Tạp chí Sông Hương - Số 225 (tháng 11)
Huế trong đêm - nguyên cớ một bài thơ
15:51 | 26/09/2008
FRED MARCHANT(*)                                                                                      Trong chuyến viếng thăm Huế lần thứ hai vào năm 1997, tôi làm một bài thơ đã đăng trong tập thứ hai của tôi, Thuyền đầy trăng (Full Moon Boat). Bối cảnh bài thơ là một địa điểm khảo cổ nổi danh ở Huế. Có thể nói là bài thơ này thực sự ra đời (dù lúc đó tôi không biết) khi nhà thơ Võ Quê đề nghị với tôi và các bạn trong đoàn ghé thăm Đàn Nam Giao trước khi đi ăn tối ở một quán ăn sau Hoàng Thành bên kia sông Hương.
Huế trong đêm - nguyên cớ một bài thơ

Lúc đó trời đã chạng vạng tối. Đoàn nhà văn chúng tôi gồm có Kevin Bowen, Nguyễn Bá Chung, Maxine Hong Kingston, Lee Swenson, và Larry Heinemann, tất cả đều là cộng tác viên của Trung Tâm William Joiner Nghiên Cứu Chiến Tranh và Hậu Quả Chiến Tranh. Kevin Bowen bị cảm nên quyết định ở lại khách sạn. Số còn lại lục tục leo lên xe đi đến Đàn Nam Giao và công viên cạnh đó.

Võ Quê, qua lời dịch của anh Chung, giải thích là Đàn Nam Giao là nơi các vị vua Việt Nam từ thế kỷ 18 đã dùng làm nơi tế lễ. Khi cần làm lễ hay khi có dịp đại sự, nhà vua sẽ xa giá từ Hoàng Thành tới Đàn để đích thân chủ lễ. Đàn được đắp cao, ở chính giữa là một khối đá tròn theo hình lòng chảo lõm, xoai xoải đều đặn về phía trung tâm. Nếu ta đứng ở ngay chỗ trung tâm, nó sẽ có tác dụng như một ống loa, khiến tuyên cáo của nhà vua sẽ được khuyếch đại như qua một máy phóng thanh. Đàn Nam Giao quả thực là một loa phóng thanh của thế kỷ 18.                     
Lúc này chúng tôi đã tới nơi, trời đã tối đen. Mặt trăng lừng lững trên cao, nhưng chúng tôi vẫn phải lần mò tìm lối đi xuống. Tôi thấy một vài ánh lửa như có người nướng thịt ngoài trời, và những tàn thuốc còn cháy đỏ. Tôi có thể nghe tiếng to nhỏ rì rầm của nhóm người ngồi quanh đống lửa. Một người đàn bà đã lớn tuổi đứng cầu nguyện ở mé thang dẫn lên bệ đá, bó nhang trong tay. Chúng tôi bước lên nền Đàn và hướng về phía trung tâm. Võ Quê hắng giọng để cho chúng tôi thấy khả năng khuếch đại âm thanh của chỗ này. Là một nhà ca Huế tài ba, anh Quê cất tiếng hát. Âm thanh bay bổng lên mặt trăng và các vì tinh tú. Hát xong, anh Quê chuyển qua ngâm thơ - anh không hát, mà chỉ đọc một cách trầm bổng, giống như một ngâm khúc trong opêra. Lời ngâm của anh cũng được khuyếch đại, nghe trang nghiêm và cao thượng hẳn lên nhờ kiến trúc của Đàn. Chúng tôi đều đang đứng ở trung tâm, ở giữa một cái gì đó không phải chỉ là một phiến đá lớn.                            

Đó chính là lúc tôi có cảm giác là anh Quê, theo thông lệ ở Việt , sẽ mời tôi đọc một bài thơ của mình. Khả năng thuộc thơ đang là một nghệ thuật nhanh chóng biến mất ở Mỹ, khả năng của tôi rất giới hạn, không thể hồi tưởng nhiều thứ, nhất là thơ của mình. Dĩ nhiên là hoàn toàn không biết điều đó, và nghĩ là nó sẽ là một việc dễ dàng và thú vị cho tôi, anh Quê quay sang yêu cầu tôi đóng góp một bài thơ của mình. Bối rối, tôi không thể nhớ bất cứ một cái gì, một câu thôi cũng không được! Lúc bấy giờ trời đã tối mịt, nên dù có tập thơ trong tay, tôi cũng không thể đọc được. Mà tôi cũng chẳng mang theo tập thơ nào. Vì  thế tôi đành kể một câu chuyện nhỏ về những gì tôi đã ghi trong cuốn sổ tay sáng hôm đó khi còn ở Hà Nội. Tôi bắt đầu, nhưng rồi tôi cũng không nhớ là mình đã viết gì! Tôi ngượng quá, anh Chung phải nói có lẽ vì đổi múi giờ nên mọi sự trở thành khó khăn. Thế là chúng tôi cùng cất tiếng hát vài bài dân ca quen thuộc. Tôi cảm thấy vừa thẹn vừa ngượng.

Tôi cũng buồn là đã không đọc được thơ của mình. Tôi có cảm tưởng một lý do nào đó đã làm tôi quá xúc động đến nỗi không nhớ được một chữ nào, một điều thật khó hiểu. Thoạt đầu tôi nghĩ có lẽ tôi đã từ một nơi thật xa tới Huế để tự khám phá và cuối cùng công nhận mình thực sự không phải là một nhà thơ. Huế, nơi nổi danh của bao thi sĩ và nghệ sĩ, là trung tâm của những hoạt động nghệ thuật hàng bao thế kỷ. Huế sẽ cho tôi biết sự thực về mình, và tất cả chỉ là một ảo tưởng. Tôi lặng lẽ với nỗi buồn khi tất cả hát điệp khúc “Đất này là quê hương của bạn” (This land is your land), rồi mọi người lần mò ra xe. Chúng tôi leo lên xe rồi khởi hành, băng ngang qua sông về Thành Nội để tới tiệm ăn. Tuy thế, mặc nỗi buồn và sự tự ngờ vực, đầu óc của người làm thơ - cái đầu thực sự của tôi, bắt đầu hoạt động với những tín hiệu mở đầu của một bài thơ đang sắp sửa thành hình. Tôi đang đặc biệt chú tâm tới những gì đang diễn ra trên sông.

Dòng sông đêm nay đẹp một cách lạ lùng, tôi nhủ thầm. Những chiếc thuyền giấy nho nhỏ do khách trên sông thả trôi theo dòng nước mang theo những cây nến. Những chiếc thuyền rồng - một loại thuyền dài gắn máy nổ, được trang trí phía đầu và đuôi như hình một con rồng, với các du khách đang dùng cơm tối và thưởng thức những bản nhạc cổ điển Việt do một đoàn hợp tấu trình diễn. Tôi có thể nghe thấy văng vẳng tiếng ca, tiếng trống tiếng phèng mặc dù xe cộ vẫn rộn ràng qua lại trên cầu. Trong bữa ăn tôi giữ im lặng. Nhìn những người bạn tôi trong khu vườn lộ thiên của nhà hàng, dưới ánh sáng của những ngọn nến, tôi thấy họ toát lên một phong cách thật đẹp. Tôi không thể quên được ánh mắt của họ như sáng lên với tình bạn và hạnh phúc. Tự nhiên tôi cảm thấy thật biết ơn đã được ngồi đó bên cạnh bạn bè, và ngay khi có cảm giác đó, tôi hiểu tại sao tôi đã không thể nhớ, đã không thể đọc được bài thơ nào ở Đàn Nam Giao.     

Khi Võ Quê yêu cầu tôi đọc thơ, tâm trí tôi đang chất đầy những ý nghĩ về ý nghĩa của vị trí tôi đang đứng. Tôi không nghĩ tới những án thờ hay những nhà vua xa xưa; thực ra tôi đang nghĩ tới cuộc chiến đã qua, và biết bao người Việt và Mỹ đã ngã xuống ở Huế. Tôi có cảm giác họ đang ở quanh tôi như xương thịt tôi đang đứng đó, và tôi có cảm giác, mặc dầu không thể biết một cách đích xác cảm giác đó như thế nào, phải có bổn phận giữ một phút im lặng vì họ và cho họ. Tôi không hề dự tính điều đó, và tôi cũng không hề nghĩ như thế khi sự việc xẩy ra. Nhưng khi ngồi ăn với các người bạn, thầm lặng viết một bài thơ trong đầu, tôi nhận ra là tôi đã im lặng vì có lý do: im lặng để tôn kính và tưởng nhớ tất cả những người đã không còn nữa với chúng ta. Khi buổi gặp mặt sắp chấm dứt, tôi đứng dậy đề nghị một lời chúc. Tôi muốn chúc Võ Quê, và tất cả những người bạn của tôi. Lời chúc của tôi tối hôm đó là bản nháp đầu tiên của bài thơ mà sau đó tôi tiếp tục làm suốt đêm. Đây là bản sau cùng của nó:

Huế trong đêm
          Đàn Nam Giao
            
Đôi khi tôi nghĩ Huế là trung tâm của vũ trụ,
nơi hàng ngàn con mắt hướng về chúng ta.
Con mắt lặng lẽ của vầng trăng đầy với mây
Con mắt cháy bỏng của bó nhang
chen vào mặt đá
Con mắt hoành tráng của sân đình hoàng đế,
tấm đá cẩm thạch biết nói.
Con mắt hồ nghi của người đàn bà khấn cầu trên bậc thang nhoè bóng tối.
Con mắt sáng quắc của đèn xe.
Và những chấm sáng lung linh của ngọn nến sông ẵm trên tay
Những con mắt của bao người không còn nữa.
Và những con mắt hôm nay của bè bạn, còn đây.
     
                                         
NGUYỄN BÁ CHUNG dịch
(nguồn: TCSH số 225 - 11 - 2007)

 


--------------
(*) Giáo sư văn học, Giám đốc chương trình viết văn và Trung tâm Thơ Đại học Suffolk - Massachusetts )

Các bài mới
Các bài đã đăng