Nhân dịp Nxb Hội Nhà Văn vừa tái bản tiểu thuyết “Trùng tu” của nhà văn Thái Bá Lợi, vào lúc 15h ngày 15/01, Liên hiệp Các hội VHNT TT-Huế phối hợp với Nxb Hội Nhà Văn đã tổ chức buổi lễ giới thiệu tác phẩm nói trên, đây cũng là hoạt động hướng tới Kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân (1968).
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân (1968) đã mở ra bước ngoặt mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán ở Paris, chấm dứt chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Tạp chí Sông Hương số tháng 1 vừa qua cũng đã tổ chức chuyên đề Kỷ niệm Cuộc Tổng tiến công xuân 68 với nhiều bài viết ghi lại những năm tháng hào hùng đó trên mảnh đất TT-Huế.
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp các Hội VHNT TT-Huế đọc phát biểu giới thiệu sách
Từ đó đến nay, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đã được văn nghệ sĩ sáng tạo dựa trên cảm hứng của Cuộc Tổng tiến công xuân 68 tại Huế hết sức hào hùng này, trong đó có tiểu thuyết “Trùng tu” của nhà văn Thái Bá Lợi.
Tham luận đến từ nhà thơ Thanh Thảo về tiểu thuyết "Trùng tu"
Nhà văn Thái Bá Lợi sinh năm 1945, thuộc thế hệ nhà văn xuất hiện vào những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc. Ông được coi là một trong những nhà văn viết về chiến tranh được bạn đọc chú ý. Người đọc biết đến ông với hàng loạt cuốn tiểu thuyết như Họ cùng thời với những ai (1978-80), Bán đảo (1983), Còn lại với thời gian (1986), Trùng tu (2003), Khêmana (2004).
Nhà nghiên cứu Hồ Thế Hà đọc tham luận nhận xét về "Trùng tu"
Cuốn “Trùng tu” từng đạt giải A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Tiểu thuyết kể lại câu chuyện về một trung đoàn đánh xuống Huế, trụ trong lòng thành Huế 26 ngày đêm, rồi rút “lên xanh”, rồi lại hạ sơn, vòng phía sau Huế để thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao, đã chiến đấu trực tiếp với quân đội Mỹ, để cuối cùng, gần như cả trung đoàn bị xóa sổ, chỉ còn sót lại vài chục người.
Nhà thơ Mai Văn Hoan phát biểu về cuốn sách của nhà văn Thái Bá Lợi
Đọc “Trùng tu” ta thấy nhà văn Thái Bá Lợi phía sau ngôn ngữ trần thuật tưởng như không cần làm dáng, là máu và nước mắt của tác giả, là món nợ trước đồng đội và nhân dân ông cần phải trả; gần như “Trùng tu” chính là để nói được những điều cần phải nói thay cho những người lính không trở về sau chiến tranh.
P. A.