Giáo dục-Y tế
TT Huế với chương trình giáo dục mới VNEN
14:55 | 08/11/2013

Từ năm học 2012- 2013, Bộ GD-ĐT tiến hành triển khai thí điểm “Mô hình trường học mới Việt Nam” (gọi tắt là VNEN). Tại TT Huế, 9 trường tiểu học trên 9 huyện, thị xã, thành phố đã được chọn thí điểm triển khai chương trình này. 

TT Huế với chương trình giáo dục mới VNEN

Ưu điểm nổi bật của chương trình VNEN đó là đổi mới các hoạt động sư phạm, chuyển đổi hình thức giảng dạy truyền thụ từ giáo viên sang để học sinh tự học là chính. Tại TT Huế, năm học thứ 2 thực hiện thí điểm mô hình VNEN, dành cho học sinh các khối lớp 2, lớp 3, lớp 4 có nhiều thuận lợi và cả những khó khăn.

Điều khác biệt dễ nhìn thấy ở những lớp học VNEN so với các lớp học truyền thống đó là sơ đồ và sự tổ chức trong lớp. Lớp học có những góc hoạt động tự quản. Học sinh ngồi học theo từng nhóm, mọi hoạt động của tiết học được tổ chức theo nhóm, học sinh giữ vai trò trung tâm trong việc tự trải nghiệm, khám phá để hình thành kiến thức. Giáo viên là người hướng dẫn và đồng hành với học sinh, giúp học sinh tự tìm hiểu kiến thức.

Tài liệu giảng dạy cho học sinh không phải là sách giáo khoa thông thường mà là tài liệu hướng dẫn học tập. Học sinh, giáo viên và cả phụ huynh đều có thể tham gia.   

Theo mô hình VNEN, các môn học chính gồm Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên, Xã hội. Các môn học khác được chuyển thành hoạt động giáo dục như: giáo dục đạo đức, giáo dục âm nhạc, giáo dục thể chất và giáo dục kỹ năng sống. Ở các môn học chính hay các hoạt động giáo dục, thì học sinh vẫn đóng vai trò trung tâm trong việc chủ động tìm hiểu và thu nạp kiến thức.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh cho biết, có khoảng 2000 học sinh tiểu học trên toàn tỉnh đang được học thí điểm chương trình VNEN. 9 trường tiểu học tham gia chương trình này đều là những trường đạt chuẩn quốc gia. 100% lớp VNEN được học 2 buổi/ngày, cơ sở vật chất trường lớp học khá đầy đủ theo yêu cầu của chương trình. Đội ngũ giáo viên được chọn tham gia ở các trường đều là các giáo viên có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, năng động, nhiệt tình và đã được tập huấn phương pháp dạy theo mô hình mới. Thuận lợi này đã giúp chương trình thí điểm VNEN 1 năm qua ở TT Huế đi đúng hướng, bước đầu đem lại hiệu quả tốt trong việc đổi mới phương pháp dạy học, dạy cho học sinh thói quen làm chủ bài học, làm chủ việc học tập của mình.

Cô Hoàng Thị Trúc, Giáo viên trường tiểu học số 1 Tiến Lực, huyện Phú Lộc và cô Lê Thị Diễn, giáo viên trường tiểu học số 2  phường  Phú Bài- thị xã Hương Thủy , 2 trong 9 trường tiểu học triển khai thí điểm chương trình VNEN nhận xét rằng, chương trình này đã đem lại một không khí học tập mới bổ ích cho học sinh, giúp các em mạnh dạn, tự tin và chủ động hơn trong giờ học. “Học sinh thì học khỏe hơn, nhưng giáo viên lại rất vất vả. Nói là chúng tôi không phải soạn giáo án trước khi lên lớp như trước, nhưng thực ra là phải nghiên cứu bài thật kỹ, rồi chuẩn bị cho các hoạt động trên lớp, nào là câu hỏi, thiết bị học cho học sinh, rồi điều hành các em làm việc nhóm như thế nào cho hiệu quả. Giáo viên phải chủ động tất cả, mặc dù không phải ai cũng đủ điều kiện ở nhà để làm việc. Vậy nên rất nhiều đồng nghiệp của chúng tôi rất vất vả khi tham gia chương trình này”, cả 2 cô đều cho biết như vậy.

Trong thời gian thí điểm, chương trình VNEN cũng bộc lộ một số hạn chế trong khâu biên soạn sách và tài liệu học tập. Việc đánh giá học sinh và giáo viên cũng chưa có nhưng công cụ và biện pháp chuẩn để đánh giá được chất lượng thực sự trong việc đổi mới phương pháp dạy và học, cụ thể là đánh giá đúng từng cá nhân học sinh trong các hoạt động nhóm.

Việc thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng gây hạn chế cho người giáo viên rất nhiều trong việc chuẩn bị bộ tài liệu học tập cho học sinh, mà theo chương trình VNEN, đòi hỏi nhiều dụng cụ và thiết bị cho từng cá nhân học sinh trong từng tiết học. Ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD&ĐT TT Huế cho biết, vì chương trình mới nên không ít giáo viên và học sinh rất lúng túng khi triển khai bài học. Nhiều phụ huynh cũng chưa hiểu nên cũng chưa hưởng ứng thật sự. Ông Hải cho biết, ngành giáo dục tỉnh rất biết điều này và sắp tới, sẽ tiếp tục tập huấn cho giáo viên, đồng thời có ý kiến với Bộ GD-ĐT để tiếp tục hoàn thiện chương trình, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện thêm cho giáo viên trong các khâu chuẩn bị bài giảng, bài học cho học sinh.

Hiện Bộ GD-ĐT vẫn chưa có những đánh giá sơ kết, tổng kết chương trình thí điểm VNEN ở bậc tiểu học. Theo kế hoạch, việc thí điểm sẽ được kết thúc vào năm 2015 trước khi Bộ có những chủ trương tiếp theo. Từ nay đến 2015, 9 trường tiểu học được chọn tại TT Huế vẫn sẽ tiếp tục triển khai chương trình thí điểm VNEN và đóng góp ý kiến cho Bộ GD-ĐT để từng bước hoàn thiện Dự án đổi mới này.

Theo Nguyên Thu
 

Các bài mới
Các bài đã đăng