Chuyện Cố đô
Cờ giải phóng bay trên ngọ môn
14:31 | 25/03/2014

Nhiều năm nay, ngôi nhà số 37 đường Phùng Hưng (TP Huế) của Đại tá Huỳnh An (88 tuổi), nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Phú Xuân (Trung đoàn 6, Trung đoàn AHLLVTND) là điểm đến của nhiều thế hệ trẻ muốn tìm hiểu về lịch sử TT-Huế. Trong câu chuyện về những đồng đội đã ngã xuống, ông luôn nói đến một ước nguyện: xây bia Chiến tích của Trung đoàn Phú Xuân. Và, năm 2013 tâm nguyện của ông đã thành hiện thực: Nhà bia Chiến tích của Trung đoàn 6 được khánh thành tại Sân bay Tây Lộc (Huế) do Ban liên lạc của Trung đoàn cùng chính quyền địa phương xây dựng. Nhà bia Chiến tích là công trình tưởng niệm, tri ân hơn 12.000 anh hùng, liệt sĩ của Trung đoàn đã anh dũng chiến đấu hy sinh qua các thời kỳ.

Cờ giải phóng bay trên ngọ môn
Mặt trận Dân tộc giải phóng do Trung đoàn Phú Xuân treo, phấp phới tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu (Huế) ngày 26-3-1975 đánh dấu mốc lịch sử TT-Huế hoàn toàn giải phóng.


Trung đoàn Phú Xuân là Trung đoàn chủ lực Quân khu Trị Thiên, được thành lập vào ngày 10-10-1965 với nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên- Huế. Trung đoàn Phú Xuân đã vang danh với những trận đánh ác liệt trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Nhưng với Đại tá Huỳnh An,  ấn tượng nhất vẫn là đòn quyết định giành thắng lợi trong chiến dịch giải phóng TT-Huế xuân 1975: "Thực tiễn diễn ra trên chiến trường đã chứng minh, khi tuyến phòng ngự khu vực đường 14 và quanh căn cứ Phú Bài bi vỡ thì cánh cửa giải phóng Huế như mở ra. Quân giải phóng đánh và tấn công theo thế chẻ tre, ngày 25-3, Trung đoàn 101 của Sư đoàn 325 và một bộ phận của Trung đoàn 271 chỉ trong một buổi sáng đã đánh chiếm căn cứ Ấp 5 và căn cứ Phú Bài (Huế). Điều đó đã khẳng định, Quân khu ủy đã chọn đúng nơi hiểm yếu nhất của địch để giáng đòn chí mạng và cuộc đụng đầu này diễn ra trong thế giằng co suốt 13 ngày đêm, khi phá vỡ được phòng tuyến của địch thù chìa khóa cánh cửa giải phóng TT-Huế từ phía Nam đã được mở ra. Đòn quyết định chiến dịch này còn mở ra thế và lực mới cho quân và dân ta tiến công giải phóng Đà Nẵng chỉ mấy ngày sau đó thuận lợi hơn".

Đại tá Huỳnh An nhớ lại, những người lính của Trung đoàn Phú Xuân đã chiến đấu kiên cường và làm chủ được TP Huế suốt 25 ngày đêm giằng co dai dẳng với bao mất mát, hy sinh, Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn ngày ấy đã cùng sát cánh chiến đấu, quần nhau với thủy quân lục chiến Mỹ để giành giật từng khu nhà, ngõ phố. Trong suốt 25 ngày đêm chiến đấu với địch, có nhiều đồng chí đã hy sinh anh dũng, đã đổi máu để giành lấy độc lập.

Suốt thời gian làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Phú Xuân, ngoài việc chỉ huy các trận đánh, điều khiến Đại tá Huỳnh An nhớ nhất là đơn vị ông 2 lần vinh dự được cấp trên giao nhiệm vụ tiến vào giải phóng TP Huế và cắm cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng trên kỳ đài Ngọ Môn Huế (8 giờ sáng ngày 31-1-1968 và 6 giờ 30 ngày 26-3-1975).  "Ngày đó, khi Trung đoàn được vinh dự giao vận chuyển, kéo cờ Tổ quốc, tôi đã nhiều đêm thao thức vì lo sợ không hoàn thành nhiệm vụ. Sau bao lần cân nhắc, tôi giao nhiệm vụ cho Đại Đội 3, Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 6 Phú Xuân. Lúc đó, đồng chí Đại Đội trưởng giao cho đồng chí Trần Văn Hà (quê Lý Nhân, Hà Nam), nguyên giảng viên Trung tâm Giáo dục quốc phòng Đại học Huế có nhiệm vụ vận chuyển lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam từ căn cứ Mỏ Tàu (H. Phú Lộc) cùng Trung đoàn tức tốc hành quân 5 ngày đêm đường rừng về trung tâm TP Huế".

Sau khi được giao nhiệm vụ trực tiếp, người lĩnh Trần Văn Hà gói gém cẩn thận, xếp lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng rộng 96 m2, nặng hơn 30kg vào ba lô vận chuyển từ căn cứ Mỏ Tàu cùng Trung đoàn tức tốc hành quân 5 ngày đêm đường rừng về trung tâm TP Huế. Đồng chí Trần Văn Hà xúc động: "Lúc đó, vác lá cờ trên vai, mình cảm thấy rất nặng, nhưng có lẽ không phải do trọng lượng của lá cờ mà do trọng trách vinh quang mà Tổ quốc đã giao cho mình, đặt lên vai mình.

Vì vậy, luôn tâm niệm rằng trên đường hành quân dù có hy sinh cũng sẽ không để mất lá cờ đỏ mà xương máu của đồng đội, của anh em đã ngã xuống. Và trên hết, có lẽ là nghĩ đến hình ảnh lá cờ tung bay trên đỉnh Kỳ đài Ngọ Môn, về niềm vui chiến thắng sẽ vỡ òa nên chỉ mỗi một quyết tâm đưa lá cờ về an toàn để hoàn thành nhiệm vụ với đơn vị, với đất nước và với cả lịch sử nữa...".

Một ngày, cả đơn vị đang hành quân thì bất ngờ đụng giặc trên đường tháo chạy từ Truồi (Huế) về hướng Đà Nẵng, CBCS Đại đội 3 đã liều mình dàn hàng ngang làm rào chắn vây quanh, bảo vệ tôi cũng là bảo vệ cờ giải phóng. Qua bao nhiêu ngày đêm băng rừng, lội suối vất vả, với bao hiểm nguy rình rập từ phía quân thù, rạng sáng ngày 26-3, Trung đoàn Phú Xuân mang cờ qua cầu Bạch Hổ rồi theo đường Lê Lợi tiến vào Ngọ Môn.

Kỳ đài Ngọ Môn Huế có 3 tầng cao 17,5 m; cột cờ làm bằng bê- tông cao 37 m, nên phải dùng một sợi thừng to bằng cổ tay vừa dùng sức vừa bám men theo cột cờ lên tháp để cố định cờ... Đúng 6 giờ 30 sáng 26-3-1975, khi mặt trời vừa ló dạng, lá cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng màu đỏ tươi đã tung bay trên đỉnh Ngọ Môn, cả kinh thành Huế vui sướng vỡ òa trong niềm vui giải phóng. 

 

 

Nguồn CAND

Các bài mới
Các bài đã đăng