Tạp chí Sông Hương - Số 216 (tháng 2)
Lên Đồi Thịt Băm, nhớ người bạn Mỹ bị giày vò
10:55 | 07/11/2008
PHẠM NGUYÊN TƯỜNGGhi chép 1.Tôi tự đặt ra một “hạng mục” đinh cho chuyến đi thực tế sáng tác ở A Lưới lần này, và hạ quyết tâm thực hiện bằng được, đó là: phải lên được Đồi Thịt Băm!

Hồi còn nhỏ, tôi đã từng được nghe ba tôi, một trung sĩ nhất quân y quân đội Sài Gòn nhắc đến tên ngọn đồi này trong những câu chuyện trà lá nguội nhạt sau chiến tranh, và tôi cứ nghĩ đó chỉ là một ngọn đồi trong truyện kiếm hiệp Tàu. Hoá ra lại là một ngọn đồi Việt nam. Hoá ra là một cái tên Mỹ: Hamburger Hill. Người Mỹ vẫn có thói quen gọi tên sự vật theo một cách gây sốc như vậy, nhưng lần này, quả tình là một sự thật kinh hoàng. Nơi đây, trong một chuỗi các trận giao tranh khốc liệt cách đây ba mươi năm, hàng trăm lính Mỹ- Ngụy (có tài liệu nói hàng ngàn, theo tôi, trăm hay ngàn giờ đây đã không còn ý nghĩa gì) đã thiệt mạng, nhưng bộ đội chủ lực và du kính quân của ta cũng đã ngã xuống không ít. Thế trận ngày và đêm, giằng co từng gốc cây, từng ụ đất một, trên dội xuống, dưới bắn lên, trực thăng thả bom, thiết xa càn quét “Cây rừng ngả trụi, thịt nát xương tan, máu thấm bầm từng thớ đất. Đồi Thịt Băm, Đồi Xáo Thịt, Đồi Nghiền Thịt,... “nghiền lính Mỹ như nghiền thịt lợn” (như tờ Los Angeles đưa tin ngày 27/5/1969) (*). Làm sao chúng tôi có thể bỏ qua một ngọn đồi ám ảnh như vậy trong chuyến hành trình ngược nguồn của mình?

Bốn giờ sáng, ai nấy đã nai nịt gọn gàng, sẵn sàng “xung trận”. Đoàn nhà văn chín người, đến lúc lên đường chỉ còn ba: tôi, Nguyên Quân và Nguyễn Văn Quang. Có thêm nhà báo Thanh Ngọc từ báo Thừa Thiên Huế. Thanh Ngọc chờ đợi chuyến đi này đã lâu, ngay từ khi anh cùng chúng tôi đi tiền trạm cho đợt sáng tác A Lưới trước đó một tháng. Hơn mười năm làm báo, trông anh vẫn “hừng hực khí thế” một cách thực đáng yêu, “theo kiểu Thanh Ngọc”, như những ngày đầu. Hồ Văn Đỏ, phó bí thư xã Đoàn xã Nhâm nhìn chúng tôi một lượt từ đầu đến chân, từ sau lưng ra trước bụng, rồi lắc đầu bảo: “Chúng ta đi mất ít nhất hai ngày một đêm”. Hồ A Nhơi, thôn trưởng thôn A Hươr cũng bảo: “Báo cấp dưỡng A Zis và A Phen chuẩn bị thức ăn nước uống đầy đủ, tối nay đoàn cắm trại trong rừng!”. Tôi thấy máu tự ái bốc lên. Các cậu coi thường bọn anh quá đỗi. Là dân thành phố, nhưng chúng tôi đâu phải là những tay vừa? Nguyên Quân là cựu thanh niên xung phong từng “quần nát” những cánh rừng Tây Nguyên những năm đầu sau giải phóng, rồi là cựu... đào vàng, cựu... ngậm ngãi buôn trầm những năm khốn khó củi quế gạo châu. Tôi và Thanh Ngọc vốn là dân du khảo Thành Đoàn Huế, lên rừng xuống biển biết bao phen, coi ngọn núi ảo ảnh Bạch Mã chẳng là... cái đinh gì. Còn Nguyễn Văn Quang cũng từng là một cán bộ đoàn cự phách, nhiều lần hiến máu nhân đạo được tuyên dương, từng là bí thư đoàn phường Phú Thuận. Nói chung là “prồ” từ gốc đến ngọn! Thôi được, các cậu đã nói thế, thì cứ biết thế. Vả lại, chuẩn bị kỹ càng cũng không thừa. Một hay hai ngày cũng vậy. Miễn là lên được Đồi Thịt Băm.

2.
Tự dưng lúc này đây tôi nhớ đến Michael Paul Maurer, chúng tôi vẫn gọi tên thân mật Mike của anh một cách thuần Việt là Mai, người bạn Mỹ sống thực chân thành và, đang bị giày vò khôn nguôi vì điều đó. Giá như bây giờ có Mai ở đây, trong chuyến đi này, vì anh vẫn luôn thèm muốn được trở lại. Trong trí nhớ khói sương mơ hồ của một cựu binh không vận Mỹ, chiến trường A Lưới chằng chịt những con đường, những ngọn đồi chết chóc đến kinh sợ. Chỉ trong một năm, 1968, người thanh niên Mỹ thù ghét chiến tranh ấy đã bị ném vào những trải nghiệm kinh hoàng và đau đớn, như anh từng  viết, tất cả như một sai lầm khủng khiếp, đến nỗi giờ đây anh phải cầm bút, cầm cọ ghi lại những ám tượng khắc khoải trong tập thơ nặng trĩu của mình: “Hành trình qua tâm hồn một chiến binh”. Hai mươi sáu năm sau chiến tranh, Mai trở lại Việt , với một dự định kỳ lạ: sống trọn phần đời còn lại ở mảnh đất duyên nợ đau đớn nầy. Tôi đã từng viết về Mai trong lần đầu trở lại ấy...

...Quán cà phê ở một góc đường yên tĩnh này của Huế dường như đã trở thành thân quen với Mike Maurer mỗi buổi sáng. Ở đó anh có những người bạn tình cờ gặp gỡ mà anh vui miệng gọi là “hội cà phê”. Nhớ ngày đầu đến đây, không quen ai, anh chọn cho mình một bàn nhỏ, góc khuất, lặng lẽ nhìn ngắm. Và rồi, sau mấy ngụm cà phê, anh mở sổ tay ký họa khuôn mặt khá ấn tượng của một người đàn ông trung niên trong hội. Một lúc sau, người đàn ông đứng dậy, đi qua bên bàn anh, tò mò hỏi: “Ông vẽ cái gì vậy?”. “À, tôi vẽ ông cho vui. Xem này, được không?”. “Được đấy. Tiện thể ông cũng ngồi đấy để tôi vẽ ông một bức”. Thì ra người đàn ông ấy sau này Mai mới biết, là một họa sĩ có tiếng ở Huế, Đặng Mậu Triết. Thế là, sau cuộc sơ giao bằng tay và bằng mắt ấy, anh gia nhập “hội cà phê”, có phần hơi dè dặt, tự giới thiệu mình từ Canada tới.

Tôi là một bạn cũ của “hội cà phê”, vừa công tác dài ngày ở Hà Nội trở về. Khi tôi đến uống cà phê sáng, Mai có vẻ đã rất vui với những người bạn mới. Biết tôi rành tiếng Anh, Mai mừng ra mặt, vì điều đó sẽ giúp anh và mọi người hiểu nhau nhiều hơn. Sau một hồi trò chuyện, Mai ghé sát tai tôi, nói nhỏ: “Tôi muốn nhờ cậu một việc”. “Việc gì anh cứ nói...”. “Chả là mấy ngày trước, lúc chưa quen tôi giới thiệu mình là người . Thú thật tôi  hơi ngại. Cuộc chiến tranh ở Irak do Mỹ phát động đang nổ ra. Mà tôi thật ra là một người Mỹ, lại là một cựu binh từng tham chiến ở Việt . Tôi sợ bị hiểu nhầm, dẫu tôi cực kỳ chán ghét chiến tranh, cũng giống như đại bộ phận người dân Mỹ không đồng tình với thái độ hiếu chiến của tổng thống G. Bush..”. Tôi nhìn Mai, thoáng sững sờ. Khuôn mặt anh quá đỗi chân thành. Tôi chỉ còn biết lắc đầu: “Trời đất ơi, Mai!”...

3.
Chúng tôi nghỉ chân tại ngã ba đường mòn 49 sau hơn hai giờ đồng hồ xuyên rừng. Quỳnh Châng, chàng thanh niên người dân tộc Tà Ôi dẫn đường mở bi đông nước tợp một ngụm rồi cười nói:
   - Đúng là bọn em nhầm. Cứ tưởng mấy anh cũng giống mấy ông khách nước ngoài bữa trước leo đồi Băm. Đi 10 phút phải nghỉ. Đi mãi mà không lên tới nơi. Bọn em đi nhanh quen rồi, đi một lát phải dừng lại chờ nghe chừng mệt hung...
Chúng tôi mở những gói bánh aquac ra ăn lót dạ. Ồ, loại bánh aquac hình cái sừng trâu, giống như bánh ú Huế nhưng nhỏ hơn, chỉ gói với một nhúm gạo nhỏ. Bánh aquac thật đắc dụng cho công việc đi rừng của đồng bào dân tộc, vì không quá nặng để mang vác mà ăn vào lại rất đằm bụng, vừa phải, không làm quá no. Chấm một miếng bánh aquac vào gói muối tiêu, trưởng thôn A Nhơi nói thêm:
-Vừa rồi xã và thôn A Hươr mình đón mấy đoàn khách Mỹ, Nhật... Họ đi du lịch sinh thái mà. Cả ngày thì leo núi tham quan chiến trường xưa, chiều tắm suối Bom mát rượi, tối về sinh hoạt múa hát với bà con mình ở nhà rông, vui lắm... Như A Dis em gái của phó bí thư xã Đoàn Hồ Văn Đỏ đó vừa là cấp dưỡng vừa là đội viên đội văn nghệ, hát hay, múa giỏi.... 

Đối với một trưởng thôn thế hệ 8X như Hồ A Nhơi, chiến tranh chỉ còn trong những câu chuyện bên bếp lửa nhà rông ánh hồng gương mặt những người lính của rừng già năm xưa, trong đó có bố anh, giờ là già làng Cu Xe. Đối với A Dis cũng vậy. Ai chứ A Dis, cô bé cấp dưỡng giỏi giang thì chúng tôi đã nhiều lần được thưởng thức giọng hát trong trẻo như tiếng suối ngàn của em:
Đừng khóc các đồng chí ơi...
Mình nhớ nhà thì gửi một lá thư
Mình nhớ quê hương thì gửi một lời thăm...


Bài hát thời chiến tranh của các chị, các mẹ du kích... giờ đây lại mộc mạc hồn nhiên trên khuôn mặt nâu cháy núi rừng của những cô gái mới lớn. Chiến tranh đã qua lâu rồi. Quanh chúng tôi những cây rừng đã thẳm xanh trở lại. Những tán lá rừng tái sinh đã kịp phủ kín những ngọn đồi, những con dốc dài dựng đứng đến 60- 70 độ, như dốc A Nâr Main “kinh hoàng” mà chúng tôi vừa vượt qua. Có những cây chò đã hai người ôm. Tiếng những con chim bồ chao chọc phá nhau làm náo động cả một góc rừng. Chúng tôi đi vòng vèo qua những dấu đường mòn nhỏ hẹp, dốc, trơn trượt, vắt vẻo cây rừng. Tôi không thể nào hình dung chính ở nơi này, ngày xưa chằng chịt vết cày nát của xe tăng, pháo... Cây rừng đổ rạp, trắng từng mảng trời, những ngọn đồi trọc lóc vì chất phát quang... Và cả những tiếng nổ ầm ì của đạn pháo suốt ngày đêm. Giờ đây rừng yên ắng thanh bình chi lạ... Đang nghĩ ngợi vẩn vơ, đột nhiên nghe giọng Nguyên Quân: “Nhìn kìa!”. Chúng tôi nhìn theo tay chỉ của ông nhà văn vẫn được mệnh danh là “vua phát hiện” trong các cuộc trại sáng tác. Thì ra là một chiếc giày binh Mỹ đã mục nát gần hết, chỉ còn lại chút phần gót và mảng tai giày hai bên. Ai đó thốt lên: “Đã lên rêu rồi!”. Chúng tôi cùng trầm trồ: “Ờ, lên rêu rồi...”. Và chúng tôi cho chiếc giày mục vào ba lô, như một chút kỷ niệm đáng nhớ của chuyến đi. Vâng, chỉ là kỷ niệm của một chuyến đi. Không phải của chiến tranh. Rõ ràng, với chiến tranh, tôi hoàn toàn không có chút kinh nghiệm nào. Nhưng với một đôi giày binh đã lên rêu, tôi hiểu rằng, chiến tranh với những hận thù, chết chóc, đau thương... đang dần qua.

Có phải là đang dần qua?
Chính lúc này đây, tôi nhớ người bạn Mỹ của tôi Mai, hơn bao giờ hết.
Những vết thương của người đà kín miệng
Như nỗi đau trong lòng tôi
Người chào đón tôi
Kéo vào lòng thương mến
Xin một lần tha thứ cho nhau


Mai đã từng viết như thế. Thơ của Mai mang đầy nỗi khắc khoải ưu tư, và cả mặc cảm tội lỗi. Con người anh cũng vậy, từ dáng đi cho đến giọng nói, câu cười. Buồn buồn. Anh tự chọn Huế làm quê hương thứ hai cho mình, như thể chỉ điều đó mới làm anh nguôi ngoai. Anh thuê một ngôi nhà trên một con đường vắng, và có dự định mua lại, sống hẳn. Hằng ngày buổi sáng ra vỉa hè Trương Định làm một ly cà phê, đi loanh quanh đâu đó rồi về nhà đóng cửa viết, vẽ. Xong được bài thơ nào, bức tranh nào là tìm cách khoe với bạn bè bằng được. Anh sống chân thành, giàu lòng trắc ẩn. Anh đem khoe tập thơ “Hành trình qua tâm hồn một chiến binh” với những người bạn thân và mong nó được dịch ra tiếng Việt để cho nhiều người có thể đọc và hiểu anh hơn. Một nhóm bạn đã nhiệt tình chuyển ngữ tập thơ. Bản dịch khá hay, được đánh vi tính công phu, đầy đặn và copy thành nhiều bản tặng bạn bè (vì tiền in đắt quá). Nhưng than ôi, chính bản dịch của những người bạn Huế ngây thơ vô số tội này đã làm khổ anh. Sách lưu hành không phép. Thôi rồi! Hay là... cuộc đời của anh cũng đang lưu hành không phép? Anh bị gọi lên. Đâu được vài lần, và tất nhiên, lần cuối cùng anh có quyết định bị trục xuất.
Lâu lắm rồi anh không còn bất kỳ một cơ hội nào để có thể trở lại Huế, về nhà.

4.
 Những  ngọn đồi trên dãy núi A Bia này, đồi nào cũng là đồi Thịt Băm. Quỳnh Châng dừng lại, chỉ vào một thân cây lớn nằm cạnh đường mòn: “Đây rồi!”. Tôi cảm thấy một luồng điện kinh động, rờn rợn chạy trong người. Đồi Thịt Băm, đồi Băm đây ư? Chung quanh rừng xanh bóng lá, im ắng lạ thường. Thân cây Arlăng to đến hai ôm, dài đến hai mươi mét đang nằm như một chứng tích ẩm mục giữa rừng già. Nơi đây trong một loạt các trận đánh khốc liệt năm xưa lính Mỹ chết nhiều vô số kể, nghiền lính Mỹ như nghiền thịt lợn... Nhưng trong tâm cảm của bà con đồng bào dân tộc, đây chính là đồi Băm bi tráng. Nơi đây mãi mãi khắc ghi anh hùng Cu Lói. Cu Lói mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lớn lên trong sự đùm bọc yêu thương của bà con làng bản. Mười tám tuổi, Cu Lói đã là một du kích gan dạ, lập được nhiều chiến công. Trong những ngày giao tranh ác liệt trên dãy đồi A Bia năm ấy, Cu Lói đã cùng đồng đội dũng cảm đánh lui nhiều đợt tấn công của địch, diệt được nhiều lính Mỹ. Và trong trận đánh cuối cùng, cả đơn vị rút lui để bảo toàn lực lượng. Cu Lói nhận nhiệm vụ làm nút chặn cuối cùng, vừa đánh lạc hướng vừa ngăn chặn sự truy sát của địch. Hết đạn. Nhưng đồng đội đã rút lui an toàn. Chỉ còn một trái lựu đạn cuối cùng, anh dành cho mình. Quân Mỹ tràn lên, những người lính du kích đã mất dấu, chỉ còn xác của người thanh niên dân tộc gan dạ. Trong cơn tức tối điên cuồng, chúng kéo xác Cu Lói lên thân cây Arlăng ngã đổ bên đường, và cứ thế mà băm mà vằm. Thịt xương Cu Lói văng vãi xung quanh, máu thấm vào từng thớ gỗ, thấm xuống đất rừng oai linh.

Mấy ngày sau đồng đội của anh tìm cách trở lại, gom góp những mảnh xác còn lại cho vào bao, đem về chôn cất. Từ đó trong tâm khảm của bà con dân tộc, ngọn đồi nơi Cu Lói hy sinh đã thành đồi Băm. Bà con không dám gọi là đồi Thịt Băm vì sợ đau lòng người con trai anh hùng yêu thương của dân bản. Mộ Cu Lói sau này được cất bốc đưa về nghĩa trang liệt sĩ A Lưới, để giờ đây anh được an nghỉ trong khói hương thành kính của đồng bào, đồng đội. Chúng tôi bày một đĩa aquac, một nải chuối và một chai rượu lên thân cây rồi thắp hương vái lạy. Hơn ba mươi năm đã trôi qua, bao nhiêu gió giật mưa tuôn mà cây Arlăng vẫn còn săn chắc thớ gỗ. Trong khói hương cay nồng khoé mắt, tôi nghĩ về những con người đã ngã xuống cho quê hương. Những con người bình dị, chân chất, thật thà, giặc đến thì đánh đuổi giặc, giữ đất giữ làng. Tôi nghĩ về những người lính Mỹ xâm lược. Họ, những người như Mai bạn của chúng tôi, đâu có muốn bỏ xác ở một nơi cách những ngôi nhà ấm cúng thân thương của họ nửa vòng trái đất? Chiến tranh là cái gì vậy? Tại sao không cứ mãi là đồi A Bia hiền lành mà lại là đồi Thịt Băm tàn khốc? Hơn ba mươi năm, gót giày xâm lược đã lên rêu nhưng những nỗi mất mát đau thương vẫn còn kéo lê cho đến tận bây giờ, và còn đến bao giờ nữa?  Đột nhiên, trong khói hương nghi ngút chúng tôi sửng sốt nhận ra chai rượu bị nghiêng đổ xuống thân cây. Phó bí thư xã Đoàn Nhâm Hồ Văn Đỏ nói: “Cu Lói đã về uống rượu với mình rồi!”. Trưởng thôn Hồ A Nhơi nói thêm: “Đã ba mươi năm nay có ai đem rượu cho Cu Lói uống đâu?

Hơn ba mươi năm nay, thân cây Arlăng này là nơi nghỉ chân của những người dân đi rừng, đi rà tìm phế liệu đem về bán dưới thị trấn. Ai cũng biết đây là thân cây linh thiêng đã hứng chịu những đòn băm xác người anh hùng Cu Lói. Nhưng chưa có ai đặt vấn đề làm một cái gì đó cho thân cây này, trước là để gìn giữ một chứng tích lịch sử, sau nữa để phục vụ tham quan du lịch “thăm chiến trường xưa”. Tất nhiên còn nhiều nguyên do, quan trọng nhất là không có tiền. Cái ăn cái mặc của đồng bào còn chưa xong.... Cũng mừng, theo một báo cáo của UBND huyện A Lưới thì dự án Khu du lịch đồi A Bia đã khởi động với tổng vốn hơn 10 tỷ đồng. Hy vọng đến một ngày, thân cây Arlăng bi tráng này sẽ không còn chịu cảnh lạnh lẽo cô quạnh giữa rừng già...

5.
Một cựu binh Mỹ như Mai giờ đây luôn bị giày vò âu cũng là điều dễ hiểu. Một xứ sở đẹp tuyệt vời, đang yên lành không dưng lại đem quân tới chà đạp, bắn giết. Những con người hiền lành, chân chất, chỉ biết vui thú làm ăn... lại phải hứng chịu những trận mưa bom bão đạn. Rồi hậu hoạ của chất độc da cam dioxin vẫn còn thê thảm trên những thân người, dưới những mái nhà... cho đến tận bây giờ, và đến bao giờ nữa. Mai bị điều đến Việt , đến chiến trường A Lưới năm mười tám tuổi. Cũng vào tuổi ấy, Cu Lói hy sinh. Có gì để giải thích thêm về cái tên của những ngọn đồi kinh hoàng? Những ngôi mộ của hàng triệu triệu Cu Lói trong các nghĩa trang liệt sĩ? Và tên của những đồng đội Mai nằm kín trên bức tường tưởng niệm ở nước Mỹ xa xôi?
Tao đấm mạnh vào tường đá granite
Trong cuồng đau cố lấy tên chúng mày ra

Mai đã từng viết như thế trong bài thơ “Phục sinh”, cho đồng đội, nhưng những cái tên đã mãi mãi nằm im lìm trong bức tường đá lạnh. Vậy thì chiến tranh là gì?
Nếu không phải là sự vô nghĩa tuyệt đối?

Bây giờ Mai đang ở Thái Lan. Những nỗ lực quay trở lại Huế, sau ba năm, đã thành vô vọng. Nhưng anh cũng không về Mỹ nữa. Trong trận đại hồng thuỷ Tsunami kinh hoàng hồi cuối năm 2004, anh vừa rời khỏi hòn đảo Phù Khệt trước đó một ngày. Anh hoảng hồn lên mạng thông báo cho bạn bè: “Tôi còn sống!”. Về chuyện bị trục xuất của Mai, người đoán già kẻ đoán non. Có người lại bảo Mai là tay CIA thứ thiệt, vào Việt với dụng tâm xấu. Yêu Huế với dụng tâm xấu. Chứ bao nhiêu cựu binh Mỹ cũng đã quay trở lại, có ai bị làm sao đâu? Về chuyện chính trị, tôi là một tay lơ tơ mơ. Nhưng từ trong thâm tâm tôi không tin như vậy. Một nhà thơ, một hoạ sĩ, yêu lẽ phải, chuộng hoà bình, một tấc lòng trắc ẩn chan chứa yêu thương như vậy, lẽ nào...
Không, tôi không tin như vậy.
Tôi chỉ tin, đã nhiều năm rồi Mai tang tóc trên ngọn đồi của mình, Đồi Băm Hồn.
        
Trại sáng tác A Lưới tháng 8. 2006
                       Huế tháng 1. 2007
                                
 P.N.T

(nguồn: TCSH số 216 - 02 - 2007)

 



-------------------------
(*): Dẫn theo Trịnh Nam Hải, “Trận đánh Mỹ trên đồi A Bia”, Báo Văn hóa và Đời sống Thừa Thiên- Huế, số 199, trang 4-5 (7-14/8/2006)

Các bài mới
Nước thề (07/11/2008)
Chim quân tử (07/11/2008)
Các bài đã đăng
Vùng lõm (07/11/2008)
Thơ Thiếu Nhi (07/11/2008)
Giọt nước (07/11/2008)
Thơ Harold Pinter (07/11/2008)