Tạp chí Sông Hương - Số 166 (tháng 12)
Về lại Quảng An
15:50 | 09/09/2008
ĐỖ KIM CUÔNG Câu chuyện của 27 năm về trước...

Trong căn hầm đất chật chội nồng nặc khói thuốc lá, ông tiểu đoàn trưởng KX có tên là N người nhỏ thó giọng miền núi Quảng Bình nói thật khó nghe. Ông giải thích cho tôi về nhiệm vụ đưa quân đánh về vùng sâu Quảng Điền. Nơi chúng tôi phải về đánh địch là ấp Thành Trung. Ở đây có lô cốt, ấp chiến lược và thường xuyên có lực lượng bảo an địch trấn giữ. Giọng ông tiểu đoàn trưởng khô, gẫy. Và những điều ông ta diễn giải cho tôi hiểu được biểu thị trên một tấm bản đồ vẽ bằng tay, có mũi tiến công của ta tô bằng chì đỏ. Các lô cốt, ụ súng, nơi phòng thủ của địch được vẽ bằng chì xanh. Con sông Bồ uốn lượn ngoằn ngoèo chạy bao quanh các làng của Phong Quảng cũng tô bằng màu xanh... Nếu người ngoài không rõ dễ lầm tưởng ông tiểu đoàn trưởng của tôi mới đi điều nghiên từ cứ điểm Thành Trung trở về đêm qua; ông đã nắm chắc từng tiểu đội địch, từng ụ hoả lực trong lòng bàn tay. Khi nói hăng say, bàn tay phải của ông luôn giơ lên hạ xuống. Bàn tay của ông có những ngón xương xẩu, lúc nào cũng lập loè đốm lửa thuốc lá. Thỉnh thoảng, ông ta lại ngước lên nhìn tôi và anh K – chính trị viên đại đội, hỏi: "Răng các đồng chí đã hiểu nhiệm vụ của đại đội 1 chưa hè? phải xây dựng quyết tâm cho bộ đội... Tấn công... nổi dậy".
Kỳ thực cả tôi, anh K và ông tiểu đoàn trưởng chưa một người nào về được với Thành Trung. Tôi là cán bộ của đại đội 2 được điều chuyển về đại đội 1 mới được có mấy ngày. Tôi chỉ biết một điều, từ nửa tháng nay, Tế – đại đội phó đại đội 1 đã cùng với cán bộ huyện Quảng Điền về bám căn cứ địch. Khi đại quân từ trên rừng về, Tế có nhiệm vụ báo cáo tình hình địch ở ấp Thành Trung và dẫn đường cho bộ đội tiếp cận mục tiêu.
Kể từ sau tết Mậu Thân – 1968, đây là lần thứ hai, bộ đội KX được lệnh của trên về đánh lớn ở đồng bằng Phong Quảng. Năm 1973, hiệp định Pari về Việt được ký kết. Mỹ rút quân. Tiểu đoàn X của tôi cùng với Trung đoàn 4 và một số đơn vị của Sư đoàn 325 đã có dịp đánh về đồng bằng trong chiến dịch "giành đất cắm cờ". Sau hơn nửa tháng đánh chống càn quyết liệt ở các xã Phong Điền, Quảng Điền, trước sức tấn công bao vây của quân ngụy chúng tôi đã được lệnh rút lên chiếm giữ các điểm cao dọc tuyến giáp ranh... Trở về đồng bằng Phong Quảng lần này, chúng tôi hiểu nhiệm vụ của mình là khuấy đảo vùng sau lưng địch, hỗ trợ cho đồng bào các thôn ấp nổi dậy. Quân nguỵ sẽ phải tập trung một lực lượng lớn để chống đỡ phía sau, tạo điều kiện cho các sư đoàn chủ lực 324, 325 phá vỡ tuyến phòng thủ của địch trải dài từ bắc sông Bồ tới sông Ô Lâu, Mỹ Chánh và dọc theo quốc lộ 1. Lệnh nổ súng cho toàn miền đã điểm. Tây Nguyên, bộ đội ta đã chuẩn bị tấn công Ban Mê Thuột.
Ngày 8/3/1974, ở căn cứ dưới chân đồi Đức Mẹ, trong lúc đại đội của tôi chuẩn bị những khâu cuối cùng để đêm mai xuất kích về đồng bằng thì nhận được tin, đại đội phó Tế đã hy sinh ở ấp Hiền Lương. Nhưng giờ G đã điểm, lệnh nổ súng trên toàn tuyến đã phát hỏa, cánh quân phía Bắc vẫn về đánh các mục tiêu quy định.
Đêm 9/3 hàng trăm cán bộ du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực lặng lẽ vượt qua các chốt gác của địch trên tuyến giáp ranh để tiến về đồng bằng Phong Quảng. Trời tối thui, lất phất mưa. Mỗi người lính phải mang trên người vài chục cân gạo, đạn, súng ống. Các chốt lính dù đóng quân hầu như không phát hiện được. Lâu lâu chúng lại bắn lên trời những trái hỏa châu, chiếu sáng cả một vùng. Lúc ấy, chúng tôi đành phải ngồi chờ, tự biến mình thành các bụi cây nhỏ lẫn vào đám sim mua, cỏ tranh. Chúng tôi đi suốt một đêm mới về được tới bãi cát Triều Dương. Đây là một dải làng hoang, dân bỏ đi từ lâu. Chỉ còn sót lại vài mảng tường rêu phong và những khu vườn rậm rạp cây cối. Cách làng không xa, có một đầm nước và một cánh rừng phi lao nhỏ. Cây mọc cao chưa quá đầu người, xen lẫn với những bụi cây dứa dại, cây bờn bờn. Đại đội của tôi được lệnh bí mật trú bám ở đây để đến đêm đi tiếp. Một ngày trời những người lính chui lủi trong cát, náu mình dưới các lùm cây, im lặng ăn lương khô và uống nước lã. Sáu giờ tối ngày 10/3 đại đội của tôi có du kích dẫn đường được tách ra đi về vùng cát phá Tam Giang để tiếp cận căn cứ Thành Trung. Trời đổ mưa suốt đêm. Đi tới hơn hai giờ sáng, người du kích dẫn đường mới xác định sai hướng. Chúng tôi đã băng qua không biết bao nhiêu đường đất, lội qua những cánh ruộng ngập nước, có lúc phải bơi qua đầm phá... Cho đến 4 giờ sáng, biết rằng không thể tới được Thành Trung, sau khi hội ý trong ban chỉ huy đại đội chúng tôi quyết định đánh chiếm làng Phú Lương B để lấy chỗ trú quân và chuẩn bị đánh chống càn.
Chỉ mới nổ vài loạt súng, trung đội nghĩa quân ở đây đã vất súng bỏ chạy, có đứa xin hàng. Nhưng tôi hiểu rằng, đây mới chỉ là sự khởi đầu cho những trận đánh dai dẳng và quyết liệt. Từ lúc trời chưa sáng rõ các trung đội, tiểu đội, các điểm hỏa lực đã được bố trí theo các hướng mà chúng tôi cho rằng địch sẽ tấn công. Trung đội 1 và trung đội 3 bám ở phía nam của làng. Trung đội 2 chốt giữ phía bắc. Thấy bộ đội về, những người dân ở Phú Lương B đã quen với chinh chiến, bom đạn, cử người lo cơm nước cho bộ đội. Một bộ phận đồng bào được lệnh đi sơ tán sang làng khác.
Bảy giờ sáng, chiếc máy bay trinh sát đầu tiên của địch đã lượn vè vè quanh làng. Bắt đầu từ 8 giờ, hàng chục máy bay trực thăng chiến đấu lao xuống phóng rốc két, vãi đạn 40mm phá sập từng căn nhà, băm nát các bụi tre vây quanh làng. Những người chiến sĩ của đại đội tôi phần đông là người Hà Tĩnh, Hà Nội, Vĩnh Yên, Phú Thọ lần đầu tiên xuất kích về đồng bằng đánh địch được tận mắt nhìn thấy những chiếc trực thăng chiến đấu bay sát ngọn tre không khỏi ngỡ ngàng và lo sợ. Ngay đợt tập kích đầu tiên của địch bằng máy bay và pháo, chúng tôi đã hy sinh bốn chiến sĩ và du kích. Những ngôi nhà dân bén lửa bốc cháy, đổ sập. Chín giờ sáng ba đại đội của địch, có xe tăng yểm trợ tấn công bao vây Phú Lương. Bộ đội cố thủ trong các căn hầm mới kịp đào sau các lũy tre, nhìn rõ từng chiếc xe tăng của địch càn lướt trên cánh đồng, phía sau xe là những tên lính ngụỵ đầu đội mũ sắt, tay lăm lăm khẩu AR15 và súng M72, súng cối cá nhân. Chúng bắn như vãi đạn vào làng. Chờ cho đến khi chiếc xe tăng M113 của địch chỉ còn cách trận địa 50m, những khẩu B40, B41 và cánh bộ binh mới phát hỏa. Trái mìn chống tăng được cài ngay trên đường trục dẫn vào làng nổ, trùm lửa lên chiếc xe tăng... Biết gặp phải chủ lực của giải phóng, quân ngụy rút lui ra xa, gọi pháo, và máy bay trực thăng tới tiếp tục bắn phá.
