Huế luôn luôn mới
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát kiểm tra công tác phòng chống bão số 11 tại huyện Phú Lộc, TT- Huế
13:58 | 14/10/2013

Sáng 14/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cùng đoàn công tác của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã kiểm tra công tác phòng chống bão số 11 (Nari) tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát kiểm tra công tác phòng chống bão số 11 tại huyện Phú Lộc, TT- Huế
Bộ Trưởng Cao Đức Phát cùng đoàn công tác phòng chống bão lụt

Theo như dự báo của TT KTTVTW: huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế có nhiều khả năng sẽ là tâm bão số 11 khi đổ bộ vào bờ, vì vậy công tác phòng chống bão được huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt; toàn huyện có hơn 5800 hộ với hơn 24.000 nhân khẩu nằm trong vùng nguy hiểm, huyện đang tập trung chỉ đạo để di dời hơn 3.000 hộ dân vùng có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp. Huyện đã huy động 7 xe xúc, 9 xe khách, 10 xe ben, 1 xe kéo chuyên dụng, 3 thuyền máy, 2 ca nô và dự trữ 30 tấn gạo, 2000 thùng mì ăn liền, 3000 lít dầu hỏa, các cơ sở y tế cũng chuẩn bị đủ cơ số thuốc...Về lực lượng, đã huy động 3 đại đội dự bị động viên, 1 Trung đội dân quân cơ động và mỗi xã huy động 1 trung đội dân quân tự vệ để giúp dân chằng chống nhà cửa và trực sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

Tại buổi làm việc nhanh với Ban Chỉ huy PCLB huyện Phú Lộc, Bộ trưởng yêu cầu, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, vận động nhân dân tổ chức chằng chống nhà cửa và chuẩn bị phương án tập trung di dời dân vùng ven biển, đầm phá, vùng xung yếu đến nơi an toàn trước 19 giờ ngày 14/10; bố trí nhân, vật lực bảo vệ các tuyến đê biển, các công trình hồ đập nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Sau khi làm việc nhanh với huyện, Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng đoàn đã thị sát công tác phòng chống bão lụt, di dời dân tại các xã vùng ven biển.

* Tại Vinh Hiền, hiện chính quyền địa phương phối hợp với Phòng NN&PTNT tập trung xử lý thông cống Hiền Hải để tàu thuyền vào neo đậu. Chính quyền địa phương cùng với Đồn Biên phòng 228 đã kêu gọi 65 tàu biển và 242 tàu thuyền khai thác thủy sản trên đầm phá Cầu Hai về nơi neo đậu an toàn.

Chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền và vận động nhân dân chủ động phòng chống lụt bão, dự trữ lương thực nước uống. Đối với các hộ có người già cả neo đơn, lực lượng cán bộ chiến sĩ Đồn BP 228 cùng với dân quân xã giúp bà con chằn chống nhà cửa.

* Tại xã Lộc Bình, Ban Phòng chống lụt bão đã triển khai công điện số 13 của UBND huyện. Theo đó, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão xã đã tổ chức trực 24/24 giờ để triển khai phương án phòng chống lụt bão. 6 đội xung kích của 6 thôn với hơn 100 người triển khai lực lượng đến tận các thôn xóm để vận động, giúp đỡ người dân chằn chống nhà cửa, đưa tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn. Dự kiến đến trưa 14-9, công tác này sẽ hoàn thành. Theo thống kê, toàn xã có khoảng 150 hộ ở các vùng thấp trũng, vùng sạt lở phải di dời trước lúc bão số 11 đổ bộ vào đất liền. Hiện xã có phương án và chuẩn bị đầy đủ phương tiện để chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.

* Tại Lộc Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Bùi Ngọc Ga cho biết: Toàn xã có 162 tàu thuyền đánh bắt trên biển đã gọi về đất liền và đưa vào 4 điểm neo đậu an toàn tại các thôn Phú Hải, Cảnh Dương, Bình An 1 và Bình An 2. Bắt đầu từ chiều 13-10 nhân dân đã tiến hành chằn chống nhà cửa và công công việc này tiếp tục trong sáng nay.

Toàn xã có 260 hộ với khoảng 1400 nhân khẩu nằm trong diện di dời. Đối với các hộ già cả neo đơn, người tàn tật sẽ được di dời hoàn thành trước 11 giờ ngày 14-10. Còn các đối tượng khác sẽ có biện pháp di dời khi có lệnh.

Đặc biệt, tại sông Cảnh Dương, nơi thường xảy ra tình trạng sạt lở vào mùa mưa bão đã được chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chân Mây giám sát chặt chẽ. Xã cũng đã chỉ đạo bà con sống ven con sông này di chuyển tài sản trước và sau đó là di dời người khi bão chuẩn bị đổ bộ vào đất liền.

Những hình ảnh mới nhất tại Huế trưa nay:

 
Công ty cây xanh đang chặt các nhánh ở hàng cây cổ thụ trên đường Lê Lợi
Công ty cây xanh đang chặt các nhánh ở hàng cây cổ thụ trên đường Lê Lợi, TP Huế
Tại
Tại thị trấn biển Thuận An, người dân leo lên mái nhà để chằng chống
Các hộ dân thủy diện ở đầm phá Tam Giang đi gom lưới về
Các hộ dân thủy diện ở đầm phá Tam Giang đi gom lưới về
Khuân dù tre vào bờ rất vất vả vì gặp gió thổi mạnh
Khuân dù tre vào bờ rất vất vả vì gặp gió thổi mạnh
 
Mưa lớn và gió rất mạnh ở biển Thuận An vào gần 11h trưa nay
Mưa lớn và gió rất mạnh ở biển Thuận An vào gần 11h trưa nay

Mưa trắng xóa trời đất
Mưa trắng xóa trời đất

Biển động dữ dội với sóng rất lớn
Biển động dữ dội với sóng rất lớn

Tổng hợp TRT, Dân trí

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng