Tiếng sông Hương
Đánh bắt cá bằng xung điện: Coi rẻ rính mạng, xem thường luật pháp
08:20 | 12/11/2013

Mặc dù đã được các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan chức năng liên tục cảnh báo vềsự nguy hiểm đến tính mạng và sự nguy hại đối với môi trường sinh thái, tuy nhiên, hiện nay, tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương trên địa bàn thị xã Hương Thủy.

Đánh bắt cá bằng xung điện: Coi rẻ rính mạng, xem thường luật pháp
ánh bắt bằng xung điện trên cánh đồng thuộc phường Thủy Châu

Vào những ngày này, dạo quanh một vòng trên các đồng ruộng thuộc địa bàn thị  xã Hương Thủy, không khó để bắt gặp người dân dùng xung điện để đánh bắt cá. Chính vì tình trạng đánh cá bằng xung điện ngày càng gia tăng nên môi trường sinh thái ở các sông ngòi, ao, hồ, đồng ruộng… đang bị đe dọa nghiêm trọng, có thể thấy rõ là số lượng cá tôm, sinh vật có ích ngày càng bị sụt giảm, môi trường bị suy kiệt. Thêm vào đó, tính mạng người dân cũng rất nguy hiểm khi dùng những dụng cụ tự chế để đánh bắt cá.

Còn nhớ cách đây không lâu, vì cuộc sống mưu sinh, hai vợ chồng anh Phan Ch. và chị C. ở tổ dân phố 2, phường Thủy Châu, (thị xã Hương Thủy) dùng xung điện để đánh bắt thuỷ sản. Khi cả hai vợ chồng đến hành nghề tại bàu nước nằm giáp ranh giữa phường Thủy Châu (thị xã Hương Thủy) và xã Phú Lương (huyện Phú Vang), đây là khu vực nước sâu nên để thuận lợi cho việc đánh bắt cá, anh chị đã dùng nguồn điện 24 V kích lên 300V. Khi đó, vợ chồng chị C. đang ngồi trên ghe nhôm, không hiểu vì lý do gì, nguồn điện mạnh rò rỉ truyền qua ghe và gây tử vong tại chỗ cả hai vợ chồng. Anh Ch. và chị C. tử vong để lại 3 người con thơ dại.

Biết rằng dùng xung điện để đánh bắt cá là vô cùng nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vì hám lợi nên người dân bất chấp cả hiểm nguy. Tại thị xã Hương Thủy, đa số người dân ở tổ dân phố 2 phường Thủy Châu và tổ dân phố 6 phường Thủy Phương đều mưu sinh bằng nghề này. Sau mùa vụ, đây là thời điểm nông nhàn nên người dân đua nhau đánh bắt cá. Ở hai tổ dân phố này, hầu như nhà nào cũng có vài bình ắc quy loại 24V, bộ kích điện và bộ sạc ắc quy. Theo người dân ở đây cho biết, đầu tư một bộ xung điện không đắt lắm, có các loại từ 12-16 con sò, bán kính hoạt động từ 8-10m và tùy vào mục đích sử dụng hoặc loại dùng bình ắc quy 24V, kích lên dòng điện 220V cũng có khả năng sát thương tương tự. Để có một bộ xung điện khá đơn giản, chỉ cần đầu tư khoảng 1,7 triệu đồng là có thể mua một bình ắc quy 12V và các linh kiện đi kèm, cộng với một bình nhựa và hai cần tự chế là có ngay một bộ để hành nghề.
 
