Kinh tế và phát triển
Quảng Điền: Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
14:35 | 07/05/2015

 Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng NTM. Vì vậy, trong những năm qua, huyện Quảng Điền đã vận động nhân dân đẩy mạnh chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Chương trình này đã phát huy có hiệu quả, là động lực đưa nền kinh tế của huyện phát triển. 

Quảng Điền: Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

   Xã Quảng Thọ một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Quảng Điền. Trong 5 năm qua, nhân dân địa phương đã chuyển đổi khoảng 40 ha đất trồng lúa có năng suất thấp sang trồng rau má, trồng hoa và các loại cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao hơn như: lạc, ngô, kê, hoa cúc... Điển hình là mô hình trồng rau má theo tiêu chuẩn Vietgap, hiện nay diện tích hơn 40 ha,  thị trường tiêu thụ là nhà máy sơ chế trà rau má của HTX Quảng Thọ 2 và các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Quảng Bình, Quảng Trị... Một ha rau má cho thu nhập 170 triệu đồng - 200 triệu đồng, cao gấp 5 lần so với các loại rau màu khác. Đồng thời tận dụng nguồn nước ven sông Bồ, hàng năm, nhân dân xã Quảng Thọ cũng đưa vào thả nuôi hơn 300 lồng cá trên sông và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao,  nên bà con đã tự nguyện đóng góp xây dựng nhiều tuyến đường, công trình thủy lợi trong xây dựng NTM. Nhờ phát huy có hiệu quả các nguồn lực trong nhân dân, khơi dậy được ý thức, tinh thần tự giác tham gia xây dựng nông thôn mới nên việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình thí điểm trồng rau an toàn,  luân canh mè, lạc, trồng hoa... được nhân dân hưởng ứng tích cực. Do vậy đến nay, bộ mặt nông thôn nơi đây ngày càng khởi sắc.

Cùng với xã Quảng Thọ, trong những năm qua, các địa phương trong huyện đã tăng cường công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả như: rau sạch, ngô vụ Đông, mướp đắng trái vụ, trồng hoa cúc, trồng nấm, hành lá, biarô, trồng ném.... Điển hình như xã Quảng Phú với mô hình trồng mía Cẩm Tân, xã Quảng Lợi với mô hình trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày như: lạc, ớt, ném, rau đậu các loại... Các mô hình trên cho thu nhập bình quân từ 100 đến 200 triệu đồng/ năm/ha. Trên lĩnh vực chăn nuôi đưa vào thử nghiệm các mô hình như: nuôi bồ câu lai Pháp, nuôi đà điểu, lợn rừng sinh sản...

Bên cạnh đó, cùng với việc đưa vào sản xuất và chăn nuôi nhiều mô hình mới, các địa phương trên địa bàn huyện đã quy hoạch tổ chức lại sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm trên 1 diện tích canh tác. Ngoài những diện tích lúa trọng điểm ở các xã ven sông Bồ như: Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thọ, Quảng Vinh, Quảng Phú và thị trấn Sịa, các xã, thị trấn đã tìm tòi đưa vào khảo nghiệm những giống chất lượng cao để đưa vào sản xuất như: HN6, RVT...

Song song đó, huyện Quảng Điền cũng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng tỷ trọng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, phát triển ổn định các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, chú trọng nuôi cá nước ngọt thâm canh trên đất lúa. Đặc biệt, Quảng Điền chú trọng chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, mạnh dạn ứng dụng chế phẩm sinh học EM vào nuôi trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao, khuyến khích người dân mở rộng diện tích mặt nước, thả nuôi thuỷ sản ven phá Tam Giang. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, hạn chế được các loại dịch bệnh. Nhân rộng các mô hình đã được khẳng định có hiệu quả như: mô hình trồng nấm, rau xanh, hoa các loại, mô hình nuôi ngan Pháp, mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thuỷ sản, mô hình nuôi xen ghép, mô hình sử dụng đệm lót sinh hoạt trong chăn nuôi lợn, gà... Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương như: tôm chua, tôm chấy, nem chả, rau xanh...Nhờ vậy, kinh tế hộ bước đầu phát triển, bà con nông dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi mới có giá trị kinh tế cao, như chăn nuôi vịt đàn, nuôi lợn, nuôi gà công nghiệp.... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.  Bằng sự năng động, sáng tạo, bà con nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạng đầu tư phát triển kinh tế, tạo nên những tiền đề quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã góp phần tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, đưa bình quân thu nhập đầu người của huyện đạt 23,2 triệu đồng vào cuối năm 2014, đến nay, 10/10 xã của huyện đã đạt tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện xuống còn 6,98%. Kinh tế phát triển nên nhân dân các địa phương trong huyện đã tích cực tham gia hưởng ứng chủ trương xây dựng NTM như đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, hiến cây và các công trình vật kiến trúc để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn, làm cho bộ mặt làng quê ở các địa phương ngày càng khởi sắc rõ nét và khang trang, bề thế hơn.

Trong giai đoạn từ 2015 - 2020, các địa phương ở huyện Quảng Điền tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạng đưa vào thử nghiệm các mô hình sản xuất mới phù hợp với địa phương nhằm mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn, từng bước góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.

Theo quangdien.thuathienhue.gov.vn

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng