Giáo dục-Y tế
Đại học Huế và chiến lược đào tạo đội ngũ
10:15 | 29/10/2013

Đại học Huế (ĐHH) được xem là một trong ba trung tâm đào tạo đại học có đội ngũ giảng dạy trình độ cao chỉ sau Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Đây là tiềm lực lớn để ĐHH mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung, Tây nguyên nói riêng và cả nước nói chung. 

Đại học Huế và chiến lược đào tạo đội ngũ
PGS.TS.Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại học Huế tặng hoa cho các nhà giáo được công nhận đạt chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2012

Những giải pháp hiệu quả

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc ĐHH, trong hai yếu tố quyết định chất lượng đào tạo là đội ngũ giảng viên và các điều kiện để thực hiện công tác đào tạo (như cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm,...), đội ngũ giảng viên là yếu tố quyết định vì ở đâu có giảng viên giỏi, trình độ cao thì ở đó có sinh viên giỏi, chương trình đào tạo chất lượng tốt, được xã hội đánh giá cao. Nhận thức được điều đó, trong những năm qua, ĐHH đã có nhiều giải pháp để tập trung xây dựng đội ngũ này, PGS.TS Nguyễn Văn Toàn cho biết. Giải pháp thứ nhất là ĐHH đã thực hiện quy hoạch cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn.

Đây là quy hoạch mang tính định hướng và đây cũng là đại học đầu tiên thực hiện quy hoạch chuyên môn. Quy hoạch chuyên môn được hiểu là một kế hoạch mang tính định hướng, cụ thể là người tốt nghiệp loại giỏi thì sẽ đào tạo thạc sĩ, đã thạc sĩ thì đào tạo tiến sĩ và đã tiến sĩ thì định thời gian làm PGS,...”. Với giải pháp này, cán bộ giảng dạy vừa thấy đó là nhiệm vụ cấp trên giao đồng thời bản thân họ tự thấy mình phải có trách nhiệm phấn đấu. Chính quy hoạch chuyên môn đã thúc đẩy sự hình thành đội ngũ giảng dạy có học hàm học vị của ĐHH tăng lên rất nhiều. Liên tục trong mấy năm gần đây, bình quân mỗi năm, số lượng giảng viên có học hàm học vị của ĐHH tăng 20 GS, PGS và 30 TS.

Đặc biệt, ĐHH có chủ trương kèm theo quy hoạch chuyên môn là thành lập Quỹ khuyến khích tài năng để hàng năm vinh danh và kịp thời động viên, khen thưởng các cán bộ viên chức - lao động, sinh viên có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, trong công tác giảng dạy và học tập. Các trường hợp cụ thể được khen thưởng là: bảo vệ tiến sĩ trước thời hạn 6 tháng, bảo vệ tiến sĩ trước 30 tuổi, bảo vệ tiến sĩ đúng hạn và đạt loại xuất sắc; cán bộ được phong hàm PGS trước 40 tuổi, GS trước 50 tuổi; sinh viên thi vào ĐHH đạt điểm tuyệt đối, sinh viên đạt các thành tích học tập xuất sắc, đạt các giải thưởng cao,...

Giải pháp thứ ba là căn cứ lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, “ĐHH đã quyết định sớm chấm dứt tình trạng đại học dạy đại học và nâng chuẩn tuyển dụng giảng viên, trừ những ngành đặc thù như ngành Nghệ thuật, Giáo dục thể chất hoặc những ngành đào tạo mà ĐHH không đào tạo được thì có tuyển dụng đặc biệt, còn tất cả sinh viên muốn ở lại trường giảng dạy thì điều kiện cần là phải tốt nghiệp loại giỏi, ưu tiên tuyển thẳng những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và thủ khoa. ĐHH có chủ trương giữ lại các sinh viên này để tạo nguồn”, PGS.TS Nguyễn Văn Toàn cho hay.

PGS.TS. Lê Văn Anh, Phó Giám đốc ĐHH nhìn nhận: “Chất lượng đội ngũ là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng đào tạo, thể hiện thương hiệu đối với một cơ sở giáo dục đại học. Ở đây, đội ngũ bao gồm cả giảng viên, cán bộ quản lý và cán bộ phục vụ (tức cán bộ phụ tá, trợ giảng)”. Theo PGS.TS. Lê Văn Anh, không chỉ trong giảng dạy lý thuyết phải có thầy giỏi mà cả trong phòng thí nghiệm cũng phải có những phụ tá giỏi. “Trong tương lai, các cán bộ làm trong phòng thí nghiệm cũng phải học lên thạc sĩ, tiến sĩ chứ không dừng lại ở mức cử nhân. Về cán bộ quản lý, hiện nay ĐHH và các trường, khoa thành viên đã chú ý nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ, ví dụ cán bộ quản lý ở cấp nào thì phải có trình độ lý luận chính trị ở cấp đó. Hầu như các cán bộ lãnh đạo ở các trường đại học, khoa thành viên đã được cử đi học các lớp cán bộ quản lý trình độ hiệu trưởng, các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị trung cấp, cao cấp,...”.

Với những chủ trương và chính sách trên, ĐHH đã có một đội ngũ cán bộ phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu trong khu vực về công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ.

Đội ngũ giảng viên quyết định chất lượng đào tạo

Nhờ đội ngũ cán bộ có học hàm học vị cao, chất lượng đào tạo đại học và sau đại học ở các trường và khoa thành viên ĐHH ngày càng được nâng cao, ĐHH từ lâu được xem là một trung tâm đào tạo đại học uy tín nhất ở khu vực miền Trung.

“Đội ngũ này chắc chắn sẽ có tác động lớn đến chất lượng đào tạo”, PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn nói. Tác động đầu tiên, theo PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn là nhờ có đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao nhiều nên ĐHH mới có điều kiện mở nhiều hơn các chuyên ngành đào tạo sau đại học, và từ đó mới có thể tăng quy mô đào tạo sau đại học. Đội ngũ này cũng góp phần hình thành nên những chương trình nghiên cứu lớn. Trong thời gian qua, ĐHH đã thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ các cấp. Nhiều đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước, các chương trình hợp tác quốc tế đã có những kết quả nổi bật và đạt những giải thưởng lớn chính là nhờ đóng góp quan trọng của lực lượng này. “Những giải thưởng lớn như giải thưởng Cố đô, năm nào ĐHH cũng tham dự và đạt các giải thưởng cao”, PGS.TS Lê Văn Anh cho biết. “Đặc biệt, đội ngũ cán bộ có học hàm học vị cao đã góp phần quan trọng nâng cao thương hiệu của ĐHH trong xếp hạng của thế giới. Số lượng bài báo đăng trên tạp chí khoa học uy tín của thế giới, đặc biệt khoa học tự nhiên hàng năm tăng nhiều”. Cũng theo PGS.TS Lê Văn Anh, bên cạnh vai trò quan trọng trong giảng dạy, đào tạo thạc sĩ và hướng dẫn nghiên cứu sinh, đội ngũ này còn đóng vai trò xây dựng hệ thống giáo trình đại học đào tạo theo phương thức tín chỉ, tham gia biên soạn giáo trình. “Họ đã từng làm nghiên cứu sinh, làm TS, PGS, GS nên có rất nhiều kinh nghiệm trong phương pháp học. Họ đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học và là những người có rất nhiều kinh nghiệm để giúp cho sinh viên tự học, vì trong đào tạo tín chỉ, phần lớn thời gian sinh viên phải tự học mà muốn tự học hiệu quả, bên cạnh sự cố gắng của bản thân, sinh viên phải biết cách tự học”, PGS. Anh nói.

PGS.TS Nguyễn Văn Toàn cho hay, một vai trò không kém phần quan trọng nữa là nhờ đội ngũ giảng dạy có trình độ cao, có khả năng hợp tác, giảng dạy bằng tiếng Anh, việc chuyển từ hình thức hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học là chủ yếu sang trọng tâm là hợp tác quốc tế trong liên kết đào tạo đã hình thành nên một số chương trình đào tạo chất lượng tốt của ĐHH như: chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ về Quản lý Du lịch và đào tạo thạc sĩ về công nghệ sinh học liên kết với Đại học Krems, Áo; chương trình đào tạo thạc sĩ về phát triển bền vững hệ thống nông thôn và môi trường liên kết với Đại học Okayama, Nhật; chương trình tiên tiến ngành vật lý liên kết với Đại học Virginia, Hoa Kỳ,...

Tiếp tục phát triển đội ngũ cán bộ theo hướng chuẩn hoá, nâng tỷ lệ cán bộ giảng dạy có chức danh và học vị cao ngang tầm với các đại học hàng đầu trong nước và khu vực. Tăng cường ngân sách cho công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để cán bộ viên chức tham gia các hoạt động nâng cao năng lực chuyên môn là nhiệm vụ trọng tâm mà ĐHH sẽ tập trung thực hiện nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và thương hiệu của ĐHH trong thời gian tới.

Theo TTH

Các bài mới
Các bài đã đăng