Tiếng sông Hương
Sống cạnh hố 'tử thần'
08:56 | 11/08/2015

Chỉ đi vào khai thác vài tháng sau khi được UBND tỉnh TT-Huế cấp phép, khu vực mỏ cát rộng lớn thuộc vùng chân núi xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc) đang khiến dân địa phương hết sức lo ngại, do những hố “tử thần” từ khai khoáng gần bên khu dân cư không được bảo vệ, cảnh báo có thể gây nguy hiểm chết người bất cứ lúc nào.

Sống cạnh hố 'tử thần'
Những hố khai thác cát bị bỏ quên. Ảnh: Ngọc Văn

Không rào chắn, biển cảnh báo

Thời điểm phóng viên có mặt, đại công trường khai thác cát mỏ sâu dưới lòng đất thuộc thôn Thủy Dương (xã Lộc Tiến) ngưng hoạt động. Cả một dải bìa rừng xanh tốt cây cối trước đây giờ là những hố nước đục ngầu, sâu hoắm, nằm kề nhau kéo dài hàng trăm mét theo sau lưng nhà dân. Người và gia súc trong vùng không khó để tiếp cận những hố “tử thần” đang bị bỏ quên bảo vệ, cảnh báo này.

Có một thực tế, hố “tử thần” bị bỏ quên sau khai khoáng gây chết người, đặc biệt là trẻ em, không còn là chuyện lạ ở tỉnh TT-Huế. Gần đây nhất là vụ trẻ em rớt hố khai khoáng tử vong tại xã Phong Hải (huyện Phong Điền) hồi cuối tháng 3 vừa qua. Còn tại mỏ cát xã Lộc Tiến, tuy chưa có tai nạn về người, nhưng theo dân địa phương, trâu bò sa hố sâu bị chết đã từng xảy ra.

Ông Phan Công (ngụ thôn Thủy Dương) lo lắng: “Nguy hiểm lắm! Độ hè thế này, bọn trẻ không tới lớp thường xuyên. Người lớn còn phải đi làm kiếm sống, thời gian đâu mà canh ngăn chúng tìm ra chơi, tắm tại các hố nước sâu gần bên nhà”. Nhiều người dân cho rằng, những hồ nước sâu không được hoàn thổ còn tạo thêm nhiều mối nguy khác khi mùa mưa lũ cận kề. “Mùa hè, những hố khai thác cát này vốn luôn đầy ắp nước. Khi có mưa to vào mùa lụt bão, nước lũ từ sườn núi cao dồn thêm về các hồ lớn, tạo thành những túi nước “treo” bên nhà dân, hết sức nguy hiểm cho cả vùng”, một người dân thôn Thủy Dương cảnh báo.

Được biết, mỏ cát bãi Trằm (thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến) được UBND tỉnh TT-Huế cấp cho Cty CP Vật liệu Xây dựng 368 khai thác, chủ yếu phục vụ xây dựng Quốc lộ 1A, triển khai chính thức từ 18/6/2015, trên diện tích 3ha, trữ lượng 65.000 m3. Phương án khai thác là xúc, bóc, vận chuyển phục vụ công trình quốc lộ. Tỉnh yêu cầu doanh nghiệp phải cắm biển báo, rào chắn, bố trí lực lượng bảo vệ, hướng dẫn cảnh báo nguy hiểm.

Mặt khác, sau khi hoàn tất khai thác, căn cứ nhu cầu vật liệu của dự án QL1A, doanh nghiệp phải lập tờ trình đề xuất UBND tỉnh TT-Huế đóng cửa mỏ... Quy định là vậy, nhưng những hầm hố nguy hiểm hình thành sau khai thác không hề có người túc trực bảo vệ, hoàn thổ. Thời điểm phóng viên có mặt, quanh các hố “tử thần” cũng không có bất kỳ rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm nào.

Hố “tử thần” có trong quy hoạch

Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cho biết, theo quy hoạch được duyệt, khu vực hố cát tại thôn Thủy Dương sau khai thác sẽ không bị lấp đi mà “tận dụng” làm hệ thống thoát nước mặt cho khu kinh tế, đô thị tương lai này. Bên ngoài kênh thoát nước sẽ có rào chắn kiên cố giới hạn người và gia súc.

Tuy nhiên, những hố “tử thần” này đến bao giờ mới được tận dụng tu chỉnh thành kênh thoát kèm rào chắn thì chả ai rõ. Bởi đây chỉ là vùng dân cư hẻo lánh, chưa thể gắn ngay với phát triển đô thị. Trong lúc, điều kiện đầu tư về hạ tầng, đô thị tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang có dấu hiệu chững lại rõ rệt kể từ đầu năm 2015 đến nay.

Phản ánh với phóng viên, mong muốn lớn nhất hiện nay của dân địa phương là sau khi hoàn tất khai thác cát mỏ, các bên liên quan cần kịp thời xúc tiến hoàn thổ, phục hồi nguyên trạng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho dân. Đồng thời, bà con có thể tận dụng mặt bằng này cho sản xuất lâm nghiệp để cải thiện sinh kế.

“Mùa hè, những hố khai thác cát này vốn luôn đầy ắp nước. Khi có mưa to vào mùa lụt bão, nước lũ từ sườn núi cao dồn thêm về các hồ lớn, tạo thành những túi nước “treo” bên nhà dân, hết sức nguy hiểm cho cả vùng”.

Theo TPO

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng