Tiếng sông Hương
Thách thức với đội ngũ trùng tu
09:19 | 02/04/2014

Các di sản bằng gỗ còn hiện hữu rất nhiều và có giá trị rất lớn về mặt nghệ thuật cũng như tâm linh. Tuy nhiên những di sản này đang đối mặt với sự tàn phá của thiên nhiên, thời gian cũng như thái độ ứng xử của con người. Trong khi công tác bảo quản hiện vật bằng gỗ tại Việt Nam đang ở trong tình trạng vừa yếu, vừa thiếu…

 

Thách thức với đội ngũ trùng tu
“Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay” - một Bảo vật quốc gia cũng từng đứng trước nguy cơ “không thể cứu chữa”

Tu bổ làm hư hỏng di tích

Huế - cố đô của Việt Nam, là nơi bảo lưu một hệ thống kiến trúc cung đình đồ sộ, gồm thành trì, cung điện, đền, miếu, lăng tẩm… Vào giai đoạn đỉnh cao, kinh đô Phú Xuân - Huế có khoảng 1.400 công trình kiến trúc. Tuy nhiên, trải qua thời gian, chiến tranh cùng sự khắc nghiệt của môi trường thiên nhiên, thành phố Huế chỉ còn bảo lưu được khoảng 300 công trình. Trong các công trình đạt đến đỉnh cao của kiến trúc Việt Nam, chiếm số lượng đáng kể là các kiến trúc gỗ, được trang trí bằng nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như chạm khắc, sơn thếp, đắp vôi vữa, ghép sành sứ, vẽ màu…

Theo Thạc sĩ Đỗ Hữu Triết - chuyên gia phục chế thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, mặc dù việc trùng tu và bảo tồn kiến trúc truyền thống ở đây được đặc biệt coi trọng, tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi những hư hỏng, xuống cấp. Với điều kiện thời tiết nóng ẩm, khắc nghiệt ở Việt Nam, công tác bảo quản, phục hồi gặp nhiều khó khăn. Rất nhiều di sản ở Huế rơi vào tình trạng bong tróc sơn, bạc màu. Một số khác vẫn giữ được lớp sơn nhưng cốt gỗ bị hủy hoại do thời gian, hoặc do côn trùng, mối mọt xâm hại.

Bên cạnh đó, sự chồng chất trong quá trình tu bổ, sửa chữa cũng đang làm hư hỏng, biến dạng di tích. Có thể kể đến như một số cấu kiện tại điện Biểu Đức ở Lăng Thiệu Trị được trang trí bằng lớp thếp vàng, thếp bạc rất có giá trị, tuy nhiên trải qua nhiều đợt sửa chữa đã bị che phủ bởi những lớp sơn công nghiệp mới, nhưng kém thẩm mỹ hơn rất nhiều. Để tẩy lớp sơn này mà không gây ra sự xâm hại, thay đổi thần thái của di tích là công việc không hề đơn giản. Không thể dùng một vài phương pháp cơ học thông thường, những người làm công tác trùng tu đã thử nghiệm rất nhiều lần trước khi đưa ra phương pháp tối ưu mới có thể phục hồi lớp trang trí nguyên gốc.

Bảo vật quốc gia cũng bị đe dọa

Di sản bằng gỗ là một hệ thống đa dạng các kiến trúc đình chùa, hệ thống phù điêu được chạm khắc trên các trang trí kiến trúc hay các tượng Phật thờ trong các đình chùa, các bài trí làm bằng gỗ phủ sơn son thếp vàng, có những di sản đã tồn tại đến 3 thế kỷ. Tuy nhiên, khí hậu khắc nghiệt ở Việt Nam cùng với thái độ ứng xử, ý thức của con người đã làm cho các di sản bị xuống cấp hết sức nghiêm trọng. Có những di sản đã bị phá hủy nhưng không còn khả năng phục hồi.

Theo ông Phan Văn Tiến - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, có những di sản có khả năng phục hồi nhưng không thể phục hồi nguyên vẹn. Trong khi đó, nhiều năm nay đội ngũ làm công tác quản lý tu sửa, phục hồi các di sản ở Việt Nam vẫn còn yếu và chưa có kinh nghiệm, các phương tiện máy móc kỹ thuật gần như không có và chưa được đầu tư. Đây cũng là một trong số tác nhân khiến cho các di sản bằng gỗ vốn có tuổi thọ khá cao, lại phải chống đỡ điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên có nguy cơ bị biến mất hoàn toàn.

Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay, một công trình nghệ thuật có niên đại từ thế kỷ 17 vừa được công nhận là Bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã ở trong trình trạng hư hỏng rất nặng. Toàn bộ lớp sơn phủ bị bong tróc gần hết, làm cho tượng bị mất màu. Một số phần gỗ bị mục và nứt. Phần cốt của pho tượng là gỗ nhưng đắp đất bên ngoài, nếu không gia cố kịp thời thì lớp này sẽ rơi ra, và dẫn đến không thể cứu chữa được. Quá trình tu bổ pho tượng kéo dài ròng rã 6 tháng, phải dựa hoàn toàn vào các phương pháp thủ công truyền thống, chứ không hề có các máy móc kỹ thuật hỗ trợ.

Theo GS. Andreas Schulze – giảng viên trường Mỹ thuật Dresden, Đức, đơn vị phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam xây dựng chương trình hợp tác, các khóa tập huấn nhằm hỗ trợ công tác bảo quản tu sửa các tác phẩm bằng chất liệu gỗ nhận định, ở những nước châu Âu, nơi có điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cũng mới chỉ thực hiện công tác phục chế, sửa chữa hiện vật khi đã xảy ra hư hại chứ chưa khắc phục được nguyên nhân. Bởi vậy, vấn đề cơ bản đặt ra trong phục chế gỗ là phải nắm bắt, phân tích những đặc tính của chất liệu, đồng thời chủ động bảo trì, phòng ngừa trên cơ sở tạo điều kiện tốt nhất trong khả năng có thể để bảo vệ hiện vật, ngăn chặn những tác động có hại lên hiện vật. 

 

Nguồn anninhthudo.vn
 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng