Tạp chí Sông Hương - Số 217 (tháng 3)
Ca khúc Bích Anh (*) - ngăn ngắt tình hoài hương
10:54 | 30/10/2008
NGUYỄN THỤY KHAĐọc Dòng nước trong (Ca khúc Bích Anh), Nxb Đà Nẵng, 2006


Trong trí nhớ mờ sương của tôi, Bích Anh hiện lên như cô bé quàng khăn đỏ bước ra từ cổ tích và đứng hát hồn nhiên trên sàn diễn trẻ thơ của Sài Gòn 1975 sau ngày giải phóng. Ngày ấy, giai điệu “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của Phong Nhã đã đưa cô bé Bích Anh tới vinh dự đoạt Huy chương Vàng cuộc thi hát thiếu nhi Sài Gòn 1975. Là người lính giải phóng, tình cờ được nhận vào mình ấn tượng trong ngần của giọng hát nhi đồng này, tôi tự nhủ thầm: “Thế là từ nay, sau hai mươi năm đứt quãng, các em bé Việt lại được hát tự do những giai điệu về Bác Hồ”. Không ngờ, mười năm sau, vào dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng Sài Gòn, tôi lại được gặp và nghe Bích Anh hát cùng nhóm “Dây leo xanh” của cô do nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu giáo dưỡng. Cái giọng hát thanh mảnh, truyền cảm như chính dáng điệu thiếu nữ của Bích Anh đã khiến người nghe có cảm giác bị chinh phục thật ngọt ngào. Và giờ đây, sau hơn 30 năm, tôi lại được nghe giọng hát Bích Anh đang hát lên những giai điệu của chính mình. Đó là một duyên ngộ thật lạ giữa dòng thời gian vô thủy, vô chung. Cứ thế, giọng hát lan toả vào tôi những giai điệu ngăn ngắn tình hoài hương.

Có lẽ nhờ được giáo dưỡng bởi thầy Cầu - “Quả chôm chôm biết hát” đầy tài năng và tình thương - và sự chăm sóc như con gái của anh Sơn (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) thân thiết, Bích Anh đã nhập vào mình tự nhiên từ lúc nào một thế giới mỹ học sáng láng, nhân bản. Ám ảnh nhất trong những giai điệu ấy là “Sợi dây leo màu xanh” mà Bích Anh viết dành tặng tất cả những người bạn của mùa hè đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Hình ảnh của giai điệu thật giống như sợi dây leo cuốn quanh dòng nhạc với những thi ảnh mơ màng, thanh xuân của ca từ: “Màu trời xanh ngát - miền cỏ thơm ngát - Lùa vào chân bước - Nhẹ nhàng êm ái - Ôm tròn những gót chân son - Đường dài ra suối - Ngập tràn tiếng hát của đàn chim bé dại - Còn tung cánh bay...”. Một hồi ức thiếu nữ trinh trắng quấn quýt bên nhau ca vang đẹp đến nỗi muốn van xin đấng tối cao hãy dừng thời gian giây lát: “Xin trái đất ngừng quay - xin mây trắng đừng bay - Cho cây lá còn xanh tươi - Cho ta mãi gần bên nhau cùng đi suốt con đường...”. Giai điệu được nhắc lại như ước muốn đừng bao giờ tan biến những ngày xanh biếc như những sợi “dây leo xanh mát mẻ trẻ trung và yêu đời”. Khao khát bỏng cháy như nốt pha trung âm của giọng rê thứ đột ngột được thăng cao nửa cung mang hơi thở giọng trưởng đồng âm. Nốt pha thăng ấy còn xuất hiện cuối bài trong đoạn quay trở về giai điệu ban đầu dường muốn khắc tạc mãi mãi hạnh phúc những năm tháng đã rời xa: “Đàn trẻ yêu mến - Hồn bừng hương mới - Lòng bàn tay trắng trong. Đầy những dây leo xanh - Sợi dây leo màu xanh - Sợi dây leo màu xanh - xanh mãi”. Có lẽ, đấy cũng là lý do các cô gái yêu ca hát đã chọn cho nhóm của mình cái tên “Dây leo xanh” dễ thương từ những buổi lãng du đi biểu diễn ở các đơn vị thanh niên xung phong tại các vùng rừng núi miền Đông Nam Bộ những ngày đầu giải phóng.

