Tạp chí Sông Hương - Số 224 (tháng 10)
Gõ cửa web các nhà văn nữ
17:15 | 02/10/2008
Trang Web văn học cá nhân là một nhu cầu tương thuộc giữa tác giả và độc giả của thời đại thông tin điện tử trên Internet. Hoặc nói cách khác, nó là nhu cầu kết nối của một thế giới ảo đang được chiếu tri qua sự trình hiện của thế giới đồ vật.So với đội ngũ cầm bút thì số lượng các nhà văn có trang Web riêng, nhất là các nhà văn nữ còn khá khiêm tốn nhưng dù sao, nó cũng đã mở thêm được một “không gian mạng” để viết và đọc cho mỗi người và cho mọi người.
Gõ cửa web các nhà văn nữ

Sông Hương vừa thực hiện một cuộc du hí vào trang Web (bao gồm Website và Weblogs) của các nhà văn nữ, chiêm ngưỡng các kiểu dáng làm đẹp, làm lạ, làm mới mình từ tay các webmaster và chợt nhận ra rằng, đấy chính là “gia đình nội tâm” của họ. Ở đây, song hành với chuyện văn chương là sự cập nhật mọi thị kiến đời thường, mọi ngộ niệm tâm linh, mọi buồn vui cắc cớ... của những tâm hồn nhạy cảm và hướng thiện.
Phần nội dung mà Sông Hương ngẫu hứng “cắt lát giao diện” trong chuyên mục này không ngoài mục đích giúp quý bạn quan tâm biết thêm một số trang Web có “cá tính” của các nhà văn nữ Việt Nam (mà có thể bạn chưa biết) đã được “xếp hạng” trên alexa.com

DẠ NGÂN

Sinh năm Nhâm Thìn, 6 tháng 2 năm 1952
Quê gốc ở miệt vườn cổ Cao Lãnh sông Tiền

http://dangannga.googlepages.com

LGT: Sẽ là không thoả đáng nếu cho tản văn là một dạng “ngoáy bút” làng chơi. Tản văn đôi khi ngắn hơn cả khoảnh khắc cầu nguyện của một con chiên ngoan đạo nhưng nó vọng động đến góc tối tăm nhất của sinh linh vạn vật.
Không thể đòi hỏi ở tản văn điều gì lớn lao như sự cứu rỗi hồn người vốn là
chân tượng của truyện ngắn và tiểu thuyết. Đơn giản ấy là chút hướng thiện vào đời, tản văn đang dần có chỗ đứng trang trọng trên hầu hết các mặt báo giữa thời đại chỉ với một ký tự nhưng không kém phần phức tạp: @!

Gương mặt chữ điền

Tình cờ tôi vừa xem bộ phim tài liệu truyền hình khá dài về nghệ sĩ nhân dân Bảy Nam - mẹ đẻ của nghệ sĩ Kim Cương. Ai từng ngưỡng mộ thời vang bóng của sân khấu Sài Gòn, chắc sẽ rơi nước mắt như tôi với bộ phim tài liệu này. Chúng ta sẽ khóc vì nhiều lẽ, những vở diễn bề thế như xưa không còn, những nghệ sĩ tài danh tứ tán, những cánh chim đầu đàn bắt đầu tàn kiệt như lá mùa thu. Đến đoạn nghệ sĩ nhân dân Phùng Há và nghệ sĩ nhân dân Bảy ôm nhau rồi cả hai ngôi sao quỵ xuống, trong tôi vỡ oà xúc động, như xem hồi kết của một vở tuồng.
Nửa đầu thế kỷ trước, không ai hiểu vì sao ở miền Nam mà cụ thể là ở miền Tây Nam Bộ lại sản sinh được nhiều tài năng sáng chói như vậy. Năm Phỉ, Bảy Nam, Phùng Há… những viên đá nền để sau này có kỳ nữ Kim Cương, hồng ngọc Thanh Nga, chi bảo Bạch Tuyết, giọng vàng Lệ Thuỷ… toàn những con người từ bờ bãi Cửu Long lớn lên, yêu nghệ thuật ngang bằng với tình yêu đất nước. Thật lạ. Nếu thời tiền chiến 1930 - 1945 ở miền Bắc nở rộ những tài năng văn chương nhạc kịch trong hoàn cảnh mất nước thì ở miền Nam, điều đó đã lặp lại từ 1950 đến 1975. Và nhiều nữ, rất nhiều tác gia và nghệ sĩ là nữ, những người mà bà và mẹ của họ còn chưa thoát dốt, còn nặng chữ tứ đức tam tòng, còn chưa ra khỏi bến sông.

Gương mặt phúc hậu của má Bảy nhắc tôi nhớ đến bà nội của mình. Sao lại có sự giống nhau kỳ lạ như vậy? Má Bảy người Tiền Giang, bà tôi người Cao Lãnh - Đồng Tháp, cũng phù sa sóng nước sông Tiền cả. Gương mặt chữ điền, trán vuông, cằm vững, mũi hơi to, gò má rộng, nhìn họ sẽ thấy ấy là con người nghị lực, thấu đáo nhưng vô cùng phúc hậu. Trong phim Má Bảy diễn lại những vai bà mẹ nghèo, cái khăn rằn sọc trắng đỏ, cái khoé môi có cả nước cốt trầu, cái đôi vai chúi xuống khi đau khổ, cái cách ấp góc khăn vào mặt khóc không thành tiếng… chao ơi, một bà má miền Nam điển hình, cô đọng, từng trải mà không nhiều lời. Tôi dám chắc khi xem bà diễn, ai người chưa hiểu miền Nam sẽ thấy gương mặt chữ điền là tuyệt đẹp - chứ không phải mặt trái xoan - và sẽ thấy yêu con người Nam Bộ, yêu hơi thở sông nước, yêu bãi yêu bờ, yêu sự toàn vẹn của đất nước mà cha ông đã tạo dựng nên.

Đa số phụ nữ miền Bắc có gương mặt trái xoan nhẹ nhõm, đa số chị em miền Trung có gương mặt vuông cương nghị và hầu hết phụ nữ miền đều có gương mặt chữ điền. Điền là ruộng, mà ruộng là đồng, là đất, và điền cũng là sự bền vững mà tôi đang nhớ và thầm cảm ơn. Vì đó là má Bảy Nam và gần gũi hơn, đó là bà tôi, người đã cho tôi máu thịt, gương mặt, tình cảm, văn hoá và cốt cách làm nên ngòi bút của mình hôm nay. Tôi tự hào với gương mặt chữ điền.

Cười tràn       

Có một câu tổng kết của người ngoại quốc dành cho người Việt khá chí lý: ăn nhanh, đi chậm, nói lớn, hay cười. Ăn nhanh, rõ rồi, từ lúc mới biết ăn đã luôn luôn nghe giục: nuốt đi, nhanh đi, cái đồ! Mới có vài ba cái răng đã bắt ăn, ép ăn, suốt ngày ép ăn chỉ vì không có sữa, trẻ con không có sữa tốt để uống dặm thêm nên lấy cái ăn làm nền tảng. Ăn sớm, nhai không được sinh ra biếng ăn, vì vậy bị quát mắng suốt từ nhỏ. Lớn lên thì ăn nhanh để còn đi bộ đến trường hoặc đi làm giúp cha giúp mẹ. Đi chậm, chính tôi cũng không hiểu sao ai cũng đi chậm, bây giờ thấy cánh già bỗng nhanh nhẹn, hăng hái hơn vì họ đi thể dục trong khi cánh thanh niên lưng dài vai hẹp lại hay lê dép lững thững đến quán cà phê sáng. Vả lại, dân mình đi đâu một quãng nếu không xe máy thì cũng xe đạp, ở vùng sâu đã có ghe đi xuồng làm chân mà đôi chân ấy không dẻo không sinh động như nhiều dân tộc khác vì không biết nhảy múa. Quả thật, nhìn một đám người Việt trên đường phố nước ngoài thật giống những giề lục bình trôi so với bước chân hăm hở ào ạt của dân bản xứ. Nói lớn, đương nhiên, đất nước tám chục phần trăm là nông dân nên nói lớn quen rồi, đồng ruộng bao la, sông nước trải dài, không nói to sợ người ta không nghe thấy, cứ thế ngồi giữa nhà bê tông ở phố xá vẫn nói năng nổi hết gân cổ như thường.

Cười, chắc phải dừng lại với cái chỗ hay cười của người Việt. Chúng ta là dân tộc thân thiện, điều này ai cũng thừa nhận, một dân tộc hiếu khách và rất dễ cười. Gặp nhau, không cười để thay câu chào coi như sẽ bị xem là “người không có miệng”, đến đám tiệc, dĩ nhiên, tiếng cười át cả tiếng nói và tiếng nhạc, vui quá nên đáng cười chứ sao. Nhưng đi đám ma gặp nhau cũng phải nhếch cái miệng lên cười, nghiêm trang được lúc xếp hàng đi viếng, còn thì đố ai nhịn được cười suốt đám - trừ thân nhân của người quá cố. Bây giờ dân ngoại quốc mới ngạc nhiên thực sự, đám tang nào cũng đông, mà lại có vẻ vui, không vui sao nhiều người nói cười thế?

Đã có mấy người bạn nước ngoài hỏi tôi một cách nghiêm túc về đặc điểm hay cười này. Chính tôi cũng hay cười trong khi bụng mình không muốn cười một chút nào, ví như bất thần đi lướt qua người hàng xóm mà mình không thích trên đường, ví như thinh không lại chạm trán mới hay bộ mặt đằng đằng của sếp ở cầu thang, ví như tình cờ gặp những người cao tuổi trong đám tang mà nếu không he hé cười và khẽ gật đầu chào thì không đúng lễ… Cười là đặc tính văn hoá hay vì mình là con người của đất nước nhỏ bé dập bầm nên cười cho qua, cười cho át, cười cho phỉ, cười cho lành, cười cho mạnh, cười cho đỡ phải khóc… nên cười mãi thành thói quen, thành một phản xạ không cần điều kiện nào cả?
Hình như có tất cả ý nghĩa ấy trong nụ cười của người Việt, bạn thử ngẫm cùng với tôi xem.

Bức tường gạch cũ

Một nghệ sĩ nhiếp ảnh người Pháp, bạn của chúng tôi mỗi khi chụp ảnh người Việt đều thích lấy cái phông tường cũ. Thông thường, ai cũng muốn mình lên hình đẹp, chung quanh nếu không hoa lá thì cũng một khung cửa sổ mơ màng, nếu là phông tường thì cái vách ấy phải phẳng và sáng. Một người phụ nữ khá xinh, áo quần tươm tất mà bị “dí” vào một bức tường lở lói để chụp, chắc chắn bức ảnh có giá trị nghệ thuật chứ không phải thứ cho chủ nhân lồng khung treo lên để khách khứa ngắm mình.
Nhưng đây là nghệ sĩ nhiếp ảnh ngoại quốc, không dễ yêu cầu. Có rủ họ đi đám cưới, a lê, đi cho biết nhưng cũng không thể khiến họ chụp cho vài pô cụng ly cười cười nói nói. Cậu ta ở trong nhà chúng tôi, “ba cùng” rất giỏi, mỗi chuyến sang Việt Nam lại vác máy đi về một vùng, khi về, đổ ảnh ra, toàn là những gương mặt và cảnh sống làm mình là người Việt mà cũng chạnh lòng: những nếp nhăn trên gương mặt một cụ bà, những ánh mắt sáng quắc vì đói của một em bé miền núi, một vũng nước sau trận mưa đêm ở một quãng đường vắng, một người cầm dù đi lẻ loi trên phố buồn…

Tôi ngắm những bức ảnh của mình. Tay nghề của nghệ sĩ “tây” có khác. Tôi thích nhất bức ảnh nửa người, phía sau là một bức tường gạch đặc trưng của Hà Nội. Hà Nội là thế nào trong con mắt người nước ngoài? Chắc chắn Hà Nội rất đông người, đi bộ trên phố cổ là cùi chỏ chạm nhau, Hà Nội nhiều rãnh cống lộ thiên và nhiều rác, Hà Nội nhiều hồ còn vỉa hè thì nhiều hàng quán đến mức không có lối đi. Ngành du lịch chúng ta hay hí hửng, Hà Nội xanh sạch đẹp, không đâu, du khách nước ngoài không tìm đến vì những thứ đó mà vì những thứ khiến họ như đi ngược lại, đi lùi về, đi giữa những thứ mình không sao tìm thấy ở một nơi quanh năm sạch sẽ ngăn nắp trau chuốt lạnh lẽo bên nước nhà. Họ đã phát hiện dễ dàng điều người sở tại nhàm chán và họ thú vị vì sự khác lạ đó.

Một bức tường lở lói rất dễ tìm thấy ở bất cứ khu phố nào của Hà Nội. Càng đọc kỹ bức tường sau tấm ảnh của mình, tôi càng thấy nó chứa đựng nhiều ngôn ngữ thông tin: khí hậu, mức sống, can qua, bể dâu, thăng trầm, nỗi niềm, hiện tại, tương lai… Thủ đô một nước đất đai chật chội gấp đôi Trung Quốc, lại không được qui hoạch vĩ mô một cách vững chãi lâu dài, làm sao không chen chúc, tróc lở và ngột ngạt trong thứ thời tiết hè thì oi ả mà lạnh thì ẩm mốc rong rêu? Bức ảnh cho tôi nỗi buồn của chính mình, buồn đến mức có “cãi” cho vui cũng không thể được, như là bị điểm huyệt vậy.
D.N
(nguồn: TCSH số 224 - 10 - 2007)

 

Các bài đã đăng
Rời (02/10/2008)
Ký ức xanh (02/10/2008)