Tạp chí Sông Hương - Số 227 (tháng 1)
Sự thật về cái chết của Edop
10:43 | 16/09/2008
RADOI RALIN (Bungari)LGT: Đây là một truyện có ý vị sâu xa với các môtíp sự cám dỗ của quyền lực, “sự đồng loã ngây thơ” với tội ác, sự tự nhận thức và tự trừng phạt. Nhưng trên hết là sự vạch trần và tố cáo sự bịp bợm quỷ kế của giới quyền lực. Đây là một truyện ngụ ngôn mới đặc sắc. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Một hôm Edop đang làm việc tại vườn nho của ông chủ và đang ngẫm nghĩ về bài thơ ngụ ngôn sắp tới của mình về con cáo và con cừu non thì các quan chấp chính cho vời đến.
- Nghe này, Edop! – Một vị quan nói.
- Tôi xin nghe – Edop đáp.
- Chúng ta định phong cho nhà ngươi danh hiệu “viện sĩ” và đưa nhà ngươi vào biên chế của Viện hàn lâm khoa học Hy Lạp.
- Tôi không muốn làm viện sĩ – Edop băn khoăn đáp.
- Nhưng chúng ta đã quyết định rồi – các quan chấp chính ngạc nhiên nói.
- Của đáng tội, tôi sẽ làm gì tại Viện hàn lâm? Ai đời một nhà thơ châm biếm lại trở thành viện sĩ bao giờ?
- Chúng ta đã suy nghĩ kỹ về điều này… Nhà ngươi sẽ làm từ điển.
- Tôi ấy à? Từ điển gì?!
- Nhà người có thấy không, những bài thơ ngụ ngôn của nhà ngươi được lan truyền rộng rãi đến mức dân chúng ở khắp nơi đều nói bằng ngôn ngữ của nhà ngươi. Và vì thế mà chúng ta không thể tìm được tiếng nói chung với nhân dân. Nhà ngươi sẽ biên soạn cho chúng ta một cuốn từ điển ngôn ngữ Edop, và chúng ta sẽ biết được mọi người thực sự suy nghĩ gì để ứng xử cho phù hợp với ý muốn và nguyện vọng của nhân dân.
- Thế còn thơ ngụ ngôn?
- Thơ ngụ ngôn à? Ha… ha… ha nhà ngươi cứ việc viết. Không ai ngăn cản nhà ngươi làm việc ấy.
- Thôi được, nếu các ngài muốn đi tìm tiếng nói chung với nhân dân thì đó lại là chuyện khác! Edop bằng lòng và trở thành viện sĩ.
Edop vốn cần cù chăm chỉ và chẳng bao lâu sau đã biên soạn xong mấy tập từ điển ngôn ngữ Edop.

Thứ ngôn ngữ này đã được các quan chấp chính, các nhà quý tộc, các viên quan lại, các vị tư tế và các pháp quan, các vị lãnh chúa và các quan chức khác… quán triệt. Họ đã nắm được thứ ngôn ngữ của Edop và hễ nghe thấy có người nào ở nơi nào đó và vào lúc nào đó nói bằng thứ ngôn ngữ ấy thì họ lập tức hiểu ngay ý nghĩ thầm kín của con người, nỗi đau đầu bí ẩn nào đó đang giày vò họ và đã giải thoát cho con người khỏi nổi khổ ấy. Cùng với cái đầu của họ.
Sau khi một số nửa dân chúng được giải thoát khỏi bệnh đau đầu thì một số nửa dân chúng còn lại tự nguyện xin khước từ thứ ngôn ngữ của Edop.
Và các vị quan chấp chính lại tìm được tiếng nói chung với toàn thể nhân dân.
Sau đó họ lại cho gọi Edop đến:
- Vào thời gian gần đây dân chúng đã quên hẳn thứ ngôn ngữ của Edop. Thứ ngôn ngữ của nhà ngươi, hỡi tên Edop kia, té ra là không vĩnh cửu và chỉ mang tính chất nhất thời, bởi vậy việc tiếp tục biên soạn từ điển là không cần thiết nữa. Nhưng ở giai đoạn này nhà ngươi vẫn còn có ích và chúng ta đã quyết định giữ lại một biên chế cho nhà ngươi. Nhà ngươi hãy cứ tiếp tục viết những bài ngụ ngôn của mình đi…Ha…ha…ha…! Sẽ  không ai ngăn cản nhà ngươi cả… ha…ha…ha.!
Và khi ấy, Edop bèn leo lên một quả núi đá và lao mình xuống vực thẳm.
Sự thật về cái chết của Edop là  như vậy. Còn tất cả những thứ khác đều là những chuyện hoang đường.
LÊ SƠN dịch

(nguồn: TCSH số 227 - 01 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Kịch độc (15/09/2008)