Tạp chí Sông Hương - Số 162 (tháng 8)
Cần xem lại ai mới là tác giả của những khánh, vạc, chuông, tượng cổ thời tiền Nguyễn
15:23 | 01/09/2008
NGUYÊN ĐẠTNhân trở lại chùa Thiên Mụ, thăm lại những chuông cổ, tượng cổ, khánh cổ... Chúng tôi thấy trên chiếc khánh đồng có ghi: "Khánh đúc năm 1674 do Jean de la Croix người Bồ Đào Nha đúc". Chúng tôi phân vân, sao không đề ở tất cả chuông tượng ở đây mà chỉ đề ở một chiếc khánh có hoa văn kiểu dáng Việt lại người Âu đúc?
Cần xem lại ai mới là tác giả của những khánh, vạc, chuông, tượng cổ thời tiền Nguyễn
Vạc đồng đúc năm 1660 thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687)

Về mượn tư liệu đọc thì thấy trong Đại Nam Thực Lục Tiền Biên và cả trong Phủ Biên Tạp Lục... không hề nói đến người Âu thợ đúc đó, mà chỉ nói vào năm 1631 chúa cho lập hai đội thợ nội pháo tượng và tả hữu pháo tượng. Lấy 60 người ở xã Phan Xá, Hoàng Giang tỉnh Quảng Bình sung vào với đầy đủ cơ cấu chức tước để chế tạo vũ khí(1). Trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776 còn ghi thêm: "Ở Thuận Hóa có hai ty đội thợ đúc đều 30 người, có Phường Đúc ở bờ Nam sông Phú Xuân đều là người kiều ngụ ở lộn cũng biết đúc súng, đồng và vạc, chảo, xanh, nồi, cây đèn, cây nến mọi vật"(2). Ở một đoạn khác lại ghi "có ty thợ đúc các cục, người kinh 30 người, người Bản Bộ 30 người"(3), lại một đoạn nữa có ghi "Đội than gỗ thì mới lập từ thời Vĩnh Khánh (1729 -1732)... hàng năm nộp thuế than ở Trường đúc"(4)
Như thế vẫn chưa tìm ra tung tích người Âu trên, nhưng lại biết khá rõ thợ đúc ở Phường Đúc. Chúng tôi tìm đọc qua sách báo người nước ngoài viết như sách của Maybon-Russier, luận văn tiến sĩ của Litana nói về xứ Đàng Trong, báo BEFEO, BAVH... thì thấy trong bài nói về Khu vực Hổ Quyền của L.Cadièr viết năm 1924 có đoạn nói đến súng, vạc, khánh đúc vào những năm người Âu đó sống và có câu kết luận "Những vạc mà chúng ta vừa khảo sát cũng như súng (ở thời ông sinh sống), dù không có đề tên Jean De La Croix, nhưng tôi tin là của ông ta"(5). Đồng thời ở phụ trang cuối bài viết có ghi dưới ảnh chiếc khánh câu: "Tác phẩm của Jean De La Croix, khánh chùa Thiên Mụ đúc năm 1674". Như vậy có sự khác biệt khá rõ giữa sách Tây và sách Ta. Ai đúng, ai sai chưa rõ, chúng tôi xin được kháo sát thêm nguồn gốc các nhóm thợ Ta cũng như thợ Âu để đưa ra lời giải đáp phù hợp hơn.
Tác giả Phủ Biên Tạp Lục đến Phú Xuân đã trên 225 năm và trước L.Cadière đến 150 năm. Lúc đó chúa Nguyễn mới thất trận rút vào phía Nam, mọi hiện trạng di vật thợ thuyền hầu như còn nguyên trạng, cho nên ông đã ghi về Phường Đúc khá đầy đủ và chính xác như trên, ngoài ra còn ghi thêm "Họ Nguyễn (chỉ Chúa) trước ngày lễ sinh nhật, các quan ty thợ đều có tiền mừng, hoặc 2 tiền, hoặc 5 tiền, duy chỉ có Ty thợ đúc, thợ Bản Bộ tiền một quan, ống nhổ thau lớn một chiếc,ống nhổ thau vừa một chiếc, cây đèn đồng thau một cây. Thợ người Kinh thì mỗi người 5 tiền, ống nhổ thau lớn một chiếc, ống nhổ thau vừa một chiếc, cây đèn đồng thau một cây"(6).
Sự hiểu biết cặn kẽ tường tận của Lê Quý Đôn giúp ta thấy rõ sự ưu ái quan tâm của Chúa đến các ty thợ đúc. Có lẽ họ đã làm nên được những thứ cần thiết cho chiến tranh và sinh hoạt xứ Đàng Trong thời đó.
Qua khảo sát thực địa ta còn biết thêm nhiều về Phường Đúc và hai ty thợ đó. Phường Đúc đã được mô tả cách đây 225 năm nay vẫn còn đủ di tích khá rõ. Nó gồm 5 xóm thợ nằm sát cạnh nhau hướng Đông Tây và nắp từ bờ sông lên tận gò đồi. Có 5 kiệt thông qua 5 xóm và đường bao quanh, thuận lợi cho việc đi lại. Đường Bùi Thị Xuân là đường Pháp mới mở vào đầu thế kỷ XX, đã cắt ngang 5 dãy thợ đúc đó thành 2 phần, phần bờ sông và phần gò đồi. Kể từ phía Tây sang phía Đông lần lượt ta có các xóm:
TRƯỜNG ĐỒNG HAY TRƯỜNG ĐÚC: là công xưởng đúc đồng thời Chúa, được thành lập từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1636), tọa lạc gần nhà thờ Phường Đúc. Ngày nay cũng có lò đúc của thợ Kinh Nhơn (Người Kinh) ở và sinh hoạt.
BẢN BỘ HAY BỔN BỘ: là nơi ở và sinh hoạt của ty đội thợ đúc người bản địa thuộc Thuận Hóa, như thợ Phan Xá, Hoàng Giang, Quảng Bình, Cam Lộ, Quảng Trị... Ngày nay không tìm thấy thợ Bản Bộ xưa nữa nhưng có thợ Kinh Nhơn đến sinh hoạt. Theo Nguyễn Hữu Thông trong tạp chí Dân tộc học 1981 thì khi "nhà Nguyễn (Chúa) sụp đổ công trường giải tán, các ty thợ đúc lành nghề khắp nơi được triệu tập về trước đó nay bỏ trở về quê quán. Chỉ có tộc Nguyễn Kinh Nhơn đã theo Chúa từ Bắc vào xa xôi lâu đời nên ở lại tiếp tục trong dân gian, sau trở lại tượng cục"(7).
KINH NHƠN HAY KINH NHÂN: là nơi sinh cơ lập nghiệp lâu dời của ty thợ đúc người Kinh Bắc (Bắc Ninh) hay gọi đúng là Chú Tượng Kinh Nhơn Ty. Họ đã theo Nguyễn Hoàng từ buổi đầu (1600) vào Ái Tử rồi Phước Yên (Quảng Điền) sau mới đến Phường Đúc theo nhu cầu của Chúa ở Trường Đồng. Đến nay đã sinh sống ở Thuận Hóa ngót 400 năm với 13 đời theo nghề đúc, 5 đời đầu phục vụ các Chúa, các đời sau phục vụ các Tượng cục thời vua Nguyễn đến nay đã trở thành một họ lớn nghề đúc có uy tín.
Gia phả họ này khởi soạn từ thời Cảnh Hưng (1740-1786) tục biên thời Gia Long. Minh Mạng và cuối cùng tu soạn lại vào năm Tự Đức thứ 35 (1881) nay vẫn còn bản gốc. Mở đầu gia phả có phần đề tựa như sau:
"Ngã gia quán Bắc Ninh tỉnh Thuận An Phủ Siêu Loại, huyện Đồng Xá, Xã Tự trịnh gia cường tiếm, nhiên kỳ tính tự thất truyền, vô hữu do khảo cứu, chí lục đợi tổ, tùng Nguyễn Chúa tại Thừa Thiên Phủ, Hương Thủy huyện, Dương Xuân Hạ xã, Kinh Nhơn ấp, Nguyễn Văn Lương, cụ túc tính danh, ký vi Thủy tổ".
Ai cũng biết Bắc Ninh xưa nay chính là cái nôi của nhiều ngành nghề truyền thống nổi danh. Ở huyện Siêu Loại và huyện Văn Giang xưa có trung tâm đúc đồng nổi tiếng là trung tâm Cầu Nôm:
"Đồng nát thì về Cầu Nôm
Con gái nỏ mồm về ở với cha" (8).
Trung tâm này xưa có các tổng làm nghề đúc là:
- Tổng Đề Cầu có Xã Đề Cầu gồm các làng Mé, Điền, Rí Thượng, Rí Hạ...
- Tổng Đồng Xá: có Xã Đồng Xá, Xã Đổ Xá...
- Tổng Đình Tổ: có xã Đình Tổ, Xã Đại Đồng
- Tổng Đại Từ: có Xã Đồng Mai(làng Hè Nôm) và Xã Lộng Đình gồm các làng Long Thượng, Bùng Đông, Văn Ố, Xuân Phao...
Vùng này có chợ Cầu Nôm là nơi trao đổi hàng hóa đúc và nguyên vật liệu nghề đúc...(9)
Thời Lý Trần có Sư Dương Không Lộ biết nghề đúc, khi tu ở Chùa Phả Lại, ông đã dạy cho hai chú tiểu là Phạm Quốc Tài (làng Đề Cầu) và Trần Lạc (làng Hè Nôm). Lúc thành tài hai chú tiểu dạy lại nghề cho dân các làng trên(10). Vào thời Lê Trịnh có làng Tòng Chương trong vùng có sự cố không hay, dân quanh vùng bỏ đi nơi khác làm ăn tiếp tục nghề(11). Thủy tổ họ Nguyễn Kinh Nhơn, thủy tổ họ Lưu ở Dương Xuân có lẽ đã ra đi theo Chúa Nguyễn Hoàng từ dạo đó. Nhân năm 1592 ông ra Bắc mừng vua Lê rồi bị giữ lại sai đi đánh dẹp nhiều nơi. Đến năm 1600 mới cùng toàn bộ tướng sĩ kéo về Ái Tử cùng mang theo nhiều thợ thuyền từ Bắc Ninh cần thiết cho sự nghiệp dựng của Chúa sau này.
Đồng thời vua Lê Chúa Trịnh cũng tuyển thợ các làng Mé, Điền, Rí Hạ, Rí Thượng, làng Nôm lên lập lò đúc tiền ở bờ hồ Trúc Bạch gọi là Ngũ Xã Trường sau thành làng Ngũ Xã, Phố Ngũ Xã Hà Nội.(12)
Do đó thợ Ngũ Xã Hà Nội và thợ Kinh Nhơn Phường Đúc đều từ vùng Cầu Nôm ra đi, có chung tổ nên có rất nhiều tương đồng về nghề nghiệp truyền thống.
Ngày nay Xã Đề Cầu đổi thành Xã Nguyệt Đức Huyện Thuận Thành Tỉnh Bắc Ninh, còn các xã khác thuộc huyện Mỹ Văn tỉnh Hưng Yên và đổi tên là xã Đại Đồng, xã Chỉ Đạo, Xã Việt Hưng.... Bởi thế cho nên Sở Văn hóa Thông tin Hải Hưng gần đây đã viết sách nghề truyền thống có ghi một chương đề: Đại Đồng một trung tâm đúc đồng của đất nước.(13)
Ngoài ba xóm chính là Kinh Nhơn, Bản Bộ, Trường Đồng còn có hai xóm kế tiếp là Giang Tiền, Gianh Dinh, tức hai xóm rất đối ngạn với Phủ Chúa, có lẽ trước kia là nơi đóng các đội thủy binh, khi phủ dời về Phú Xuân thì các thợ đúc và các gia đình buôn bán sản phẩm cùng nguyên vật liệu nghề đúc đến lập nghiệp. Ở đây đã có thợ đúc làng Đỗ Xá, Tổng Đồng Xá, huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh đến lập nghiệp. Nay đã đổi nghề.
Trong gia phả họ Nguyễn Kinh Nhơn không những có ghi nguyên quán là Đồng Xá mà còn năm sinh mất cùng rất nhiều chức tước, thụy của các vị đã từng trông coi ty thợ đúc và đã được trọng dụng vì làm nên sự nghiệp. Xin đơn cử một số vị như sau.
- Thủy Tổ Cai Quan Lương Thanh Bá, Nguyễn Văn Lương (Đời I).
- Viễn Cao Tổ Thủ Hiệp Cường Đức Tử Nguyễn Văn Đào (Đời II) mà mộ và nhà thờ đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử Ông tổ nghề đúc đồng Phường Đúc thành phố Huế tỉnh Thừa Thiên.
- Thủ hiệp Hậu đức Tử Nguyễn Văn Xuy sinh năm Đinh Dậu (1647) (Đời III)
- Thủ Hiệp Điền Ngọc Tử Nguyễn Văn Mãi (Đời III)
- Chánh Ty quan Miên Trường Bá Nguyễn Văn Mao sinh năm Quý Hợi (1683) (Đời IV)
- Cai quan Nguyệt Đức Bá Nguyễn Văn Mượn (1710 -1770) (Đời IV)
- Cai quan Huy Đức Bá Nguyễn Văn Trác (1717-1779) (Đời IV)
- Quản Chánh Dinh suất nội Chú Tượng Ngủ Ty Cai Đội Chiêu Nhật Hầu Nguyễn Văn Thùy (1748-1805) (Đời V)
- Chú Tượng Kinh Nhơn Ty Cai Quan, Mỹ Đức Bá Nguyễn Văn Hòa (1750-1810) (Đời V)
- Thủ Hiệp Long Tài Nam Nguyễn Văn Hườn (1754......?) (Đời V)
- Chú Tượng Kinh Nhân Ty Chánh Cai quan Tuần Thánh Bá Nguyễn Văn Minh (1760-1824) (Đời V)
Cùng một số vị có chức tước khác như: Cai Cuộc Tượng, Đội Trưởng Tượng Cục, Cửu Phẩm... ở Đời VI, VII, VIII....
Còn Ty thợ đúc Bản Bộ, tuy là thợ địa phương song cũng là thợ có gốc từ Bắc và Bắc miền Trung di cư từ thời 1306... Nên cũng có truyền thống ở Bắc Ninh mà Vũ Ngọc Khánh đã từng nêu ở sách Thần Tổ các ngành nghề.
Cả hai Ty đội này sống bên nhau một thời gian khá dài và làm việc tại Trường Đồng suốt từ thời Chúa (1636 -1774)... Với gần 150 năm đó chắc chắn họ đã làm được biết bao nhiêu là sản phẩm, cả trong phủ Chúa lẫn ngoài dân gian. Cho nên những chiếc vạc (1659 -1684), những súng thần công, những chuông chùa Sùng An ở làng An Lưu Phú Vang (1678) (14), Khánh chùa Thiện Mụ (1674), Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ (1710) vv... Chắc chắn là hai Ty đội thợ đúc đó đã trực tiếp sản xuất và các vị Thủ Hiệp Cai quan, Chánh Ty quan v.v...là những người lãnh đạo trông coi chính. Bởi thế cho nên nhà bác học lừng danh của ta từng khảo sát chính xác và đã viết về họ: "cũng biết đúc súng đồng và vạc, chảo, xanh, nồi, cây đèn, cây nến, mọi vật".
Qua thời các vua triều Nguyễn (từ 1800 về sau) thợ Kinh Nhơn và cả thợ Bản Bộ đã cộng tác với thợ Bắc Ninh vào, thợ Quang Nam, Quang Ngãi ra (1794), đã cùng làm nên các tác phẩm vĩ đại như: Cửu Vị Thần Công, Cửu Đỉnh v.v... Sự việc này đã được xác định từ các chức tước các vị đời thứ V như Quản Chánh Dinh, Suất nội Chú Tượng Ngủ Ty, Chú Tượng Kinh Nhơn Ty cai quan và Cai Cuộc Tượng, Cuộc Tượng, Đội Trưởng... đời thứ VI, thứ VII v.v...
Chúng ta đã khảo sát được thợ bản xứ như trên, tiếp đến xin đề cập đến thợ người Âu. Jean de la Croix là tên phiên âm của người Pháp viết lại từ chữ Joao da + hay Joaoda Cruz mà di tích, và mộ chí, hầu như không xác định được. Tất cả đều dựa trên hồi ký của nhà truyền giáo xưa, như hồi ký Le Fébvre viết: "Một người thợ đúc súng, lai Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha đến đề nghị làm việc cho Chúa, đã được chấp nhận và thực hiện ở Thợ Đúc mà ở đó tất cả những người thợ đúc đã sinh sống"(15). Do đó người ta tin là Joao da Cruz không đến lập lò đúc súng như sử Trần Trọng Kim dựa theo sách Maybon để nêu, mà đến sau khi đã có Phường Đúc và thợ bản xứ đang sinh hoạt. Cho nên LiTana đã viết trong luận văn của mình như sau: Thoạt đầu "Cả Cadierè và Maybon và Lê Thành Khôi cho là Joao da Cruz đến vào năm 1614. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu kỹ Manguin kết luận rằng Joao da Cruz không hề đặt chân đến trước năm 1658. Điều này có vẻ chính xác hơn. Vào năm 1651 Manguin nhận xét họ Nguyễn đã gửi 5000 khát đồng (3000kg) sang Ma Cao và người Bồ Đào Nha ở đó đúc đại bác cho họ, lại nữa "năm 1658 Manquez một nhà truyền giáo dòng Tên đã nhận 10.000 lạng bạc của Chúa Hiền (1648 -1687) để mua vũ khí (súng) ở Ma Cao(16). Chính Cadière sau này khi viết về khu vực Hổ Quyền năm 1924 cũng nhận định lại: "Theo trên thì Joao da Cruz ít lắm cũng đến trong những năm (1655-1661) thời kỳ có chiến tranh mạnh".(17)
Một tư liệu truyền giáo của Linh mục Trần Văn Quý giáo xứ Phường Đúc năm 2000 cho hay: Theo sách L' E tat presente de L' Eglíse de la Chine trang 147 thì Joao da Cruz có khả năng đúc súng được Vua Miên cho làm quan ở một Tỉnh. Năm 1658 bị bắt ở mặt trận Việt Miên và được đưa về Thuận Hóa làm nghề đúc súng.
Như thế thì đã khá rõ là ông ta đến muộn sau mấy chục năm Phường Đúc đã hình thành và thợ đúc đã sống và làm việc. Do đó thợ ta chính là tập thể đông đảo có đội ngũ, chức tước nghề nghiệp truyền thống chủ đạo ở Phường Đúc chứ không phải một người Âu xa lạ đến sau làm chủ đạo. Sở dĩ Cadière có những câu là "tôi không nghi ngờ gì là của ông ta" và mạnh dạn đề dưới ảnh chiếc khánh là tác phẩm của Joao da Cruz là vì Cadière chỉ dựa vào một chiều các hồi ký không đầy đủ rồi suy diễn chứ không khảo sát kỹ càng xứ thợ đúc xưa. Ông chỉ biết xứ thợ đúc quá sơ sài như: "Nhiều xóm nối tiếp mang những tên liên quan đến di tích xưa, trước mặt nhà thờ là xóm Trường Đồng".(18) Ông không hề biết những xóm có di tích xưa trên là những địa danh nghề đúc rất quan trọng (Kinh Nhơn, Bổn Bộ...)
Tác giả bài Khu vực Hổ Quyền đã bỏ qua một cách đáng tiếc các xóm có di tích liên quan trên để không hiểu biết về nguồn gốc, truyền thống nghề nghiệp cũng như sự hình thành trước khi Joao da Cruz đến. Tác giả đã không chịu khảo sát sách sử của ta nhất là Đại Nam Thực Lục, Phủ Biên Tạp Lục và cả gia phả các họ có nghề truyền thống lâu đời ở Phường Đúc để đối chiếu và viết cho phù hợp hơn.
Từ những thiếu sót trên đã dẫn đến sự sai lệch là chỉ biết ở Bắc là có thợ giỏi, ở Trung Quốc là có thợ giỏi: (Vạc không thể đúc ở Bắc, nơi được biết có nhiều nghệ nhân lành nghề vì hoàn cảnh đối đầu tuyệt đối, là đang có chiến tranh ác liệt. Vạc cũng không được đưa từ Trung Hoa sang. Luôn luôn vì lí do chính trị người ta không để nghệ nhân Trung Hoa đúc ra sản phẩm mà không đề niên hiệu triều đại Trung Hoa mà lại để niên hiệu vua nhỏ kém hơn ở Hà Nội).(19) Còn ở Đàng Trong thời đó không có thợ đúc bản địa giỏi và tin là một mình Joao da cruz đã làm nên mọi thứ (!).
Điều này là hoàn toàn trái thực tế vì như đã nêu thợ Ngũ Xã, Hà Nội và thợ Kinh Nhơn Phường Đúc đều là thợ cùng một Tổ từ trung tâm Cầu Nôm ra đi, có rất nhiều tượng đồng, thời đó ở Thăng Long đúc tượng đền Trấn Vũ, Khánh đền Ngọc Sơn, chuông v.v...thì thợ Thuận Hóa cũng có khả năng làm nên những thứ tương tự khi mà Chúa Nguyễn còn có cạnh tranh về mọi mặt với Chúa Trịnh. Thêm vào nữa thời Lý Trần Tổ Sư Dương Không Lộ đã đúc nên tứ đại khí: Vạc chùa Phổ Minh, chuông Quy Điền, tháp Bảo Thiên, Tượng chùa Quỳnh Lâm nặng cả chục nghìn cân v.v...thì 600 năm sau hậu duệ của ông đã làm nên một số sản phẩm nhỏ bé hơn ở cả hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài là chuyện dễ hiểu(20). Các thợ đó đã được đưa vào từ lâu và được tin dùng cân nhắc ban phẩm hàm bổng lộc, cộng thêm những gì Lê Quý Đôn ghi lại là minh chứng rõ ràng khả năng của họ. Đủ để ta tin chắc rằng sản phẩm thời Chúa hầu hết là do thợ Kinh Nhơn và Bản Bộ làm nên.
Không những có Vạc ở Đại Nội (1659-1684), Khánh ở chùa Thiên Mụ (1674) mà còn Khánh ở chùa Đông Thiền gần Nam Giao, chuông ở chùa Sùng An xã An Lưu Phú Vang (1678), Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ (1710), chuông chùa Thiền Tôn (1747) v.v...Tất cả đều rất tinh tế đầy nét hoa văn Phương Đông, kiểu dáng và âm thanh cũng mang đậm dấu ấn Phương Đông, như vậy thì phải do thợ Phương Đông làm là đúng. Liệu Joao da Cruz có đúc được quả chuông Sùng An (1678) cao 1,20m, đường kính miệng 0,62m va với quai rồng sắc sảo, hoa văn hoàn hảo và nhất là âm thanh trầm bổng của Đông Phương không? Mặc dầu thời điểm này ông đang sinh sống (1658-1682). Còn những chiếc vạc (1684), chuông chùa Thiên Mụ (1910), chuông chùa Thuyền Tôn (1747)... là những sản phẩm hoàn thành sau khi ông ta chết, đã tỏ rõ khả năng truyền thống của thợ bản địa.
Không phải ai là thợ đúc đều đúc được tất cả những sản phẩm truyền thống của ta. Phải có sự chuyên môn riêng khá điêu luyện mới làm nên được, như là các sản phẩm có thịt đồng mỏng như nồi, xanh, chảo, vạc nhỏ, lư đèn, cồng chiêng, chuông gia trì, đại hồng chung và trống đồng v.v...Một cái chuông đúc tốt, ngoài yếu tố hình dáng sao để giữ âm, còn có cách phân thịt đồng dày mỏng từng đoạn sao cho có tiếng ngân mà không bị câm tiếng, rồi phải pha chế hợp kim đồng đúng tỷ lệ, đúng chất lượng mới đạt yêu cầu. Mấy năm gần đây thợ công nghiệp không đúc thành công một chiếc trống đồng phục chế theo kiểu cổ. Trong lúc đó thợ Ngũ Xã Hà Nội và thợ Huế đúc phục chế trống đồng không mấy khó khăn.
Qua tư liệu trong nước và nước ngoài, qua thực địa và gia phả các họ có liên quan, chúng tôi nghĩ rằng Joao da Cruz đến Thuận Hóa như một sự tình cờ hay bị đưa về Thuận Hóa và đến đề nghị làm việc cho Chúa ở thợ đúc đã có từ lâu chứ không phải vì nhu cầu của Chúa mới đến. ông cũng có thể giúp ta một số kế hoạch hay phương cách đúc súng nòng dài, khối lượng đồng lớn mà ta chưa quen với mặt hàng mới đó. Còn mọi chỉ đạo sản xuất hầu hết là thợ của ta. Phương cách làm khuôn đúc, chắc chắn là của cổ truyền ta, tức khuôn đất sét pha trấu cùng lớp lót nơi tiếp xúc kim loại bằng đất sét pha bột than, giấy bổi v.v... Khuôn được nung chín toàn bộ hay nung một phần tiếp xúc kim loại trước khi đổ kim loại vào. Rất khó dung hợp giữa cách làm khuôn Ta và khuôn Tây hay khuôn cát nhất là mặt hàng truyền thống, vạc, chảo, xanh, nồi, chuông, tượng v.v...Thợ ta không quen khuôn cát lại cồng kềnh vì hộc đỡ, rất dễ vỡ và không đúc mặt hàng mỏng truyền thống được, chỉ có lợi là không đốt, ít tốn củi chỉ sấy thôi. Trong hồi ký Chevreuil đã ghi: "Ông Chúa đang đi xem một trong các lò nung ở gần nhà Joao da Cruz".(22) Điều này nói lên cách làm khuôn và đúc thời đó là khuôn cổ truyền của Ta không phải khuôn Tây. Ngoài ra thì một mình Joao da Cruz làm sao xoay xở nổi khi những khuôn làm bằng cát cồng kềnh, nặng nề và cả nhiều lò nấu đồng lớn sao cho đủ mấy nghìn cân để đổ vào vạc và súng cùng một lúc cho đúng tiến độ. Còn về con ông là Clément da Cruz thì tung tích rất mờ mịt và chưa có ai nói ông ta có làm nghề đúc cả, kể cả việc truyền nghề cho dân ta trong thời người Âu sinh sống (1658-1682), hiện giờ thợ Huế vẫn đúc mặt hàng truyền thống theo phương cách cổ truyền của ta(23).
Qua những tư liệu của Ta, tư liệu của Tây chúng ta thấy kết luận và đề như của L.Cadière là có phần sơ suất. Ghi nhận như Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn mới phù hợp. Cho dù có mặt của Joao da Cruz hay không, thợ ta vẫn chủ đạo trên hầu hết sản phẩm thời đó và cả sau thời vua Nguyễn.
Chúng ta đừng vội tin ở một vài trang báo viết vào thời bị đô hộ, chưa kiểm chứng kỹ mà gán ghép cho là sản phẩm của người này, người kia là mất tính trung thực. Tốt hơn chúng ta nên tôn trọng truyền thống dân tộc, nên căn cứ trên di tích, di sản xác thực và chỉ nên hiểu ngầm là sản phẩm này ở thời đó có nhóm thợ đóê thực hiện là đủ. Chứ đề hết theo sự suy đoán của L.Cadière là không hay vì thiếu sự xác đáng.
Ước mong là sự khảo sát này giúp ích được một phần nhỏ trong việc làm sáng tỏ nguồn gốc và truyền thống xứ thợ đúc, nơi có nguồn gốc cổ xưa của xứ Kinh Bắc truyền vào và có liên quan trực tiếp đến di sản cố đô Huế. (24)

5/2002
N.Đ

-------------------------
1. Đại Thực Lục Tiền Biên tập I. NXB Sử học 1962 Tr 62
2-3-4: Lê Quý Đôn Phủ Biên Tạp Lục NXB Khoa học QIII, QVII Tr 204, 358
5- L. Cadière-khu vực Hổ Quyền BAVH (Bulletin des amis du vieux Huế) 1924, Tr 314-315
6- Lê Quý Đôn Sđd Tr 358.
7- Nguyễn Hữu Thông- Tạp Chí Dân Tộc Học Số 2-1981, Tr 53
8-Vũ Ngọc Khánh- Lược truyện Thần Tổ các ngành nghề- NXB Khoa học xã hội-1991, Tr 52
9- Nguyễn Hồng Phương- Cầu Nôm, Làng buôn xứ Bắc-1991, Hà Nội, Tr 26-30
10- Vũ Ngọc Khánh- Sđd, Tr 50-54.
11- Nghề Truyền Thống tập 2- Số thông tin văn hóa Hải Hưng-1987, Tr 60-61 (Xưa có làng Tòng Chương giỏi nghề đúc, Vua nghi đúc tiền giả bị triệt hạ dân làng này và vùng lân cận bỏ đi nơi khác làm ăn).
12- Vũ Ngọc Khánh, Tr 52-53.
13-Nghề đúc truyền thống tập 2, Tr 60-61.
14- Thích Hải Ấn - Hà Xuân Liêm- Lịch sử Phật Giáo xứ Huế- NXB Hồ Chí Minh-2001, Tr 618-640.
15- L. Cadière- Sđd,Tr 302, 321-322.
16- LiTana. Đàng Trong- Nguyễn Văn Huệ dịch-1997, Tr 26.
17- L. Cadière- Sđd, Tr 312
18-19 L. Cadière- Sđd,Tr 331, chú thích số2, Tr 321-322.
20- Vũ Ngọc Khánh- Sđd, Tr 50-51.
21- L. Cadière-Sđd, Tr 314-315.
22- LiTana-Sđd, Tr 27và chú thích số 25, Tr 38.
23- LiTana-Sđd, Tr 28 và chú thích số 25.
24-Tất cả sản phẩm của người Âu làm ra đều ghi chữ theo mẫu tự La Tinh và đề niên đại Dương Lịch, tất cả sản phẩm của ta làm ra đều ghi chữ Hán và đề niên đại Âm Lịch và cùng kèm theo niên hiệu các vị vua thời đó, cứ xem tất cả những sản phẩm ở cố đô thì thấy rõ.

(nguồn: TCSH số 162 - 08 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng