Huế luôn luôn mới
Tạp chí Sông Hương tổ chức buổi thảo luận “Dấu ấn giao lưu văn hóa Việt – Nhật”
11:22 | 03/03/2017

Nhân sự kiện Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko đến thăm Huế, vào lúc 8h15 sáng ngày 03/03, Tạp chí Sông Hương đã tổ chức cuộc thảo luận “Dấu ấn giao lưu văn hóa Việt - Nhật” với sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa cùng đông đảo những bạn yêu văn hóa lịch sử ở Huế.

Tạp chí Sông Hương tổ chức buổi thảo luận “Dấu ấn giao lưu văn hóa Việt – Nhật”

Tại cuộc gặp gỡ, người tham dự đã được lắng nghe bài trình bày “Mối tương giao Nhã nhạc cung đình Việt – Nhật” do nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa chủ trì, và “Giao thương Việt – Nhật trong dòng chảy lịch sử” do hai nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng, Võ Vinh Quang trình bày.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, mối quan hệ giao lưu Việt – Nhật, mỗi khi nhắc đến, mọi người chỉ nghĩ tới Phong trào Đông Du, nhưng trên thực tế, thực chất nó đã diễn ra rất sớm khoảng từ thế kỷ thứ VIII thông qua 2 sự kiện.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa trình bày tại buổi thảo luận

Thứ nhất, đó là sự xuất hiện của người Nhật đầu tiên tại Việt Nam, đó là Abe Nonakamura (Triều Hằng), lưu lạc ở Việt Nam sau khi thực hiện chuyến đi không thành về cố quốc từ Trường An, Trung Quốc.

Thứ hai, liên quan đến ngài Butasu (Phật Triết), người đã có công rất lớn trong việc hình thành nên nhã nhạc, được người Nhật phong cho tên gọi là Tông sư nhã nhạc. Phật Triết là một người có gốc Champa tu học Phật giáo Đại Thừa, được sư phụ của mình là ngài Bồ Đề Tiên Na ủy thác là người đứng ra chuẩn bị khâu trình tấu lễ nhạc trong buổi Đại lễ khai nhạc ở chùa Đồng Đại. Ngài Phật Triết đã tiến hành tạo ra 8 vũ điệu gọi là Lâm Ấp bát nhạc, thể hiện sự phối trộn giữa âm nhạc của nước Lâm Ấp và âm nhạc mang hơi hướng Thần Đạo tại Nhật Bản. Tám vũ điệu đó bao gồm các vở múa: Bồ Tát, Ca Lăng Tần Già, Lăng Vương, An Ma Nhị Vũ, Bội Lư, Bạt Đầu, Hồ Ẩm Tửu, Đại Nhạc Cảnh.

Ảnh minh họa về một trong số những buổi trình tấu lễ nhạc Lâm Ấp

Ngoài ra, cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, mối quan hệ giao lưu Việt – Nhật còn được đánh dấu bởi cuộc hôn nhân ngoại quốc giữa Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân người Nhật Amaki vào năm 1619. Một năm sau, Amaki – được mệnh danh là thủ lĩnh buôn bán tại Hội An, đã đưa vợ mình là Công nữ Ngọc Hoa trở về quê nhà Nagasaki.

Tại cuộc thảo luận, ở phần trình bày “Giao thương Việt – Nhật trong dòng chảy lịch sử”, người nghe đã được nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng nói khái quát về một số vấn đề liên quan đến bộ An Nam kỷ lược sử, một công trình thể hiện khá rõ mối bang giao giữa hai nước Việt – Nhật, trong liên hệ đến những sản vật, tài nguyên mà đặc biệt là khoáng sản và voi.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng trình bày tại buổi thảo luận

Người nghe còn được nhà nghiên cứu Võ Vinh Quang trình bày một số vấn đề liên quan đến An Nam quốc thư, đây được xem như là một sự nhận thức mới về quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Nhà nghiên cứu Võ Vinh Quang trình bày tại buổi thảo luận

Buổi nói chuyện là dịp để gặp gỡ và thảo luận về những vấn đề văn hóa trong mối quan hệ giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản. Bên cạnh đó, đây cũng được xem là cơ hội để kích thích và tăng cường hơn những mối bận tâm liên quan đến các vấn đề về văn hóa và lịch sử, từ đó có thể có được những góc nhìn tham chiếu giúp gợi mở về mối bang giao giữa hai nước.

Hữu Cao

Các bài mới
Các bài đã đăng