Tạp chí Sông Hương - Số 224 (tháng 10)
Có một Phú Xuân…
09:37 | 02/10/2008
TÔN NỮ NGỌC HOATôi còn nhớ như in cảnh cả nhà ngồi há miệng nghe chính cậu em tôi là thanh niên xung phong trở về từ Đắc Lắc sau đợt đi khai hoang chuẩn bị đưa dân lập vùng kinh tế mới kể chuyện.

Chuyện hấp dẫn y như trong trong truyện phiêu lưu với những cánh rừng bất tận  đủ các loại cây, với cỏ hoa muông thú đủ sắc màu, cả những hiểm nguy rình rập. Mấy chị em gái phục lăn khi nghe một thư sinh vừa tốt nghiệp lớp 12 ốm o trói gà không chặt kể việc đốn cây dựng nhà, phát rẫy khai nương, chuyện sinh hoạt văn nghệ bên đống lửa đốt giữa rừng già và cả chuyện vất vả nhọc nhằn ốm đau bệnh tật. Thích nhất là cảnh cả tiểu đội hì hụi đào khoai mài, đào mãi đào mãi và cuối cùng “rinh” lên  một củ bự chác dài hơn cả mét để lại một hố sâu quá đầu hay cảnh mọi người nhốn nháo vì tiếng cọp gầm vọng lại quên cả mớ sắn vùi trong lửa cháy khét. Cứ như mình là người trong cuộc, các em tôi không ngớt xuýt xoa.

Tôi cũng nhớ như in cảnh thành phố Huế nô nức, bịn rịn tiễn những gia đình vào Đắc Lắc xây dựng vùng kinh tế mới cuối xuân 1977. Hôm đó bờ nam sông Hương ngập đỏ cờ. Từng đoàn xe chật cứng người và đồ đạc. Gương mặt người đi đượm âu lo, người tiễn bùi ngùi, cười đấy mà mắt ngấn nước. Tất cả cố giấu… Biết những ngày tháng tới ra sao… Chỉ sông Hương là bình thản trôi. Chỉ màu cờ cứ thế... thắm đỏ. Rồi đoàn xe lăn bánh sau khi những khẩu hiệu được hô vang rung cả lá cành cổ thụ ven đường.
Cũng từ 1977 tôi bận rộn làm cô giáo, vô tư vượt những ngày “cơm cõng sắn” thuở còn tem phiếu, bươn chải phụ thêm lương những ngày “bù giá” vất vả nuôi con suốt những năm 80, 90. Chuyện về vùng đất hứa xa lắc của em tôi, chuyện tiễn đưa ngày nọ yên ngủ trong ký ức.

Vậy mà duyên nợ.
Năm 1992, gia đình tôi thành cư dân Đắc Lắc. Tôi vẫn là cô giáo, có thêm bạn bè và cảm động vô cùng khi nghe tiếng Huế ríu rít mỗi lúc gặp nhau giữa nắng gió cao nguyên. Ngạc nhiên và càng cảm động hơn khi nghe địa danh nơi họ đang ở: Tam Giang, Phú Lộc. Phú xuân. Quen quá, thân thuộc quá, như đang nói chuyện với nhau trên đất quê nhà. Hỏi ra mới hay đấy là vùng kinh tế mới ngày xưa. Họ chính là thành viên của Huế, Quảng Điền,  Phú Lộc lần lượt đi xây quê hương mới trong những năm cuối của thập niên 70 đầy sóng gió.
Biết thì biết vậy nhưng mãi đến tháng 7 – 2004, nhân được chuyến công tác tại Krông Năng, được các đồng nghiệp đưa đi thăm thú tôi mới tỏ tường. Thì ra tên đất tên làng được bà con nâng niu đặt cho quê mới. Đặc biệt  nhất là Phú Xuân - tên ban đầu của cố đô yêu dấu, như muốn nhắc nhở nhau luôn nhớ về nguồn cội, sống làm sao xứng với danh thơm đất mẹ. Và kiểu dáng nhà cửa, cách bố trí cổng ngõ, vườn tược, rào giậu đến cả hoa trồng trên sân nhà cũng mang dấu ấn nông thôn, phố thị Huế xưa. Cả giọng nói bao nhiêu năm rồi vẫn không khác đổi. Lòng tôi không thôi bâng khuâng… Lại nhớ đến câu chuyện của cậu em ngày trước, nhớ đến ngày trống giong cờ mở năm nào.

 Nếu bây giờ vào đây tìm lại kỷ niệm khai hoang ngày nào chắc chắn cậu em tôi không thể nào thấy được mảy may dấu vết xưa cũ giữa những xóm thôn nhà cửa to đẹp, những rẫy cà phê xanh ngút. Liệu mảnh rừng nhỏ được bảo vệ nghiêm ngặt bên hồ nước ở  Xuân Thành với những cây cao vút xanh thắm đang che chở ngôi nhà sàn phục dựng theo kiểu Thái làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho xã; khu du lịch sinh thái trong tương lai kia có phải là nơi sinh hoạt văn nghệ của các tiểu đội TNXP mỗi đêm cuối tuần xua mệt nhọc, thỏa nỗi nhớ nhà? Có phải những lô đất mặt tiền bằng phẳng vừa được đấu giá xây nhà văn hóa hay khu đang xây trạm xá chuẩn quốc gia giữa vùng trung tâm là nơi cậu và đồng đội từng dựng lán đêm đêm đốt lửa vừa sưởi ấm, xua côn trùng, thú dữ? Có phải khu chợ khang trang vừa được một “đại gia Phú Xuân thời WTO” chịu trách nhiệm xây dựng, khai thác và quản lý kia là nơi cậu đào củ mài? Những sườn đồi xanh cà phê kia hẳn là nơi chính tay cậu phát cây chặt cành chuẩn bị làm nhà cho dân? Liệu con đường nhựa xuyên xã dài gần 17 km này là đường do tay tiểu đội cậu mở ngày xưa? Tôi biết cậu ta sẽ bí rì, nhăn nhó như ngày nhỏ gặp câu đố khó, nhưng tôi tin cậu ta sẽ hạnh phúc nhường nào khi đóng góp ban đầu của lớp TNXP cách đây ba mươi năm thật có ý nghĩa, những người rời quê ngày đó thật đáng tự hào.

“Nhu cầu” đi kinh tế mới thuở đó chắc không ai không biết. Đất nước thống nhất. Vui đấy mà lo cũng không ít. Không còn nguồn thu nhập, chút của cải tích cóp dự trữ cũng cạn kiệt dần sau cuộc bôn ba tránh bom tránh đạn, sau hai năm thay đổi thể chế. Phải tìm phương thức sinh sống. Không riêng từng gia đình mà cả chính quyền cách mạng cũng trăn trở không kém. Và sự chọn lựa tối ưu là vùng đất mới này đây.
Nhưng cốt lõi là con người. Họ chưa từng cầm rựa cầm cuốc, chưa từng ăn đói mặc thiếu, chưa biết lâm sơn chướng khí là gì. Phái nữ càng như trứng mỏng. Tay quen thêu  thùa đan móc, làm bánh trái lao động với đất đai thế nào đây? Ấy vậy mà qua tất cả, tất nhiên sau nhiều nước mắt mồ hôi và cả máu nữa. Gần một nửa số hộ không chịu được vất vả thiếu thốn đã tự ý bỏ về hoặc tìm đường đi nơi khác kiếm kế sinh nhai, phần còn lại ra sức phấn đấu. Nhiều chị bây giờ vẫn trào nước mắt khi nhắc đến đôi tay mềm mại ngày nào phải qua bao lần rộp phồng sưng tấy mới quen với cuốc xới, đến đôi gót chân son quen guốc cao giày nhọn thành nứt nẻ đau nhức. Đêm không dám quờ tay ôm chồng vì xấu hổ với bàn tay thô ráp, với mớ tóc loe hoe khét nắng. Mà các ông nào có hơn gì. Toàn tay lãng tử. Ngày trước rời công sở là gặp nhau quán cà phê, sân tennis, là thời sự năm châu bốn bể - ai lên mặt trăng, ai thành hoa hậu, Liz Taylor đóng phim gì, tháng tháng ký sổ lương đủ trang trải cuộc sống lo chi gạo tiền cơm áo. Giờ sáng chiều răm rắp theo kẻng ra đồng, cuối vụ theo công điểm mà nhận về bắp gạo, ngoảnh đi ngoảnh lại hết veo bao giờ, lại  bực nỗi vợ con vất vả, nhục mặt đàn ông.

Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Câu tục ngữ gần như là một mệnh lệnh. Một mệnh lệnh chính người trong cuộc áp đặt cho mình. Và họ buộc phải vượt qua mọi gian khổ để thích ứng với cuộc sống mới. Nhưng một thứ họ khó quen được là bệnh tật. Sốt rét, sốt xuất huyết, thương hàn, dịch hạch, dịch tả liên miên đeo bám. Thiếu thuốc men, phương tiện y tế tối thiểu nên bệnh thông thường cũng thành không chữa trị được. Bây giờ có hôm Phú Xuân trùng đám giỗ quá xá vì trước không thiếu ngày hơn cả trăm con người cùng ra đi vì bệnh tật.
Cũng phải nhắc đến một nỗi kinh hoàng khác là Fulrô. Có thể gặp những kẻ liều lĩnh nọ bất cứ đâu. Ven rừng này, góc rẫy kia đều dễ dàng đụng độ. Phải dũng cảm đương đầu, và con số người hi sinh không phải là nhỏ.

Cuộc sống dần ổn định với cơ chế mới. Tiếng kẻng không còn là hiệu lệnh lao động. Chính sách khoán đã cứu bao gia đình đang chênh vênh bờ vực, giúp những chủ hộ năng động tìm lại vị thế trụ cột. Nhà cửa, trường học đàng hoàng hơn, con cái xúng xính áo đẹp, chuyện học hành được quan tâm đặc biệt, đường sá rộng hơn cho xe công nông lũ lượt ngược xuôi mùa thu cà phê, tiêu, bắp. Các bà vợ tự tin hơn khi ngồi xe đời mới với chồng lên Buôn Ma Thuột sắm vàng, mua kỳ phiếu.
Tưởng mãi vậy mà không phải.
Cuối nhưng năm 90 cà phê rớt giá. Thu không đủ trang trải tưới tiêu, thuốc trừ sâu, phân bón lấy gì con cái học hành, dựng vợ gả chồng, lo giỗ chạp mồ mả. Nợ ngân hàng tưởng chỉ hai vụ cà phê là thanh toán gọn. Nào ngờ… Ra đi. Nhiều gia đình chọn đi là thượng sách. Có nhà đem đất bán đổ bán tháo, sau này tiếc đứt ruột. Có nhà khôn ngoan hơn để người ở lại trồng trọt cầm chừng, còn lại kéo nhau vào Nam buôn thúng bán bưng, đàn ông thì phụ hồ đóng gạch thậm chí làm thuê cho các “đại ca lâm tặc”. Những ngày này Phú Xuân thật hiu hắt, đến cả tiếng gà cũng vắng.

“Qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai”. Người Phú Xuân nhắc lại lời cha ông mà động viên nhau sống.
Với diện tích  gần 7000 ha và hơn 17 ngàn dân, Phú Xuân bây giờ không chỉ là đất  của người Êđê bản địa, của người Phú Hòa, Phú Thuận… kinh tế mới mà là nơi quần tụ của nhiều dân tộc anh em khác. Dù có những giai đoạn cam go, đây vẫn là nơi “đất lành chim đậu”. Nhiều dân tộc vùng cao phía bắc như Thái, Tày, Nùng Mường, Sán Dìu… cũng chọn nơi này làm quê mới. Chỉ khác là họ di dân tự do nên tự tìm cho mình những rẻo đất cách trở ven sông suối cần cù canh tác. Người xứ Nghệ với bản lĩnh ngoan cường, tinh thần tương thân tương ái mạnh mẽ cũng góp phần tạo diện mạo mới cho một Phú Xuân lớn mạnh.

Krông Năng vừa chịu một cơn lũ lớn. Phú Xuân không thoát hệ lụy này. Ba mươi năm rồi người dân nơi đây mới chứng kiến cảnh khủng khiếp như vậy. Nước như con trăn khổng lồ cuốn phăng mọi thứ trên đường đi hung bạo của mình. Dòng Krông Năng - khởi nguồn từ Dlieyă rồi chia hai một nhánh đổ vào sông Ba thuộc Phú Yên, nhánh còn lại với thác Thủy Tiên thơ mộng tìm Sê Rê Pôk - trở nên quá bé nhỏ yếu ớt để tải lượng nước to lớn trút từ những đám mây đen kịt suốt mấy ngày đêm qua những ngọn đồi, cánh rừng không còn cây như trước đây vốn có. Nhà trôi trong lũ, cây tuôn trong lũ và cả người cũng bị cuốn phăng trong lũ. Mất mát quá nhiều. Tổn thất quá nhiều. Nhà cửa làm lại được, cây cối trồng lại được, nhưng với em Nguyễn Thị Nga thì làm sao tìm lại ba mẹ anh chị nữa. Mùa khai trường này liệu em còn đủ sức vào lớp không! Mong thầy cô và bạn bè luôn dành cho em những gì ưu ái nhất, bù đắp phần nào khoảng trống mông mênh.

Thăm nhà của một cựu thanh niên xung phong ở lại xây quê mới, tôi hết sức ngỡ ngàng trước khu vườn thoai thoải gần 2 ha đẹp cực kỳ của anh Khởi với hàng cau cao vút  soi bóng xuống mấy ao cá rộng có lối dẫn xuống khu vườn rau ngăn nắp, trước vườn cây ăn trái xum xuê bên phải và vườn cà phê trĩu trái sau lưng. Cả ngôi nhà và khu vườn đậm chất Huế xưa. Các con anh sinh ra trên đất Phú Xuân cũng nói toàn giọng Huế. Phải chăng niềm thương nỗi nhớ quê nhà của chàng trai mơ mộng ngày nào đã hóa thân vào đây?
Tôi giấu xúc động bằng cách thăm vườn. Dấu vết cơn lũ còn đọng trên cây lá, trên luống ớt luống rau. Vợ chồng anh cho biết toàn bộ số cá đến kỳ thu hoạch đang ươm lại chờ cuối tháng tám bán đón năm học mới cho đàn con đã theo nước ra đi. Xót của mất nhưng chị Hợp vợ anh nhỏ nhẹ: “So với thiệt hại của các nhà ven suối lưng đồi, nhà mình còn phước chị ạ. Mấy nhà bên kia bị nước bật cả gốc cà phê phơi rễ lên trời, thảm lắm!”. Hóa ra trong tâm người phụ nữ nhỏ nhắn quen với vườn rau ao cá này luôn đầy ắp tình thương. Quan niệm sống bình dị mà sâu sắc giúp con người vượt qua phiền muộn, điều ai cũng mong nhưng mấy ai “ngộ” được.

 Nhớ lại lúc đứng bên bến phà (gọi thế thôi - thực chất là mấy tấm ván ghép trên mấy thùng phuy rỗng chống bằng sào chở người qua lại khúc sông bờ lở cầu trôi) nơi sẽ xây cầu treo. Trần Chi - phó đài truyền thanh Krông Năng - cũng là dân Phú Xuân thuở nào - ngưỡng mộ nói đến vẻ “hảo hán” của một chủ trang trại ba ba người Nghệ An phía bên kia xã. Hơn tỉ vốn liếng của cải của ông đã không còn chỉ vì lũ. Vậy mà đố tìm được trên gương mặt ông một vẻ gì của sự suy sụp, điều thường tình ở những người mất của. Nếu bây giờ khách đến, ông lại sẵn lòng cắt tiết vài con ba ba còn sót lại tiếp đãi. Ông bảo “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Chỉ nghe thôi tôi đã phục cái ý chí, tư duy kinh tế mới mẻ và nghị lực phi thường của ông tới bến rồi nói chi gặp mặt. Cầu cho ông sức khỏe để lại gầy dựng cơ ngơi, thực hiện thành công  bao kế hoạch bị phá sản của mình.

Tôi không biết ngày xưa cậu em trai tôi thuộc “xê” nào để trả lời câu hỏi của Khởi, nhưng nhắc đến TNXP anh hồ hởi hẳn. Chắc chắn kỷ niệm về đồng đội, về những ngày vỡ đất khai hoang còn đậm in trong trí anh. “Trông chị quen lắm”, Khởi bắt tay tôi thân mật. Tôi thầm nghĩ có lẽ anh thấy ở tôi nét gì đó của cậu em - một đồng đội thuở trước. Hơn ba mươi năm không hề gặp lại, bao nhiêu đổi thay, cũng khó mà mường tượng lại từng người. Giáp mặt cùng ôn kỷ niệm, may ra...
Bây giờ Khởi nhận chức trưởng thôn, nói vui là kẻ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Là người quán xuyến đủ việc “hầm bà lằng” của thôn Xuân Đoàn gồm 148 hộ dân này, anh vắng nhà là chuyện thường ngày ở... xã. Dân có việc phải kêu lên trên, trên có người cần thăm đây đó, có việc phải họp hành là anh ra khỏi nhà ngay. Công việc gia đình được anh “chỉ đạo từ xa” cho người vợ nhỏ nhắn nhưng cần cù chăm chỉ và mấy đứa con ngoan hiền. Được hỏi sao vẫn giữ kiểu nhà ba gian hai chái đơn sơ này, anh cười: “Nhớ Huế xưa”. Với cơ ngơi vườn - ao - rẫy hiện có, anh không thuộc nhóm hộ giàu trong tương lai mới là chuyện lạ.

Đang mùa khai giảng.
Phú Xuân - với sự quan tâm đầu tư của chính quyền, của ngành giáo dục và của cả phụ huynh - đã chuẩn bị trường lớp khang trang sạch đẹp đón hơn 6000 học sinh với 10 trường cho bốn cấp học Trường THCS Phú Xuân đang trên lộ trình tiến đến chuẩn quốc gia vừa xây mới thêm 8 phòng học có phòng thực hành, được trang bị phương tiện máy móc phục vụ chương trình cải cách sâu hơn, hiệu quả hơn. Tâm sự với tôi, cô Thủy - gốc Huế, con dâu Phú Xuân - bày tỏ những băn khoăn thiết thực về nghề nghiệp, về đời sống, cả việc sợ khó yên tâm lên lớp khi nhà trẻ cho cậu con trai gần hai tuổi của mình không có. Trả lời câu  hỏi: “Đã chuẩn bị tinh thần dạy bằng giáo án điện tử chưa?” Cô cười lỏn lẻn: “Chưa được gì cả cô ạ. Cả trường chỉ có một bộ cả màn hình và máy chiếu, ai dạy ai không. Thôi đành chỉ dùng trong các dịp thao giảng hội giảng”.

Chợt nhớ đến ngôi trường vắt vẻo trên lưng núi Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn tôi được thấy trong chuyến thực tế hồi tháng tám mà giật mình phục bạn đồng nghiệp. Nỗi trăn trở “các cô giáo ăn ở, lên lớp thế nào, học sinh thực hiện nội qui  thế nào khi suốt năm bảy cây số ngoằn nghoèo theo sườn núi không thấy một người, chỉ ẩn hiện trên đồi xa vài nóc nhà cheo leo” cứ bám riết tâm trí tôi từ đó đến nay. Các đồng nghiệp của tôi ở Mẫu Sơn ơi, các bạn dựa vào đâu để thực hiện khẩu hiệu “nói không với tiêu cực trong học tập thi cử và bệnh thành tích” mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân giờ đã là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng phát động đang thuộc loại “hot” ngày nay hay đành bất lực chấp nhận học sinh ngồi nhầm lớp mà xót xa?

Phú Xuân cũng khiến tôi thích thú bởi một độc đáo khác: Chùa.
Chùa do sư Thích Thiện Đạt trụ trì đang xây dở dang (tự ông thiết kế) nhưng đã hiện dáng dấp của một ngôi chùa có kiến trúc đẹp tọa lạc trên một mảnh đất vuông vắn bằng phẳng. Đối diện cổng chùa, dù tự phát với hai dãy quán cột tre mái lợp giấy dầu tuềnh toàng, chợ cũng có đủ thứ hàng nhu yếu từ thịt cá rau mắm đến quần áo giày dép - cả hàng băng đĩa nhạc nữa - chộn rộn từ 3 đến 6 giờ chiều suốt bao năm nay .
Tôi có quá cả nghĩ không khi đọc thấy triết lý  trước đối diện lạ lùng này. Một xô bồ đời thực với một tĩnh lặng tâm linh. Một trần trụi bán mua với một vô ưu hoa cỏ. Hẳn người đi chợ sẽ bớt chút cò kè để giành phúc cho mình, cả cho người bán. Hẳn người bán sẽ thật thà hơn xem như tích góp công đức dành để kiếp sau. Hẳn người viếng chùa sẽ không quên còn một đời khác rất cụ thể; xô bồ để tu tâm dưỡng tính, tránh bon chen trục lợi giả trá điêu ngoa.

Năm 1977, sư Thiện Đạt đã phát nguyện đi kinh tế mới cùng 1530 hộ dân, và đến nay vẫn gắn gó với họ như trước đó đã cùng lăn mình gây dựng cơ ngơi bằng hai bàn tay quen cầm dùi gõ mõ. Ông được tín hữu tin tưởng chọn làm người đỡ đầu tâm linh, được cánh đàn ông có chút máu nghệ sĩ chọn làm tri kỷ. Ở ông đạo và đời là một. Đạo sáng trong đời, đời tươi với đạo. Can cớ chi từ bỏ thú vui đời người hiện tại mà mơ hóa Bồ tát ngày sau.
Rong ruổi với  Lê Đình Chủng, phó chủ tịch văn xã, chàng trai thông minh nhanh nhẹn đã giúp tôi hiểu thêm nhiều về mảnh đất cùng con người ở đây và không ngớt làm tôi mến phục bởi tình yêu dành cho Phú Xuân của anh. Khi gia đình lên xe vào vùng đất này anh là chú nhóc ba tuổi, ngơ ngác sợ hãi nép vào áo mẹ. Lớn lên trong thiếu thốn vất vả, anh vừa đồng cam cộng  khổ vượt những ngày gian khó vừa nỗ lực học tập. Với 2 bằng cử nhân Luật và Khoa học xã hội nhân văn từ 1999, kiếm việc trong các công ty tư nhân không khó, nhưng anh đã “lọt mắt xanh” của chính quyền địa phương, chọn Phú Xuân làm quê thứ hai của mình.

Thuộc từng ngõ xóm góc rừng, từng hoàn cảnh gia đình đặc biệt, sự việc cụ thể anh nói về ngày xưa ngày nay bằng giọng của người từng trải, hiểu biết, có trách nhiệm và tràn đầy tin yêu. Bằng vào ánh mắt, nụ cười những người gặp trên đường, tôi đọc thấy tình cảm họ dành cho Chủng rất nhiều. Điều này chứng tỏ anh đã không phụ lòng mong đợi của người dân trong xã. Anh nói tự đáy lòng rằng anh luôn biết ơn những con đường, những cánh rừng, sáng chiều vất vả cuốc xới cùng ba mẹ; những tháng ngày học tập với thầy cô bạn bè, những gì được và cả những gì gọi là mất. Và nhiều hơn cả là những con người trên mảnh đất này. Bởi tất cả đã cho anh thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống mến thương...

Còn nhiều, rất nhiều gương mặt đã đóng góp sức lực trí tuệ cho Phú Xuân nữa. Một số đã thành đạt đang tiếp tục cống hiến, phục vụ ở các cương vị cao hơn, ở các nơi khác nhau trong huyện và tỉnh, phần lớn khác thầm lặng lao động trên ruộng rẫy và không thiếu người đã thành thiên cổ. Tất cả đều đáng phục, đáng trân trọng tự hào. Tôi dám quả quyết rằng cuốn biên niên sử của Phú Xuân đã và sẽ ngày càng dày thêm, đẹp thêm với những trang sáng rỡ thấm đẫm tình người nhưng không kém phần vẻ vang, hào hùng dù còn đó những mảng sáng tối bi hài đan xen, những ngày mò mẫm tìm hướng.
Khi sắp kết thúc những dòng tản mạn này, tôi lại nhớ đến cậu em trai với chuyện kể xa xưa. Bây giờ gặp nhau tôi sẽ là người kể. Có thể cậu sẽ không há miệng như mấy chị em gái tôi thuở nọ, nhưng chắc chắn sẽ phục biết bao những chịu đựng, những cố gắng của các gia đình phải rời quê với hai bàn tay trắng và mặc cảm đầy nặng trong lòng. Cậu ta cũng sẽ như tôi tíu tít, háo hức nói cười...

Tôi như thấy Phú Xuân đang rực thắm cờ hoa trong ngày sinh nhật thứ 30, thấy những thế hệ đồng hương sông Hương núi Ngự đang nâng ly chúc tụng, thấy sắc thổ cẩm độc đáo của các dân tộc anh em khoe màu trong nắng, thấy cả nét rạng ngời trên gương mặt bao người từ khắp nơi trên mảnh đất Việt Nam thân yêu đã tự nguyện thành chim đậu trên đất lành bazan này.
              
Krông Năng - Buôn Ma Thuột
                                 Tháng 9 / 2007
                                          T.N.N.H
(nguồn: TCSH số 224 - 10 - 2007)

Các bài mới
Rời (02/10/2008)
Ký ức xanh (02/10/2008)
Các bài đã đăng
Đi dọc phố (02/10/2008)
Khúc nghiệt ngã (02/10/2008)