Tạp chí Sông Hương - Số 219 (tháng 5)
Tokyo mùa hoa anh đào
09:04 | 22/10/2008
TRẦN THÙY MAICác quan chức ngành khí tượng Nhật Bản đã cúi gập mình xin lỗi toàn dân: Hoa anh đào sẽ nở ngày 23 thay vì 16 - 3 như dự báo. Đến sân bay Narita vào đúng sáng 24, tôi tự nghĩ mình đến rất kịp thời, nên khi cậu cảnh sát làm thủ tục nhập cảnh hỏi về mục đích đến Nhật, tôi đã không ngần ngại trả lời chắc nịch: “Ngắm hoa anh đào”. Cậu cảnh sát khoanh cái rụp vào lời khai của tôi và “OK” ngay với một nụ cười trên môi.
Tokyo mùa hoa anh đào

Mãi khi đi dạo trong công viên Zempukuji tôi mới hiểu hết ý nghĩa của nụ cười ấy.
Dự báo vẫn tiếp tục sai. Công viên Zempukuji vắng lặng, mặt hồ nghiêm nghị, chốc chốc vang tiếng quạ kêu thật cô tịch. Đâu đâu cũng thấy người ta bàn tán về chuyện hoa chưa nở. Với người Nhật, mùa anh đào nở hoa là một sự kiện quan trọng; có lẽ cũng vì thế mà trên thế giới chỉ học sinh Nhật có thêm một kỳ nghỉ xuân (tuần cuối tháng ba và tuần đầu tháng tư). Hoa anh đào là quốc hoa của Nhật Bản, được trồng khắp nơi trên đất Nhật. Hoa cả năm chỉ nở một lần, nhất loạt và chỉ nở trong một tuần rồi cũng nhất loạt tàn. Vì vậy, người ta canh chừng thời điểm hoa nở để sống cùng hoa, đó là những thời khắc thiêng liêng, như người Nhật thường nói: Trong những ngày hoa nở, mọi việc đều được tha thứ.
Vậy mà năm nay, sau mấy đợt rét trái mùa, hoa đã sai hẹn với người như thế đấy.

Đêm đầu tiên, Mori dặn tôi trước khi đi ngủ: “Nếu động đất thì chị phải chạy về phía này, đừng  để cái tủ nó ập lên đầu”. Tôi hoảng hồn: “Ở Tokyo có hay động đất không?” “Có chứ, đất chao đảo là chuyện thường”.
Nghe mà ớn lạnh. Sáng mai thức dậy, đã nghe ti vi loan tin động đất ở miền Bắc nước Nhật. Phen này đi ngắm hoa không biết có thấy hoa không, lỡ xui xẻo gặp động đất thì thật hết hơi...
Chúng tôi đi tắm nước nóng, lần đầu tiên tôi vào một nhà tắm chung ở Nhật. Người Nhật có thói quen vài tuần đi tắm một lần, nhà tắm rất sạch sẽ, dựng bên những dòng suối khoáng chảy từ vùng núi lửa. Khi tắm người Nhật chẳng giữ mảnh vải nào trên người, cứ thế hoàn toàn “thiên nhiên” đi hết hồ này sang hồ khác (Tất nhiên nam và nữ tắm trong hai khu vực hoàn toàn riêng biệt). Khi ngâm mình trong nước ấm họ rất lặng lẽ, trầm ngâm, rất đông người nhưng hình như mỗi người một cõi riêng, không hề có tiếng động. Sau vài giờ ngâm mình, xông hơi và “trầm tư mặc tưởng” như vậy, người ta vào phòng lau người, mặc bộ áo vải gai mịn, sấy tóc rồi lên một nhà khác, nơi đấy ta có thể ngủ một lát trên sàn gỗ sạch bóng, ấm áp, trong cảm giác thư giãn đến tận cùng. Nhiều cặp vợ chồng nằm châu đầu với nhau, những đôi tình nhân trẻ thì không dám nằm như vậy, họ ngồi bên nhau nói chuyện thì thầm. Sau giấc ngủ thoải mái, người ta có thể thưởng thức món sushi trong nhà hàng kế cận, cũng rất yên tĩnh và sạch sẽ, trước khi lên xe ra về... Mori bảo tôi, trong cuộc sống bận rộn và hối hả của một Tokyo hiện đại, “tắm nước nóng là niềm an ủi cuối cùng của người Nhật”.
Nhân nói về Sushi, là món cá sống nổi tiếng của người Nhật, Mori dẫn tôi đến ăn ở tiệm sushi gần nhà. Sushi Nhật tươi, ngon và trình bày rất đẹp với nhiều màu sắc. Thế nhưng Imamura bảo tôi: “Mori cho chị ăn sushi giả đấy. Tôi sẽ mời chị sushi thật”. “Sushi thật” của Imamura là sushi trong các hàng ăn ngay chợ cá Tokyo - Chợ cá lớn nhất thế giới. Cả khu chợ mênh mông này tuy mang tiếng là chợ cá nhưng hết sức sạch sẽ, hoàn toàn không có chút mùi tanh nào. Mori giải thích cho tôi biết: người ta cứ tưởng món cá sống có xử lý ngâm tẩm gì đó, nhưng thật ra không ngâm tẩm gì cả, cá không tanh mà lại thơm là vì cá tươi nguyên. Tại đây vì muốn giới thiệu món ăn “quốc hồn quốc túy” của Nhật Bản một cách đích thực, Imamura đã bấm bụng chiêu đãi Mori và tôi món sushi đắt tiền nhất, mỗi miếng đút vào miệng là 5 đôla; vị đậm đà và ngon đặc biệt, màu sushi đỏ thắm, trong vắt như san hô, hỏi kỹ mới biết, thì ra đấy chính là cá ngừ! Tất nhiên đây là loại cá ngừ ở tít ngoài khơi Thái Bình Dương.

Chị Kato Sakae hẹn sẽ đi tàu tốc hành đến Tokyo thăm. Buổi chiều, tôi đang chuẩn bị đến chỗ hẹn thì Mori báo tin đêm nay bão. Tôi hỏi: “Thế thì phải hoãn cuộc hẹn?” Mori cười: “Không, người Nhật đã hẹn thì bão vẫn cứ đi”. Kato vừa đi Việt về đang còn bị rối loạn tiêu hóa, nên ba chị em đành hẹn hò ở tiệm cháo. Kato khuyên tôi nên đổi vé máy bay ở lại cho đến khi anh đào nở. Tôi nói ở gần nhà Mori có một cây vừa nở, xem như tôi đã thấy mùa hoa đào rồi. Kato nhất định không chịu: “Thấy một vài cây, chưa thể nói là đã thấy hoa anh đào”.
Hôm sau Kato dẫn tôi lên một chiếc xe buýt du lịch, đi thăm những vùng nổi tiếng của Tokyo : Hoàng cung, cầu vồng, chùa Senso. Chùa Senso là chùa Nhật Bản tiêu biểu nhất, trên đường vào chùa còn những bức vẽ cổ xưa kể lại cảnh các tướng quân đến thăm chùa thuở trước. Một giàn rất lớn treo lủng lẳng những tấm bảng gỗ nho nhỏ chi chít chữ, đấy là những lời cầu nguyện của thiện nam tín nữ dâng lên đức Phật... Ở nhà ngang người ta bán rất nhiều bùa hộ mệnh với cái giá 500 yên, hóa ra trong những xã hội văn minh nhất con người vẫn sống với rất nhiều niềm tin huyền hoặc...
Rời tháp Tokyo - nơi có thể nhìn bao quát khắp cả thủ đô rộng lớn, chúng tôi đi thăm một ngôi đền nổi tiếng.

Từ cổng đền bước ra, tôi và Kato bàng hoàng: khắp hai bờ hào quanh lâu đài Edo , hoa anh đào đã nở, một màu trắng hồng man mác rợp bóng trên mặt nước. Cảnh tượng đẹp như tranh vẽ, những cành anh đào trắng mỏng manh rủ xuống, vươn ra trên mặt nước trong xanh... Một nỗi xúc động lan tỏa trên nét mặt những người đang đổ ra hai bên bờ hào, nỗi xúc động sau những ngày trông ngóng... Năm nay anh đào trễ hẹn một chút, để giờ gặp gỡ càng ngỡ ngàng, xao xuyến nhiều hơn...
Tôi trở về, báo cho Mori biết tin, hoa đã nở.
Sáng sớm mai, khắp các công viên trong thành phố đã đầy ngập nam thanh nữ tú đi ngắm hoa. Công viên Ueno, công viên Thượng uyển (ngày xưa là vườn cấm dành riêng cho các Shogun tướng quân) v.v... và nhiều công viên khác đều rợp bóng anh đào. Những cây anh đào đã hàng trăm năm tuổi, dáng cao lớn mà vẫn thanh tú, với đặc điểm ngọn cây càng cao dần theo thời gian thì những cành mảnh mai càng sà xuống gần mặt đất, mặt nước, tạo thành một dáng vẻ hài hòa nên thơ, như  biểu trưng cho cả hai xu hướng tâm linh và thực tế hài hòa trong tâm hồn người dân Nhật.

Trên hồ Inokashira, những chiếc thuyền êm đềm trôi. Tục truyền rằng ở hồ này có một nữ thần tên là Bentensama do phải chịu thất vọng trong tình yêu nên rất ghen ghét với những cặp tình nhân hạnh phúc, vì vậy đôi nào dẫn nhau đến đây về sau đều bị chia lìa. Tuy truyền thuyết là vậy nhưng trên hồ tôi vẫn thấy nhiều đôi trai gái kề vai nhau trên những chiếc thuyền con, và cả một vài đôi tóc đã hoa râm cũng buông mái chèo dưới những tàn cây anh đào, trong khi gió thổi cánh hoa bay nhẹ trên mặt nước.
Lác đác hoa anh đào đưa đường chúng tôi đến nghĩa trang, nơi có mộ liệt sĩ Trần Đông Phong! Nghĩa trang vắng lặng, tiếng quạ kêu man mác buồn. Trần Đông Phong nằm đây đã nhiều năm, nấm mộ của ông được bà Ando (người vợ Nhật Bản của Hoàng thân Cường Để, biểu tượng của phong trào Đông du chống Pháp, lưu vong hơn 40 năm trên đất Nhật) chăm sóc. Theo tư liệu của Mori Erisa, khi tro cốt của Cường Để được đưa về nước, bà Ando đã giữ lại cho mình một phần tro xương, về sau bà đã chôn ngay trên nấm mộ này. Bà Ando nay đã mất, cách đây vài năm có người đến viếng đã kể lại mộ rất hoang tàn, cỏ mọc cao ngất. Nhưng hôm nay, khi Mori và tôi đến đặt hoa viếng mộ, mộ rất sạch sẽ tươm tất, có hoa tàn, chứng tỏ trước đó ít lâu vừa có người thăm, trên nền mộ một thứ cỏ đẹp mọc gần kín, chắc phải có người trồng. Phải chăng những năm sau này, du học sinh Việt sang Nhật ngày càng đông, nên nấm mộ của Trần Đông Phong đã có được sự chăm sóc ấm áp của những người ruột thịt?

Ngày chủ nhật, trước khi tôi về Việt , Mori còn rủ tôi “tranh thủ” ngắm hoa đến phút chót. Cả nhà Mori xách theo sushi, bánh ngọt, rượu Sakura và bia Asahi tiến vào công viên Zempukuji. Nơi một tuần trước vắng lặng với tiếng quạ kêu, giờ đây khắp mặt đất người ta trải những tấm vải lớn, ngồi quây quần từng nhóm một ăn uống, chuyện trò, hát karaokê... thật nhộn nhịp; vừa vui chơi, người ta vừa nhìn lên cả rừng hoa đang rợp bóng, nổi bật trên nền trời Tokyo mùa xuân phơn phớt xanh.
Ngồi chơi đến hai giờ trưa thì Mori hối hả kéo tôi dậy, chạy về nhà lấy hành lý, lên taxi. Chuyến tàu cao tốc đưa chúng tôi đến sân bay Narita vừa kịp giờ máy bay cất cánh.
 Một lời chào cũng rất là Nhật Bản: “Chị về nhé, giờ thì em không ân hận gì nữa... Vì chị đã kịp thấy hoa anh đào!”.
T.T.M

(nguồn: TCSH số 219 - 05 - 2007)

 

Các bài mới
Vũ nữ* (22/10/2008)
Các bài đã đăng