Tạp chí Sông Hương - Số 235 (tháng 9)
Từ cái nhìn tham chiếu phân tâm học qua một số truyện ngắn hiện đại Việt Nam
10:01 | 01/10/2008
HỒ THẾ HÀPhân tâm học ra đời đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc nhận thức những vấn đề thầm kín, vi diệu nhất của tâm sinh lý con người. Nó trở thành khoa học phân tích tâm lý chiều sâu của mọi hành vi trong đời sống ý thức và vô thức của mỗi cá thể người.

Từ khi hình thành và phát triển, phủ định, bổ sung bởi các thế hệ phân tâm học gia, khoa học phân tích tâm lý này đã có tiến trình gần hàng trăm năm lịch sử.Điều ấy cho thấy sức mạnh và sức quyến rũ của nó đối với các chuyên gia và đối với công chúng tiếp nhận qua nhiều giai đoạn là một thực tế.
Phân tâm học đã trở thành vấn đề toàn cầu, có ảnh hưởng tích cực trong nhiều lĩnh vực khoa học, trong đó, có lĩnh vực sáng tạo và tiếp nhận văn học. Từ hệ qui chiếu phân tâm học qua cách xây dựng tính cách và hình tượng trong tác phẩn văn học, ta thấy các nhà văn đã tự giác hoặc không tự giác, ít hặc nhiều đều có đề cập đến vấn đề vi diệu nói trên một cách đa dạng và sáng tạo nhằm minh chứng cho những gì còn thắc mắc về lý thuyết, nhưng lại có khả năng hấp dẫn, thuyết phục trong cách lý giải và cắt nghĩa tâm sinh lý con người trong cuộc sống đời thường thông qua từng mâu thuẫn, xung đột và chi tiết của nhân vật.

Trước khi đi vào phân tích một số truyện ngắn Việt Nam tiêu biểu từ góc nhìn tham chiếu phân tâm học, chúng tôi muốn điểm qua một số khái niệm và phức cảm bản chất của phân tâm học, chủ yếu là của S.Freud-ông tổ của phân tâm học, đã quan niệm và lý giải. Đó là khái niệm Tâm thần bộ (psychisme) trong cấu tạo của con người. Freud cho rằng, trong tâm thần bộ, có 3 topiques hoạt động và chi phối nhau đối với từng trạng thái tâm sinh lý của con người. Ba topiques đó là: cái siêu ngã (le surmoi) mà trung tâm của nó là tiềm thức (subconscience) được xem là bộ phận có tổ chức đặc biệt cái tôi (le moi) mà trung tâm của nó là ý thức (conscience) và cái đó (le ça) mà trung tâm của nó là vô thức (inconscience). Trong cuộc sống hằng ngày, giữa cái đócái tôi có sự va chạm, quan hệ và đấu tranh với nhau thường xuyên. Và kết quả của sự va chạm, quan hệ và đấu tranh đó sẽ cho ba hệ quả đáng chú ý trong hoạt động tình cảm và sinh lý của con người. Hệ quả thứ nhất, nếu ý thức thắng vô thức thì con người sẽ bình thường, làm chủ và điều tiết được các hoạt động của mình. Hệ quả thứ hai, nếu vô thức thắng ý thức thì khả năng tính dục (libido) sẽ trỗi dậy, chi phối, lấn áp các hoạt động ý thức của con người, khi đó, sự đòi hỏi xác thịt, đòi hỏi thỏa mãn tính dục, tạo nên những xung năng mãnh liệt, có khi dẫn đến sự suy đồi tính dục. Hệ quả thứ ba, nếu giữa ý thứcvô thức tạm thời cọ xát, hòa hoãn, dằn co nhau thì sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn sinh lý, bất bình thường. Điều này được Freud lý giải rằng sớm muộn gì cũng sẽ dẫn đến triệu chứng của bệnh tâm thần mà tiêu biểu nhất là bệnh hysterie, dẫn đến những hành vi lệch chuẩn và những trạng thái sinh lý bất bình thường do sự ức chế tâm sinh lý gây ra. Nếu kéo dài trạng thái ức chế (refoulement) thì có thể gây ra hậu quả xấu về hành vi tính dục khó lường được.

Liên quan đến tâm thần bộ, học thuyết của Freud còn có các phức cảm cần phải được làm sáng rõ: Đó là khái niệm mặc cảm tính dục ấu thơ (complexe de sexualité enfantile), mặc cảm hoạn (complexe de castration), mặc cảm Œdipe (complexe d’Œdipe) mà trong bài viết ngắn này, chúng tôi không thể trình bày nội hàm của chúng. Qua đây, chúng tôi muốn đi vào phân tích một số truyện ngắn hiện đại Việt Nam tiêu biểu, có liên quan và vận dụng những khái niệm, những phức cảm trong miêu tả và lý giải tính cách nhân vật.
Tuyện ngắn Năm ngày của Phạm Thị Hoài được miêu tả trong một không gian hẹp của căn phòng và chiếc giường ngủ cũ kỹ, ọp ẹp và trong thời gian ban đêm, ở đó, những trạng thái tình cảm, tâm lý của hai vợ chồng diễn ra sự xung đột đều đặn giữa đêm và ngày. Ban ngày là thế giới của “lãnh cảm, nhăn nhúm”, ban đêm là thế giới của nhục cảm, trụi trần. Họ không còn yêu nhau nữa là có thật, nên trong ý thức, họ quyết định sẽ chia tay. Nhưng đến đêm về-đêm họ vừa chờ, vừa không mong đợi lại diễn ra trò ái ân muôn thuở của nhân loại một cách nồng say, đến nỗi người chồng lúc nào cũng có “gương mặt đần độn vì hạnh phúc”. Và rồi, ai cũng thấy xấu hổ vì đống chăn nệm nhàu nát đêm qua. Cuối cùng, người vợ cũng đã ra đi, nói lời chia tay với người chồng đơn giản của mình, trong khi đó, người chồng vẫn cứ lập lại ý nghĩ cũ kỹ rằng: “Em cứ giận đi. Rồi đêm về em sẽ biết. Chúng ta sẽ sống với nhau đến đầu bạc, răng long”. Ở đây, người vợ đã thực sự chủ động hơn người chồng, ở chỗ, cô ta đã từ thỏa hiệp, nhượng bộ khi vô thức (libido) chi phối trong đêm, khiến nàng “đắm say như một cô gái mới lớn”. Vì vậy, chàng không thể “chối từ niềm khát thèm say đắm của nàng”. Cứ thế, họ có bốn đêm “tân hôn” tuyệt diệu trong đời. Nhưng cũng chỉ đến ngày thứ năm, thì cái trò chơi ái ân muôn thuở ấy của nhân loại cũng chấm dứt. Đêm thứ năm không còn nữa với hai người. Bởi vì cô chỉ muốn có hạnh phúc thật sự cả đêm lẫn ngày. Ở đó, có sự hòa hợp, hạnh phúc, cho cả cái đócái tôi. Truyện có ý nghĩa tích cực, khi tác giả, sau khi miêu tả sức mạnh của cái đó (libido) đã để cho cái tôi (ý thức) chiến thắng. Chỉ có sự hòa hợp của hai tâm hồn biết làm chủ mình là cơ sở của hạnh phúc vững bền nhất.

Truyền thuyết về quán Tiên
của Xuân Thiều cũng là truyện ngắn khai thác yếu tố phân tâm học ở trạng thái dồn nén, ẩn ức dẫn đến căn bệnh hystérie và tình trạng lưỡng phân ở nhân vật Tuyết Lan và nhân vật Mùi. Tuyết Lan mang chứng co giật vì thiếu tình cảm với đàn ông để rồi chị trở lại bình thường khi quan hệ với nhân vật Hon. Từ đấy, chị mang khát vọng làm mẹ cháy bỏng, dù số phận không mỉm cười với chị, do sự ấu trĩ trong quan niệm một thời. Còn chị Mùi-người phụ trách quán Tiên, qua bao nhiêu giữ gìn, thận trọng và ép xác, cuối cùng cũng vì hành động và cái chết của chú khỉ-biệt danh là dũng sĩ áo đen thắt nơ trắng luôn đeo đuổi mình mà Mùi đã không thể yên bình được nữa. Đấu tranh, giằng co giữa vô thức và ý thức để cuối cùng, chị khóc rũ rượi trong đêm, không có cách chi để tự dỗ dành được cơn ức chế của mình, đành phải phân thân trong trạng thái vừa muốn được thỏa mãn sinh lý vừa dị ứng trước vòng tay chân thành của đồng đội Trần Văn Thiệt, khi chính chị yêu cầu người ấy ôm và hôn mình.

Vận dụng yếu tố phân tâm học ở dạng trên, Xuân Thiều muốn phản ánh những bi kịch tâm sinh lý của con người trong chiến tranh do những quan niệm giản đơn và ấu trĩ của nội bộ chúng ta gây ra, dẫn đến những đau xót có tính bản thể cho từng cá nhân con người. Vì vậy, truyện có giá trị nhận thức và nhân bản sâu sắc. Chính nhờ cắt nghĩa dưới góc độ tâm lý học như trên, nhân vật mới chân thật và xúc động hơn.

Cùng chủ đề này, Võ Thị Hảo rất sắc sảo khi miêu tả bi kịch của các cô gái ở rừng Cười, vì sống trong cảnh thiếu thế giới đàn ông quá lâu ngày đã biến họ thành nạn nhân của chính mình. Căn bệnh hystérie đã làm cho họ, có lúc, tự xấu hổ vì những hành vi lạ lùng của mình. Nhưng biết làm sao được khi chiến tranh đã cướp đi của họ những gì bình thường và thiêng liêng nhất, để mãi mãi niềm vui không bao giờ chờ họ ở phía trước. Năm cô gái ở rừng Cười đã đi vào thế giới của huyền thoại, dù mỗi người có một số phận khác nhau. Đọc Người sót lại của rừng Cười của Võ Thị Hảo khiến ta xé lòng, quặn thắt. Số phận của các cô gái được ví như “huyền thoại về loài chim yến huyết ngoài biển khơi đã nhả từng hạt máu để dệt nên chiếc tổ màu hồng quý giá. Rồi khi sức cùng lực kiệt, chim yến bay vút lên không trung, lao mình vào vách đá nhọn hoắc cho ngực vỡ nát”. Đó là cái chết trinh bạch và có sức lay động lớn đối với chúng ta để mãi mãi trong đời, chúng ta luôn biết yêu thương và căm giận những gì đồng nghĩa với hạnh phúc và đồng nghĩa với sự hủy hoại sự sống đích thực của con người. Qua câu chuyện, tưởng còn nghe đâu đây những tiếng cười man dại ở rừng Cười mà thấm nỗi đau đắng như hạnh phúc và kéo dài ra trong lòng biết ơn và xa xót của con người hôm nay.

Truyện ngắn Ánh trăng của Nguyễn Bản lại khai thác từ góc nhìn mặc cảm tính dục ấu thơ. Hai chị em có họ hàng nhau, những đêm trời nóng, chị đến ngủ chung với em trai. Chàng trai xúc động khi ánh trăng phản chiếu trên bộ đồ lót lụa màu mỡ gà, tóc dài mượt xoã trên bờ vai “tạo hoá như không hề có chút khiếm khuyết nhỏ nào trên cơ thể và khuôn mặt chị”, “dáng chị nằm như bơi trong trăng”. Đôi chân chị Vân gác lên chân Hoàng, khiến chàng rung động lặng im cho đến khi chị gỡ chân ra. Và như định số, từ những đêm trăng ấy, tình cảm của người em trai ấy luôn đeo đuổi và nghĩ về chị cho đến nhiều năm về sau. Dù vào bộ đội, dù trưởng thành được nhiều người con gái yêu qúi và hai lần ly hôn, nhưng anh vẫn luôn tơ tưởng và nghĩ về chị. Về sau, mỗi lần gặp chị là môt xúc động mới mẻ dù chị vẫn coi anh như cậu bé ngày nào. Chị lại lấy chồng muộn, khiến người em luôn thắc mắc và càng thấy mình không thể nào quên mối tình kỳ lạ ấy. Anh luôn đồng nhất hóa hình ảnh những người con gái khác thông qua mối tình thơ dại với chị. Nguyễn Bản đã ghi lại cái khoảnh khắc trong đời mà thành định mệnh trong tâm lý chàng trai bằng giọng văn trữ tình, nhẹ nhàng, giàu chất thơ, khiến người đọc bất giác hiểu rằng, con người-ngoài những trạng thái bình thường, vẫn có lúc len lén trong tim những cảm xúc kỳ diệu không thể thổ lộ cùng ai. Freud thường chú ý đến những cảm xúc thời thơ trẻ mà nó có khả năng lưu giữ, ám ảnh họ cho đến hết cuộc đời là thế: Hoàng “vẫn đi tìm ánh trăng. Ánh trăng từ chị hắt ra từ đêm hôm ấy, cái đêm tôi còn là một thiếu niên trong trắng, ngây thơ. Ánh trăng và mùi phấn rơm làm tôi xao xuyến, chơi vơi mãi trong đời. Và chị có cho là tôi yêu chị không?”.

Phân tâm học ngày càng được các nhà văn vận dụng thể hiện trong tác phẩm của mình.Trần Thùy Mai, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Tạ Nguyên Thọ, Phạm Hoa, Nguyễn Quang Thân… là những tác giả có ý thức sáng tạo từ góc nhìn phân tâm học, nhưng biến ảo, đa dạng hơn trong từng quan hệ, hoàn cảnh của nhân vật. Ở đó, từ góc nhìn tâm lý có pha chút ít yếu tố sex, các nhà văn cố gắng thể hiện chiều sâu những ẩn ức, khát khao và xung động tính dục để lý giải đời sống tâm lý của con người hiện đại một cách có cơ sở nhất.

Nguyễn Quang Thân cũng trong cách cắt nghĩa này, đã thể hiện vừa bi kịch vừa hài kịch qua hình tượng một người đàn bà ngoại tình và xem đó như là lạc thú có tính bản năng. Bà sẵn sàng ngoại tình và cặp bồ với tất cả những người có chức, có quyền và có tiền để thực hiện những trò ái ân vô độ và vô nghĩa lý của họ. Bà không cần tình, bà chỉ cần tiền và cần cảm giác lạ. Đối với bà, mọi người đàn ông đều nhục dục, trơ trẽn và tầm thường. Vì vậy, bà thay tình như thay áo. Khi không thỏa mãn dục tính thì bà sẵn sàng đạp đổ thần tượng. Và cứ thế, bà lao vào chuyện mây mưa như một nhu cầu thường trực. Bà chủ động đến với từng người, bà sẵn sàng gợi ý chuyện làm tình không giấu giếm. Con người bản năng của bà sẵn sang đón nhận những va chạm xác thịt, đến nỗi, vị tiến sỹ khả kính thất nghiệp mà bà thuê về dạy cho đứa con 3 tuổi của bà những từ tiếng Anh thông dụng nhất như con vẹt và nhiệm vụ chính là đổ bô cho nó, cũng phải ngỡ ngàng. Đáp lại, bà trả lương khá cân xứng. Nhưng rồi, vị tiến sỹ ấy cũng phải trở thành con người ngoan ngoãn và lãnh cảm ra đi khi bà đến phòng riêng của anh gợi ý sát sườn về chuyện làm tình với bà. Không chịu nổi cơn quằn quại hằng đêm, bà bèn chửi tất cả những vị “quan to”, những người trí thức từng đi qua đời bà, để cuối cùng, bà chấp nhận chung chạ với anh lái xích lô mà bà gợi ý cho để nhờ xe ở nhà bà ban đêm và ngủ luôn ở đó với bà. Nguyễn Quang Thân, qua Vũ điệu của cái bô đã lên án thói dâm dục và hành vi đê tiện của những người có tiền và có quyền; đồng thời, nói lên bi kịch của người trí thức trong thời bao cấp rất đáng cảm thông và chia xẻ.

Mặc cảm hoạn
mặc cảm Œdipe cũng được các nhà văn vận dụng, thể hiện thành những dạng, kiểu khác nhau thông qua từng nhân vật trong tác phẩm. Đùa của tạo hóa của Phạm Hoa là truyện ngắn xuất sắc về kiểu mặc cảm Œdipe nói trên qua hình tượng người mẹ quá yêu con đến “bệnh hoạn” mà ganh ghét với con dâu của mình. Và quá trình ghen tuông ấy dẫn tới xung đột không thể điều hòa, khi bà muốn thằng Tuần-con trai bà phải vĩnh viễn ở trong vòng tay bà như bà đã từng yêu thương, chiều chộng nó từ thuở lọt lòng đến ngày khôn lớn, học hành thành danh. Bà Thuận mất chồng từ thuở thanh xuân. Chồng bà là sĩ quan quân đội hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Bà đẹp và thủ tiết ở vậy nuôi con. Bà tự hào về nết na, đức hạnh của mình, nhưng tự trong sâu thẳm cõi lòng, bà khát khao ân ái. Ở cái tuổi hồi xuân, bà đã không dấu nổi sự thao thức, thèm mùi da thịt đàn ông. Sự chín lại trong tâm sinh lý của một người đàn bà kéo dài sự trống vắng quá lâu đã làm cho bà đau khổ, nhưng phải tự ép xác, dấu sâu trong đáy lòng mình.Bà dồn tất cả tình yêu cho con trai. Và giờ đây, bà cố công tìm cho nó một người vợ xứng đáng, ít ra là phải đẹp và có đủ các tiêu chuẩn về hình thức và nội dung mà bà yêu cầu. Nhưng trớ trêu thay, sau đám cưới linh đình của con trai, lại là chuỗi ngày bà ốm dần, ốm mòn vì cái “lỗ thủng không đáy” của con dâu bà đang làm cho thằng Tuấn hao kiệt. Cả bà cũng hao kiệt. Thế là “đùa của tạo hóa” lại diễn ra. Đó là nỗi đau thương và ghen tỵ trỗi dậy trong con người bản năng của bà. Rồi đến ngày việc gì đến sẽ đến. Bà đã xua đuổi Tuấn và cô dâu ra khỏi nhà, không có cách chi để hàn gắn, dù Tuấn van xin bà tha thứ. Nhưng không xong, “Một là thằng Tuấn, hai là xéo tất cả”. Họ đành phải ra đi trong đêm đen thăm thẳm. Họ ở giữa thiên nhiên nhân hậu ấm áp, nhưng sao thiếu vắng tình thương của con người! Bà Thuận, kết cục cũng là một bi kịch-bi kịch tuy không phải dai dẳng và không phải là tất cả, nhưng là bi kịch khắc nghiệt do “trò đùa của tạo hóa” trong nghịch cảnh trớ trêu của bà Thuận.

Qua tìm hiểu sự tham chiếu của phân tâm học trong một số truyện ngắn hiện đại Việt Nam như trên, chúng tôi thấy rằng các nhà văn rất có ý thức trong việc vận dụng các yếu tố tích cực của nhiều trường phái, nhiều khuynh hướng và học thuyết để tích hợp nghệ thuật và biến chúng thành các thủ pháp hữu hiệu, mới mẻ để thể hiện cuộc sống và con người bằng hình tượng, góp phần cắt nghĩa và lý giải những vấn đề xảy ra trong cuộc sống hôm nay. Chính sự vận dụng tích cực các yếu tố tối ưu nói trên của phân tâm học đã làm cho quá trình phân tích tâm lý, tính cách nhân vật có chiều sâu và đạt đến trình độ hiện đại hơn so với truyện ngắn trước đây, đặc biệt là trong lĩnh vực tâm lý và sự sống thật của con người, giúp rút gần giữa tác giả và hiện thực, giữa tác giả và nhân vật, giữa nhân vật và người đọc. Đó là thành tựu và là định hướng có lựa chọn, nằm trong ý thức sáng rõ của chủ thể sáng tạo trong quá trình chiếm lĩnh hiện thực cuộc sống và quan niệm nghệ thuật về cuộc sống và con người mà bài viết của chúng tôi cũng chỉ là sự tiếp cận ban đầu.
H .T .H
(nguồn: TCSH số 235 - 9 - 2008)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thu (30/09/2008)
Vùng sâu (30/09/2008)