Chuyện Cố đô
Phước Yên - Trang sử 46 năm trước - Kỳ 1: Trận chiến bi hùng
14:34 | 28/07/2014

Trong chiến tranh, vì nhiều nguyên do, đã có những trận đánh đẫm máu nhưng sử sách chưa có dịp đề cập. Nhưng với những người cầm súng, nhất là những ai trực tiếp tham gia thì không bao giờ quên. 

Phước Yên - Trang sử 46 năm trước - Kỳ 1: Trận chiến bi hùng

Đó  là  trường hợp của Tiểu đoàn 8 (K8), thuộc Trung đoàn 3,  Sư đoàn 324, năm 1968 được tăng cường cho Trị Thiên-Huế, chỉ một trận đánh đã hy sinh trên 500 người. Trận đó diễn ra ở làng Phước Yên nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Câu chuyện xảy ra, tính đến nay đã hơn 46 năm. Đây là một tổn thất quá lớn nhưng chưa được vinh danh!

Xuân 68, từ Mặt trận đường 9, Sư đoàn 324 được lệnh cử 2 Trung đoàn là E1 và E3 tăng cường cho mặt trận Huế. Thời điểm ấy, theo báo cáo của Chỉ huy trưởng mặt trận Huế- Lê Minh, đến ngày 12-2 (tức mồng 10 tết): "Chúng tôi hết đạn, chỉ làm kế hoạch được từng buổi”! Sau 1 tuần hành quân, mãi đến ngày 19-2, K8 mới có mặt ở Huế, chủ yếu ở Thành Nội và tham gia giữ cửa An Hòa và đến ngày 23-2  rút khỏi Huế về đóng quân ở vùng Khe Trái (Hương Trà). Ở đây, K8 bị B.52 dội bom làm nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Thế nhưng chưa đầy một tháng sau, lại được lệnh:Tổ chức cho K8 luồn sâu xuống vùng đông huyện Quảng Điền, phối hợp với lực lượng địa phương củng cố chính quyền cách mạng ở đồng bằng, đồng thời kéo giãn địch ra, tạo điều kiện cho tổng tấn công nổi dậy đợt II.

Một quyết định mà theo nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, lúc đó ông là Chính ủy Trung đoàn 9 của Quân khu Trị Thiên-Huế tham gia chiến dịch Xuân 68 ở Huế đã nhận xét: "Lúc này, ở khu vực Trị Thiên-Huế cũng như toàn Miền, địch đã ổn định được tình hình, lực lượng của chúng đã được tăng cường hơn trước. Số lượng địch ở khu vực Huế đã tăng lên 140.000 tên với 60 tiểu đoàn, trong đó có nhiều tiểu đoàn tinh nhuệ của Mỹ. Địch vẫn ở đường 9. Mặt khác, chúng liên tục truy quét từ chiến trường rừng núi, đẩy ta ra khỏi vùng giáp ranh, càn quét vùng đồng bằng nông thôn một cách khốc liệt, lập ấp chiến lược, lập thêm đồn bốt. Bọn ác ôn ngóc đầu dậy thẳng tay tàn sát nhân dân, tàn sát lực lượng cách mạng ở cơ sở. Trong khi đó, lực lượng của ta chưa được củng cố, thế trận từ đồng bằng  tới vùng giáp ranh và lên vùng rừng núi chưa được xây dựng lại; bộ đội bị thương, bị sốt rét, thiếu đói, thiếu đạn... sức chiến đấu suy giảm...Nhưng lệnh của trên là tiếp tục đợt 2 và đợt 3, tức là tiếp tục Tổng công kích - tổng khởi nghĩa, Quân khu chấp hành nhưng thực hiện ít hiệu quả”.

Đúng như ý kiến của Bí thư Quân khu ủy Trị Thiên-Huế Trần Văn Quang tự kiểm điểm: "Chúng tôi đã không sáng suốt, không kịp thời đề ra nhiệm vụ, phương châm, biện pháp phù hợp với tình hình, không có can đảm để phản ánh, đề đạt lên cấp trên những khó khăn và ý kiến khắc phục khó khăn đó, mà lại chấp hành mệnh lệnh một cách thụ động, làm cho tình hình càng khó khăn thêm”. Từ đó như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu kết luận: "Khi không còn điều kiện mà cứ chấp hành lệnh một cách thụ động, cuối cùng là không thắng mà lại hứng chịu tổn thất”- (Báo Nhân Dân, ngày 14-1-2008).

Hành quân trong bối cảnh như vậy nên K8 gặp vô vàn hiểm nguy. Ngày 20-3, rời hậu cứ Khe Trái, nhưng mãi đến ngày 26-3, K8 mới có mặt ở làng Thanh Lương (nay thuộc xã Hương Xuân, thị xã Hương Trà). Sau 2 ngày đóng quân, Mỹ phát hiện. Chúng huy động máy bay, xe tăng vừa ném bom vừa rải quân bao vây. Cuộc giao tranh kéo dài 5 ngày, mãi đến đêm 4-4, K8 mới mở được đường máu.

Cựu binh Đỗ Xuân Cường, quê ở xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa kể lại: "Trước tình thế không còn gì để mất, tôi là một trong những người xung phong mở đường máu. Cùng với đồng đội, chúng tôi tập trung hỏa lực mạnh phá vây. Khi bắn đến quả thứ 10, tai tôi đã chảy đầy máu nhưng vì nghĩ đến đồng đội nên tôi vẫn cố. Bắn thêm quả B41 thứ 4, tôi theo tổ và hộ tống Chính ủy Trung đoàn 3 Nguyễn Xuân Hòa rút khỏi vòng vây”.

Trong khi tổ của ông Cường mở đường máu nghi binh thì K8 lặng lẽ hành quân về vùng lõm xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Bản thân ông Cường cùng đồng đội  chạy lên phía thôn An Ninh Thượng, phường Hương Long- Huế. Tại đây, do vết thương quá nặng, ông Cường ngất đi. Đồng đội là ông Ngô Quang Quý tưởng bạn hy sinh nên vội lấy đất và lá lấp sơ rồi rút. Hôm sau tỉnh lại, ông Cường bị địch bắt, sau đó đưa ra giam ở nhà tù Phú Quốc.

K8 về Quảng Thọ chừng 3 hôm thì chuyển quân về trú ở vùng lõm của xã Quảng An để chăm sóc thương binh. Trong 10 ngày trú quân ở đây, C3 do Cao Thanh Sơn làm Đại đội trưởng đã bày mưu diệt được 15 lính Mỹ khi chúng tìm cách vượt qua cầu Đông Xuyên-Mỹ Xá. Do bị lộ nên K8 tiếp tục chuyển quân và rạng sáng ngày 26-4 thì tới làng Phước Yên, xã Quảng Thọ. Trong khi đang đào công sự thì sáng đó bất ngờ địch đổ quân. Chúng huy động 2 Tiểu đoàn Kỵ binh bay của Mỹ cùng 5 Tiểu đoàn của Sư đoàn I Bộ binh ngụy, được xe tăng và máy bay yểm trợ quyết "tiêu trừ cho được Cộng quân”. Khi ấy, cánh đồng làng Phước Yên cuối tháng 4 trơ gốc rạ, tứ bề trống hoác. Ngoài trực các chốt, chúng còn dùng giây kẽm gai để bịt những nơi không có người canh giữ. Sau mỗi đợt không kích, pháo kích, địch dùng trực thăng cho loa phóng thanh kêu gọi buộc bộ đội ta quy hàng. Đáp lại là từng loạt A.K, từng quả đạn cối. Thấy ve vãn không mang lại kết quả, chúng tổ chức tấn công. K8 lợi dụng những bờ tre, nương các bờ tường tổ chức kháng cự. Nhận tin K8 bị vây, Quân khu cử K1 của Trung đoàn I do ông Võ Chót chỉ huy về đánh giải vây. Nhưng do không phối hợp được trong - ngoài nên đến khuya  phải rút.

Không thể khoanh tay chịu chết, Tham mưu trưởng E3 tăng cường là ông Lương đã cùng chỉ huy K8, gồm: Tiểu đoàn trưởng Viễn; Tiểu đoàn phó Khải; Chính trị viên Tiến; Trợ lý hậu cần Tiểu đoàn Sinh... cùng các cán bộ đại đội cùng bàn và tìm cách rút.

Cũng cần nói thêm, sở dĩ lúc đó K8 có đến gần 600 quân là do được Trung đoàn 3 tăng cường thêm B trinh sát, Đội phẫu, Đội thông tin, Sở chỉ huy nhẹ của Trung đoàn do ông Lương chỉ huy.

Khuya 29-4, bằng tinh thần quả cảm, cán bộ, chiến sĩ K8 đã tổ chức chiến đấu và mở đường máu vượt qua vòng vây. Dù đã diệt hơn 200 lính Mỹ nhưng sau 5 ngày giao tranh, K8 đã bị tổn thất nặng nề. Điểm lại, số sống sót chỉ còn đúng 46 người!

Nguồn Đại đoàn kết

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng