Tạp chí Sông Hương - Số 224 (tháng 10)
Tiếng trái tim
10:01 | 02/10/2008
LÝ HẠNH(Đọc Thơ tặng của nhà thơ Ngô Minh)Ngô Minh là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, vì thế mà cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã từng nói về ông một cách trìu mến: “Ba con người trong một con người thâm thấp”. Có một điều đặc biệt, chính con người thâm thấp ấy đã phân thân thành 3 con người khác nhau, mà con người nào cũng “ra hồn ra vía” cả.
Tiếng trái tim

Là nhà báo, Ngô Minh nổi danh khi là cộng tác viên của tất cả các báo địa phương lẫn trung ương: Sông Hương, Tuổi trẻ, Thanh niên, Lao động, Thừa Thiên Huế,… Là nhà văn, ông đã “ẵm” khá nhiều giải thưởng, từ giải thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân đội, tạp chí Sông Hương… đến giải thưởng của Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam… Và, là nhà thơ, ông đã để lại cho đời những tập thơ nhỏ nhắn mang theo chút tình ấm áp rất dễ thương.

Thơ tặng là tập thơ mới nhất mà Ngô Minh gửi đến những người thân của ông, những người bạn thơ dẫu còn sống hay đã khuất đều đã có quãng thời gian “ở trọ” cùng ông trên chặng đường đời đầy gian truân, thử thách này. Tập thơ có 2 phần, Người đồng hành dành tặng cho những người bạn thơ đã nắm tay ông, cùng ông bước qua những buồn vui của cuộc sống. Và Cát vọng là ám tượng của cuộc đời ông. Nơi ấy có những tiếc thương ông kính cẩn dâng lên hương hồn ba, mẹ, những người đã cho ông biết “dung nhan” của cuộc sống, tình yêu, niềm vui và cả  nỗi khổ đau; nơi ấy có những trằn trọc, suy tư dành cho người anh trai suốt một đời lận đận; nơi ấy có những dí dỏm tặng riêng cho vợ và cũng nơi ấy, ông ôm trọn nỗi đa mang vào lòng làm “của để dành”, một thứ “chất liệu” thơ…

Nếu ai đã từng gặp Ngô Minh, nói chuyện với ông, lắng nghe ông chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi đọc thơ ông. Một Ngô Minh hồn hậu với nụ cười luôn rạng rỡ trên môi; một Ngô Minh với ánh mắt lấp lánh niềm vui; một Ngô Minh “hiện đại”, nhanh nhẹn, hoạt bát, luôn ở tư thế sẵn sàng lao vào công việc. Thế mà, thơ ông lại day dứt đến lạ. Đọc hết tập thơ mới nhận ra, chính nỗi day dứt ấy đã cuốn người đọc mê mải theo từng trang viết. Nó như rượu ấy, đắng và chát nhưng lại làm say lòng người. Với ngôn ngữ đậm chất thơ, pha một chút mượt mà của thơ ca truyền thống, một chút góc cạnh của thơ đương đại, Ngô Minh trở thành người giỏi vẽ chân dung bằng thơ. Nguyễn Du, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Thu Bồn, Phùng Quán… đều được ông phác hoạ bằng ngôn ngữ của riêng mình. Không cầu kỳ, khó hiểu, siêu thực, mỗi chân dung đều để lại một dấu ấn dung dị mà khó quên. Nếu chỉ vẽ chân dung bằng những hình ảnh đơn thuần thì Ngô Minh chỉ là người “thợ vẽ” dẫu bằng chất liệu mỹ miều, rạng rỡ đến nhường nào. Thế nhưng, với một tập thơ chân dung, Ngô Minh đã thổi vào đấy cả phần hồn để mỗi gương mặt đều biết cười, biết khóc theo qui luật rất thông thường của cuộc sống. Nguyễn Tuân đi vào thơ ông với một phong thái phóng khoáng, một nhân cách cao cả, cao cả cho đến tận khi bước chân vào cõi thiên thu:

“Tôi không tin là ông đã ra đi
Sáng nay mùa thu nhận bàn giao trời đất
Ông vẫn kia
Tóc cười gió ngược, mắt chớp bao lời
Ông đang nói với chúng tôi
về
MỘT CON NGƯỜI”
                        (Nhớ ông Nguyễn Tuân)
Thu Bồn lại mang gương mặt đau đáu của kẻ sống bằng thơ, thở bằng thơ, yêu bằng thơ. Và, dẫu cho cuộc sống thói thường vẫn “đùa” với khách thơ, với ông, thơ vẫn chính là bàn tay mầu nhiệm cứu rỗi linh hồn.
“Thu Bồn
Thơ - bàn tay đỡ người qua vách đá
Thơ - gương mặt mồ hôi nhễ nhại
Thơ - làn môi tím tái nụ hôn
Thơ như lửa thắt lòng chén đắng”
                                    (Nhớ Thu Bồn)       
Yêu mến Văn Cao, Ngô Minh đã để ông xuất hiện trong những trang thơ mong manh như không có thật, như một con người ôm những sương khói, những nỗi đam mê từ cõi thiên thai phiêu diêu bước xuống cõi trần. Chàng Trương Chi ngày ấy bước chân từ cõi bồng tiên nhưng vẫn không thoát khỏi nỗi sầu nhân thế để suốt đời ôm trong tim “men và lửa”:
“Ông gầy như cái vỏ chai
bảy mươi hai năm đầy vơi mắt rượu
bảy mươi hai năm không đựng lẫn thứ gì
ngoài men
và lửa”
                                    (Tưởng niệm Văn Cao)
Đọc thơ, cảm thơ đều thấy thấp thoáng đằng sau mỗi chân dung là một gương mặt Ngô Minh đăm đắm nỗi niềm, nói như nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch: “Không chỉ là sự đa cảm, đa mang mà còn là đa văn quảng kiến. Và điều đáng trân quý trước hết và sau cùng ở tập thơ vẫn là sự minh triết trong cảm hứng và sự chân thực trong biểu kiến của tác giả về các “nhân vật” qua câu chuyện của mình”.

Trong phần Người đồng hành, Ngô Minh đã “vẽ” trên 40 gương mặt văn nghệ sĩ thế kỷ XX có địa vị, đẳng cấp, thâm niên rất khác nhau. Thế nhưng, khi bước vào chiếu thơ của ông, tất cả những gương mặt ấy đều được “bình đẳng hoá”. Nếu cách nhìn của ông với các bậc tiền bối đầy kính cẩn, trân trọng thì với những người bạn đồng trang lứa lại thâm tình và đầy xúc động. Đồng cam cộng khổ, nỗi buồn chia đôi, chén rượu chia đôi, cả câu thơ cũng khiến cõi lòng ai rưng rức. Dẫu có đi qua hết cõi trần, nào có ai dễ gì quên được những gương mặt bạn bè thân thương. Và Ngô Minh thể hiện tình cảm bằng cách riêng của mình, gửi tình vào thơ. Những lời ông gửi gắm đến nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch trong bài Thơ tiễn Nguyễn Khắc Thạch lên tàu đi học trường viết văn Nguyễn Du không khỏi làm người đọc chạnh lòng khi cả bầu tâm sự cứ ngập ngừng, tắc nghẹn như những tiếc nấc không thể đọng thành lời:
“Bạn ơi bạn ơi rượu hay nước mắt
cạn túi mươi đồng cạn cốc tiễn nhau
cay đắng trong veo nồng nàn cũng trong veo
trong veo câu thơ thương người biết khóc

thôi bạn đi
túi sách vở muối mè đừng để mất
con tàu thơ không có ga dừng…!”

Với bạn bè, ông trìu mến, đồng cảm, có chút trăn trở, thao thức thì với gia đình nỗi xót xa như quặn thắt tận đáy lòng. Chỉ chiếm 7 bài trong số 53 bài thơ của toàn tập thơ nhưng Cát vọng lại khiến lòng người thổn thức. Những nỗi đau, những niềm vui rất đời thường, một khoảnh khắc ngồi soi lại bóng mình… cứ ngỡ là những điều dễ gặp giữa đời thường, thế mà Ngô Minh lại viết bằng chính sự xúc động tận đáy tim. Ký ức về người cha với cái chết thương tâm như một nỗi ám ảnh khôn nguôi, một vết thương suốt đời không thành sẹo:
“Ba ơi
từ buổi ba mang uất hận xuống mồ
con mang vết đạn xoáy tìm ba
đi tìm giặc đến ngày bạc tóc!
Buổi sáng xưa con vừa biết khóc
bao giờ khô nước mắt
bao giờ…

biển lập loè nhang sám hối
con về trắng tay
thơ làm sao cứu rỗi”
                                                (Khuya bên mộ ba)

Những kỷ niệm buồn đau của tuổi ấu thơ đã khiến ông cảm nhận được tột cùng nỗi xót xa, ngang trái của cuộc đời mẹ. Và tình yêu vô bờ bến với người mẹ đã khuất ông cũng xin gửi trọn vào thơ:
Con xin dựng tim con làm bia mộ
Tạc câu thơ đời mạ đau buồn
Trái tim nhỏ ước là quả chín
Trên cát nghèo trắng xoá thời gian
                                                (Thơ khắc trên bia mộ Mạ)

Cuối tập thơ, Ngô Minh tự vẽ chân dung mình, chân dung của một kẻ làm thơ với tấm lòng rộng mở, bao dung. Thế nhưng, ẩn sâu sau nụ cười tươi tắn, đầy ước muốn sẻ chia là một tâm hồn đầy những khúc quanh bí ẩn và luôn rợn ngợp nỗi cô đơn. Nỗi cô đơn của một con người luôn cảm thấy mình lẻ loi giữa cuộc sống đời thường nhốn nháo, tất bật:
Ta trốn vào đâu phố phường đông đúc
Ta là đêm ẩm ướt mơ hồ
                                                            (Tự họa)

Thơ tặng
, tập xinh xắn do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành sẽ mang đến cho độc giả những nhân cách thơ cao cả, những câu chuyện bằng thơ đầy xúc động. Đến với Thơ tặng, có lẽ, độc giả sẽ phần nào tìm thấy chính mình với những góc khuất mà ắt hẳn chưa ai phát hiện ra, chưa ai nhìn thấy…
L.H
(nguồn: TCSH số 224 - 10 - 2007)

Các bài mới
Rời (02/10/2008)
Ký ức xanh (02/10/2008)
Các bài đã đăng
Sao la (02/10/2008)
Ngày đi lạc (02/10/2008)
Đi dọc phố (02/10/2008)
Khúc nghiệt ngã (02/10/2008)