Tạp chí Sông Hương - Số 221 (tháng 7)
Trang thơ kỷ niệm 60 năm ngày thương binh liệt sĩ
15:56 | 15/10/2008
Đất nước đã vẹn toàn một mối hơn ba mươi năm, song còn đó những nỗi đau âm ỉ, thấm vào cốt xương của thân nhân các thương binh - liệt sĩ, thấm vào máu thịt của những ai từng kinh qua hoặc không kinh qua chiến tranh mà nay đều được hưởng cuộc sống yên bình. Kỷ niệm 60 năm ngày thương binh liệt sĩ(27/7/1947 – 27/7/2007), Sông Hương xin nghiêng mình trước nỗi đau không hề ngẫu nhiên đã thấm vào thơ ấy…               *Nguyễn Gia Nùng - Triệu Nguyên Phong - Trần Đức Đủ - Huỳnh Tuấn Vinh

NGUYỄN GIA NÙNG

Cựu chiến binh

Người bác sĩ quân y già vừa dứt cơn đau
                              tỉnh ra trên giường bệnh
Ngỡ ngàng nhìn ông già người Âu lạ hoắc
                       đang run run tìm nắm tay mình
“Bác sĩ! Tôi là Giôn,
người được bác sĩ cứu sống năm xưa
ở Quảng Trị, Khe Sanh
Trở lại Việt lần này
sau khi biết chuyện Đặng Thuỳ Trâm
Tôi sẽ suốt đời mang tội vô ơn
Nếu không tìm gặp được ân nhân, bác sĩ”

Người bác sĩ già mắt lim dim
                        cố lục tìm trong trí nhớ
Những người lính Mỹ bị thương là tù binh nhiều chiến trường,
                             được ông cứu chữa
                                  đâu chỉ có mình Giôn!
“Là thầy thuốc, cứu chữa người là sứ mệnh thiêng liêng
Dẫu ông từng cầm súng ngắm vào tôi
Khi bị bắt, là thương binh
Tôi đâu thể chối từ
mặc cho ông chết được!”

Người cựu chiến binh già đến từ nước Mỹ,
                                    cười trong nước mắt
“Cám ơn! Cám ơn! Chúng ta là cựu chiến binh mà!
Nhưng ông còn là thầy thuốc!
Tôi biết ông làm sao nhớ được
Bao nhiêu người lính thương vong quằn quại dưới tay mình
Xin ông hãy tin rằng: Vẫn còn một nước Mỹ văn minh
biết xấu hổ, xót đau khi nhận ra những lỗi lầm
                                          dù đã thuộc về dĩ vãng
Người xuống đường biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam
                              năm xưa đã trở thành Tổng thống(*)
Ông Bush cùng vợ sang Việt Nam
          cũng đã cùng người dân Hà Nội đi cầu nguyện Nhà thờ
                           vô Sài Gòn tìm đến quán ăn ngon!”

Phút chia tay, cả hai cùng tay trong tay
                 miệng cười mà lệ ứa chứa chan
Giôn tặng lại người cứu mình năm xưa
         một viên đạn đặt trong hộp nhung màu đỏ
“Kỷ vật này suốt mấy chục năm trời, rời Việt
                                                                   tôi vẫn giữ
Giờ xin tặng lại bác sĩ
                  cùng muôn vàn lời xin lỗi, cám ơn!”
Cả hai cùng giật mình ngơ ngác nhìn lên
Từ lúc nào bao nhiêu người đã vây kín xung quanh
Trong mắt ai cũng long lanh giọt lệ!

-------------------------
(*) Tổng thống Bill Clintơn khi còn là sinh viên đã tham gia xuống đường biểu tỉnh đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam

TRIỆU NGUYÊN PHONG

Hồn thiêng

Tàu đi
              gác lại đường tà
Đèn khuya vàng vọt
                           xót xa chuỗi ngày
Dòng người
              khuất bóng tầng mây
Ủ êm lời gió
 đêm lay đọng về
Tàu đi sương núi vân vê
Bồn chồn đá sỏi,
            cơn mê rít gào?
Tàu đi
          trên những chiến hào
Hồn sông núi
đỏ
               thắm màu đất xưa
Trở mình
                    thấm lạnh giọt mưa
Hồi còi mãi vọng
                 tiễn đưa di hài...

TRẦN ĐỨC ĐỦ

Ngày giỗ

Ngày giỗ chồng
Dòng lệ
           không!
Sợi tóc trắng
                   chảy
Ngược về...
            gọi mãi
                                    Tuổi hai mươi!


HUỲNH TUẤN VINH

Hoa bất tử

Những ngọn nến lung linh
như những ngôi sao lung linh trong đêm
Những nén nhang nghi ngút
như làn sương mai dưới ánh bình minh

Bóng tối và bình minh
đang giao thoa

Những giọt sương mềm
rơi trong đêm tối
Những giọt nước mắt
rơi xuống cỏ của bình minh

Giọt sương và nước mắt
đang giao thoa

Người con gái đi trong thầm lặng
Giữa những ngọn nến
Giữa những nén nhang
Giữa những giọt sương
Giữa những dòng lệ
Tìm ai trong muôn vàn ngôi mộ
giống hệt nhau
của Nghĩa trang Liệt sĩ này?
Chỉ khác nhau
giữa nơi sinh và nơi tử
có nấm mồ vô danh.

Trên đôi tay mảnh khảnh
hàng ngàn đoá hoa bất tử
Lặng lẽ âm thầm
cúi người kính dâng!

(nguồn: TCSH số 221 - 07 - 2007)

 

Các bài mới