Cho đến 4 giờ chiều, không nhớ rõ chúng tôi đã bẻ gãy bao nhiêu đợt tấn công của quân ngụy trên các mũi, các hướng. Bộ đội một số hy sinh, bị thương. Những giờ khắc ôm súng chờ địch tấn công vào làng như bị kéo căng ra, lại phải chống đỡ với những chiếc trực thăng chiến đấu có lúc sà thấp ngang ngọn tre, nhìn rõ gã lính ngụy bắn đại liên ngồi sát cửa. Chỉ đến khi chúng tôi bắn cháy một máy bay, lũ trực thăng mới không dám bay thấp. Một chiếc máy bay chở thằng tâm lý chiến, mở loa to hết cỡ, ra rả kêu gọi: "Hỡi các cán binh Bắc Việt! các anh đã bị vây chặt. hãy mau mau ra chiêu hồi, về với chính nghĩa quốc gia. Các anh sẽ được chính phủ Việt cộng hòa đối xử tử tế". Một người lính văng tục "Chiêu hồi cái cục c...! Mẹ mày có giỏi cứ vào đây".
Vào lúc 6 giờ tối trời còn hửng sáng. Không gian im bặt. Không còn tiếng máy bay. Đám lính bộ binh của ngụy cũng lặng lẽ rút sang làng bên. Không nghe tiếng gầm gừ của xe tăng. Trinh sát đi bám địch báo về: Quân nguỵ đã rút! Chúng tôi được lệnh gom quân và tổ chức chôn cất tử sĩ. Lâu lâu địch ở đồn Sịa lại bắn lên trời hàng chục quả pháo sáng. Trong quầng sáng nhờ nhạt, những người lính mệt mỏi sau một ngày căng thẳng. Chúng tôi đã chôn cất những người đồng đội ngay trên một cánh ruộng khoai nơi đầu làng Phú Lương B. Gió thổi ràn rạt trên đồng, thoảng lại mùi cháy khét của những căn nhà còn đỏ rực than hồng; xác trâu bò lợn gà chết, mùi cao su cháy...

Quảng An hôm nay:
Chưa tới một giờ đồng hồ, chiếc xe của Hội Văn nghệ đã đưa tôi về tới Phú Lương, qua ngả Hương Trà. Con đường tỉnh lộ 4 về Sịa đã được trải đá, láng nhựa. Đường đất dẫn vào các làng của xã Quảng An bây giờ hầu hết đã được bê tông hóa. Dấu tích của những làng quê từng bị tàn phá trơ trụi trong chiến tranh nay không còn nữa. Sau ngày giải phóng, những người dân của các thôn Phú Lương B, An Xuân, Phước Thạnh, Đông Xuyên, Mỹ Xá đã trở về sinh sống xây dựng quê hương.
Tình cờ tôi được biết anh Trương Niềm, một người dân của thôn An Xuân ngày trước, nay là chủ tịch xã. Anh Niềm vốn là người làm ruộng, sau tham gia du kích xã. Trải qua hàng chục năm gắn bó với HTX nông nghiệp và thời kỳ khó khăn nhất của đất nước, năm 1994 anh được bà con tín nhiệm bầu vào Hội đồng nhân dân, giữ chức chủ tịch. Trò chuyện một hồi anh Niềm mới biết rằng tôi đã từng về đánh giải phóng Phú Lương, Quảng An, đã đóng quân ở làng An Xuân quê anh.
Trong câu chuyện anh Niềm cho biết: hiện nay đời sống của bà con nông dân ở Quảng An đã khá hơn nhiều so với những ngày sau giải phóng. Chỉ tính riêng sản lượng lúa 2001 toàn xã thu được 5.536 tấn. Năng suất lúa ở đây đạt trên 11 tấn/ha; nhiều hộ nông dân ở các thôn Phú Lương, Phước Thành, An Xuân đã cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn trái hoặc chuyển sang trồng các loại rau màu, thực phẩm có giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây được sự quan tâm của nhà nước, sự đồng lòng của người dân đồng ruộng của Quảng An đang từng bước hoàn chỉnh hệ thống kênh mương, đủ sức tưới tiêu cho 286 héc ta đất nông nghiệp. Cả xã đã xây xong 2 trường trung học cơ sở và chuẩn bị xây trường thứ ba. Người dân Quảng An đã có nước sạch để sử dụng.
Buổi tối chú Hai đưa tôi ra vùng đầm phá Tam Giang hóng mát. Ngày đại đội tôi về đánh Phú Lương, Hai mới chỉ là cậu bé 15 tuổi. Người nhỏ choắt, đen như cột nhà cháy. Những năm chiến tranh bom đạn đã thiêu trụi nhà cửa, vườn tược của gia đình Hai. Cha mẹ Hai vẫn ở lại bám đất giữ làng. Hai bây giờ đã là chủ gia đình. Vợ chồng chú nhận khoán được năm sào, ngoài ra còn làm vườn đủ nuôi 6 miệng ăn. Ngôi nhà mới xây bằng gạch của vợ chồng Hai dựng trên nền đất cũ. Hai chỉ cho tôi coi ngấn nước còn hằn lại trên vách tường nhà của trận lụt năm 1999. Nước sông Bồ tràn vào cao cả thước. Năm ấy, người dân Quảng An nhiều hộ bị sập nhà, mất tài sản.
Đi trên con đường dọc theo bờ phá Tam Giang, tôi bắt gặp vô số những đìa tôm của người làng An Xuân. Le lói ánh đèn trong những căn nhà dựng kề bờ nước. Tôi biết hiện nay Quảng An có khoảng trên 130ha dùng để nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm xuất khẩu. Khả năng diện tích nuôi tôm sẽ còn mở rộng hơn nữa vào những năm tới. Có nhiều hộ nông dân nuôi tôm ở đây mỗi năm thu được từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Người nông dân Quảng An bây giờ không chỉ trông vào hạt lúa. Từng khóm ấp, từng hộ nông dân đang tìm cách tự làm giàu cho chính mình... Đi một đoạn tôi nhận ra con đường đất chạy dọc theo bờ phá chính là con đường gần 30 năm trước những người du kích Quảng Điền đã đưa chúng tôi về đồng bằng trong một đêm mưa. Ẩn sâu trong ký ức của tôi vẫn giữ nguyên hình ảnh những người lính của đơn vị mình trong đêm về đồng bằng. Đêm ấy, phía đông nam hừng lên một quầng sáng đỏ. Người du kích dẫn đường bảo rằng đấy là Cố Đô Huế. Ngọn đèn đỏ nhấp nháy trên đỉnh tháp Phu Văn Lâu. Thành phố Huế với chúng tôi ngày ấy thật xa vời. Còn anh chàng Nhiếp "răng vàng", y tá đại đội đi cùng với tôi lại chỉ vào những ánh lân tinh hắt lên từ mặt phá Tam Giang, bảo rằng: giống hệt như vùng biển Hạ Long quê anh.
... Nhiếp, Công và nhiều người lính nữa của đại đội của tôi đã ngã xuống trong ngày chốt giữ Phú Lương B. Một số khác, nằm lại trên bãi cát Triều Dương bỏng rát, chìm sâu trong lòng đất của các làng Cao Ban, Sơn Tùng, Hiền Lương, Ấp Cầu Đen... Nhiều người lính không biết rằng: trận chiến này là trận cuối, chỉ không đầy 15 ngày sau Huế giải phóng.
Tôi vẫn chưa quên được cảm giác đến nghẹn lòng. Ngày 30/4/1975 nghe tin Sài Gòn giải phóng, những người lính của đại đội tôi đang chốt giữ An Xuân nhiều người đã rơi nước mắt. Có người không kìm giữ được đã đưa súng lên trời, nổ những viên đạn cuối cùng, mừng chiến thắng.
Đ.K.C

(nguồn: TCSH số 166 - 12 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thăm chồng (09/09/2008)