Tạp chí Sông Hương - Số 218 (tháng 4)
Có một dòng sông đã qua đời
14:56 | 28/10/2008
HOÀNG DIỆP LẠCCó sự gắn kết nào đó gần như là định mệnh giữa hai con người Trịnh Công Sơn và Nguyễn Xuân Hoàng. Sơn và Hoàng có cùng quê quán ở huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Và cả hai đã sinh ra ở miền cao nguyên, nơi bụi đỏ và sương mù hoà trộn, tạo thành những hạt huyết dụ trôi chảy theo các mạch máu trong thân thể của những con người xứ bụi mịt mùng.
Có một dòng sông đã qua đời

Ngày 28 tháng 2 năm 1939, Trịnh Công Sơn chào đời tại Daklak. Ngày 30 tháng 8 năm 1966 ở Fleiku cậu bé Nguyễn Xuân Hoàng nhận “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”.
Xứ Thần kinh, nơi Sơn và Hoàng trưởng thành và có rất nhiều kỷ niệm, những thương yêu đã âm thầm ghi lại dấu ấn của Sơn và Hoàng trên những góc phố thơ mộng. Người nhạc sĩ tài hoa này cũng đã học ở trường Thiên Hựu nay là trường Đại học Khoa học, ngôi trường mà Nguyễn Xuân Hoàng đã lấy bằng cử nhân văn chương. Kỳ lạ thay, cùng một cái hành lang không dài và hẹp ở đường Nguyễn Trường Tộ, nơi một thời lưu giữ hình bóng hao gầy của Trịnh, sớm khuya lên xuống những nấc thang vui buồn. Cái hành lang đó cũng là nơi, mười lăm năm Hoàng ngày đêm thao thức, trăn trở về tình yêu, sự chết và thiện mỹ cho đến lúc lìa trần. Một không gian bé nhỏ lại chứa những tâm hồn bao la. Cái xứ sở lạ lùng này đã khiến rất nhiều người ray rứt. Nhưng có lẽ yêu thương đến cháy dạ cháy lòng thì không nhiều, và đặc biệt gửi gắm vào tác phẩm của mình những cảm xúc về xứ Huế thì không mấy ai như Sơn và Hoàng. Với Trịnh Công Sơn thì hầu như mọi người đã biết quá nhiều về ca khúc của anh. Còn Nguyễn Xuân Hoàng, với Hương mùa thu in năm 2001, Cỏ hoa xứ Huế in năm 2004 và Ký ức Quỳnh Hương đang in và nhiều truyện ngắn trên các báo, đang ở trong ngăn kéo cùng nhiều bài thơ nói về định mệnh mà Hoàng thường hát lên trong những lúc vui buồn gặp anh em. Những sáng tác của anh gợi lên nhiều tiếc nuối, nhiều kỷ niệm, nhiều hình ảnh của quê hương. Ngày Sơn mất (01/4/2001), Hoàng đi suốt đêm, đi như một bóng ma, cứ bước mà không biết về đâu. Bước chân Hoàng lan man thầm lặng rơi cùng những giọt lệ héo khô theo những giai điệu của Sơn. Những tiết nhịp bàng bạc sương khói, miên man phận người, nồng nhiệt yêu thương đã dẫn dắt tâm hồn nhiều thế hệ vượt qua những rào cản duy lý, nối kết lại tình người.

Nguyễn Xuân Hoàng từng nói, nhạc Trịnh là sự cứu rỗi của riêng tôi, là chỗ dựa tinh thần của thế hệ chúng ta. Nhạc Trịnh được nhiều thế hệ biết đến và rất nhiều người thuộc lòng. Ở bất cứ không gian nào; từ vỉa hè cho đến giảng đường, từ núi rừng cho đến biển khơi, từ nông thôn cho đến thành thị, khi buồn khi vui, khi giận dỗi, yêu thương, khi khổ đau, hạnh phúc,... nhạc của Sơn đều rung vang một cách trang trọng xoáy vào hồn người. Để lý giải điều này, chúng tôi thường nói đến âm hưởng ca dao trong nhạc của ông, ngoài âm hưởng ca dao, trong nhạc của Trịnh còn man mác nỗi buồn của Phúc âm, tính phù ảo của triết học hiện sinh, một hoài vọng về tình yêu vĩnh cửu, sự hiện hữu thường hằng của vô thường và hơi ấm của lời kinh len theo tiếng chuông chiều tịch lặng... Không giống nhạc tiền chiến mang âm hưởng của nhạc cổ điển, cũng không giống nhạc thời hiện đại nghiêng về bên này hay bên kia, nhạc Trịnh chỉ nói lên nỗi niềm bi thiết của phận người quá bi đát trong dòng chảy thế mệnh, huống hồ trong dòng chảy đó lại có những khúc quanh của lòng đố kỵ vu vơ, của toan tính hèn mọn, của đạn bom huỷ diệt, của bạo tàn chiến tranh.

Vì sao tôi viết về sự ra đi của Nguyễn Xuân Hoàng mà lại liên tưởng đến Trịnh Công Sơn. Bởi, nhạc Trịnh là nỗi ám ảnh của Hoàng. Hoàng đang viết tác phẩm “Bút ký chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn” mà anh rất tâm đắc, nhưng vẫn còn dang dở (!). Dưới đây là tiêu đề một số bài viết đã hoàn thành: “1. Ngày của tin buồn. 2. Ngồi dưới hiên nhà. 3. Biển gọi tên em. 4. Hai cuộc giải thoát bất thành. 5. Những giả định chân lý. 6. Người lữ hành cô độc. 7. Những câu chuyện về giấc mơ. 8. Nhấn thân vào cõi tạm phù hoa. 9. Bậc á thánh của siêu hình”... Rồi hình ảnh thân thương của Nguyễn Xuân Hoàng còn in dấu ở trên các nẻo đường, khi cất lên tiếng ca “Những hẹn hò từ nay khép lại”, là “Đá lăn, vết lăn trầm”, “Tình yêu như trái pháo, con tim mù loà”, “Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi”... Như lời của Hoàng nói “Trịnh Công Sơn đã ra đi. Nhưng chính là ông đã trở về”. Và Hoàng cũng đã trở về, một cuộc “qui khứ lai hề” biệt ngộ thật cao sang, lộng lẫy hiếm thấy. Tất cả chúng ta, rồi ai cũng sẽ trở về. Về với huyền mệnh. Và rạng sáng ngày 16/12/2006 “có một dòng sông đã qua đời”.

Nguyễn Xuân Hoàng là một trong vô số những dòng sông đã qua đời. Cho đến hôm nay, trên những chiếc bàn quạnh quẽ bên hiên đời, bên dòng sông Hương mà Hoàng rất yêu dấu và thường ngồi để chiêm nghiệm bản thể chính mình, anh em bầu bạn vẫn dành một ly rượu cho anh. Ngày Hoàng chọn “một cõi đi về” để huyền ngộ cùng các anh Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Thái Ngọc San,... trên chiếc Xích lô hề bay bổng của thi sĩ Phương, ngày đó đất trời xứ Huế tràn ngập mưa và nước mắt, những cơn mưa mù trời, mù đất. Ừ! Thì người ra đi, cứ đành đoạn đi như những câu thơ tuyệt mệnh người đã gửi lại dương gian:
...Ta đi bỏ lại bên thềm vắng
Một đoá vô thường em hái không?
Trong bài thơ cuối cùng Lệ nến của Nguyễn Xuân Hoàng, có những câu thơ rất ám ảnh về cuộc biệt ly vĩnh viễn mà anh thường hát cho mọi người nghe trong những ngày cuối của đời mình.
Cháy nữa thôi nến ơi
Một kiếp người ngắn ngủi
Đốt cạn xác thân này
Làm tro tàn tiếc nuối
Người đi để lại quá nhiều vết cắt đau thương trong lòng anh em và bầu bạn. Cuộc tử hành thân xác của Hoàng là một sự thật, sự thật phi lý như bao điều phi lý khác đã xảy ra và đang ngự trị trong đời sống hanh hao, guộc gầy và mong manh của phận người.
     Huế, 24/12/2006                                                                                                         HDL

(nguồn: TCSH số 218 - 04 - 2007)

Các bài mới
Trong không khí (29/10/2008)
Sáu tấc đất (28/10/2008)
Các bài đã đăng
Day dứt (28/10/2008)
Nhớ con! (28/10/2008)