Tình hoài hương trong ca khúc Bích Anh cứ ngăn ngắt trong những giai điệu về “Lá”, “Thảo”, “Lúa”, “Mưa”, “Đồng nội”, “Cánh diều xưa”, “Núi”, “Buồm”. Cái bát quái hoài hương này khiến cái tình xa xứ cứ xoay tròn day dứt. Vừa mới buồn vì: “Khi mùa thu đến vàng khung trời - Lá sầu gieo xuống thành muôn lời - Nát vì lót mềm bước chân lạ khóc - Vì khô gầy xa cành xưa...”, thì đã vui và đã yêu khi thấy: “Mọc hoang trên lối vắng những cành hoa màu tím tơ - Hồn hoa như giấy mới rất yêu đời và rất vui...”. Vừa thấy “ngọt ngào tiếng em - nhẹ trong hương lúa - chiều buông nắng say thả cho lúa bát ngát...”, đã nghe: “Mưa đang rơi em bé ríu rít ngoài hiên - chim bay về đứng hót líu lo chuyện trên trời...”. Vừa thả hồn trên đồng nội với: “Hoa giăng muôn lối nhỏ - Nở ngát bàn chân sai nhún nhảy - Như chim xanh bay giữa trời - Em tung tăng giữa đồng nội...” đã bâng khuâng: “Con diều xưa - chờ mây gió bay cao - Thả hơi nắng tươi - Mùa xuân về...”. Vừa nhớ Trịnh Công Sơn với “Núi ngồi yên - Con mắt trời nồng ấm...” còn mình thì lại thấy: “Núi ngồi - Dòng sông chảy xuôi”, đã thấy trên sông ấy: “Một ngọn buồm trắng mơ...”. Giai điệu Bích Anh có những khi mềm mại dây leo xanh, có những khi lại dựng đứng như bức tường, như vách đá của thác dốc tâm tư.

Nghe ca khúc Bích Anh, không hiểu sao tôi cứ nghĩ đến một bài thơ rất hay của một thiên tài thơ Nga bị ruồng bỏ - Ô Xip Man-delstan. Bài thơ có tên là “Im lặng” cứ khiến ta cứ liên tưởng đến khoảnh khắc ở giữa “những ngôn từ kết thúc” và “khi âm nhạc bắt đầu”. Bài thơ như giải thích cho tôi cái bút pháp hồn nhiên mà Bích Anh sử dụng để sáng tạo nên những ca khúc của mình: “Nàng còn chưa ra đời - Nàng vừa là nhạc vừa là lời - và vì vậy sợi dây không dứt - nối kết mọi sinh thể... Ước gì miệng tôi lấy lại được - Sự im lặng buổi ban đầu - như một nốt nhạc pha lê - trong vẻ trong trắng trinh nguyên...” (Bản dịch cuả giáo sư Phạm Vĩnh Cư - N.T.K). Dường như thấm vào mình cách lập ngôn của Phạm Trọng Cầu và Trịnh Công Sơn, Bích Anh đã lôi kéo bằng cảm xúc cả nốt nhạc lẫn ngôn từ vào cuộc chơi chung, khiến cho ca khúc của mình có dáng vẻ “vừa là nhạc, vừa là lời”. Rất khó có thể tách rời nhạc và lời trong ca khúc Bích Anh, giống như ta đã từng khó khăn như không thể làm được với ca khúc Phạm Trọng Cầu và Trịnh Công Sơn. Nhạc cũng đầy chất thơ mà lời cũng đầy chất thơ. Hai chất thơ ấy hoà vào trong một “dòng nước trong” của tâm hồn đầy trắc ẩn. Điều này có ấn tượng rất rõ trong bài “Mẹ” mà chắc chắn Bích Anh đã dốc cả trái tim rớm lệ nhớ nhung của mình vào giai điệu dành kính tặng người mẹ của mình

Mẹ như vầng trăng
Mẹ như dòng suối mát
ngọt ru đời con
đêm dài
Mẹ như dòng sông
phù sa đỏ thắm
nuôi đời

Gió mây hát ra lời mẹ
ru giấc xưa
Bao ngày nắng bao ngày mưa giông thác đổ

Đoá lan hương bên trời
ngát mênh mông
trái tim yêu trái tim mơ trái tim không lượng bờ
Toàn ca khúc đầy chất thơ, nốt đô thăng thơ nhất và chữ “Lượng” ở câu kết là thơ nhất. Siêu thực đến ngạc nhiên: “Trái tim sâu không lượng bờ”.

