Huế luôn luôn mới
Tạo thế và lực từ cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
10:15 | 11/09/2020

Chiều ngày 09/9, tại Hà Nội, Thứ Trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã chủ trì hội nghị góp ý Đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ chế, chính sách sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tạo thế và lực từ cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu đặt vấn đề tại hội nghị

Đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành Đề án

Đặt vấn đề tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, ngày 10/12/2019 Bộ Chính trị đã thống nhất ban hành Nghị quyết 54 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Ngay khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị. Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; trong đó, tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án nhằm cụ thể hóa mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83 của Chính phủ.

Mặc dù, trong một thời gian ngắn với nhiều khó khăn, thách thức diễn ra, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng với tinh thần quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế, đến nay Đề án ‘‘Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế” đã cơ bản hoàn thành. Theo đó, mô hình đô thị Thừa Thiên Huế mang tính đặc trưng riêng, được phát triển theo hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; có tính đặc thù riêng so với các đô thị trực thuộc Trung ương khác của Việt Nam như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở kiến nghị, đề xuất của tỉnh, ngày 26/8/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương để cho ý kiến về tiêu chí phân loại đô thị đối với đô thị dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã thống nhất đồng ý cho phép vận dụng các tiêu chí của Nghị quyết số 1210 và Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số tiêu chí đặc thù để áp dụng cho tỉnh Thừa Thiên Huế và thống nhất mô hình đô thị Thừa Thiên Huế là chùm đô thị có lõi trung tâm, hạt nhân là thành phố Huế và bao quanh là vùng ngoại ô, nông thôn được kết nối bằng hệ thống giao thông đồng bộ (theo hướng mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương).

Tại hội nghị lần này, UBND tỉnh rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các Bộ, ban, ngành Trung ương trong việc tham mưu, đề xuất, cho phép Thừa Thiên Huế được áp dụng thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó, đồng ý cho Thừa Thiên Huế được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù như: Cho phép bổ sung tiêu chí về đô thị có tính chất đặc thù về di sản đối với Thừa Thiên Huế vào nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN cho từng giai đoạn 5 năm; cho phép tỉnh được quyết định hình thức và phương án lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án đầu tư tôn tạo, quản lý và khai thác di sản; được phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế; được để lại 100% phí tham quan di tích sử dụng cho mục đích bảo tồn các giá trị di sản văn hóa,...Đây là các cơ chế, chính sách đặc thù góp phần giúp tỉnh tăng nguồn thu ngân sách, tranh thủ được nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, huy động được các nguồn lực xã hội hóa nhằm bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy được các giá trị di sản, di tích cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Tại hội nghị


Vận dụng tối đa cơ chế, chính sách để hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp từ các bộ ngành, phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ Trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng các cơ chế đặc thù của tỉnh khá khoa học, có nghiên cứu để đảm bảo nội dung có tính khả thi cao. Khẳng định cơ chế, chính sách đặc thù có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp tỉnh tăng thu ngân sách, huy động thêm các nguồn lực cho đầu tư phát triển, có điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, điều hành, quản lý của bộ máy chính quyền các cấp; phát huy được nội lực và huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, góp phần thúc đẩy Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ Trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các nội dung thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Quốc hội các đơn vị chủ trì nghiên cứu, phối hợp với  tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo sớm để trình Thường vụ Quốc hội. Quan điểm là tạo điều kiện cho Thừa Thiên Huế về mặt tài chính, cơ chế, chính sách, cái gì làm được thì vận dụng tối đa (trong khuôn khổ pháp luật cho phép) để Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” .

 

Theo thuathienhue.gov.vn

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng