Tiếng sông Hương
Tan nát bờ sông thôn Vĩ Dạ
15:49 | 21/07/2015

Dù UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế liên tục ra quân chấn chỉnh, đồng thời ban hành quy hoạch khai thác cát, sỏi và bến bãi tập kết nhưng tình trạng khai thác trái phép vẫn liên tục diễn ra trên sông Hương.

Tan nát bờ sông thôn Vĩ Dạ
Các thuyền máy dùng “vòi rồng” hút cát lậu ngay sát bờ sông Hương thuộc thôn Vĩ Dạ (xã Thủy Bằng) vào trưa 23-6 - Ảnh: Ngọc Hiển

Thượng nguồn sông Hương đoạn qua thôn Vĩ Dạ (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) và thôn Đình Môn (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà) là những điểm nóng khai thác cát lậu từ nhiều năm nay.

Thi nhau trộm cát

Đêm cuối tháng 6, khi mọi người đang ngủ say thì ngoài sông Hương đã rền vang tiếng máy nổ của các thuyền máy đang dồn về khu vực bờ sông đoạn thôn Vĩ Dạ.

Giữa đêm tối, cả chục thuyền loại từ 10-50 khối bắt đầu thả neo, cắm “vòi rồng” xuống lòng sông để hút cát. Các thuyền tấp sát hai bên bờ, còn máy hút cát chỉ cách bờ sông chừng 5m. Đến gần sáng các thuyền lấy cát gần bờ “no hàng” chạy về phía hạ nguồn để bán cát. Lúc này cũng là lúc việc khai thác cát được chuyển ra giữa dòng sông. Các thuyền hút cát làm xuyên buổi trưa, đến khoảng 16g mới nghỉ.

Ông Trương Thế Pháp, trưởng thôn Vĩ Dạ, cho biết các thuyền hút trộm cát đã đánh dấu điểm khai thác bằng phao nổi trên mặt nước. Đến đêm, họ sẽ tìm đến đó để hút cát. Người dân của thôn Vĩ Dạ nơm nớp lo lắng bởi hàng tre dọc bờ sông đã bị sụt xuống đáy sông, nhiều diện tích đất canh tác sát bờ sông Hương cũng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Ông Văn Viết Nhơn (60 tuổi, thôn Vĩ Dạ) bức xúc: “Đêm mô máy hút cát cũng nổ đinh tai nhức óc, không ai ngủ được. Phản ứng thì họ dọa đánh, dọa trả thù”. Khoảng chục năm gần đây, đoạn sông Hương dài khoảng 400m từ bến Cạn đến bến Cây Bàng của thôn Vĩ Dạ đã trở thành điểm khai thác cát lậu tập trung và công khai.

Ông Trương Thế Pháp còn cho biết có dấu hiệu một số thanh niên trong thôn Vĩ Dạ bảo kê cho các thuyền khai thác cát trên sông Hương.

“Chiều 13-6, có hai thanh niên trong thôn đã xông thẳng vào nhà đánh tôi và dọa giết nếu tiếp tục phản ảnh, ngăn cản các thuyền khai thác cát trên sông Hương” - ông Pháp kể. Ông Lê Văn Thìn, chủ tịch UBND xã Thủy Bằng, nói xã đang xác minh việc một số người dân làng Vĩ Dạ thu tiền để khai thác lậu trái phép trên địa bàn.

Ngoài đoạn sông Hương thuộc thôn Vĩ Dạ, tại bãi bồi Lương Quán (phường Thủy Biều, TP Huế), UBND tỉnh đã cấp phép cho Công ty cổ phần Châu Thành Phát và Công ty cổ phần Xây dựng 939 khai thác cát từ năm 2013. Thế nhưng, hai công ty này vẫn sử dụng thuyền máy, sà lan cắm “vòi rồng” hút cát ngay giữa lòng sông. Mấy năm qua, trong khu vực được giao cho Công ty cổ phần Xây dựng 939 không hề có máy móc khai thác hay bãi tập kết cát, nhưng lại có sà lan khai thác cát giữa lòng sông.

12g ngày 25-6, hai sà lan loại 80 khối của hai công ty này nổ máy rền vang, hút cát tại điểm cách bờ của bãi bồi Lương Quán khoảng 100m. Người dân phường Thủy Biều cho biết các thuyền máy, sà lan khai thác cát giữa lòng sông tại khu vực bãi bồi Lương Quán thường hoạt động từ 3g sáng và kết thúc lúc 17g.

Theo khảo sát, dọc sông Hương từ cầu Dã Viên lên đến thôn Tân Ba (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) có đến 19 bãi tập kết cát, sỏi trái phép nằm ngay trong khu dân cư. Trong đó, địa phận thị xã Hương Thủy có đến 10 bãi tập trung ở khu vực cầu Bối, bến Than, bến Kiểm Lâm, cầu Châu Ê. Riêng tại thôn Tân Ba có một bãi của doanh nghiệp Phú Vĩnh, người dân không cho xe tải đi đường làng nên doanh nghiệp này thuê đất mở đường.

Ông Phan Gia Hảo, trưởng thôn Cư Chánh 2, cho biết do lợi nhuận quá lớn nên ba năm trở lại đây, các hộ dân đã phá vườn, đập nhà để làm bến bãi hoặc cho người khác thuê đất làm bãi tập kết cát, sỏi.

Tại TP Huế có năm điểm tập kết cát, sỏi trái phép dọc sông Hương. Trong đó, điểm tập kết của Công ty cổ phần Xây dựng 939 nằm trong khu dân cư tại phường Thủy Biều. Phía đối diện bên kia sông Hương thuộc địa bàn quản lý của thị xã Hương Trà cũng có bốn điểm tập kết cát, sỏi trái phép tại các thôn Hải Cát, Kim Ngọc (xã Hương Thọ) và tổ 5 (phường Hương Hồ).

Khó dẹp triệt để

Ông Lê Văn Thìn cho biết chính quyền xã không có phương tiện cũng như công cụ để ngăn chặn các thuyền khai thác trộm, khi bắt được quả tang thì cũng chỉ phạt hành chính dưới 1 triệu đồng nên tình trạng khai thác cát lậu không dẹp được.

Trả lời câu hỏi có hay không việc cán bộ xã báo tin cho các thuyền khai thác lậu khi có đoàn kiểm tra, ông Thìn nói: “Chúng tôi rất bực chuyện này. Khi tôi gọi cán bộ, không nói trước là giải quyết việc gì nhưng mà các thuyền khai thác lậu vẫn biết”.

Về các bãi cát, sỏi trái phép, ông Thìn cho biết xã chỉ mới xử lý hành chính hai bãi, còn các bãi khác nhiều đoàn liên ngành đến làm việc nhưng xử lý không dứt điểm. “Chúng tôi không thu thuế, không thu ủng hộ, hay thu một khoản nào hết, làm như thế là vướng. Chúng tôi cũng không liên hệ, giao lưu hoặc có bất cứ mối quan hệ nào với các chủ bãi này” - ông Thìn khẳng định.

Ông chủ tịch xã nói rất mạnh mẽ nhưng thực tế cho thấy ở địa phương nhan nhản các bãi tập kết cát, sạn trái phép tồn tại ngang nhiên nhiều năm nay.

Theo ông Phan Văn Đáng (chánh thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế), các đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiều lần đến “đóng quân” ngay tại đoạn sông Hương thuộc thôn Vĩ Dạ để dẹp nạn khai thác cát lậu. Nhưng thực tế cho thấy rất khó xử lý triệt để bởi người dân khai thác cát lậu là dân vạn đò, họ kiếm sống bằng nghề này, cấm và phạt hôm nay thì ngày mai họ vẫn trở lại.

Ông Cái Văn Vinh, trưởng phòng tài nguyên khoáng sản Sở Tài nguyên - môi trường Thừa Thiên - Huế, cũng nói để giải quyết nạn khai thác cát lậu, tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp khai thác cát trên sông Hương cho phép các hộ dân vạn đò sử dụng thuyền vào mỏ cùng khai thác, việc các doanh nghiệp này có đồng ý để cho người dân vào khai thác hay không thì sở không rõ.

Về tình trạng các bến bãi tập kết cát sạn trái phép dọc sông Hương, ông Nguyễn Văn Khang, trưởng phòng đô thị thị xã Hương Thủy, cho biết bản thân ông cũng chưa nắm hết có bao nhiêu bãi cát sạn trái phép trên địa bàn.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, phòng đã yêu cầu chính quyền cấp xã xử phạt và đình chỉ hoạt động nhiều bãi trái phép nhưng đến nay tình trạng này vẫn tồn tại. "Chúng tôi chỉ quản lý nhà nước, còn việc dẹp các bến bãi trái phép này là trách nhiệm của chính quyền cấp xã” - ông Khang nói.

Theo TTO

Các bài mới
Các bài đã đăng