Tạp chí Sông Hương - Số 228 (tháng 2)
Theo con đường cách mạng
15:48 | 11/09/2008
NGÔ ĐỨC TIẾNVào những năm 1950 đến năm 1954, tại khu rừng Khuổi Nậm, Tân Trào. Ở chiến khu Việt Bắc, người ta thấy một cán bộ khoảng trên dưới 40 tuổi, người tầm thước, nói giọng Nghệ trọ trẹ, thường có mặt ở các cuộc họp quan trọng của Chính phủ kháng chiến để làm thư ký tốc ký cho Trung ương và Hồ Chủ tịch.

Người thư ký này tên là Lưu Văn Xân, một cán bộ mới được điều động từ Hà Tĩnh ra, là người của Bộ Nội vụ được giao trọng trách mở lớp bồi dưỡng cán bộ cho các địa phương và làm thư ký tốc ký mỗi khi cần đến. Ngày ấy, ở Chiến khu Việt Bắc, ta chưa có các phương tiện ghi âm hiện đại như hiện nay nên việc ghi tốc ký các cuộc họp quan trọng cần có một cán bộ biết tốc ký nhanh, trung thực. Nhờ được giao nhiệm vụ là thư ký tốc ký nên ông Lưu Văn Xân được tiếp xúc với Bác Hồ và các cán bộ lãnh đạo Trung ương. Có lần, bên bếp lửa hồng, Bác Hồ thân mật đùa vui với ông Lưu Văn Xân: “Thưa ngài cựu tri huyện...” - Lưu Văn Xân vui vẻ thưa lại: “Thưa Chủ tịch, bây giờ là người cộng sản Lưu Văn Xân đang phục vụ Người ạ” (1). Thì ra Lưu Văn Xân từng là công chức hạng 2 ngạch Nam triều cũ, từng là tri huyện Yên Thành trong những ngày bão táp của Cách mạng tháng Tám 1945.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp tháng 3 năm 1945, Chính phủ Thủ tướng Trần Trọng Kim chủ trương cử một số quan chức trẻ, có nhân cách thay thế một số quan lại trong bộ máy chính quyền các phủ huyện - Lưu Văn Xân là một cựu học sinh trường Quốc Học, trường Hậu bổ ở Huế, theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Đình Nam được chuyển từ Hà Tĩnh ra làm tri huyện Yên Thành cuối tháng 6 năm 1945. Trước khi ra Yên Thành, Lưu Văn Xân được ông Phan Đăng Tài, em ruột nhà cách mạng Phan Đăng Lưu đang làm thông phán toà sứ Hà Tĩnh, là người của Việt Minh bí mật đến bắt liên lạc, giao nhiệm vụ. Lưu Văn Xân và Phan Đăng Tài vốn quen biết nhau từ trước.
Về Yên Thành, Lưu Văn Xân vừa phải làm nhiệm vụ của một viên tri huyện, một quan “phụ mẫu chi dân” vừa phải khéo léo ngầm thực hiện những điều ông Phan Đăng Tài căn dặn, chỉ sau một thời gian ngắn, Lưu Văn Xân đã liên lạc được với đồng chí Phan Phúc Tường, một cựu chính trị phạm, người của Việt Minh Yên Thành.
Nhận chức tri huyện Yên Thành vào lúc mới 34 tuổi, lại vào thời điểm tin tức về những hoạt động của Việt Minh các tổng Quan Hoá, Quan Trung, Vân Tụ, Vân Hội... rậm rịch khắp các làng xã. Nhờ được thông báo trước, Lưu Văn Xân đã tiếp sức cho các tổng lý nạp tiền thuế về huyện rồi giữ lại ở đó, không nạp vô tỉnh, lợi dụng danh nghĩa hoạt động cho thanh niên tiền tuyến (thường gọi là Thanh niên Phan Anh)(2) tổ chức các hoạt động lạc quyên cứu đói cho dân, không thực hiện kế hoạch bắt dân nhổ lúa trồng đay và thu mua thóc của hiến binh Nhật.
Nhờ sự lãnh đạo kịp thời khẩn trương của Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh, chỉ sau vài tháng, cơ sở Việt Minh được xây dựng khắp các tổng xã.
Ngày 23 - 8 - 1945, Ủy ban khởi nghĩa huyện được thành lập. Ngày 24 - 8, biểu tình nổ ra ở chợ Dinh. Quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở 16 làng trong huyện. Sáng ngày 25 - 8 - 1945, hàng vạn quần chúng kéo đến huyện đường biểu tình. Tri huyện Lưu Văn Xân, theo lệnh của Việt Minh, trước đó đã thu giữ toàn bộ vũ khí của bảo an binh đóng trên địa bàn gồm 12 khẩu súng, hơn 2000 viên đạn, cùng 21.000 đồng (tiền Đông Dương) giao nộp cho đại diện Việt Minh từ đêm 24 - 8. Tại buổi lễ mít tinh sáng 25 - 8, sau lời tuyên bố của ông Ngô Xuân Hàm, tri huyện Lưu Văn Xân phát biểu mấy lời hoan nghênh chính quyền cách mạng.
Ngay sau khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện, đại diện của chính quyền cách mạng mời vị cựu tri huyện vốn có cảm tình với cách mạng, đã thực hiện nghiêm túc những việc Việt Minh giao, không làm điều gì có hại cho phong trào... gặp gỡ, động viên và mời ông Lưu Văn Xân ở lại, giúp chính quyền mới một số công việc về tư pháp nhưng ông Lưu Văn Xân xin được trở về quê hoạt động. Kết thúc 60 ngày làm phụ mẫu chi dân của vị tri huyện cuối cùng ở Yên Thành.
Về Hà Tĩnh, như cá gặp nước, Lưu Văn Xân được ông Phan Đăng Tài, lúc này đã là Phó Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Hà Tĩnh và các đồng chí trong Việt Minh Hà Tĩnh giao trách nhiệm làm Trưởng phòng tiếp tế, lo một phần công việc chống giặc đói cho nhân dân. Ngày 19 - 5 - 1946, Lưu Văn Xân vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt . Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hà Tĩnh là hậu phương trực tiếp của chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, công cuộc kháng chiến mở ra nhiều lĩnh vực hoạt động mới mẻ, khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của ông nguyễn Tài Đức, Phan Trọng Bình, Mai Trọng Đạm, Phan Đăng Tài, Nguyễn Danh Dương... và tập thể cán bộ trong Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Hà Tĩnh, Lưu Văn Xân nhanh chóng trở thành một cán bộ có năng lực, thạo việc, mẫn cán, ông được bầu vào Huyện ủy Hương Khê năm 1947 giữ chức vụ Phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến huyện. Năm 1949 được bổ sung vào Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Bấy giờ, ở khu 4 đang rộ lên phong trào học văn hoá, trong đó có việc học ghi tốc ký chữ quốc ngữ theo một phương pháp mới do ông Phan Đăng Tài (lúc này Phan Đăng Tài làm Chánh Văn phòng Liên khu 4) sáng tạo ra, thường gọi là tốc ký LÊ HOẠ Lưu Văn Xân được các cán bộ trong Tỉnh uỷ Hà Tĩnh suy tôn là người ghi tốc ký nhanh nhất, đẹp nhất.
Cuối năm 1949, theo yêu cầu của Trung ương, Lưu Văn Xân được điều ra Chiến khu Việt Bắc phục vụ trong cơ quan Bộ Nội vụ, trực tiếp phục vụ các đồng chí Trần Hữu Dực, Phan Kế Toại. Và ở đây, vị cựu tri huyện có những thời điểm vinh dự được gặp, được làm việc, được sống bên lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tề tựu bên ngọn cờ đoàn kết, đại nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có những vị cựu quan lại của chính quyền cũ như Phan Kế Toại, Phan Anh, Phạm Khắc Hoè, Tạ Quang Bửu... khu rừng Việt Bắc ngày ấy hội tụ nhiều nhân tài khắp đất nước, và Lưu Văn Xân vinh dự được đứng trong đội ngũ những người trí thức yêu nước đi kháng chiến, góp phần nhỏ bé sức lực của mình cho kháng chiến.
Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Lưu Văn Xân được về tham gia tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Từ năm 1954 đến năm 1970, ông được giao các chức vụ, Trưởng phòng 5 Bộ Nội vụ, Phó Văn phòng, Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương Bộ Nội vụ, Hiệu trưởng kiêm Bí thư Hiệu uỷ Trường Hành chính Trung ương. Năm 1971, ông được Đảng, Nhà nước cho nghỉ hưu.
Có hàng vạn, hàng triệu con suối nhỏ chảy ra sông để hợp dòng ra sông lớn hội tụ về biển cả. Có hàng triệu con đường đến với cách mạng, đến với Tư tưởng Hồ Chí Minh, từ một công chức nhỏ trong bộ máy chính quyền cũ, việc tri huyện cuối cùng của huyện lúa Yên Thành trở thành người cộng sản, thành một cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước. Ấy là nhờ sức lay động, lan toả của Cách mạng tháng Tám, của tư tưởng - đạo đức Hồ Chí Minh, của sự phấn đấu không mệt mỏi của một tri thức có nhân cách, có lòng yêu nước chân chính.
Đi theo con đường của Cách mạng tháng Tám, của Bác Hồ, noi gương người cha Lưu Văn Xân, tất cả con trai, con gái, dâu rể của ông Lưu Văn Xân đều trở thành đảng viên, cán bộ của Đảng, Nhà nước, có người là Vụ trưởng Vụ Báo chí, có người là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, có người là Đại tá an ninh, có người là sỹ quan quân đội, có người là cán bộ chủ trì một phường Hà Nội, có người là bác sỹ, kỹ sư, doanh nhân. Cả người vợ thảo hiền của ông là cụ bà Đào Thị Lan cũng trở thành đảng viên cộng sản từ năm 1948.
Dịp kỷ niệm 62 năm khởi nghĩa giành chính quyền ở Yên Thành, cả cụ ông cụ bà Lưu Văn Xân đều đã trở thành người thiên cổ. Nhưng con đường gian khổ mà vẻ vang mà ông đã trải qua, còn ít người biết đến.
                                                                                                            N.Đ.T

(nguồn: TCSH số 228 - 02 - 2008)

 

--------------------
(1) Báo QĐND cuối tuần số 12/ 10/ 2003.
(2) Tổ chức Thanh niên tiền tuyến do ông Phan Anh làm Bộ trưởng.

Các bài mới
Món quà Noel (11/09/2008)
Các bài đã đăng
Mùa xuân em (11/09/2008)
Tình hoa (11/09/2008)
Về làng (11/09/2008)