Hùng, một người dân ở thị  xã Hương Thủy cho hay, anh làm nghề này cũng khá  lâu, xong mùa vụ, nước lên là thời điểm anh và cả gia đình dùng xung điện để đánh bắt cá. Từ nguồn điện ắc quy 24V, qua một bộ biến thế được chế tạo thô sơ, nguồn điện tăng lên từ 250 - 300V, đủ để làm tê liệt các loài thuỷ sản xung quanh bán kính 1-2 mét. Việc bị điện giật là chuyện thường xảy ra đối với những người dùng xung điện để đánh bắt. Có lúc vì bất cẩn, Hùng cũng đã bị điện giật, nhưng kịp thời xử lý nên không nguy hiểm đến tính mạng. Biết dùng điện để rà cá là vô cùng nguy hiểm, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, hơn nữa, làm nghề này cũng có đồng ra đồng vào, đủ lo cho con cái ăn học nên không bỏ được. Nếu bỏ thì cũng không biết làm nghề gì cho có tiền cả - Hùng chia sẻ.

Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02 tháng 01 năm 1998 về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Chỉ thị nêu rõ "Sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản là hành động hủy diệt nguồn lợi, phá hủy sinh cảnh và gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản, vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản", và "Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản ở tất cả các vùng nước". Ngay từ khi có Chỉ thị của Chính phủ, UBND thị xã Hương Thủy đã chỉ đạo ngành chức năng và UBND các phường, xã tập trung tuyên truyền, đồng thời mật phục, bắt giữ và thu hồi nhiều phương tiện đánh bắt bằng xung điện để đưa đi tiêu hủy.

Tuy nhiên, sau một thời gian tạm lắng, hiện nay, việc đánh bắt cá bằng xung điện có chiều hướng tăng trở lại. Cho dù không còn ngang nhiên như trước đây, nhưng nhiều người vẫn hoạt động lén lút, nhất là lợi dụng mưa lũ và ban đêm. Việc quản lý vấn đề này còn quá lỏng lẻo, một phần vì chưa thành lập được lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sự vào cuộc một cách tích cực, quyết liệt của chính quyền ở một số địa phương còn hạn chế. Mặt khác cũng chưa có một chế tài đủ mạnh để xử phạt, nghiêm cấm.


Lợi dụng mưa bão, một người dân dùng xung điện để đánh bắt cá

Theo Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ngày 11/10/2008 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản thì đối với hành vi sử dụng bộ kích điện không giao thẩm quyền xử phạt hành chính cho chính quyền cơ sở mà chỉ dừng ở biện pháp tịch thu phương tiện nên không đủ sức răn đe và việc quản lý cũng trở nên khó khăn. Nhận thức của người dân chỉ nghiêng về khai thác, còn việc bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản chưa cao, trong khi đó công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa được xã hội hóa, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương chưa chặt chẽ, không thường xuyên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản còn bị bỏ ngỏ.

Ông Phan Bồng – Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hương Thủy cho hay: dùng xung điện để đánh bắt cá nói riêng và thủy sản nói chung là việc làm vi phạm Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ , cách khai thác phản khoa học, có tác hại lâu dài phá hủy sinh cảnh, gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản. Hệ quả của việc đánh bắt đó là phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường thủy sinh. Hiện chưa có con số thống kê cụ thể và kiểm soát chặt chẽ hết được số người trên địa bàn thị xã sử dụng các phương tiện đánh bắt, khai thác thủy sản không đúng quy định. Số người tham gia đánh bắt thuỷ sản bằng xung điện nhiều nhưng ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương phát hiện và xử lý còn ở mức độ khiêm tốn.

Cho dù vì mục đích mưu sinh hay lợi nhuận, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện trong thời gian qua đã hủy hoại không nhỏ đến môi trường sinh thái; có những cái chết đau lòng từ việc bất cẩn khi đánh bắt cá bằng xung điện. Để bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường mặt nước cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, các ngành và nhân dân; tạo ra thế trận toàn dân tham gia quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Theo khảo sát, những người đi đánh bắt cá bằng xung điện không hiểu rằng đễ bắt được 1 con thì sẽ giết chết 200 con khác do bị ảnh hưởng của điện từ phóng ra và cứ thế, thủy sản ngày càng cạn kiệt.

Theo TRT      

 

 

                    

Các bài mới
Các bài đã đăng