Tiếng sông Hương
Nguy cơ sạt lở đất mùa mưa bão ở A Lưới
15:06 | 22/10/2014

A Lưới là địa phương có địa hình đèo dốc, mật độ khe suối cao, độ dốc lớn nên mỗi khi mùa mưa bão đến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất gây ảnh hưởng, thiệt hại về tài sản và con người. Đây là vấn đề đang đặt ra cho chính quyền địa phương và người dân nơi đây. 

Nguy cơ sạt lở đất mùa mưa bão ở A Lưới

Đã nhiều năm nay, gia đình chị Lê Thị Định ở thôn 6, xã Hồng Kim, huyện A Lưới luôn phải sống trong nỗi âu lo mỗi khi mùa mưa lũ đến. Mỗi khi có mưa lớn kéo dài, kéo theo tình trạng nước sông Pa Lanh dâng cao khiến cho hiện tượng xâm thực ngày càng ăn sâu vào phần đất của căn nhà chị. Nguy cơ sụp đổ căn nhà có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn và chưa được bố trí đất tái định cư nên gia đình chị Định vẫn chưa có phương án để di dời. Chị Lê Thị Định tâm sự: “Mỗi lần mưa lớn là nước khe chảy ầm ầm, hai vợ chồng ở trong nhà lo lắm vì có con nhỏ nữa, nên cứ đến mùa mưa lũ là cả nhà phải trốn qua nhà hàng xóm, hết lũ rồi quay lại, gia đình cũng muốn đi chỗ khác ở lắm nhưng vì không có tiền nên phải ở đây”.

Cũng như hoàn cảnh của chị Định, hàng chục hộ gia đình sinh sống dọc ven con sông A Nô, thuộc thôn 5, xã Hồng Kim cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Mưa lớn và lũ quét hàng năm cứ dần khoét sâu vào nương vườn. Bình quân, hàng năm  lũ quét đã lấy mất trăm mét vuông đất nương vườn của các hộ gia đình nơi đây. Tình trạng lũ ống, lũ quét không chỉ gây mất đất sản xuất của các hộ dân mà còn uy hiếp trực tiếp đến đời sống và tính mạng con người.

Theo số lượng thống kê của UBND huyện A Lưới, trên địa bàn hiện có 300 hộ gia đình, với gần trên 2.000 nhân khẩu cần được sơ tán, di dời nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm tại 17 xã, thị trấn, đó là A Roàng, Đông Sơn, Hương Phong, Hồng Quảng, Hồng Bắc, Nhâm, Hồng Kim, Hồng Vân, Hồng Thủy, Hồng Hạ, Hưng Nguyên, trong đó xã A Roàng là địa phương có số hộ và nhân khẩu cần sơ tán, di dời nhiều nhất với 77 hộ và 289 nhân khẩu. Để đối phó với tình hình mưa lũ năm 2014, cùng với việc triển khai các phương án PCLB các cấp, kế hoạch di dời các hộ dân nằm ở vùng xung yếu, vùng nguy cơ cao về sạt lở, hộ nghèo, UBND huyện A Lưới dự trữ trên 30 tấn lương thực, nhu yếu phẩm tại trung tâm huyện và các xã nguy cơ bị chia cắt khi mưa lũ xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là nhận thức của một số hộ đồng bào về chủ động trong công tác PCLB vẫn còn rất thấp.

Mùa mưa bão đang đến gần, trong lúc đó nhiều hộ dân vùng sạt lở, vùng xung yếu lũ óng, lũ quét trên địa bàn huyện A Lưới vẫn đang phải đối mặt và sống trong nỗi âu lo mất đất, mất nhà hàng giờ, hàng ngày. Trước tình hình trên, đề nghị các ngành chức năng cần sớm rà soát, kiểm tra phương án PCLB&TKCN cũng như có biện pháp hỗ trợ kịp thời về xây dựng các khu tái định cư, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về nâng cao công tác giảm nhẹ phòng tránh thiên tai nhằm đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng của nhân dân.

Theo TRT

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng