Tạp chí Sông Hương - Số 216 (tháng 2)
Chuyện mẹ kể ở Lục Đầu Giang
09:58 | 07/11/2008
NGUYỄN VĂN HOA Ngày xửa ngày xưa chưa có sông Thiên Đức chỉ có sông Nhật Đức, Nguyệt Đức và Minh Đức hợp lưu với sông Thái Bình, mãi đến đời nhà Lý mới đào thêm sông Thiên Đức nối sông Hồng với Sông Thái Bình. Thượng nguồn các dòng sông này trên dãy núi Cai Kinh và dãy núi Yên Tử với rừng núi chập chùng, hổ báo còn nhởn nhơ  ngay quanh  nương rẫy của người.

Cứ mùa mùa lũ về thì Lục Đầu Giang vùn vụt cây bật  rễ còn um tùm cánh lá chấp chới trôi trên mặt nước, những con thú vật như khỉ, lợn rừng có đôi khi hổ báo, gấu nhiều khi sống sót theo lũ còn vật lộn trên các cây đổ trôi trên sóng lũ. Tiếng gầm rú của mãnh hổ trước khi chết chìm, vang động bãi ngô, nương dâu quanh Lục Đầu Giang.
Đến mùa lũ, nhất là trước con nước quái ác Rằm Tháng Bảy, dân cư ven đê đều đổ ra đen đặc như bày kiến bám vào cành cây trôi trên sông, họ tụ tập như đi trẩy hội, nhưng thực ra chỉ để vớt củi. Vùng này cái đun chỉ trông chờ vào rơm rạ, mà rơm rạ còn phải lợp nhà!
Đoạn đê Lục Đầu Giang cứ thỉnh thoảng lại vỡ tung, nước Sáu đầu con sông chụm lại, dòng nước mùa lũ thúc mạnh vào các chân đê, những dải luỹ tre như thành luỹ  che chắn sóng ven sông cũng không cản được cơn hung hãn của dòng nước. Dòng nước sâu hàng chục mét cuộn xuáy, cho nên chỗ nào chân đê lún yếu mối xông khó mà  đứng vững được.

Vỡ đê thì phải chạy nên để tránh lụt, người, lợn gà, trâu bò chen chúc nhau, hôi thối bẩn thỉu lầy lội, thật thê thảm, nhất là vào những ngày mưa tầm tã  trút lên  những mái lều lợp rơm rạ thô sơ che đậy để ngủ qua đêm. Những cái lạnh như dao cứa thịt, gió từ dãy núi Cai Kinh và Yên Tử buốt giá như quấn vào mưa bão khiến cho dân lâm vào cảnh vỡ đê thật tang tương. Đám ma các cụ già yếu  vào ngày vỡ đê thật đau lòng. Tất cả vùng này là một biển nước mênh mông, trong đê ngoài đê nước thông nhau. Xa xa chỉ thoi thóp mấy lùm tre lay động theo dòng nước. Hoạ hoằn lắm mới còn mấy cái đống cao.
Vùng này cũng có cái đống cao lắm trước làng Bồng Lai. Đó là cái đống của họ Nguyễn là còn thoát được sự đè đầu cưỡi cổ của cơn lũ vỡ đê Lục Đầu Giang.
Cũng lạ trong đồng vỡ đê, đỉa càng sinh sôi, nó lẩn quất khắp nơi. Những con đỉa trâu (hút máu những con trâu) to bằng ngón tay cái dài hàng gang. Rồi lại các con đỉa nhỏ như lá lúa, như sợi tóc cũng bơi lội ngoe ngẩy khắp nơi. Chúng bám vào các cây sung, cây soan, cây mít, cây chay, cây đa... vón lại thành từng cục. Đụng vào tổ nó thì chúng bơi đen đặc cả một vùng.

Dân ở đây khi đi cấy làm đồng, bình thường phải quấn xà cạp (như đi tất thời hiện đại), phải có một giẻ quấn vôi và bồ hóng bếp và ớt bột khô, nếu có con nào cắn thì dùng giẻ này chấm vào con đỉa. Đỉa phải vôi giẫy sần sận, ngay đơ ra. Vùng này còn có câu: “Sống dai như đỉa” để chỉ sự đeo bám cái  gì quá kiên trì hoặc “Giẫy như đỉa phải vôi” còn truyền tụng trong dân gian, để ám chỉ phản ứng của ai đó về việc gì đó không bằng lòng.
Trong đê vùng Lục Đầu Giang, những cánh đồng chiêm trũng, khi nước rút dần, chỉ còn những chỗ sâu, đỉa dồn hết về đó, nhà nghèo, thật khốn khó khi phải cày cấy, gặt hái trên thửa ruộng này. Phải gạt đỉa ra, hoặc múc đỉa vào các thúng vôi  với ớt khô nghiền nhỏ với bồ hóng, rồi mới dám lội xuống ruộng. Những con đỉanhỏ li ti còn tìm bám vào chỗ hiểm, về đến nhà, thấy kềnh kệnh máu toé ra, mới biết bị đỉa cắn. Trẻ nhỏ đi tắm còn bị đỉa chui vào tai. Họ còn đồn có người đau lộng óc, vỡ mủ mới biết đỉa làm tổ trong tai, phải đổ mật ong vào tai đỉa mới chịu chui ra.

Vỡ đê khổ như vậy, nhưng rất lạ ai cũng mong lũ rừng về. Lũ rừng cuốn theo củi khô, từ già đến trẻ ven đê lũ lượt nào thuyền mảnh, thậm chỉ chỉ là bè chuối chặn từng cây khô, cành củi trôi dạt vào bờ.
Nhiều khi thấy cả cái nhà trôi trên dòng nước phù sa đục ngầu cuồn cuộn.
Cả khu này chỉ có lão họ Vũ, với con thuyền nan, với đoạn giây chão, lão phăng phăng bơi thuận đuổi theo những bè tre, bè nứa bị vỡ. Lão khéo léo, buộc chão, lái dần  vào đoạn cong để bè nứa dạt vào bờ. Sự thạo nghề sông nước giúp lão vớt được gỗ, tre nứa, củi nhiều nhất vùng này. 
Lão chỉ cần nghe tiếng quạ kêu inh ỏi thành bầy trên mặt sông là lão phán đoán thể nào cũng có con trâu con bò hoặc thú rừng chết trôi trên sông. Hoặc ban đêm lão nghe thấy tiếng chim lợn kêu là lão đoán chừng có người chết trôi dạt vào khúc đê Lục Đầu Giang. Quả nhiên như lão phán đoán. Trên các xác người và xúc vật đàn dĩm muỗi bu đen đặc như đám mây. Ai cũng khiếp sợ, nhưng lão không nề hà, nhặt sạch thi thể người quá cố khâm liệm và cùng với các trưởng họ chôn cất cho người xấu số này. Rồi nhắn tin ngược dòng lên thượng nguồn qua các chân sào đò dọc, để thân nhân người chết trôi đến nhận phần mộ.

Dĩm muỗi bâu vào nơi tử khí, quần tụ như  chiếc nón, như cái nong, lão phải đốt cái bùi nhùi rơm thật to hơ lên. Lũ dĩm muỗi chết cháy rơi xuống lả tả đen đặc cả mặt nước phù sa.
Những cây to bị lũ cuốn trôi về còn mang theo lũ vắt rừng (đỉa rừng). Chúng mình mỏng như sợi tóc, bám riết vào cành cây. Nhưng gặp người vớt củi chúng xiết chặt và hút máu, khi no kềnh to như cái tăm. Vớt củi mà gặp tổ vắt rừng, thì cũng rùng mình như khi gặp đỉa ruộng nơi đất trũng. Cũng phải vôi bột trộn bồ hóng và ớt khô nghiền nhỏ, chỉ có như vậy chúng mới rời mồi ra khỏi người. Máu chảy lây nhây lênh láng, chỉ có bôi thuốc lào vào thì may ra sau cơn đau xót thót tim mới cầm máu được.

Lão họ Vũ không sợ đỉa, không sợ vắt. Cây nào có vắt ai bỏ là lão kéo vào bờ, dùng mồi có vôi- bồ hóng- ớt bột, lão giết sạch bọn vắt rừng. Tay lão đã chai với vôi- ớt -bồ hóng, nên lũ vắt rừng lão bắt được cứ hàng thúng.
Vùng này ai cũng nhờ lão họ Vũ, khi ruộng ngô, ruộng đay, ruộng dâu ven sông có giạt vào người chết trôi, thì  đều báo cho các trưởng họ gọi lão đến khâm liệm chôn cất. Các cụ già yêu quý lão lắm! Còn kẻ yếu bóng vía cầm tay lão thì tóc gáy dựng đứng.
Việc chôn cất người chết trôi đã thối rữa, ai chả ngài ngại. Lão họ Vũ lặng thầm gánh vác cho cả vùng Lục Đầu Giang. Tương truyền rằng, họ Vũ trước ở mạn ngược, bất ngờ hôm lũ quét trên thượng nguồn sông Minh Đức, cả ngôi nhà bị nước cuốn xuôi về Lục Đầu Giang, dân chài vùng này có tục xưa không vớt người chết đuối trên sông. Họ nghĩ rằng Hà Bá đã bắt ai thì người ấy phải vui vẻ hiến tế. Nếu ai cứu thì phải đền mạng mình, vợ con. Ai cũng sợ chết. Nhưng hôm ấy may quá gặp ông lái đò họ Đinh cô quả cô độc, tốt bụng đã vật lộn với sóng lũ kéo đựoc ngôi nhà và cứu được cả gia đình ông họ Vũ. Họ Vũ chịu ơn làm con nuôi ông già họ Đinh, họ làm nghề chài lưới trên khúc sông này. Cụ họ Đinh mất đi, lão họ Vũ hương khói cụ và nối nghề ngư phủ ở đây.Người già biết nguồn cơn của lão họ Vũ thì thương lắm!

Lão họ Vũ ngoài nghề vớt củi trên sông, còn có nghề “buôn chiếu mới lấy chiếu cũ đã rải  ở đền Kiếp Bạc” vào những ngày hội tháng Tám.
 Với trẻ mục đồng ven đê vùng Lục Đầu Giang này lão họ Vũ  kể rằng: “Ngày xửa ngày xưa thời nhà Trần, có tên Phạm Nhan bố người Tàu sang vùng này sinh sống. Nó có phép lạ” người đang to hoá nhỏ, không dây nào trói được, chém đầu này mọc đầu khác”, Nếu muốn trói nó phải dùng chỉ ngũ sắc, muốn chém đầu thì phải dùng vôi tôi, phân gà sáp và bồ hóng bôi lên kiếm. Khi giặc Nguyên xâm lược nước ta, nó theo Ô Mã Nhi  làm chỉ điểm để  tàn sát dân Việt.
 Trong Trận Bạch đằng, Trần Hưng Đạo mưu trí dồn quân giặc theo nước thuỷ triều vào bãi cọc, nên quân Nguyên vỡ trận, quân ta bắt sống được Ô Mã Nhi và tên chỉ điểm Phạm Nhan. Trần Hưng Đạo đã lấy chỉ ngũ sắc trói tên Phạm Nhan lại cùng lưỡi gươm bôi vôi tôi, phân gà và bồ hóng. Phạm Nhan kinh hoàng nhìn thấy lưỡi gươm và cầu xin Trần Hưng Đạo: “Xin được chém thành ba khúc một khúc vứt xuống nước, một khúc vứt lên bờ và một khúc vứt lên rừng.

Sau khi trừng phạt tên chỉ điểm cho giặc Nguyên, thấy đoạn dưới nước tan rữa  lúc nhúc thành đàn đỉa, còn đoạn trên rừng thì thối hoắc thành vắt và đoạn trên đất khăm khẳm tan biến  thành muỗi. Chính vì vậy mà thượng nguồn Lục Đầu Giang có rất nhiều vắt, vùng ven trong và ngoài đê ở đây cũng nhiều đỉa và muỗi. Dân ở đây gọi ba loại này là giặc Phạm Nhan.
Nhưng riêng ông già họ Vũ còn kiêm nghề đổi chiếu cũ lấy chiếu mới ở Đền Kiếp Bạc. Tương truyền cứ xẩm tối chạng vạng là Phạm Nhan lại đi lùng ăn đồ tanh hôi của sản phụ. Cho nên dân ở vùng này cứ trước hoàng hôn là cất hết quần áo của phụ nữ vào trong nhà. Phụ nữ nào có bệnh thai sản thì nhất thiết đều gặp ông già họ Vũ để mua chiếu cũ đã trải ở đền Kiếp Bạc về dùng. Vì thấy chiếu này là Phạm Nhan kinh hãi mà bỏ chạy.

Đền Kiếp Bạc, có người chuyên cho thuê chiếu cho khách thập phương ngồi thụ lộc sau khi hạ lễ. Do vậy chiếu cũ rất nhiều. Ông lão Họ Vũ đều chắp mối đổi chiếu mới cho họ và xin lại chiếu cũ mà khách lễ đã ngồi ở đền Kiếp Bạc. Chiếu có oai linh của đền thiêng, nên giặc Phạm Nhan đều bạt vía kinh hồn. Nghề buôn chiếu cũ lấy chiếu mới đã trải ở đến Kiếp Bạc của ông lão họ Vũ nổi tiếng khắp vùng này, nhất là từ rằm tháng Tám đến 23 tháng Tám, hàng nghìn chiếc thuyền đi lễ đền Kiếp Bạc, đều ghé qua nhà lão họ Vũ để mua chiếu cũ này.
Hội tan, Lão họ Vũ  ngày ngày vẫn đánh cá và lại nôn nao chờ mùa lũ rừng để vớt củi mưu sinh.
                       N.V.H

(nguồn: TCSH số 216 - 02 - 2007)

 

Các bài mới
Nước thề (07/11/2008)
Chim quân tử (07/11/2008)
Vùng lõm (07/11/2008)
Thơ Thiếu Nhi (07/11/2008)
Giọt nước (07/11/2008)
Các bài đã đăng
Thơ Harold Pinter (07/11/2008)