Tiếng sông Hương
Thừa Thiên Huế: Loay hoay bảo tồn di sản nhà vườn Huế
15:26 | 13/05/2015

Xác định nhà vườn là "di sản" quý giá, từ năm 2006, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thông qua đề án bảo vệ nhà vườn ở Huế.

Thừa Thiên Huế: Loay hoay bảo tồn di sản nhà vườn Huế
Nhà vườn của bà Phạm Thị Túy, một trong những nhà vườn kiểu mẫu Huế đang xuống cấp

Nhà vườn Huế với nét cổ xưa của những ngôi nhà rường truyền thống cùng vườn cây trái xanh mượt vốn là tài sản quý giá trên vùng đất cố đô, góp phần tạo nên đặc trưng văn hóa Huế. Thế nhưng, do nhiều bất cập trong công tác quản lý, bảo tồn, nên đến nay, nhiều nhà vườn dần bị “xóa sổ”; số còn lại đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Xác định nhà vườn là "di sản" quý giá, từ năm 2006, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thông qua đề án bảo vệ nhà vườn ở Huế. Gần 10 năm trôi qua, Đề án này vẫn còn nằm trên giấy. Tại phường Kim Long, nơi tập trung nhiều nhà vườn kiểu mẫu ở Huế, nhiều ngôi nhà đang xuống cấp nhưng người dân không có điều kiện sửa chữa. Đơn cử như nhà vườn của bà Phạm Thị Tuý tồn tại hơn 120 năm là một nhà vườn tiêu biểu hiện còn nguyên vẹn. Hiện nay, ngôi nhà này đã xuống cấp trầm trọng. Bà Túy năm nay đã 88 tuổi lại sống một mình không có điều kiện sửa chữa nhà cũng không dám nhận hỗ trợ trùng tu do tiền cấp nhỏ giọt.

Theo khảo sát của thành phố Huế năm 2002, trong tổng số hơn 7.000 ngôi nhà vườn ở Huế chỉ còn 150 nhà vườn nguyên vẹn và đến thời điểm này chỉ còn khoảng 30 nhà là nguyên vẹn. Số còn lại có dáng dấp nhà rường và vườn nhưng bị cơi nới, xuống cấp, hoặc bị tháo dỡ toàn bộ, xây mới hay bị giải tỏa. Ông Hoàng Xuân Tiệp, Chủ tịch UBND phường Kim Long, thành phố Huế cho hay: Để tu bổ một ngôi nhà rường truyền thống phải mất từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, người dân không đủ sức lo liệu.

“Đối với nhân dân, không phải hoàn cảnh ai cũng giống ai. Có nhiều gia đình rất giàu có, việc giữ gìn nhà vườn 2000 - 3000 mét, thậm chí hơn nữa không thành vấn đề đối với họ. Nhưng ngược lại, đại bộ phận nhân dân hiện nay rất khó khăn, cho nên để mảnh vườn có sự đầu tư của dân thì phải có quy định hay tiêu chí đặt ra bao nhiêu là vườn, bao nhiêu phải để người ta tách thửa. Ví dụ như mảnh vườn có 2.000 mét thì nên để cho người ta tách thành 2 mảnh, có 2 chủ nhân thì sự đầu tư chắc chắn sẽ thuận lợi”, ông Tiệp cho biết.

Để bảo vệ nhà vườn Huế, mới đây tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng Đề án chính sách hỗ trợ tài chính về bảo tồn nhà vườn Huế giai đoạn 2015 - 2020 thay thế cho chính sách cũ vừa được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua. Người dân sở hữu nhà vườn khi tham gia đề án này được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như: được hỗ trợ kinh phí trùng tu tôn tạo nhà chính với mức cao nhất là 700 triệu đồng đối với nhà vườn xếp loại 1, không quá 500 triệu đồng nhà vườn loại 2 và không quá 400 triệu đồng đối với nhà vườn loại 3... Ngoài ra, chủ nhà vườn còn được hỗ trợ 100% lãi suất vay trùng tu nhà vườn, mức vay được hỗ trợ lãi suất cao nhất là 500 triệu đồng/nhà vườn.

Nhiều ngôi nhà rường truyền thống Huế đang xuống cấp do chủ nhân không đủ tiền để trùng tu

Ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Thừa Thiên -Huế cho biết: “Chúng tôi đã đưa ra tiêu chí phân loại nhà vườn để lựa chọn được những nhà vườn thực sự cần phải hỗ trợ để bảo vệ, tức là những nhà vườn xuống cấp quá. Và chỉ tính toán đủ đến  mức đảm bảo hỗ trợ cho chủ nhân đảm bảo phục hồi được những kết cấu chính, còn những cái phụ khác những chủ nhân họ cũng phải tham gia vào”.

Chính sách bảo vệ nhà vườn lần này mở ra tín hiệu vui đối với các chủ nhà vườn ở Huế. Tuy nhiên, để chính sách này sớm đi vào cuộc sống, cần phải đơn giản hóa các thủ tục cũng như mức hỗ trợ trùng tu phải sát với thực tế hơn./.

Theo Lê Hiếu/VOV - Miền Trung

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng