Huế luôn luôn mới
"Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế" được công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương
15:32 | 19/05/2016

Vào chiều nay, 19/5, tại thành phố Huế, trong Hội nghị lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP), hồ sơ "Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế" đã được xét duyệt và công nhận là di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cùng được công nhận lần này còn có “Mộc bản trường học Phúc Giang” (Hà Tĩnh).

"Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế" được công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Một tác phẩm ở điện Thái Hòa

Hội nghị lần này xem xét 16 hồ sơ của 10 nước đệ trình đăng ký công nhận là Di sản tư liệu chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương để công nhận năm 2016 (Trung Quốc - gồm cả Hồng Kông và Macao  có 04 hồ sơ, Việt Nam có 02, Hàn Quốc có 02, Malaysia có 02; các nước Uzbekistan, Nhật Bản, Singapore, Iran, Myanmar và Mông Cổ, mỗi nước có 01). Việt Nam có 02 hồ sơ đăng ký là Hồ sơ " Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế"  và Hồ sơ “Mộc bản trường học Phúc Giang” (Hà Tĩnh).

Đây là nỗ lực từ phía Việt Nam để tiếp tục ghi danh những tư liệu vô giá của dân tộc, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc đồng hành cùng UNESCO để công nhận và bảo vệ các di sản văn hóa truyền thống.

Riêng đối với hệ thống thơ văn chữ trên kiến trúc cung đình Huế, trải qua thời gian, dù phải chịu đựng sự tàn phá của chiến tranh, hiện nay trên kiến trúc cung đình Huế hiện còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men thành pháp lam ; 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ.

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa trong cả nước đều chung nhận định, hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là nét độc đáo, riêng có. Loại hình di sản này xứng đáng được UNESCO xem xét, vinh danh.

Đến nay, sau gần 40 năm trở thành thành viên chính thức của UNESCO, Việt Nam đã có 8 di sản vật thể, 10 di sản văn hóa phi vật thể, 4 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh.

Tấn Quỳnh

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng