Huế luôn luôn mới
Một cuộc tri ngộ khó được diễn tả hết bằng lời
09:55 | 25/05/2016

Chiều ngày 18/5/2016, tôi hân hạnh được dự lễ khai mạc triển lãm Bộ sưu tập áo dài xưa của Thái Kim Lan. “Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh” là một câu thơ bằng tiếng Đức của Thái Kim Lan, được bà Veronika Witte đọc và lấy cảm hứng để đặt tên cho bộ sưu tập này.

Một cuộc tri ngộ khó được diễn tả hết bằng lời



Buổi lễ diễn ra trong khuôn viên nhà Bảo tàng Văn hóa Huế rất long trọng với sự có mặt rất đông đại biểu và khách mời. Bà giám đốc viện Goethe mặc bộ áo dài xanh quá đẹp, áo đẹp, dáng đẹp, tóc đẹp và nét mặt đẹp. Chị Kim Lan thì mặc bộ áo dài lụa trắng, tóc bối ra phía sau, trang nhã với nụ cười tươi tắn, duyên dáng luôn nở trên môi. Chị luôn như vậy, giản dị mà đẹp mà sang. Ở tuổi của chị, với dáng dấp, phong thái ấy chị xứng đáng được là người phụ nữ Huế tiêu biểu không chỉ là trong thập niên 60, 70 mà còn là tiêu biểu cho cả hôm nay.



Sau khi buổi lễ chấm dứt, mọi người lần lượt đi vào phòng triển lãm để xem những chiếc áo dài xưa. Thật ngạc nhiên, sàn nhà được lót bằng những chiếc đòn gánh lật ngửa, đòn gánh, gánh vác, chắc là phải có một ý nghĩa gì đó. Có lẽ đây là nghệ thuật sắp đặt đa phương tiện của Veronika Witte. Đúng vậy và khi đọc bài viết của bà tôi mới hiểu rằng “… 1500 đòn gánh trở thành một nền lát gỗ, một biển gỗ kết nối ngôi nhà nhỏ nơi thành phố Munich với thư viện cổ của triều đình Huế, gánh vác ký ức và sự tái thiết của quá khứ và hiện tại”. Nhưng phải thành thật mà nói, bước trên những chiếc đòn gánh thật là khó nếu đi giày gót nhọn thì phải làm sao đây! Tôi đi dép đế bằng, thế mà cũng đã ngấp ngõng, chông chênh lắm rồi! Nhưng cũng hay, những bước chân chập chững trên những chiếc đòn gánh làm cho mọi người đi chậm lại, dừng lại thật lâu trên từng chiếc áo dài xưa, để nhìn ngắm, để thán phục chị Kim Lan đã thật kỳ công và chị đã gắn bó với Huế như thế nào, thiết tha với chiếc áo dài như thế nào mới làm nên được bộ sưu tập ấy.

Cần phải nói thêm rằng những chiếc bàn tròn, cao, trải khăn trắng, trên đó cắm một bình sen hồng, được đặt một dãy trong sân nhà Bảo tàng mà mọi người đều phải đi ngang qua trước khi vào phòng triển lãm, đã đem đến cho buổi lễ khai mạc một nét rất lạ, rất riêng, rất trang trọng, quý phái và thanh khiết.

Trong khi mọi người vào phòng triển lãm thì chương trình văn nghệ của nhóm nữ sinh Huế xưa cũng đã bắt đầu ở ngoài sân. Những bản nhạc được chị Kim Lan chọn. Bài đồng ca “Ở trọ” của TCS đã mở đầu chương trình được hát rất hay, rất thu hút. Chỉ khoảng hơn hai mươi nữ sinh đã lớn tuổi mà tiếng hát và âm điệu, ca từ cứ vang lên khuấy đảo cả không gian rộng lớn của khuôn viên Bảo tàng và có lẽ khuấy đảo cả lòng người. Chị Túy Như đơn ca bài “Tôi ru em ngủ” phải nói là da diết hơn bao giờ hết. Chị Hoàng Lan với “Một thoáng quê hương” sao mà hồn nhiên trong trẻo lạ lùng... Bài hát nào cũng hay, chị nào hát cũng hay không thể kể hết được, chỉ biết chương trình văn nghệ đã đem đến cho buổi lễ khai mạc một không khí vui tươi, rộn ràng mà cũng thật là sâu lắng.

Trong chương trình có phần “tiệc nhẹ”, nhưng có lẽ đã kết thúc lâu rồi, thật đáng tiếc là tôi không kịp có mặt. Nghe nói người nhà chị Kim Lan đã chuẩn bị sắp xếp bàn tiệc rất công phu.

Tiếp theo là “Trò chuyện nghệ thuật” nhưng tôi không biết ở phòng nào mà chương trình văn nghệ xong thì cũng đã hơn 19 giờ rồi nên đành phải chia tay thôi.



Buổi lễ khai mạc, những chiếc áo dài xưa và chương trình văn nghệ của nhóm nữ sinh Huế xưa đã để lại trong tôi những cảm giác thật là dễ chịu. Tôi ra về với một cõi lòng nhẹ nhàng thanh thản. Con đường Lê Lợi tối nay như tấp nập hơn, rộn ràng hơn bởi những tà áo lụa lấp loáng dưới ánh đèn đường cùng với những tiếng nói tiếng cười, những lời chào tạm biệt.

Cám ơn chị Thái Kim Lan với sự hổ trợ của viện Goethe, nghệ sĩ Veronica Witte, giám đốc Bảo tàng văn hóa Huế... đã tổ chức triển lãm bộ sưu tập áo dài xưa này tại Huế để cho văn hóa Huế có được những ngày khởi sắc và chúng ta có dịp để nhìn về quá khứ mà như chị Kim Lan đã nói “... rằng nếu như không có quá khứ thì những gì hiện đại se ly tán, vụn vặt, hư hao ý nghĩa, rằng cái hiện nay cần được chiếu sáng hơn từ cái xưa kia để sáng tạo nên hiện tại sẽ là quá khứ độc sáng cho mai sau, rằng bảo tồn văn hóa chính là nuôi dưỡng mạch sống không ngừng cho thế hệ kế tiếp...”

Huế tháng 5/2016
TRỊNH THỊ VUI






 

Các bài mới
Các bài đã đăng