Quan trọng hơn là bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa của Việt Nam nói chung, tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng. "Nguồn vốn khuyến công quốc gia và vốn khuyến công hỗ trợ đã giúp nhiều làng nghề có điều kiện phát triển hơn. Mỗi làng nghề được hỗ trợ đào tạo nghề hoặc đầu tư thiết bị đã cho ra thị trường những sản phẩm nghề truyền thống có mẫu mã đa dạng và ngày càng chất lượng hơn" - ông Hùng cho biết.

Hướng phát triển

Trong chiến lược và chương trình phát triển du lịch, dịch vụ của Thừa Thiên - Huế, tỉnh đang chú trọng phát triển các quầy bán hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ tại đô thị trung tâm và điểm du lịch; tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủ công, truyền thống; khuyến khích, vận động hình thành các HTX, doanh nghiệp trong các làng nghề để làm hạt nhân phát triển làng nghề.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ, để phát triển làng nghề cần quy hoạch phát triển các nghề và làng nghề phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương gắn với phát triển thị trường và phát triển thương hiệu cho các làng nghề; tập trung xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; hoàn thiện môi trường pháp lý cho việc đăng ký sản phẩm.

Một trong những vấn đề then chốt là sự gắn kết với phát triển du lịch. Du lịch làng nghề sẽ khai thác lợi thế truyền thống văn hóa, lịch sử, nét tài hoa của những người thợ thủ công. Bên cạnh đó, phải có các chương trình nghiên cứu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Cần khảo sát, phân loại và ưu tiên một số nghề và làng nghề truyền thống tiêu biểu có điều kiện; cần ưu tiên kết hợp quy hoạch phát triển nghề và làng nghề gắn với quy hoạch phát triển du lịch và chương trình xây dựng nông thôn mới. Tập trung hỗ trợ đầu tư công nghệ - thiết bị, đào tạo nghề và truyền nghề, phát triển sản phẩm đa dạng cả về mẫu mã, chất lượng và phù hợp với hàng lưu niệm - quà tặng phục vụ du lịch, đào tạo nâng cao năng lực quản lý và tổ chức kinh doanh, xúc tiến thương mại cho đội ngũ doanh nhân; xây dựng những doanh nghiệp đầu mối đủ mạnh làm đầu tàu thúc đẩy phát triển sản xuất trong làng nghề. Việc khôi phục, phát triển làng nghề phục vụ du lịch không chỉ phụ thuộc vào chính quyền địa phương và các ngành hữu quan, mà còn là trách nhiệm của cộng đồng, của chính những người thợ làng nghề truyền thống.

Cố đô Huế với di sản văn hóa đồ sộ, đặc trưng đối với cả nước và quốc tế là điều đã khẳng định. Vấn đề đặt ra là làm sao để di sản văn hóa đó được thổi hồn, chuyển tải thành sản phẩm văn hóa du lịch được thị trường chấp nhận, cụ thể hóa qua việc thu hút du khách đến Huế, để họ tiêu nhiều thời gian và tiền bạc với cảm giác hài lòng, thoải mái. Ðó chính là nguyên tắc, phương thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản truyền thống một cách hữu hiệu theo hướng bền vững và cũng là mục tiêu hướng đến trong tương lai, dù rằng còn rất xa và không ít khó khăn, trở lực.

Theo NDO

 

 

 

 
Các bài mới
Các bài đã đăng