Tạp chí Sông Hương - Số 228 (tháng 2)
Thiện và ác trong chính trị gia Tào Tháo
09:48 | 12/09/2008
TÂM VĂNNgười xưa có câu: “Tòng thiện bất túc dĩ vi chính” (Chỉ theo điều thiện thì không đủ để làm chính trị). Câu nói đó xem ra rất đúng với Tào Tháo.
Thiện và ác trong chính trị gia Tào Tháo

Khi đang bị truy nã vì mưu sát Đổng Trác bất thành, Tào Tháo vào tá túc nhà người quen. Gia chủ sai gia nhân làm lợn đãi khách. Gia nhân mài dao để làm thịt lợn, Tào Tháo nghi mài dao để mưu hại mình nên giết chết gia nhân. Khi biết được thiện ý của chủ nhà, việc đã lỡ vì phạm tội giết người, Tào Tháo giết sạch cả nhà để khỏi có kẻ cấp báo, cáo quan cho dễ bề trốn thoát với câu nói nổi tiếng ích kỷ, gian hùng mà người đời thường nhắc tới là thà mình phụ người chứ không để người phụ mình.
Đến lúc thành danh, giữ chức Thừa tướng, kẻ hầu người hạ quanh mình, khi uống rượu say, nằm không đắp chăn mà khí trời thì rét, người hầu thấy vậy vào muốn kéo chăn đắp cho chủ, biết được thiện ý mà vẫn rút kiếm chém chết người hầu để thị uy, cảnh báo cho mọi người rằng Tào Thừa tướng đâu phải là người ai muốn đến gần cũng được.
Lúc quân bị thiếu lương, Tào Tháo sai làm cái hộc nhỏ hơn để đong ít lại nhằm chia cho đều khắp trong ba quân. Khi quân sĩ phát hiện, xôn xao kêu đói thì Tào Tháo gọi quan coi lương vào và động viên rằng: ngươi hãy chịu chết đi để vợ con ngươi ta sẽ nuôi, còn ngươi thì được dựng miếu để thờ. Quan coi lương biết mình bị đem làm vật hy sinh, nhưng bấm bụng, nước mắt tuôn trào, rồi cúi lạy “tạ ơn Thừa tướng”.
Trên đây là một, vài trong vô số chuyện mà Tào Tháo đã hành xử trong cuộc đời làm chính trị.
Nếu không giết hết cả nhà người quen, thì ai bảo đảm rằng không có kẻ cáo quan và liệu Tào Tháo có thoát được trên đường đào tẩu để tồn tại với đời mà tiếp tục hoàn thành chí nguyện? Tào Tháo khi làm Thừa tướng, quyền cao chức trọng, dưới một người mà trên cả vạn vạn người. Điều hành chính sự độc đoán, chuyên quyền, lấn át cả vua. Có nhiều người hiệp lực, đồng tâm, cúi đầu phục mệnh, nhưng cũng có lắm kẻ bài xích, căm thù, âm mưu lật đổ. Thuốc độc, thích khách luôn rình rập quanh mình, không chém chết một người hầu để thị uy thì liệu có răn đe được nhiều kẻ đang rắp tâm ám hại. Nếu không biết lừa dối ba quân trong hoàn cảnh thiếu lương ở chốn sa trường và không giết một người để rước tội cho mình thì ai lường được là sẽ không có binh biến xảy ra? Tướng cầm quân liệu có thoát được cảnh da ngựa bọc thây và chính sự sẽ như thế nào nếu được trao về tay kẻ khác.
“Tòng thiện bất túc” (chỉ có theo điều thiện thôi thì không đủ) “dĩ vi chính” (để làm chính trị), điều đó cũng có nghĩa là người làm chính trị trong một hoàn cảnh nhất định, khi cần thiết cũng phải biết làm điều ác, nếu điều ác chỉ đến với số thiểu để cho điều thiện được đến với số đa thì điều ác đó biến thành điều thiện.
Giết người là ác, giết cả gia đình ân nhân thì quá nhẫn tâm; giết người hầu của mình, giết cả tướng dưới quyền mà biết chắc họ đều là những người vô tội thì thật là đại ác, nhưng cái chết của họ được xem như một sự hy sinh cho tồn tại của một con người đang nuôi chí lớn, một vị Thừa tướng đầu triều, thống soái của ba quân và nếu họ không làm vật hy sinh thì những diễn biến xấu có thể xảy ra và ảnh hưởng đến hàng vạn sinh linh mà chưa ai lường trước được.
Một chính trị gia lỗi lạc, phải biết “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cái bất biến của Tào Tháo thuở ban đầu, trước hết là phải tồn tại, vươn lên nắm quyền lực, diệt trừ gian tặc, giúp nước, phò vua. Rồi cái bất biến tiếp theo là bình Tây Thục, phá Đông Ngô, quy tụ giang sơn về một mối. Để “dĩ bất biến” Tào Tháo đã làm những gì có thể, giết cả nhà ân nhân, giết người hầu là để cho tồn tại của bản thân; giết quan coi lương là để ổn định ba quân trong tình thế hiểm nguy trên đường trận mạc. Tất cả những hành vi mà Tào Tháo đã làm chẳng qua là “ứng vạn biến” mà một người có chí lớn, một vị tướng cầm quân, có tài thao lược phải biết và buộc phải làm trong hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc mà mục đích cuối cùng là định quốc, an dân, đem lại hạnh phúc yên bình cho trăm họ.
Trước và sau Tào Tháo, những chính trị gia nổi tiếng, kiểu này hay kiểu khác có khi còn ác hơn cả cách hành xử của Thừa tướng họ Tào. Võ Tắc Thiên, nữ Hoàng đế nổi tiếng tài sắc, hoang dâm, đã nhẫn tâm giết không biết bao nhiêu con cháu của mình để chiếm đoạt và bảo vệ ngai vàng, ngự trị ngôi Thiên tử. Từ Hy Thái hậu, ngồi sau rèm mà điều hành chính sự cũng đã dùng không biết bao nhiêu thủ đoạn, âm mưu để loại trừ những người không ý hợp, tâm đầu. Bởi tầm chính trị quốc gia và tuỳ bối cảnh lịch sử của mỗi thời, nên cái ác và cái thiện trong những con người đó như quyện vào nhau, vì cái “dĩ bất biến” là lợi và quyền của chính bản thân họ, lợi ích của thần dân mà họ đang chăn dắt, liên quan đến sự tồn vong của đất nước mà họ đang cai quản, nên mọi sự “ứng vạn biến” của họ các sử gia rất dễ cảm thông.
 Nhưng đáng trách là các quan lại địa phương, những kẻ thừa hành mệnh lệnh, thực thi chính sách cai trị của triều đình, lắm người đã ngộ nhận mình cũng là những chính trị gia, ra vẻ thông hiểu nghĩa lý của “Tòng thiện bất túc dĩ vi chính”, nên tự cho mình được quyền hành xử cái “Tòng thiện bất túc” mà tác oai, tác quái, thủ đoạn, âm mưu, gây bè kéo cánh, thanh trừng, hạ bệ lẫn nhau để tranh quyền đoạt lợi, vun quén cho cá nhân, nhằm vinh thân phì da chứ chẳng phải vì bản quán, quê hương, vì dân tộc, quốc gia nào cả.
Ngẫm chuyện xưa để lý giải việc đời. Đâu phải dễ luận bàn thiện ác trong con người Tào Tháo!
                                                                                                            T.V

(nguồn: TCSH số 228 - 02 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Món quà Noel (11/09/2008)
Mùa xuân em (11/09/2008)