Nếu ở ca từ, Bích Anh đã khiến ta ngỡ ngàng như: “Người trên đường không lẽ quen - Mà trong lòng bỗng thấy vui...” hay “và đôi bàn tay lỡ quên - Hái cánh hoa xinh xinh lìa thân buồn...” thì trong giai điệu, Bích Anh cũng mở cho ta thấy sự tìm tòi ẩn sâu trong tư duy hoà thanh. Bài “Tóc tơ” cho ta rõ Bích Anh đã “chơi” hoà thanh rất riêng tư như thế nào. Ca khúc không ghi hoá biểu ở đầu dòng nhạc với câu hát đầu gồm hai âm tiết tiến hành trên giọng đô trưởng. Câu thứ hai cũng với hai âm tiết mô phỏng câu thứ nhất nhưng tiến hành trên giọng thứ đồng âm với sự xuất hiện rất si giáng. Ở đoạn sau, ngay từ tiết nhạc đầu đã thấy có sự lạ trong các nốt của giai điệu. Cũng là nốt đồng âm nhưng hai ô nhịp đầu, tác giả ghi nốt mi giáng, còn ở ô nhịp cuối tiết, tác giả lại ghi rê thăng. Mặc dù về cao độ, mi giáng bằng rê thăng như về hoà thanh, khi ghi nốt giai điệu như thế, có lẽ hai nghệ sĩ guitare Trần Văn Tài và Vũ Văn Tuyên phải tìm một cách chuyển theo đúng gợi ý ghi trong giai điệu. Điều đó, khiến đoạn sau của “tóc tơ” có vẻ “rối bời’ hơn đoạn đầu. Không chỉ thế, ở các tiết nhạc sau, tác giả còn cho nốt át âm - nốt sol. thăng bất chợt rồi lại bình bất chợt, khiến hiệu quả “rối bời” càng rõ rệt hơn. Cũng với cách riêng như thế, Bích Anh đã tạo ra một nỗi nhớ rất “gồ ghề” trong ca khúc “Nhớ”. Việc trộn lẫn giọng mi thứ và giọng mi trưởng trong nhịp đảo phách liên tục đã cho thấy rõ sự “gồ ghề” này. Và giai điệu còn gồ ghề hơn khi tác giả cho xuất hiện những nốt hạ âm - nốt la, thăng bất chợt và bình bất chợt. Nếu Trịnh Công Sơn đã từng da diết: “Em còn nhớ hay em đã quên - Nhớ đường dài - Qua cầu lại nối - Nhớ phố xưa quen - Nhớ tên bàn chân - Nhớ ngựa thồ - ngoại ô xa vắng - Nhớ xôn xao - Hàng quán đêm đêm”, thì đến Bích Anh, nỗi nhớ thành thổn thức: “Phố xa chờ tiếng rao buồn - giữa khuya hiu hắt người mang nắng vào đêm... Nhớ tranh khua vọng sóng đêm - Những tâm tư dòng nước trong...”

Lối đi của số phận thật kỳ diệu. Ngay chính cả Bích Anh khi hát bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” ngày đầu giải phóng, chẳng bao giờ cô lại nghĩ rằng sẽ có một ngày trong tương lai của vài chục năm sau, mình sẽ tự viết ra những giai điệu và tự hát nó lên trước mọi người. Nhưng điều đó đã xảy ra. Đã xảy ra cả nỗi ly hương để khiến cho những giai điệu này ngăn ngắt tình hoài hương. Và vì vậy, cuộc đời thật đáng sống, đáng hy vọng, mãi mãi ngạc nhiên.
                                                N.T.K

(nguồn: TCSH số 217 - 03 - 2007)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hai thằng bạn (30/10/2008)