Tạp chí Sông Hương - Số 220 (tháng 6)
Thư gửi một độc giả thơ trẻ (2003)
14:49 | 17/10/2008
NUNO JÚDICENhà thơ, nhà phê bình văn học Nuno Júdice (sinh 1949) là người gốc xứ Bồ Đào Nha. Ông có mối quan tâm đặc biệt đối với văn học hiên đại của Bồ Đào Nha và văn học thời Trung cổ của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Là tác giả của khoảng 15 tuyển tập thơ và đã từng được trao tặng nhiều giải thưởng trong nước, ông cũng đồng thời là dịch giả và giảng viên đại học. Từ năm 1996, ông sáng lập và điều hành tạp chí thơ “Tabacaria” ở Lisbonne.
Thư gửi một độc giả thơ trẻ (2003)

Bức thư này được ông viết trong khuôn khổ “Mùa xuân của các nhà thơ” (le Printemps des Poètes), một hoạt động văn hóa do Pháp đề xướng, được tổ chức hàng năm với sự tham gia của rất nhiều người thuộc nhiều quốc gia trên thế giới.

T
rong một bài thơ đã cũ, tôi có viết rằng “thi ca, theo như cách tôi hiểu, là vô dụng”. Câu này có thể trở thành một giới hạn mà vượt qua nó, kẻ nào không quan tâm đến vấn đề thi ca có thể dừng lại. Chính là vì thi ca vừa có tính vô dụng nhưng lại vừa đồng hành với con người từ ngọn nguồn của anh ta và nó tiếp tục đồng hành với anh ta trong những thời điểm khó khăn nhất. Lý do là: bài thơ không đòi hỏi gì ở chúng ta cả, trái lại, nó cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần, với sự đơn giản tuyệt đối của nó. Chúng ta làm thơ chỉ với những ngôn từ và những ngôn từ này chúng ta đi tìm ở cuốn từ điển đơn giản nhất, đó là cuộc sống của bản thân chúng ta. Sỏi đá, xà phòng, xốp bọt biển, anh bạn, tình yêu, cái chết - đó có thể là những cây cột chống đỡ tòa nhà được xây dựng không dựa trên cái gì cả và cao đến tận trời, khi sự tập hợp những âm thanh đó mang hình dạng của câu thơ.

Lý do giải thích điều đó là, nói cho cùng, độc giả đầu tiên của bài thơ chính là anh bạn trẻ, vì anh bạn mà tôi viết bài thơ. Tôi không quen biết anh bạn, có thể chúng ta sẽ không bao giờ gặp nhau; nhưng luồng điện đã được thiết lập vào thời khắc mà những ngôn từ lóe lên sẽ không bao giờ có thể nhập vào bài thơ, nếu nó không được gửi gắm cho một người nào đó, người mà chỉ sự hiện hữu của bản thân bài thơ m
ới có thể khiến cho anh ta trở thành hiện thực. Thế là anh bạn hiện hữu, vượt qua những thời đại và những ngôn ngữ, tôi biết rằng bằng những lối đi mà cũng chẳng một ai trong chúng ta có thể ngay cả mơ ước, bài thơ sẽ đến được cửa của những dòng sông phận người, những dòng sông kéo dài cuộc sống của các cộng đồng, theo hành trình trong lòng đất của dòng nước chảy sâu giữa những gốc rễ của ký ức, cho đến khi nó tìm thấy được lòng sông tự nhiên của mình.

Đây chính là nơi anh bạn có thể tìm ra điều gì tạo nên sự khác biệt của bài thơ và ngăn không cho nó chết. Bài thơ có thể được nói to lên, thì thầm vào tai anh bạn, hay có thể chỉ được thì thào, tránh xa những đôi tai khó ưa, nhất là nó còn có thể được thốt ra trong câm lặng, bên trong chúng ta, được học thuộc lòng, và đó chính là lúc ca khúc của nó đạt được sức mạnh to lớn nhất, đến mức khôi phục cho chúng ta sức mạnh mà chúng ta tưởng đã mất đi, bởi vì điều cho phép phân định được tiếng nói của nhà thơ, chính là ở chỗ mỗi một chúng ta đều có thể đảm nhận nó như với tiếng nói của chính mình.

Có một kiểu luyện tập lạ lùng thường được thực hiện giữa trẻ con với nhau; đó là lặp lại một từ một cách trọn vẹn. Đến một lúc nào đó, kẻ lặp lại nó nhận ra rằng âm thanh đã chiếm lĩnh từ, làm cho nó rỗng hết mọi ý nghĩa; cái mà chúng ta nghe thấy trở thành vỏn vẹn một đoạn âm, và chúng ta có thể gán cho nó bất kỳ một ý nghĩa nào khác. Như thế, từ đã được lặp lại một nghìn lần rốt cuộc có thể có nghĩa là hoa hồng, hay giọt lệ cuối cùng được chuyển hóa thành đại dương. Điều đó nói cho cùng cũng chính là đặc trưng của bài thơ. Dù cho chúng ta đọc thơ hay nói thơ, trong bao nhiêu lần đi nữa, thì ý nghĩa của bài thơ vẫn không bao giờ cạn kiệt và mỗi một lần như thế chúng ta lại thấy nẩy sinh từ bài thơ những điều mà trước đó chúng ta chưa hề mường tượng ra là có thể có.

Khi bắt đầu lá thư này, tôi quên không nói một điều: trong câu thơ thứ hai của bài thơ mà ở đó tôi đã đề cập đến tính vô dụng của thi ca, tôi đã hỏi: “Thế thì tại sao tôi lại đến tận nơi này?” Và câu trả lời có lẽ là như sau: để biết được mỗi lần tôi viết một bài thơ điều gì sẽ lại lóe lên từ bài thơ đó. Vào những dịp chợ phiên trong thời thơ ấu của tôi, có những nghệ sĩ vụng về cố sức kéo ra những vật mới lạ từ những chiếc mũ rỗng, hay cũng có khi cố rút ra giữa một bộ bài cũ kỹ những lá bài vô hình. Bài thơ cho phép chúng ta làm điều đó mà không cần cầu viện đến những mánh khóe và càng không cần đánh lừa người xem. Sự biến thân nẩy sinh từ bên trong bản thân các ngôn từ nhờ vào ma lực đến từ âm nhạc có ở trong chúng, và mỗi một người trong chúng ta đều học cái ma lực ấy khi bắt đầu nói.
Và cuối cùng anh bạn sẽ thấy, dù cho thi ca tiếp tục là vô dụng, rằng mình sẽ không thể nào sống thiếu nó.
(Nguyên bản tiếng Bồ Đào Nha dịch
từ bản tiếng Pháp của Isabel Meyrelles
PHẠM THỊ ANH NGA dịch

(nguồn: TCSH số 220 - 06 - 2007)

 

Các bài đã đăng
Vọng thời gian (17/10/2008)
Thơ Thiếu Nhi (17/10/2008)